Cái rá vút gạo

 Vũ Hảo

18/11/2022 13:50

Theo dõi trên

Hồi mới ra trường tôi về dạy ở Hà Úc. Ý nghĩa của cái tên làng quê ấy (Hà: sông, Úc: ốc đảo) thật phù hợp với một bán đảo rất xa thành phố, cách trở bởi hướng đông là biển, ba hướng còn lại đều bị đầm phá bủa vây.

Phương tiện đi lại bằng thuyền máy. Học trò hầu hết con dân chài lưới, ăn chưa no, mặc không đủ ấm. Thầy cô trên đời quý nhất cái sổ lương thực, tiêu chuẩn gạo đong từng bữa bằng cái “hộp diêm”.

Năm đầu tiên 20-11 trên cả nước, phụ huynh đi thăm giáo viên nhiều hơn học trò. Cái nhà tranh tập thể của giáo viên ngổn ngang những món quà thổ sản địa phương như cá mực, rượu đế, trái cây… Chẳng ai tặng hoa, trên vùng đất cát trắng phiu nhìn đau cả mắt, chỉ thấy duy nhất hoa xương rồng và hoa dại.. Hôm ấy mải tiếp khách, tháng mười một mưa lâm thâm, trời chóng tối, chúng tôi vừa thắp đèn dầu thì một chị phụ huynh học sinh bước vào. Trên tay chị cầm mấy bao thuốc lá Điện Biên, một gói trà và một cái rá nhôm mới tinh. Chị nói - “Nhân ngày nhà giáo, bận mua bán chợ chiều, giờ này tui mới sang thăm thầy cô, chả có gì chỉ trà thuốc dùng cho vui, với lại cái rá nầy…”. Thời ấy lương thực của tiêu chuẩn giáo viên 13 kg/người gồm 5 kg gạo và 8 kg bo bo, khoai hoặc sắn khô. Gạo ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh có lắm sạn, nhiều cát. Mỗi lần vo gạo phải còng lưng vút sạn cát hàng giờ. Đôi khi kẻng đánh vào tiết mà cơm chưa chín, không kịp ăn, thầy cô phải lên lớp với cái bụng đói. Nhà chị phụ huynh ấy gần nhà tập thể giáo viên, biết sự tình, thương, nên mua tặng món quà đặc biệt nầy.. Những người từng ăn hạt gạo vút từ cái rá nhôm ấy, bây giờ mỗi người một nơi. Nhiều người đã bỏ nghề. Một số tình nguyện đi kinh tế mới trong Tây Nguyên, Minh Hải… Đến lúc tôi làm quản lý, ở lâu nhất, đổi đi sau cùng, nên hân hạnh được trao truyền “y bát” là cái rá nhôm, món quà 20-11 năm xưa.

Năm 2000 lẫn lộn trong đống sách vở món quà xưa theo tôi về thành phố, không ai hiểu, chỉ mình tôi hiểu nó. Rồi một lần tôi đi vắng, thằng con nhỏ đem bán cho hàng đồng nát. Thì thôi vậy! Gạo chợ bây giờ chẳng còn sạn nữa.

Bạn đang đọc bài viết "Cái rá vút gạo" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn