Cái nhìn nhân văn về hiện thực chiến tranh và người lính trong tập truyện ngắn Lỗ thủng của Văn Xương

Văn Xương là một trong những nhà văn đương đại khá tiêu biểu viết về đề tài chiến tranh và người lính. Đề tài này trở thành mạch nguồn cảm hứng chính và lặng lẽ chảy xuyên suốt từ Hoa gạo đỏ bên sông (Nxb. Hội Nhà văn, 2006), Hồn trầm (Nxb. Lao động, 2008) đến Lỗ thủng - tập truyện ngắn dày hơn 200 trang, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đã được nhà văn Văn Xương ra mắt bạn đọc vào quý IV năm 2021.
lo-thung-1649931756.jpg

Tập truyện ngắn Lỗ thủng được Văn Xương tập hợp, chọn lọc từ 12 truyện ngắn tiêu biểu đã đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương, trên các tạp chí, báo mạng và trên trang facebook, Zalo cá nhân trong khoảng thời gian năm năm trở lại đây. Mười hai tác phẩm chính là mười hai mảnh ghép đa sắc, phản ánh nhiều mặt về hiện thực chiến tranh, về số phận của người lính trong và sau cuộc chiến, đặc biệt là những bi kịch, chấn thương về mặt tinh thần của người lính trong quá trình tái hòa nhập cuộc sống đời thường. Những vấn đề này được tác giả khám phá, khai thác ở những góc nhìn, sắc thái khác trước, không theo lối mòn quen thuộc, mà đầy mới mẻ và khác lạ hơn. 

Sự khác lạ, mới mẻ trong tập truyện ngắn Lỗ thủng thể hiện ở sự đổi mới trong chính ngòi bút của Văn Xương với nguồn cảm hứng mang giá trị phản tỉnh, nhân văn sâu sắc và một kỹ thuật tự sự riêng khác. Viết về chiến tranh và người lính, Văn Xương đã không ngại ngần mà mạnh dạn xới sâu tận cùng hiện thực trần trụi của cuộc chiến tranh, của người lính thời hậu chiến. Những mặt trái, những khía cạnh phức tạp, những "l thủng" trong và sau chiến tranh trước đó chưa tiện viết, chưa kịp viết như sự mất mát, đau thương, nhất là bi kịch của người lính cách mạng và những quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ cực đoan, thiển cận, giản đơn, cứng nhắc của một số cán bộ, chiến sĩ về chiến tranh, về đời sống xã hội đều được tác giả phản ánh, miêu tả rất chân thật, rất phong phú, đầy tinh tế, như nó vốn có, như nó vốn đã/đang tồn tại. Mỗi tác phẩm là một thanh âm, là một khúc vĩ thanh khác nhau, đầy đa âm, đa diện của hiện thực chiến tranh và người lính trong và sau cuộc chiến với bao nét hùng tráng, thăng trầm nhưng cũng lắm đau thương, mất mát, bi kịch.

2. Là một nhà văn - chiến sĩ có nhiều năm tháng của tuổi trẻ đã từng trải qua, chứng kiến và trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh để bảo vệ biên giới phía Bắc, Văn Xương đã tái hiện lại hiện thực chiến tranh qua kí ức của người lính - nhân chứng sống một cách sinh động, dữ dội, khốc liệt, với nhiều trận đánh, nhiều chiến công vang dội và cũng lắm những tổn thất trên nhiều mặt đời sống xã hội, đặc biệt là những câu chuyện đầy ám ảnh, đầy bi kịch về cuộc đời của người lính. Chiến tranh hiện lên qua hồi ức của Long (Hoài vọng), Tâm (Lỗ thủng) Hải (Lời thề Tà Cai), Ông bố (Ký ức không ngủ yên), đúng như những gì đã diễn ra, với nhiều chiều kích khác nhau, rất chân thực, sống động. Những nhân vật - người lính này sống với “thời gian hai chiều”, trong trạng thái suy tư, chiêm nghiệm, vừa là con người của hiện tại vừa là con người của quá khứ. Quá khứ đã đưa họ đến với cuộc hành trình trở lại chiến trường xưa với những chiến dịch, trận càn, đồng đội, đồng chí thân thiết hoặc thoáng qua một lần gặp gỡ,… đã khiến họ sống lại những ngày tháng chiến thắng và mất mát, tình yêu và hận thù, đầm ấm của con người và cả những đắng cay trước sự bội phản, yếu hèn,… Chiến tranh qua hồi ức của Long (Hoài Vọng) không chỉ là khí thế hào hùng “xẻ dọc cả Trường Sơn”, “gánh cả non sông, vượt dặm dài”, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, với những chiến công vang dội, mà còn là những khó khăn, gian nan nguy hiểm, thật là khủng khiếp, ghê rợn: “Đồng hành với thời tiết hết sức khốc liệt, bom đạn địch căng khốc liệt hơn gấp bội. Trên trời tiếng máy bay gầm rít, dưới đất tiếng nổ ghê rợn, khủng khiếp của bom tấn, đạn chụp, đạn phá, đạn khoan, đạn hóa học,… Nhiều người bị ném lên không trung, xé tướp ra từng mảnh, bám đầy cỏ rác, bụi bặm, vùi dập vào những đống đất, đá, gạch vụn; nhiều người bị nướng cháy nham nhở dưới chiến hào, công sự hay quằn quại chết vì trúng những mảnh bom, phao,…” (tr.50 - 51). Chiến tranh qua lời kể của ông Bố (Ký ức không ngủ yên) thật là khốc liệt, khủng khiếp, đau thương. Mặc dù ông Bố đang sống giữa thời bình, yên vui, hạnh phúc nhưng kí ức về Trường Sơn, về những trận đánh ác liệt, về đồng đội, đồng chí, về những thất bại, hi sinh của quân và dân lại trỗi dậy, không bao giờ nguôi quên. Đó là hình ảnh về Trường Sơn: “Mùa mưa thì cả trời đất sũng nước hết ngày này qua ngày khác, đường nhỏ hẹp, đất đỏ trơn, lái xe ô tô rất dễ trôi tuột xuống vực thẳm. Những chỗ vượt đèo, dốc cao phải cài số và dùng tời thì mới nhích dần lên được, nhất là núi sạc lở rất nguy hiểm. Còn mùa nắng thì như rang cháy cả người và xe. Xe chạy trước, xe chạy sau bụi bay mù trời, phải tháo kính ra mới đi được vì cái gạt nước không thể gạt nổi bụi bám trên kính xe. Người nhuốm đầy bụi đất, chỉ còn hai con mắt nhấp nháy nhìn đường,...” (tr.145 - 146). Đó là hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong giúp sức ở trên cung đường, trong những trận đánh, thả bom của địch, đặc biệt hình ảnh Hương - một cô gái thanh niên xung phong không thể nhòa nhạt, trở thành miền kí ức thẳm sâu trong trái tim của ông Bố trước cảnh Hương đã thay mình anh dũng hi sinh: “Khi bố vừa nhảy xuống thì nghe có tiếng rơi “bịch” trước cửa hầm rồi xịch… xịch… lăn xuống hầm. Bố vừa trông thấy một quả bom bi “quả ổi” đen sì thì cô đã chắn lấy người bố rồi vội vàng cúi xuống nhặt ném lên. Nhưng không kịp. “Bùm”. Bụi, đất bay rào rào. Bố bị hất ngửa ra phía sau còn cô thì bật tung người lên rồi đổ ập xuống. Choáng váng, bàng hoàng bố ôm lấy cô nâng lên. Máu từ bụng, từ ngực, từ mặt cô trào ra xối xả” (tr.151). Trong truyện ngắn Lời thề Tà Cai, Văn Xương đã đặt, lắp ghép những mảnh vụn vỡ hồi ức của Hải trong sự đan bện giữa quá khứ và thực tại, Chuyến đi thực địa công trình tại Tà Cai cứ tưởng số phận đã chôn chặt cùng với quá khứ của Hải, thì nay đã xáo tung tất cả hiện tại. Quá khứ trỗi dậy làm phần đời còn lại của Hải đã bị chiến tranh vắt kiệt trở thành những ngày tháng không yên ả giữa thời bình về một thời của tuổi trẻ sống và chiến đấu trong khói lửa bom đạn của “rừng núi Trường Sơn một màu đen đặc, mưa triền miên suốt ngày đêm không ngưng nghỉ. Các tuyến giao thông đi lại hết sức khó khăn và gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Hải vừa dứt cơn sốt được mấy ngày thì nhận lệnh điều động về công tác tại một đại đội công binh ở phía Nam thay thế đồng chí đại đội trưởng mới hi sinh. Lầm lũi dầm mình trong mưa, len lỏi vượt qua những trườn dốc trơn tuột, những cánh rừng rậm rạp, sên, vắt nhâu nhâu, gần một ngày trời Hải mới đến suối Tà Cai” (tr.73 - 74); về cái giá phải trả cho sự chiến thắng: “Ở Trường Sơn những năm tháng chiến tranh,… người này ngã xuống, người kia lại tiếp bước để các tuyến đường vẫn đứng vững, thông suốt cho đến ngày hoà bình. Nhiều người ra đi còn dang dở, khát khao về những bản đồ án, những dự định đẹp đẽ cho một tương lai ngày mai khi đất nước không còn chiến tranh. Họ đẹp quá, họ thiêng liêng biết nhường nào”  (tr.81 - 82). Đề cập đến những mất mát, hi sinh của người lính, Văn Xương muốn đề cao phẩm chất anh hùng, muốn vinh danh những người lính anh dũng trước cuộc chiến đấu với kẻ thù, trước những khó khăn, đau thương nhất nhưng vẫn luôn tin tưởng, lạc quan, một lòng theo Đảng, đấu tranh vì chính nghĩa, vì nhân dân.

Cách nhìn, cách viết về hiện thực chiến tranh không chỉ đơn thuần là nhận thức lại hiện thực chiến tranh, mà còn là việc viết về chiến tranh với một cảm quan mới mẻ. Cách nhìn về hiện thực chiến tranh trong tập truyện ngắn Lỗ thủng cũng hết sức đặc biệt, sắc nét, khơi nguồn cho một lối viết mới, một suy nghĩ mới về chiến tranh của Văn Xương - một người lính từng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Chính sự phản ánh, khai thác chiến tranh ở nhiều góc độ khác nhau, đa chiều, đa diện hơn cùng với sự thức nhận trong quan niệm, trong tư tưởng về vấn đề địch - ta không còn rạch ròi, thành kiến như trước nên phần nào đã tránh được cái nhìn hời hợt, giản đơn, sự thật và sự giả dối đã được hiển lộ, phân định rạch ròi. Chiến tranh dù ở phía nào cũng đều bị tổn thương, mất mát và trong hoàn cảnh nào đó, tình yêu thương của đồng loại lại được trỗi dậy như một thứ bản năng trong mỗi con người, khiến giữa những người tham gia chiến tranh thuộc hai bên đầu chiến tuyến không còn đối đầu, không còn là kẻ thù, mà ở đó chỉ còn lại niềm cảm thông, sẻ chia sâu sắc về thân phận của con người. Câu chuyện của Long trong truyện ngắn Hoài vọng là một trường hợp như thế. Trong trận đối đầu nhau tại Cổ Thành rất khốc liệt, Long và một người lính phía bên kia không may bị thương rất nặng. Như một bản năng tự vệ, Long thiết nghĩ rằng, đây chính là thời khắc định mệnh cuối cùng của người lính bên kia chiến tuyến nên Long đã cố gắng hết sức để nhặt chiếc bi đông bên cạnh lên, rồi nhắm thẳng vào đầu tên lính ngụy định nện xuống một cái. Nhưng rồi, Long đã nhận ra người lính ấy đã bất tỉnh, máu lại chảy ra rất nhiều nên trong lòng cũng thương xót và nghĩ rằng: “Đánh một kẻ đã chết là một việc không nên cũng chẳng ích gì” và “không còn bao lâu nữa, Long và anh lính dù ở bên kia sẽ cùng nằm lại ở nơi này, trong lòng đất Cổ Thành như bao đồng đội, chiến hữu đã ngã xuống,… Chiến hầm sẽ là quan tài chung chôn vùi, ôm ấp thây xác, linh hồn họ vĩnh viễn, Mãi mãi họ sẽ ở bên nhau, kề cạnh nhau. Và không biết ở cái thế giới ấy có còn cái gì để cùng chung nhau nữa không? Một điếu thuốc, một miếng lương khô, một ngụm nước còn sót lại trong chiếc bi đông, những nỗi niềm mà họ hằng ấp ủ” (tr.23 - 24). Hành động này chính là sự thức tỉnh của lòng nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp tiềm ẩn trong thẳm sâu tâm tính của Long. Kề cận cái chết, trong cơn tuyệt vọng, Long và người lính ngụy đều có chung một ước nguyện, đó là được gặp lại người mẹ già, người thân và chốn quê của mình một lần cuối cùng: “Tuyệt vọng cùng với sự đau đớn thân xác, tinh thần làm cả hai người lính từ hai phía chiến tuyến xỉu đi, cơn mơ đột ngột hiện về, Long thấy bóng mẹ đang chờn vờn ẩn hiện đâu đó rất gần,… Còn người lính ngụy, giấc mơ đến bất chợt trong lúc đạn bom mù trời. Anh thấy bóng má nơi bờ tre, hàng cau đầu ngõ, nơi rặng dừa, khóm chuối sau vườn” (tr.24). Không chỉ Long mà những sngười lính trong một số truyện ngắn khác cũng đã thể hiện được phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, đó là sự độ lượng, lòng vị tha, yêu thương, chở che đồng loại.

Chiến trường chính là cái lò để tôi luyện con người, là nơi để người lính sống thật với chính mình, bộc lộ rõ bản chất của mình, để rồi sự thật/giả dối được phân định một cách rạch ròi. Bởi trong hoàn cảnh đầy khốc liệt, gây go nhất của chiến tranh, có hàng vạn, hàng trăm người lính vì Tổ quốc quyết tử như Lương (Kẻ chạy trốn) Nga (Lỗ thủng), Hùng (Tiếng rao), Hương, ông Bố (Ký ức không ngủ yên), Hà, Huyền (Lời thề Tà Cai),… thì vẫn còn có những người lính như Trạm (Kẻ chạy trốn) không chịu đựng nỗi những khó khăn, gian khổ, đớn hèn, nhút nhát, ru sợ trước kẻ thù, trước cái chết. Trong khi đồng đội đang quyết tâm gồng mình chống cự, đánh trả quyết liệt trước sự tấn công ồ ạt, dày đặc của địch tại cao điểm K nằm gần kề biên giới thuộc địa phận của tỉnh Lạng Sơn, thì Trạm lại thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm, hèn hạ, sợ chết. Bản chất đớn hèn của Trạm đã bộc lộ rõ qua cuộc đối thoại với Lương: “Lương ngồi trầm ngâm một hồi lâu rồi nói với Trạm: - Mình đi thôi! Trạm đưa tay kéo Lương ngồi lại sát mình: - Mày định đi đâu? - Tìm đến một đơn vị đóng quân gần đây... - Không nên mày ạ! Tao đã nghĩ kỹ rồi. - Mày nghĩ sao? Trạm ngập ngừng: - Là thế này… Tao và mày… đứng núp sau tảng đá rồi chìa tay ra… Khuôn mặt của Lương bỗng tái nhợt đi, giọng run lên giận dữ: - Mày bảo sao?... Mày điên thật rồi!... Tao không thể làm cái việc đốn mạt ấy được! Trời không tha, đất không dung đâu mày ạ! Trạm thì thào, buồn rượi: - Tao lạy mày! Mày hãy thương tao, giúp tao và cả cho mày… Tao không thể trở lại chiến trường. Tao phải sống để về lại trường. Tao còn… Chẳng ai biết được đâu mày ạ! Lương nhìn chằm chằm vào Trạm nhưng giọng trầm xuống không còn gay gắt như trước: - Là bạn học cùng trường là đồng đội từng sống chết có nhau… Mày hãy nghe tao đừng bao giờ làm điều dại dột, hèn hạ đó! Tao có thể giật chốt mìn nổ, tự bắn vào mình để không bị địch bắt, nhưng tao không thể làm theo mày được, vì như vậy chúng mình sẽ mất tất cả, sẽ ô danh, nhục nhã và tội lỗi suốt đời. - Ô danh, tội lỗi ư? Còn hơn là phải chết. - Chẳng cần suy nghĩ Trạm trả lời ngay với Lương. Lương bàng hoàng, kinh ngạc nhìn Trạm, giọng đanh lại: - Đúng. Không ai muốn chết cả. Nhưng mày thấy rồi đó. Nhiều đồng đội của mình đã chết…Trong đó có những người sẵn sàng chết để chúng mình được sống… - Đó là số phận - Trạm trả lời gọn lỏn. - Thôi! Nếu mày cứ khăng khăng như vậy thì tao chẳng còn gì để nói với mày nữa” (136 - 137). Qua cuộc đối thoại này, bạn đọc nhận ra ngay Trạm là một người lính không có lập trường cách mạng, không sẵn sàng hi sinh vì đồng đội, vì quyền lợi của nhân dân, vì Tổ quốc thân yêu. Chính ngọn lửa chiến đấu đã sàng lọc ra người lính nào trung thành với cách mạng và người lính nào là phần tử cơ hội, vì lợi ích cá nhân. Đúng như Nguyễn Minh Châu - người mở đường “tinh anh và tài hoa” đã từng nói trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành rằng: “Cuộc đời không có thánh nhân, cũng không có một người nào mà tâm hồn hoàn toàn không thể cứu chữa được”. Văn Xương đã không nhìn chiến tranh bằng những bản anh hùng ca, những tấm huân chương, hiện thực chiến tranh vì thế hiện lên trong các trang văn một cách trần trụi, khốc liệt, đau thương nhất. Chiến tranh không chỉ bi hùng, bi tráng, mà còn với tất cả sự tàn khốc, ghê rợn, bi thảm nữa.

3. Câu chuyện về những người lính trở về từ cuộc chiến, phải đấu tranh, vất vả tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình cũng đã được xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của các nhà văn viết về đề tài chiến tranh. Song nếu đọc tập truyện ngắn Lỗ thủng của Văn Xương, độc giả sẽ cảm nhận ngay được những trang viết rất chân thật, giàu cảm xúc về cuộc đời, số phận, tâm hồn, tính cách, phẩm chất của người lính trong thời bình. Bước ra khỏi chiến tranh, những người lính như Nga (Lỗ thủng), Hùng (Tiếng rao), Ông bố (Ký ức không ngủ yên),… liệu có bắt kịp được với cuộc sống đời thường hay không? Văn Xương - một người từng có nhiều trải nghiệm thực tế cùng với cái nhìn nhân bản đã dựng nên một bức tranh hiện thực về thân phận người lính của ngày “gặp lại” với những nghịch cảnh éo le, “cô độc”, lạ lẫm, lạc lõng ngay trên chính mảnh đất, với chính những con người đã từng đỗ máu để bảo vệ. Mỗi người lính là một tấn bi kịch, đó là bi kịch giữa khát vọng, ước mơ và thực tại, giữa sự vươn lên và kìm hãm, giữa nhân bản và phi nhân bản,... Hùng - Trung đội trưởng địa phương quân người trải qua nhiều sóng gió sau khi rời quân ngủ, không chỉ chịu nhiều mất mát, đau thương trong thời chiến, mà còn gặp phải những éo le của thời hậu chiến. Hùng cũng như bao người lính khác, chiến tranh đã trở thành một nỗi ám ảnh, kinh hoàng vì đã chứng kiến nhiều cảnh tàn khốc của bom đạn, chết chóc thê thảm của những đồng đội, người dân hiền lành, vô tội. Kết thúc những năm tháng khói lửa, đạn bom, Hùng trở về với quê hương hầu mong có được một mái ấm bình yên, hạnh phúc nên đã lập gia đình và có được hai đứa con ngoan hiền. Nhưng lại một lần nữa, bão giông, gió xoáy, những đợt sóng ngầm nổi lên, Hùng phải đối mặt với thử thách mới, rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi vợ của Hùng đã ra đi mãi mãi, để lại hai đứa con thơ dại. Nhưng không vì thế mà Hùng chạy trốn số phận, trái lại anh đã dũng cảm để đối mặt với sự nghiệt ngã ấy bằng bản lĩnh vững vàng của một người lính đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường nén lại nỗi đau, mất mát, vượt qua tất cả, quyết tâm rời quê lên phố thuê trọ, rồi đi bán bánh bao mỗi ngày, tiếp tục thay vợ nuôi hai con khôn lớn, đang học đại học. Hùng tin tưởng vào tương lai, rồi đây cũng sẽ đỡ vất vả hơn, niềm vui, hạnh phúc cũng sẽ đến với anh khi hai con học hành thành tài. Ước mơ ấy rồi cũng không trở thành hiện thực, trong một lần đi bán bánh bao dọc phố, Hùng đã bị một gã say rượu bia, đua xe đâm trúng và cú va chạm quá mạnh, Hùng đã chết trên đường đi cấp cứu.

Cũng là người lính trở về sau chiến tranh nhưng bi kịch của Nga trong Lỗ thủng lại mang một màu sắc khác. Câu chuyện của Nga gợi nhiều thương cảm, thật sự ám ảnh người đọc. Cuộc đời của Nga thật oan nghiệt, thiệt thòi, éo le chẳng có được một ngày sung sướng, hạnh phúc. Mồ côi cha lúc còn nhỏ, lớn lên thì đi theo cách mạng, tham gia chiến đấu ở một đại đội thanh niên xung phong tại Tây Trường Sơn, vào tù ra tội, chịu bao đòn roi, cực hình, bom vùi, đạn rít, nơi rừng sâu, nước độc. Chiến tranh kết thúc, Nga vẫn ở lại khi đơn vị chuyển sang làm kinh tế, lập thành Nông trường cà phê Trường Sơn. Mấy năm sau, Nga xuất ngủ mới nhận lời lấy một anh bộ đội phục viên chuyển ngành về nông trường, nhưng rồi cả chục năm trời vẫn không có con. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, trong lúc Nga bị bệnh nặng, tay chân teo dần, phải nằm một chỗ do bị di chứng của những trận đòn ác hiểm khi ở trong tù và do ảnh hưởng các loại chất độc rải thảm của Mĩ, thì chồng của Nga cũng đột ngột qua đời vì bệnh sốt rét: “Lấy chồng cả chục năm trời mà chẳng có con cái gì, một thời gian sau thì nó bắt đầu xuất hiện những cơn đau. Đầu tiên chỉ lặt vặt, khi chỗ nọ, lúc chỗ kia. Thì cũng cứ nghĩ là trái nắng trở trời rồi làm lụng, bị như thế cũng bình thường. Nhưng rồi, những chỗ đau ấy không những không khỏi mà bắt đầu lan ra và nhức buốt hơn. Năm lần bảy lượt đi viện, chụp chiếu đủ kiểu cũng không phát hiện được bệnh gì, lại phải về,… Sau đó Nga nằm bẹp một chỗ, tay chân cứ teo dần. Tóc rụng hết, đầu to lên... chẳng ai còn nhận ra nữa. Chúng tôi đưa Nga đi chữa trị khắp trong Nam ngoài Bắc, đông, tây y đủ cả nhưng đều bất lực, cứ lúc thì tỉnh táo, lúc lại lên cơn như điên dại... Tội nghiệp. Có lẽ Nga bị di chứng do những trận đòn ác hiểm hồi ở trong tù, cộng với sau này tiếp tục ở nơi rừng thiêng nước độc, ảnh hưởng các loại chất độc rải thảm của Mĩ. Rồi chồng Nga mất đột ngột vì sốt rét. Người thân chẳng còn ai.” (tr.3). Chiến tranh đã ngốn hẳn, mài nhẵn một quãng thời gian dài đăng đẳng, khiến tuổi trẻ của Nga đã bị đánh bật ra đằng sau. Chiến tranh không chỉ cướp đi tuổi xuân, mà còn tước đi cả quyền làm vợ, làm mẹ khiến Nga càng tuyệt vọng, khổ đau hơn, cô đơn hơn. Mặc dù rơi vào bi kịch, tuyệt vọng nhưng Nga vẫn không quỵ ngã, vẫn tiếp tục sống, tiếp tục ở bên cạnh người chị ruột để cùng đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau. Chiến tranh không được tái hiện bằng sự khốc liệt của bom rơi, đạn nổ, bằng cái chết mà bằng nước mắt, nỗi đau, sự hi sinh thầm lặng, âm ỉ nhưng lại dai dẳng, dữ dội.

Trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, cùng với những biến cố của thời cuộc, vì thế người lính không có điều kiện, thời gian để thực hiện ước nguyện với đồng đội của mình. Người lính luôn cảm thấy day dứt, xa xót, đau đáu, trăn trở, cảm thấy có lỗi với đồng đội, bởi đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa cử, là phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Nhưng khi có điều kiện, người lính sẵn sàng cất công đi tìm hài cốt đồng đội còn bị thất lạc của mình. ông Bố (Ký ức không ngủ yên) - một người lính lái xe Trường Sơn năm xưa không nguôi nỗi niềm day dứt, sâu nặng nghĩa tình với đồng chí, đồng đội của mình. Ký ức về Hương - một cô gái thanh niên xung phong, thanh xuân phơi phới, mới chỉ bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, chưa có người yêu, chưa biết đến nụ hôn đầu đời đã anh hũng hi sinh khi đứng chắn quả bom bi rơi trước cửa hầm. Hình ảnh ấy không thể nào quên được, mãi không ngủ yên, đã thôi thúc ông trở lại chiến trường xưa để tìm lại hài cốt của Hương. Cuộc tìm kiếm, trở lại nơi Hương đã hi sinh với nhiều trở ngại bởi đồng đội của Hương cũng đã hi sinh sau đó: “Những chuyến chở hàng tiếp theo bố được phân công đi các cung đường khác mãi gần nửa năm sau mới quay lại cung đường ấy. Bố gặp một đội thanh niên xung phong đan san lấp hố bom. Các cô ấy bảo: “Trong đơn vị không ai có tên là Hương cả và cũng mới đến tiếp quản cung đường này”. Bố hỏi: “Các cô có biết đơn vị cũ chuyển đi đâu không?”. Các cô ấy chỉ lặng lặng nhìn nhau, rồi một cô lớn tuổi nhất trong đội, có lẽ là đội trưởng bước đến gần bố, rưng rưng hai hàng nước mắt: “Các cô ấy hi sinh hết cả rồi anh ạ” (tr.152 - 153). Mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự trợ giúp của các cô gái thanh niên xung phong năm xưa ông Bố mới tìm được hài cốt của Hương, rồi cùng liên hệ với sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Trị đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ông Bố vui mừng khôn xiết khi đã tìm được hài cốt của Hương và đã yên lòng trước lúc qua đời. Những câu chuyện, những hoàn cảnh của Nga, Hùng, ông Bố,… được tác giả miêu tả, phản ánh từ nhiều điểm nhìn, không thuận chiều, không tung hô, mà từ những quan sát thực tại, những hồi tưởng về quá khứ một thời rất thật, rất đời, khiến người đọc phải suy ngẫm, trăn trở về những nỗi đau, mất mát, nỗi ám ảnh đầy kinh hoàng của người lính về sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng lớn hơn nỗi đau về thể xác chính là nỗi đau về tinh thần - có thể nói đó là “hội chứng chiến tranh”. Hẳn nhiên, với cái nhìn  cả bề rộng lẫn bề sâu vào hiện thực, vào trong tâm hồn, tinh cách của người lính với tất cả sự phức tạp, đa dạng của nó, vì thế mà đâu đó có những tính cách, tâm hồn người lính thiếu dũng cảm, tha hóa nhưng Văn Xương vẫn không mất đi niềm tin vào người lính bởi vẫn có rất nhiều những người lính thắp lên trong lòng người đọc sự ngưỡng vọng, nỗi yêu thương, khao khát thủy chung, tinh thần hướng thiện. Hải (Lời thề Tà Cai), Long (Hoài vọng),Hùng (Tiếng rao).… là những người lính như thế. Trong chiến tranh hay cuộc sống hiện tại phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn nhưng những người lính này rất giàu nghị lực, cầu tiến, sống nghĩa tình, chan hòa, yêu thương, bao dung, giúp đỡ lẫn nhau, san sẻ với đồng đội,  nhân dân, với người thân.

4. Tập truyện ngắn Lỗ thủng của Văn Xương còn tạo được hấp lực đối với độc giả trong việc tạo dựng, tìm tòi, đổi mới kỹ thuật viết qua các yếu tố nghệ thuật như không gian và thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu, nghệ thuật tổ chức điểm nhìn, miêu tả tính cách, tâm lý nhân vật, tình huống truyện, chi tiết,… Nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của tập truyện ngắn này chính là nghệ thuật tổ chức điểm nhìn và miêu tả tính cách, tâm lí nhân vật. Những truyện ngắn viết về chiến tranh và người lính hậu chiến như Lỗ thủng, Hoài vọng, Di bút viết bằng máu, Lời thề Tà Cai, Ký ức không ngủ yên, được Văn Xương kiến tạo, tổ chức những hình thức điểm nhìn mới, đó là sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật, sự luân chuyển điểm nhìn người trần thuật và nhân vật rất linh hoạt. Chính việc tổ chức điểm nhìn từ nhiều phía đã tạo ra nhiều góc quét khác nhau, giúp cho cái nhìn về chiến tranh và người lính trở nên đa chiều, chính xác, chân thực hơn. Điểm nhìn nghệ thuật trong Di bút viết bằng máu gắn liền với nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ nhất - nhân vật “tôi”. Điểm nhìn này đã chi phối, chiếm lĩnh các yếu tố trong tác phẩm như cốt truyện, nhân vật, không - thời gian,… và đã khơi dậy, tái hiện ký ức của một thời in dấu sâu đậm, không thể nào quên của ông Bố về cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, đau thương, về hình ảnh Trường Sơn, những người lính lái xe, những cô gái thanh niên xung phong, đặc biệt là hình ảnh Hương đã liều mình hi sinh nhặt lấy quả bom bi của địch thả rơi trước cửa hầm mãi không ngủ yên trong kí ức của ông Bố. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất - nhân vật xưng “tôi” không đứng một chỗ, mà có sự dịch chuyển, di động qua các điểm nhìn nhằm đưa nhân vật - người lính ông Bố trở lại với cuộc chiến tranh để tìm chân dung đích thực ân nhân của mình. Cuộc hành trình này cũng chính là cuộc hành trình tìm lại giá trị thật cao cả, nhân văn, đó là vẻ đẹp của tình người, tình đồng đội, đồng chí, của tinh thần hi sinh anh dũng của Hương nói riêng và người lính nói chung. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật - người lính trong tập truyện Lỗ thủng được tác giả vận dụng bằng kỹ thuật dòng kí ức, nhờ đó người lính hiện lên rất chân thực, sinh động, gần gũi và “người” hơn, vừa là con người của hiện tại, đối mặt trực tiếp với cuộc sống thường ngày, vừa là con người của quá khứ với nhu cầu nhận thức lại quá khứ. Trong truyện ngắn Lỗ thủng, tác giả đã đặt Tâm trong sự đan bện giữa quá khứ và thực tại. Cuộc hành trình của Tâm đi tìm lại Nga - cùng đội biệt động thành năm xưa những tưởng đã chôn chặt cùng quá khứ của anh nay bỗng chốc xáo tung, bấn loạn, trộn lẫn tất cả. Tâm miên man cố tưởng tượng, nghĩ suy hình dung về cuộc sống của Nga hiện nay như thế nào? Nhưng khi Tâm biết được hoàn cảnh hiện tại của Nga, thì ngay lập tức quá khứ lại ùa về: “Ngày ấy Nga mười bảy tuổi, được bổ sung vào đội biệt động của Tâm. Gặp Nga, Tâm rất e ngại. Cô nữ sinh trường Nguyễn Hoàng mơn mởn, tươi xinh như một búp hồng trắng này sẽ làm được gì đây? Vậy mà chỉ một thời gian ngắn Nga đã chiếm được lòng tin và sự mến phục của toàn đội. Nga được cả đội đặt cho biệt danh rất dễ thương là Út Cương” (tr.10). Với kỹ thuật đồng hiện thời gian, gắn với thủ pháp lắp ghép điện ảnh đã đưa độc giả vào những màn của kí ức một thời về cuộc chiến tranh mà người lính đã trải qua, đã cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc. Những kí ức về quá khứ cùng với những thức nhận về thực tại, người lính hậu chiến trong truyện ngắn viết về đề tài này được soi chiếu từ nhiều góc độ, phương diện, cung bậc khác nhau như vô thức/hữu thức, thể xác/tâm hồn, bản năng/tâm linh, vui/buồn, hạnh phúc/bất hạnh,… Không gian và thời gian nghệ thuật trong tập truyện ngắn Lỗ thủng viết về đề tài chiến tranh và người lính được thể hiện mới mẻ, đa dạng, mang tính độc đáo chủ quan của chủ thể sáng tạo, trong đó phương thức định vị thành công nhất là không gian đối lập, không gian từ diện đến điểm và không gian theo trục thời gian. Không gian đối lập chính là không gian vừa tuân thủ quy luật thời gian vật lý vừa tuân theo quy luật thời gian của nhận thức, tình cảm. Tiếng rao là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của kiểu không gian này. Không gian đối lập được tác giả miêu tả trong tác phẩm không chỉ là không gian đối lập giữa xưa và nay, giữa trận mạc và đời thường, mà còn là không gian đối lập trong tâm tưởng: kí ức và thực tại. Không gian đối lập có lúc đồng hiện, có lúc chắp vá, có lúc lại chảy tuôn theo nhịp thời gian, theo tâm thức, kí ức của nhân vật Long. Tác giả rất thành công khi lựa chọn không gian đối lập để làm nổi bật bi kịch của người lính trở về sau chiến tranh, để độc giả có thể hiểu hơn và cùng đồng cảm, sẻ chia về sự đổi thay, về thân phận của người lính thời hậu chiến. Không gian định vị từ diện đến điểm là không gian không dàn trải nhưng cũng không bị bó hẹp trong một không gian của chiến trường, mà được nới lỏng, lồng ghép giữa các không gian với nhau: không gian xưa/nay, chiến trường/sinh hoạt hằng ngày, nông thôn/phố thị, hiện thực/tâm tưởng,… Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Ký ức không ngủ yên được tác giả miêu tả khá độc đáo, đầy ám ảnh, đó là không gian dĩ vãng - không gian chiến trường đối lập với không gian thực tại - không gian đời thường hằng ngày. Không gian được tác giả miêu tả, định vị theo trục thời gian. Thời gian hiện thực luân chuyển trong thời gian trước và sau 1975 khoảng chừng hơn 20 năm - một thời gian cũng khá dài đủ để nhìn nhận, nghiệm suy về quá khứ của một thời đã tạc nên những con người anh hùng trong lòng dân tộc. Ông Bố một trong những người anh hùng trở về sau chiến tranh sống với “thời gian hai chiều”, đã ngược dòng thời gian tìm về quá khứ với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, bi tráng, mãi không thể nào quên, ngủ yên trong tâm hồn của ông. Thời gian nghệ thuật trong các truyện ngắn Tiếng rao, Dòng sông miền cỏ may, Lời thề Tà Cai,… đa phần là thời gian đời tư - sinh hoạt, trải nghiệm, gắn liền với chiều sâu tâm lý, tình cảm, tâm linh của nhân vật - người lính. Trong truyện ngắn Tiếng rao, Văn Xương đã sử dụng nghệ thuật đồng hiện thời gian rất hiệu quả. Nhân vật người kể chuyện ở đây là một người cũng đã trải qua rất nhiều nỗi bi hài, đắng cay nên đã kể lại câu chuyện về cuộc sống hiện tại cũng như về một “thời xa vắng” nhưng lại chưa hề xa, đó là số phận của nhân vật Hùng - một người lính trở về sau chiến tranh với cuộc sống đời thường đầy khó khăn, lạc lõng, bi kịch.

5. Văn Xương là một cây bút truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh gạo cội, có nghề vì thế Văn Xương đã không ngần ngại đào sâu vào những góc cạnh của hiện thực chiến tranh, của những số phận người lính trong và sau cuộc chiến đầy gai góc, nhằm đặt ra một cách trực diện nhiều vấn đề thiết cốt, chân xác, toàn diện hơn, đem lại một diện mạo mới, thể hiện tinh thần, mang giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc. Mỗi tác phẩm viết về chiến tranh và người lính trong tập truyện Lỗ thủng dù có khốc liệt đến đâu, gai góc đến đâu nhưng người đọc vẫn sẽ nhận thấy sự nhẹ nhàng, thủ thỉ, đầy chất thơ, giàu tình người, tình đời của một trái tim đầy khắc khoải, ấm áp như chính con người của tác giả. Dĩ nhiên có chút tiếc nuối bởi vì đôi chỗ tru vẫn còn mang dáng dấp hiện thực truyền thống - nghĩa là tác giả đã miêu tả, phản ánh hiện thực chiến tranh và người lính dẫu có tính chất bi hùng nhưng vẫn còn phảng phất âm hưởng hào hùng, ngợi ca; một số truyện có sự hở sườn nhất định do tác giả vẫn còn tham lam khi kể, muốn nói hết, giải quyết hết mọi chuyện, vẫn còn bao cấp tư tưởng,…

4. Tập truyện ngắn Lỗ thủng của Văn Xương còn tạo được hấp lực đối với độc giả trong việc tạo dựng, tìm tòi, đổi mới kỹ thuật viết qua các yếu tố nghệ thuật như không - thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu, nghệ thuật tổ chức điểm nhìn, miêu tả tính cách, tâm lý nhân vật, tình huống truyện, chi tiết,… Nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của tập truyện ngắn này chính là nghệ thuật tổ chức điểm nhìn và miêu tả tích cách, tâm lí nhân vật. Những truyện ngắn viết về chiến tranh và người lính hậu chiến như Lỗ thủng, Hoài vọng, Di bút viết bằng máu, Lời thề Tà Cai, Ký ức không ngủ yên, được Văn Xương kiến tạo, tổ chức những hình thức điểm nhìn mới, đó là sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật, sự luân chuyển điểm nhìn người trần thuật và nhân vật rất linh hoạt. Chính việc tổ chức điểm nhìn từ nhiều phía đã tạo ra nhiều góc quét khác nhau, giúp cho cái nhìn về chiến tranh và người lính trở nên đa chiều, chính xác, chân thực hơn. Điểm nhìn nghệ thuật trong Di bút viết bằng máu gắn liền với nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ nhất - nhân vật “tôi”. Điểm nhìn này đã chi phối, chiếm lĩnh các yếu tố trong tác phẩm như cốt truyện, nhân vật, không - thời gian,… và đã khơi dậy, tái hiện ký ức của một thời đã in dấu sâu đậm, không thể nào quên của ông Bố về cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, đau thương, về hình ảnh Trường Sơn, những người lính lái xe, những cô gái thanh niên xung phong, đặc biệt là hình ảnh Hương đã liều mình hi sinh nhặt lấy quả bom bi của địch thả rơi trước cửa hầm mãi không ngủ yên trong kí ức của ông Bố. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất - nhân vật xưng “tôi” không đứng một chỗ, mà có sự dịch chuyển, di động qua các điểm nhìn nhằm đưa nhân vật - người lính ông Bố trở lại với cuộc chiến tranh để tìm chân dung đích thực của ân nhân, đó là Hương - một cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn. Cuộc hành trình này cũng chính là cuộc hành trình tìm lại giá trị thật cao cả, nhân văn, đó là vẻ đẹp của tình người, tình đồng đội, đồng chí, của tinh thần hi sinh anh dũng của Hương nói riêng và người lính nói chung. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật - người lính trong Lỗ thủng được tác giả vận dụng bằng kỹ thuật dòng ký ức, nhờ đó người lính hiện lên chân thực, sinh động, gần gũi và “người” hơn, vừa là con người của hiện tại, đối mặt trực tiếp với cuộc sống thường ngày, vừa là con người của quá khứ với nhu cầu nhận thức lại quá khứ. Trong Lỗ thủng, tác giả đã đặt Tâm trong sự đan bện giữa quá khứ và thực tại. Cuộc hành trình của Tâm đi tìm lại Nga - cùng đội biệt động thành năm xưa những tưởng đã chôn chặt cùng quá khứ của anh nay bỗng chốc xáo tung, bấn loạn, trộn lẫn tất cả. Tâm miên man cố tưởng tượng, nghĩ suy hình dung về hiện tại của Nga như thế nào. Nhưng khi Tâm biết được hoàn cảnh hiện tại của Nga thì ngay lập tức quá khứ lại ùa về: “Ngày ấy Nga mười bảy tuổi, được bổ sung vào đội biệt động của Tâm. Gặp Nga, Tâm rất e ngại. Cô nữ sinh trường Nguyễn Hoàng mơn mởn, tươi xinh như một búp hồng trắng này sẽ làm được gì đây? Vậy mà chỉ một thời gian ngắn Nga đã chiếm được lòng tin và sự mến phục của toàn đội. Nga được cả đội đặt cho biệt danh rất dễ thương là Út Cương” (tr.10). Với kỹ thuật đồng hiện thời gian, gắn với thủ pháp lắp ghép điện ảnh đã đưa độc giả vào những màn của kí ức một thời về cuộc chiến tranh mà người lính đã trải qua, đã cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc. Những kí ức về quá khứ cùng với những thức nhận về thực tại, người lính hậu chiến trong truyện ngắn viết về đề tài này được soi chiếu từ nhiều góc độ, phương diện, cung bậc khác nhau như vô thức/hữu thức, thể xác/tâm hồn, bản năng/tâm linh, vui/buồn, hạnh phúc/bất hạnh,… Không gian và thời gian nghệ thuật trong tập truyện ngắn Lỗ thủng viết về đề tài chiến tranh và người lính được thể hiện mới mẻ, đa dạng, mang tính độc đáo chủ quan của chủ thể sáng tạo, trong đó phương thức định vị thành công nhất là  không gian đối lập, không gian từ diện đến điểm và không gian theo trục thời gian. Không gian đối lập chính là không gian vừa tuân thủ quy luật thời gian vật lý vừa tuân theo quy luật thời gian của nhận thức, tình cảm. Tiếng rao là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của kiểu không gian này. Không gian đối lập được tác giả miêu tả trong tác phẩm không chỉ là không gian đối lập giữa xưa và nay, giữa trận mạc và đời thường, mà còn là không gian đối lập trong tâm tưởng: kí ức và thực tại. Không gian đối lập có lúc đồng hiện, có lúc chắp vá, có lúc lại chảy tuôn theo nhịp thời gian, theo tâm thức, kí ức của nhân vật Long. Tác giả rất thành công khi lựa chọn không gian đối lập để làm nổi bật bi kịch của người lính trở về sau chiến tranh, để độc giả có thể hiểu hơn và cùng đồng cảm, sẻ chia về sự đổi thay, về thân phận của người lính thời hậu chiến.

          Để tạo dựng bức tranh hiện thực chiến tranh và cuộc sống của người lính hậu chiến, Văn Xương còn đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu để tạo nên phương thức biểu đạt mang sắc thái riêng khác, rất sinh động, phong phú, đặc biệt chú ý là ngôn ngữ gần gũi với đời sống, lời ăn tiếng nói hằng ngày, làm nổi bật lên nét độc đáo, bí ẩn trong tâm hồn của từng nhân vật - người lính trong và sau chiến tranh “sống như đời sống” trọn vẹn hơn, “người” hơn.

Với những quan niệm hết sức mới mẻ, táo bạo, cùng với sự nhạy bén, tinh tế, sắc sảo của một cây bút vững vàng, từng trải, nhà văn Văn Xương thật sự xứng đáng nằm trong đội ngũ những nhà văn tiên phong, mở đường cho một kiểu tư duy mới, một lối viết mới cho thể tài chiến tranh. Tôi cũng như bạn đọc hy vọng trong thời gian tới, nhà văn Văn Xương vẫn tiếp tục ấp ủ để tạo thêm những sinh thể văn chương viết về đề tài này cho mình, cho cuộc đời thật sự xứng tầm với thời đại mới.

                                                                   Portland - Maine, ngày 1/1/2022

s