Cảm hứng bi hài và thủ pháp biếm họa trong nghệ thuật trào phúng ở bài thơ “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu”

Trần Tế Xương (1870 – 1907) người làng Vị Xuyên, nay thuộc thành phố Nam Định. Ông có nhiều tên gọi nhưng tên gọi được mọi người biết đến nhiều nhất là Tú Xương.
tac-gia-1699011943.jpg
Tác giả bên mộ Trần Tế Xương, TP Nam Định

Sinh thời ông thông minh, học giỏi nhưng lận đận trên con đường khoa cử. Trải qua tám kỳ thi nhưng ông chỉ dừng lại ở đỗ Tú tài, kỳ thi năm Giáp Ngọ (1894) nên người đời thường gọi ông là Tú Xương. Cuộc đời Tú Xương ngắn ngủi và là một tấn bi kịch về thi cử. Tuy chỉ tồn tại như một chớp nhoáng trên cõi thế nhưng sự nghiệp thơ ca của ông để lại cho nơi ấy tựa một ánh sao lạ vụt sáng trên bầu trời văn chương. Tấn bi kịch và sự thối nát của xã hội được ông phản ánh trong các vần thơ trào lộng, cười ra nước mắt. Với một nghệ thuật trào phúng vào loại bậc thầy, các tác phẩm của Tú Xương đã thể hiện được những nỗi niềm thế sự, nhân tình và một tâm trạng đau xót, chán ngán, phẫn uất đến cực độ đối với hiện thực đương thời ở thành Nam nhưng cũng là điển hình cho cả nước trong những năm cuối của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Riêng với người Nam Định, từ lâu cùng với chuối ngự thơ ông Tú được coi là một thứ đặc sản: “Đọc thơ Tú Xương ăn chuối ngự”. Có lẽ vì thế mà trên mộ ông người đời đã tạc vào bia đá hai câu thơ viếng ông của cụ Tam Nguyên Yên Đổ để khẳng định danh thơm hiếm hoi này: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”.

Cuối thế kỷ XIX, khi chưa có cảng Hải Phòng, Nam Định là một thành phố khá phát triển. Với vị trí nằm ở vùng hạ du của Bắc Bộ, giao thương thủy bộ thuận lợi nên sự phồn thịnh của thành Nam khi đó chỉ đứng sau Hà thành. Năm Đinh Dậu, niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897), Nam Định trở nên náo nhiệt bất ngờ bởi khóa thi Hương ghép lần đầu tiên được triều đình nhà Nguyễn tổ chức ở đây, trường thi Hà Nội cùng thi với trường thi Hà Nam. Theo tư liệu của Trần Thanh Đạm trong bài viết “Khoa thi Đinh Dậu” được biết: khi đó có khoảng ngót vạn rưỡi thí sinh dự thi, tính cả số người nhà đi cùng thí sinh thì con số lên tới khoảng bốn mươi lăm nghìn người. Trước đó, ở Bắc Kỳ vừa xảy ra phong trào bài ngoại của tầng lớp văn nhân do Kỳ Đồng làm thủ lĩnh. Tuy phong trào đã bị đàn áp nhưng Pháp vẫn không chủ quan với các sĩ tử. Chúng đưa lính và điều hai pháo thuyền về Nam Định để phòng vệ. Cũng nhân sự kiện này triều đình và chính phủ rước vợ chồng Paul Doumer - Toàn quyền vừa nhậm chức đến chứng kiến cuộc thi. Bởi thế không khí đảm bảo trật tự gây ngột ngạt bao trùm thành Nam bởi những cuộc tuần tra, khám xét không xuể. Khóa thi ấy triều đình lấy đỗ 60 cử nhân và 250 tú tài. Số còn lại phải chịu phận hẩm duyên ôi, trong số thi hỏng đó có ông Tú. Thi cử, việc đỗ, hỏng là chuyện bình thường. Nhưng kỳ thi mà chọn người chấm “vừa dốt lại vừa ngu” thì trong số hơn 300 người đỗ kia cũng có những hạt sạn như thể “Cử nhân: cậu ấm Kỷ/ Tú tài: con đô Mỹ/ Thi thế mà cũng thi/ Ới khỉ ơi là khỉ” (Than sự thi). Và tất nhiên cũng có cả những người “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín/ Thi không ăn ớt thế mà cay”, “Rõ thực nôm hay mà chữ dốt” …

Buổi lễ xướng danh “Khoa thi Đinh Dậu” nhà tổ chức dường như muốn làm hoành tráng, long trọng nhưng không được theo ý muốn. Mặc dù có bố trí lính mặc áo dấu, cầm cờ ngũ sắc đứng hai hàng, các quan chủ khảo đi ở giữa để vào trường thi, phía tiền đội có quân khiêng kiệu sơn son thếp vàng, che lọng đựng hòm ấn kiếm vua ban, sau có toán nhạc binh mặc áo mã tiên, đội mũ phụng, đàn kèn rền rĩ, nỉ non nhưng sắp xếp lại kẻ ngồi kiệu, người nằm võng hoặc xe kéo nhìn lôi thôi, lốc thốc. Rồi còn các quan đi hia rộng thùng thình ngồi trên các chòi cao che lọng xanh trông chẳng giống ai…

Tiếp đến là một viên hạ quan cầm loa gọi tên tuổi, làng tổng những người trúng tuyển. Theo loa gọi, các tân khoa đứng dậy đến chỗ tập trung người mới đỗ và nhận mỗi người một bộ y phục, mũ vuông kết dải dài sau gáy, xiêm dạ tím, áo lục viền tơ đen. Toàn quyền Paul Doumer và vợ đến chúc mừng, bắt tay và tặng mỗi tân khoa một đồng hồ quả quýt. Trao quà xong, Vợ chồng Toàn quyền trở lại khán đài ngồi bảnh chọe và các tân khoa của triều định quỳ lạy tạ ơn xì xụp dưới sân. Cái sự tréo ngoe, lộn tùng phèo vị trí ấy (theo cách nhìn của của các nhà nho, của văn hóa phương Đông vốn trọng nam khinh nữ) từng được ông Tú viết: “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/ Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”. Ấy, chính cái sự nhốn nháo, nhếch nhác, tréo ngoe của khoa cử Việt Nam khi đất nước bị Pháp xâm lược và nền nho học nước nhà đang trên con đường suy tàn này đã trở thành nguồn cảm hứng bi hài, ngao ngán để bài thơ ra đời:

Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra.

Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

          (Theo “Ngữ văn 8 tập I, Kết nối tri thức với cuộc sống,

Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2023”

Trào phúng ở đây được hiểu là một nguyên tắc phản ánh của nghệ thuật. Nó sử dụng những cách nói mỉa mai, biếm họa, phóng đại, hài hước … nhằm tạo ra tiếng cười để chế nhạo, chỉ trích, tố cáo những cái tiêu cực, xấu xa, lỗi thời, ác độc trong xã hội. Tác phẩm “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” của Tú Xương là một bài thơ trào phúng. Đối tượng trào phúng trong bài thơ là những cái nhốn nháo, nhếch nhác, tréo ngoe của khoa cử Việt Nam diễn ra trong khoa thi Hương ở thành Nam năm Đinh Dậu. Để nói lên tâm trạng đau đớn, chua xót của mình trước cảnh nước nhà bị nô lệ và đả kích, phê phán mạnh mẽ những thứ xấu xa trong khoa thi ấy; đồng thời cũng nhắc nhở, thức tỉnh những nhân tài đất Bắc về món nợ “non sông”, ông Tú đã dùng thủ pháp biếm họa (bức tranh châm biếm) để tạo lên những tiếng cười “ra nước mắt”. Tiếng cười bi hài ấy vang lên cách đây 127 năm nhưng ngày nay đọc lại ta vẫn không khỏi thấy ngậm ngùi, thương cảm cho ông mà còn cho cả một thời kỳ đau khổ của đất nước.

Để thấy được nghệ thuật trào phúng đặc sắc của bài thơ “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” chúng ta sẽ phân tích văn bản dưới góc nhìn từ thủ pháp biếm họa của nhà thơ.

Bài thơ được làm theo thể thất ngôn bát cú đường luật với bố cục đề thực luận kết rất rõ ràng, liên kết với nhau rất chặt chẽ. Hai câu đề giới thiệu vấn đề chung, kỳ thi Hương năm Đinh Dậu ở thành Nam. Hai câu thực: cụ thể hơn nội dung nêu ở phần đề, cảnh trường thi với các nhân vật cụ thể. Hai câu luận: bàn luận mở rộng vấn đề, sự thảm hại của sĩ tử và quan trường ở kỳ thi qua hoạt cảnh thị oại kệch cỡm của vợ chồng quan sứ. Hai câu kết: tổng kết vấn đề, sự cảnh tỉnh và nỗi lòng tâm trạng của nhà thơ.

Trước tiên, hai câu đề thông báo về kỳ thi Hương ở Nam Định: “Nhà nước ba năm mở một khoa/ Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Xưa nay, kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức vào tháng 2 năm 1075, niên hiệu Thái Ninh, thời vua Lý Nhân Tông và sự kiện năm 1076, nhà Lý cho lập trường Quốc Tử Giám ở cạnh Văn Miếu đến nay việc thi cử bao giờ cũng được các triều đại phong kiến quan tâm để lựa chọn nhân tài phục vụ đất nước. Trong 844 năm, từ khi bắt đầu mở khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), lịch sử khoa cử Việt Nam đã có 184 khoa thi với 2785 người đỗ đại khoa (đỗ Tiến sĩ và Phó bảng), trong đó có 56 Trạng nguyên (Theo “Lược sử nền khoa cử Việt Nam thời phong kiến”, Nguyễn Năng Lực). Đa phần trong số người đỗ đạt này đều là người tài giỏi và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Nhìn chung các kỳ thi này được tổ chức theo truyền thống nho học. Tuy nhiên cuối thế kỷ XIX, sự kiện Pháp xâm lược Việt Nam đã biến Việt Nam từ một nước phong kiến thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Sự thay đổi ấy tất nhiên sẽ dẫn đến sự thay đổi về thi cử để tuyển chọn nhân tài (dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, thi thêm toán học …). Sự đổi mới này là tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên trong buổi giao thời, cái mới chưa thắng cái cũ, thì sự đổi mới ấy dưới con mắt của không ít nhà nho Việt Nam khi đó là điều chướng mắt, khó coi. Đã vậy, việc ghép “Trường Nam thi lẫn với trường Hà” cũng là một điều xưa nay chưa từng có. Những sự việc thay đổi này cùng với bối cảnh xã hội đã nói ở trên đã ít nhiều cho ta hình dung thấy cái cảnh nhốn nháo, ngột ngạt của kỳ thi. Với hai câu đề như thế Tú Xương đã hoàn thành công việc giới thiệu cho ta biết về kỳ thi Hương năm Đinh Dậu ở thành Nam với những nét mới và bầu không khí ngột ngạt, nhốn nháo; đồng thời hướng người đọc theo dõi những câu thơ nối tiếp.

Hai câu thực, cụ thể hơn nội dung nêu ở phần đề, cảnh trường thi với các nhân vật cụ thể: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”. Ở đây người đọc bắt đầu thấy thủ pháp biếm họa trong nghệ thuật trào phúng của nhà thơ được sử dụng rất thành công để vẽ lên bức tranh trường thi nhốn nháo. Nhà thơ đã cực tả các nhân vật chính của trường thi (sĩ tử và quan trường) bằng cách nói phóng đại những cái xấu của họ. Sĩ tử thì lôi thôi, luộm thuộm; quan trường hò hét bằng loa tiếng được tiếng mất (ậm ọe). Không cần nhiều lời, với hai nét vẽ ấy thôi nhưng cảnh nghiêm trang, mẫu mực, quy củ của kỳ thi quốc gia thời phong kiến nay còn đâu? Và thay vào đó người ta thấy hiện lên một cảnh tượng trường thi Hà Nam đầy nhốn nháo, ồn áo và cả sự nhếch nhác đến khó nhìn.

Đặc biệt trong hai nét vẽ châm biếm này ông Tú đã sử dụng rất đắc địa nghệ thuật đối và cách nói đảo ngữ để nhấn mạnh, giúp cho người đọc hình dung rõ hơn cái bát nháo, nhếch nhác của đám sĩ tử và các vị quan trường đáng kính. Nghệ thuật đảo ngữ với việc đặt tính từ “lôi thôi” lên đầu câu khiến các sĩ tử “vai đeo lọ” vốn rất nho nhã, chỉnh tề trở thành những kẻ luộm thuộm, xộc xệch. Cũng giống cách vẽ sĩ tử, vẽ cánh quan trường nhà thơ còn thâm thúy hơn. Ông Tú dùng từ láy “ậm ọe” đảo lên trước để biếm họa các quan coi thi. Nhẽ ra nhà quan, ông thầy nói năng phải mạch lạc, mệnh lệnh phải dõng dạc, dứt khoát nhưng đằng này “thét loa” (thể hiện sự không còn nề nếp, thái độ hách dịch) để cho ra vẻ ta đây mà vẫn chẳng rõ lời “ậm ọe” (âm thanh méo mó). Các quan hiện lên hệt như lũ người dớ dẩn không đủ năng lực nhưng sĩ diện, thích ra oai. Nếu như biện pháp tu từ đảo ngữ có tác dụng nhấn mạnh cái nhếch nhác, kệch cỡm thì nghệ thuật đối với những cặp đối rất chỉnh: “lôi thôi” với “ậm ọe”, “sĩ tử” với “quan trường”, “vai đeo lọ” với “miệng thét loa” đã đồng hiện hai nhân vật chính của trường thi trên cái nền không gian của khoa thi Đinh Dậu ở thành Nam. Nó cho thấy sự tương đồng về những mặt tiêu cực giữa người đi thi và người đi coi, chấm thi. Và gộp chung lại ta sẽ thấy hiển hiện lên trong trí tưởng tượng của người đọc là một khóa thi rất nhốn nháo, xô bồ, hỗn tạp, nhếch nhác; thiếu hẳn đi sự qui củ, chặt chẽ, mẫu mực, trang nghiêm như ý nghĩa vốn có của tên gọi. Với thủ pháp biếm họa độc đáo ấy hai câu thơ đã làm thành bức tranh nhị bình đặc sắc để gợi lên trong mắt người xem cảnh hoàng hôn của chế độ phong kiến Việt Nam.

Hai câu luận, bàn luận mở rộng vấn đề, ông Tú nói về nỗi nhục quốc thể và sự thảm hại của sĩ tử và quan trường ở kỳ thi: “Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến/ Váy lê quét đất mụ đầm ra”. Chỗ này chúng ta cần xem xét hai câu thơ dưới góc nhìn của nhà thơ Tú Xương - một nhà nho chân chính với cái nhìn trên lập trường đạo đức, khắt khe của lễ giáo phong kiến. Trong hai câu thơ luận, Tú Xương vẫn tiếp tục phát huy thủ pháp biếm họa để vẽ lên bức tranh “lễ xương danh” trong sự “hoan hỉ” đầy nước mắt của những nhà nho còn ít nhiều lòng tự trọng. Nhà thơ cho ta thấy đã xuất hiện của một loại người mới (quan chức Pháp) trong kỳ thi này và tương lai sẽ có ở các kỳ thi tiếp theo. Với sự xuất hiện của vợ chồng quan chức người Pháp này đã báo hiệu một nền giáo dục mới đang dần xuất hiện và thay thế cho nền khoa cử truyền thống. Trước sự thay đổi này ông Tú đã kín đáo biếm họa bằng những nét vẽ đầy chua chát. Đó là cảnh khoa trương, phô diễn khi đón tiếp vợ chồng quan sứ Pháp đến trường thi. Trong nét vẽ này nhà thơ vẫn sử dụng nghệ thuật đối của thể thơ Đường luật để làm thành bức nhị bình đầy kệch cỡm trong lễ xướng danh: “cờ kéo” với “váy lê”, “rợp trời” với “quét đất”, “quan sứ đến” với “mụ đầm ra” - trong một số bản in khác câu này một số chữ có thay đổi nhưng nội dung thể hiện cơ bản giống nhau nên không làm thay đổi ý nghĩa giá trị của đoạn thơ cũng như của bài thơ: “Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến”; ở một góc nhìn khác văn bản trong sách giáo khoa thể hiện sự đả kích, châm biếm sâu sắc hơn khi để “cờ” (quốc kỳ) đối với váy của mụ đầm.

Như đã nói, bài thơ được nhìn và biếm họa dưới con mắt khắt khe của đạo đức phong kiến vốn “trọng nam khinh nữ” của nho gia Trần Tế Xương cho nên việc mụ đầm mặc váy quét đất xuất hiện ở chốn trường thi vốn là nơi tôn nghiêm để nhà vua chọn hiền tài giúp nước là điều xưa nay chưa từng có. Sự xuất hiện này là một sự xỉ nhục đối với nhân sinh quan của các nho gia. Chẳng những thế, trong một bài thơ khác ông Tú còn cay đắng khi tả lại cái cảnh chướng mắt, nhục nhã gấp bội lần: “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/ Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng” (Giễu người thi đỗ). Những hiền sĩ của nước nhà đấy! Đang phủ phục cả xuống để lạy Tây đầm. Nhục làm sao! Trở lại với hai câu luận ta thấy ông Tú đã rất thâm thúy khi sử dụng nghệ thuật đối để vừa cho mọi người thấy được sự phô trương của bọn thực dân vừa cho mọi người thấy sự đả kích, giễu cợt quan sứ của nhà thơ; đồng thời cũng cho người đọc thấm thía về cái nhục của đất nước khi phải làm nô lệ. Tác giả vẽ hình ảnh “cờ kéo rợp trời” (quốc kỳ của Pháp) lên trên và đi cùng với “quan sứ đến” để nhấn sự hoành tráng của buổi lễ xướng danh nhưng cũng cho người đọc thấy được sự phô diễn, thị oai quá ngưỡng của quan Toàn quyền. Đạo đức nho gia luôn đề cao sự khiêm tốn nay nhìn thấy cảnh này bảo sao không nhịn cười cho được. Đây là tiếng cười đả kích quan sứ. Còn ở nét vẽ mụ đầm tác giả cũng đưa “váy lê quét đất” lên đầu câu để tạo ấn tượng về sự khoe khoang một cách kệch cỡm của vợ quan sứ. Nhà thơ gọi mệnh phụ phu nhân Toàn quyền là “mụ” cũng ngầm ý coi thường, khinh thị. Và thế, tiếng cười cái vẻ kệch cỡm này cũng đã được phát ra. Tiếng cười này cũng để đả kích vợ quan sứ. Hai câu luận kết hợp với nhau làm thành một cặp đối hoàn chỉnh. Xem kỹ cặp đối này ta mới thấy sự sâu cay trong tiếng cười trào phúng của ông Tú. Ông đã đem một chức danh to nhất của Pháp ở xứ thuộc địa đối với một danh xưng thường được dùng để miệt thị, xem thường, giễu cợt ai đó. Ác hơn ông còn lấy quốc kỳ của mẫu quốc để đối với cái váy của một mụ đàn bà. Hóa ra bọn xâm lược càng thị oai bao nhiêu thì càng bị nhà thơ châm biếm đả kích sâu cay bấy nhiêu. Người đọc đến đây chắc hẳn cũng được hả dạ hả lòng phần nào bởi quốc thể đang bị chúng xúc phạm.

Lễ xứng danh những người đỗ đạt nhưng chẳng thấy gọi tên ai. Nhân vật chính của buổi lễ chẳng thấy đâu chỉ thấy xuất hiện cảnh đón tiếp kệch cỡm vợ chồng quan sứ. Thủ pháp biếm họa của Tú Xương thật tuyệt vời. Không nói về nỗi nhục quốc thể và sự thảm hại của sĩ tử và quan trường ở kỳ thi nhưng người ta vẫn thấy nó hiện lên thật đau đớn, chua xót.

Hai câu kết, gói lại vấn đề nhưng cũng là lời cảnh tỉnh và nỗi lòng tâm trạng của nhà thơ: “Nhân tài đất Bắc nào ai đó/ Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”. Ở hai câu luận ông Tú đã cho thấy nỗi đau, nỗi nhục của một đất nước bị làm nô lệ (bọn xâm lược được tự tác, phô trương, thị oai trên đất Việt Nam như trên chính đất Pháp trước sự bất lực của giai cấp phong kiến. Kẻ sĩ Bắc Hà phải nuốt nhục để phục tùng sự thị oai của bọn xâm lược). Chính bởi vậy trong phần kết này ông đã thức tỉnh; kêu gọi mọi người “ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”. Xem ra đây là nguồn mạch trữ tình nhưng cũng rất trào phúng của bài thơ. Cái mạch ấy được bắt nguồn từ những điều tai nghe mắt thấy trong một khoa thi đầy nhốn nháo, kệch cỡm ở một đất nước bị làm nô lệ. Do vậy, đọc hai câu thơ ta thấy giống như một lời than. Than vì “cảnh nước nhà” đang bị làm nhục. Nhưng nó cũng là một kêu gọi, nhắn nhủ thiết tha, đầy trách nhiệm của một kẻ sĩ. Điều đáng chú ý ở câu kết này chúng ta thấy có các cụm từ đầy hàm ý: “nhân tài đất bắc”, “nào ai đó”, “ngoảnh cổ mà trông”, “cảnh nước nhà”. Những cụm từ này gợi cho ta những cách hiểu sau:

Thứ nhất: Nhà thơ châm biếm quan lại ở trường thi và những sĩ tử vừa đỗ đạt. “Nhân tài đất Bắc” sao lại để cho nước nhà rơi vào tình cảnh nô lệ thảm hại như thế. “Nhân tài đất Bắc” là người tài giỏi ở miền Bắc (ngụ ý các quan trong trường thi, sĩ tử vừa thi đỗ); “nào ai đó” là cụm từ phiếm chỉ (vừa chỉ người tài ở miền Bắc nói chung nhưng cũng có khi là ngụ ý những quan coi thi và sĩ tử vừa thi đỗ); “ngoảnh cổ mà trông” (quay đầu lại để nhìn) “cảnh nước nhà” (cảnh đất nước bị nô lệ). Theo cách hiểu này, hóa ra “nhân tài” mà chẳng phải “nhân tài”. Tài sao lại chịu nhục như thế? Tài sao lại để cho đất nước bị nô lệ như thế? Tài như thế là tài rởm. Hiểu như vậy tiếng cười sẽ bật lên. Rõ ràng nhà thơ đang cười, đả kích cái bọn “nhân tài” rởm hư danh mà quay lại với tình cảnh của đất nước.

Thứ hai: Nhà thơ kêu gọi những người tài giỏi, chủ yếu là kẻ sĩ có trách nhiệm với đất nước. Hiểu theo cách này thì “nhân tài đất Bắc” gồm các quan đang làm thi, các sĩ tử vừa thi đỗ (trong kỳ thi) và các quan đương chức của triều đình, những người tài giỏi, kẻ sĩ trong thiên hạ … (đối tượng ở đây được mở rộng ra ngoài phạm vi của trường thi). Hiểu như vậy thì cụm từ phiếm chỉ “nào ai đó” nhằm nhấn vai trò, trách nhiệm của những người được coi là “nhân tài” trước hiện thực xót xa của đất nước. Tú Xương nêu vấn đề và cũng ám chỉ trách nhiệm với “ai đó” rồi. Câu thơ không cần có lời đáp nhưng những ai có lương tâm và lương tri với đất nước sẽ không khỏi chạnh lòng. Câu thơ đơn giản vậy thôi mà khơi gợi ý thức trách nhiệm của mọi người, nhất là kẻ sĩ. “Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà” … vừa là trông lại cảnh đất nước vừa trông (nhìn) lại chính mình. Ở đây không có đả kích và châm biếm nữa. Chỉ là lời nhắn nhủ kêu gọi.

Hai câu kết đã nâng tầm tư tưởng của bài thơ. Điều đáng quý là nhà thơ đứng trên nỗi đau hỏng thi của cá nhân để “buồn” và lo nghĩ đến tương lai của giống nòi, của quê hương, của đất nước.

Bài thơ “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” của Trần Tế Xương mở đầu là nói về kỳ thi nhưng khép lại là một nỗi niềm tâm trạng thiết tha với đất nước. Toàn bài, chữ nghĩa rất bình dị nhưng cũng rất thần tình. Nhà thơ tả cảnh trường thi và tả cảnh quan sứ dự lễ xướng danh nhưng người ta còn trông thấy cả một trò diễn lố bịch và kệch cỡm tựa như một tấn tuồng trên sân khấu. Thành công của bài thơ là cảm hứng bi hài trước những nhố nhăng, nhốn nháo, kệch cỡm của khoa thi và để lột tả cái cảnh bi hài ấy Tú Xương đã sử dụng hiệu quả thủ pháp biếm họa để trào phúng và giãi bày tâm sự. Đọc bài thơ ta không chỉ bái phục tài năng của một “bậc thần thơ thánh chữ” (Nguyễn Công Hoan) mà còn cảm phục một tấm lòng của kẻ sĩ thành Nam luôn thấp thỏm canh cánh lo cho vận nước “Nhân tài đất Bắc nào ai đó/ Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”. Chính bởi tài và tâm của nhà thơ như thế nên Xuân Diệu đã đánh giá ông rất cao: “Ông nghè ông Thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một tú tài”. Vậy thì bảo sao người đời chẳng xếp ông vào hàng thứ năm trong lịch sử văn học Việt Nam (sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm). Chẳng những vậy, hậu thế còn bao người suy tôn ông làm tổ sư và tự thay họ đổi tên nhận làm môn đệ của ông với các bút danh như thể Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc ... Thật vinh dự thay!