Cai thuốc lá thực sự khó khăn

Phụng Thiên

09/10/2022 21:16

Theo dõi trên

Theo báo cáo của WHO, trong năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người trong năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025, tương đương mức giảm khoảng 50 triệu người trong giai đoạn bảy năm, ngay cả khi dân số toàn cầu gia tăng.

hut-thuoc-la-co-hai-cho-suc-khoe-1665322725.jpg
Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. 

 

Số liệu của WHO cho thấy mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới đang chiếm mức 45,3%, nữ là 1,1%. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Lợi ích của cai thuốc lá thì đã rất rõ ràng thế nhưng việc cai thuốc lá thì không dễ dàng. Chất nicotin trong thuốc lá là một chất gây nghiện, tác động lên não theo cách tương tự như heroin và cocain và tạo ra cảm giác sảng khoái. Việc khó bỏ thuốc lá do nồng độ cotinine (chất chuyển hóa của nicotine) tăng cao trong máu.

Trong xếp loại mức độ gây nghiện của các thuốc gây hưng phấn thần kinh, nicotin được xem là dễ gây nghiện nên nhiều người muốn bỏ thuốc lá và đã bỏ được thuốc lá dễ dàng trong lần cố gắng đầu tiên nhưng chẳng bao lâu sau đó lại bị tái nghiện. Phần lớn đều phải cai thuốc lá đến lần thứ 3 mới thành công. Tỉ lệ cai thuốc lá hàng năm chỉ khoảng 2,5%.

Các triệu chứng xuất hiện khi bỏ thuốc lá thay đổi theo từng người nhưng nhìn chung rất khó chịu và khó dung nạp. Các triệu chứng bao gồm: Mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt, dễ kích động, khó ngủ, mất tập trung, thèm ăn, giảm nhịp tim…Thông thường thì các triệu chừng này kéo dài không quá một tuần sau khi ngưng thuốc.

Một trong những khó khăn có thể gặp phải khi bỏ thuốc lá là tình trạng tăng cân. Sự tăng cân này lại là một trong những yếu tố nguy cơ cho bệnh mạch vành, đồng thời lại ảnh hưởng xấu đến khía cạnh thẩm mỹ nhất là ở phái nữ, do đó có thể gây trở ngại trong việc tham vấn bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có hút thuốc lá phần lớn đều có kèm theo suy dinh dưỡng, khi đó tăng cân do cai thuốc lá lại trở thành điểm thuận lợi góp phần điều chỉnh tình trạng suy dinh dưỡng cho người bệnh.

Nhiều người hút thuốc lá vì thói quen, và thói quen này dường như gắn liền với các công việc hàng ngày ở nhà cũng như ở nơi làm việc. Có người cho rằng hút thuốc lá giúp kích thích khả năng sáng tạo, có người lại hút thuốc lá để giết thời gian, để thư giãn, để tay chân đỡ thừa thãi… Thậm chí có thời gian, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hình ảnh của thuốc lá được xem như một biểu tượng của sự sành điệu, tự do và hiện đại…Vì vậy, thật khó từ bỏ một thói quen.

Những ngày đầu không hút thuốc sẽ là khó khăn nhất. Hãy viết ra lý do bạn bỏ thuốc trước và đưa ra một kế hoạch bỏ thuốc lá. Nó sẽ giúp bạn tập trung và có động lực. Sau đây là một số ý tưởng để giúp bạn bắt đầu: Viết xuống khi bạn hút thuốc, tại sao bạn hút thuốc và những gì bạn đang làm khi bạn hút thuốc. Đây là những tác nhân kích thích hút thuốc của bạn.

Bạn cần tránh những điều này thường xuyên. Ngừng hút thuốc trong một số tình huống (chẳng hạn như trong giờ nghỉ làm việc hoặc sau bữa tối) trước khi thực sự bỏ thuốc hoàn toàn. Lập danh sách các hoạt động bạn có thể làm thay vì hút thuốc, như đi bộ nhanh hoặc nhai một miếng kẹo cao su. Bạn phải sẵn sàng làm việc khác khi bạn muốn hút thuốc. Hỏi bác sĩ về việc sử dụng kẹo cao su hoặc miếng dán thay thế nicotine. Tham gia một nhóm hoặc chương trình hỗ trợ cai thuốc lá. Nói với bạn bè và gia đình của bạn về kế hoạch bỏ thuốc lá của bạn. Cho họ biết họ có thể hỗ trợ bạn như thế nào.

Cai thuốc lá thực sự khó khăn, trên thế giới có hàng triệu người bỏ thuốc thành công. Hiện nay, có rất nhiều trung tâm hay phòng khám chuyên khoa cai thuốc lá được mở ra có thể hỗ trợ cộng đồng cai thuốc.

Bạn đang đọc bài viết "Cai thuốc lá thực sự khó khăn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn