Đọc Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình, sách chuyên khảo của Họa sĩ, Nhà biên kịch, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Nxb Hội Nhà văn – 2022.
Đây là một cuốn sách dày dặn (hơn 600 trang, khổ in 16x 24), trình bày đẹp, bắt mắt và rất dấu ấn phim ảnh. Hơn thế trong cái vỏ bọc “hoàng bào” điển nhã ấy là cả một kho kiến văn sâu rộng, một trải nghiệm nghề nghiệp chuyên sâu và kỹ lưỡng về nghề - Nghề viết phim truyện truyền hình, một lĩnh vực có thể nói là đang khá sôi động hiện nay.
Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình mới “đi vào đời sống” trong một thời gian vài tháng nhưng đã có nhiều phản hồi tích cực từ độc giả, nhất là các sinh viên đang tu nghiệp nghệ thuật làm phim truyện điện ảnh và truyền hình, các nhà biên kịch tại các cơ sở sản xuất phim. Cá nhân tôi, một người “sống bằng ngòi bút” với nghề viết kịch bản phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình trong nhiều thập niên, cảm nhận được ba điều thú vị. Đó là: (1) Cuốn sách đáng đọc; (2) Cuốn sách cần thiết; Và (3), Cuốn sách dễ đọc.
Với điều thứ nhất, cuốn sách đáng đọc là ở chỗ, ngay từ những trang đầu, tác giả đã giới thiệu cho độc giả các thông tin, các kiến thức phong phú đa chiều về nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển của truyền hình và phim truyện truyện hình. Các bức “ trích ngang” về khởi thủy của một ngành truyền thông, về mảng phim nghệ thuật trong nội tại của nó hiện đang giữ vị trí hàng đầu thu hút mọi giai tầng công chúng khán giả trên mọi châu lục, trên từng quốc gia hẳn sẽ giúp cho mỗi độc giả thêm các kênh hiểu biết, phương thúc tiếp cận về sự liên ngành nghệ thuật, về mối liên tài của đội ngũ sáng tạo, về sự bổ ích và trải nghiệm không gian nghệ thuật nghe nhìn số đông mà tuổi đời được coi là trẻ nhất trong bảy loại hình nghệ thuật kinh điển. Cùng đó, độc giả cũng luôn được hồi quang về hàng trăm bộ phim truyện truyền hình tiêu biểu, có dấu ấn điểm mốc phát triển của lĩnh vực nghệ thuật nghe nhìn qua các thời kỳ của nước ta và một số nền phim truyện truyền hình phát triển, có thành tựu lớn trên thế giới; “ làm quen” với đội ngũ các văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, các nhà chế tác chuyên nghiệp đông đảo theo nhiều phong cách khác nhau mà tác giả đã kỳ công sưu tầm, phân tích, kiến giải, giới thiệu,… theo phương pháp khách quan, liên ngành, nghiêm cẩn và kỹ lưỡng.
Với điều thứ hai, chắc chắn là, cuốn sách khá cần thiết cho tất cả những ai yêu thích công việc viết kịch bản và làm phim truyện truyền hình; cho những người nghiên cứu giới thiệu và quảng bá cho loại hình nghệ thuật này; và cho các sinh viên tu nghiệp trong lĩnh vực truyền thông về phim ảnh, đặc biệt là sinh viên các lớp biên kịch, đạo diễn tại các cơ sở phát hiện đào tạo nguồn lực mới cho ngành Điện ảnh và ngành Truyền hình, bởi: Cuốn sách sẽ giúp cho các nhân tố, thành tố nói trên tiếp nhận một cách hệ thống, chiệm nghiệm một cách cặn kẽ và hấp thu một cách bài bản, thế nào là ngôn ngữ điện ảnh; hiểu về đặc trưng của thể loại phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình; cùng đó, họ cũng sẽ phân biệt được, thế nào là kịch bản cho phim truyện điện ảnh và thế nào là kịch bản cho phim truyện truyền hình. Đây là cái chìa khóa cần thiết, có các bí kíp năng động, khả dụng để mở cánh cửa vào không gian sáng tạo ra những bộ kịch bản, những phim truyện truyền hình có thể kéo dài nhiều chục tập đến hàng trăm tập, có thể chinh phục được mọi đối tượng khán giả của màn ảnh nhỏ…
Để Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình trở nên cần thiết mang tính chuyên nghiệp cao, tác giả, sau khi nêu ra những đặc trưng cơ bản của phim truyện truyền hình như một khái niệm định luận, đã kỳ công thu thập, lý giải… rất cụ thể từng chuyên mục hẹp của thể loại này và các bước “ thi công” cần thiết của nhà biên kịch: Đó là, các thành phần cấu tạo nên một kịch bản như: Phần thuyết minh khung cảnh ( tức là phần văn xuôi mưu tả địa điểm, không gian bối cảnh, hình dạng, tuổi tác, hành động, trạng thái tâm lý của nhân vật); phần thoại ( gồm đối thoại, độc thoại, lời ngoài hình…); Đó còn là các thủ pháp để tạo nên tính bố cục năng động như ngắt quãng thời gian bằng các tựa đề ngôn từ, con số chỉ năm tháng; chỉ địa điểm bối cảnh… mà chỉ có cấu trúc phim truyện mới phát huy được hết tính năng montage, một đặc trưng bản sắc của Nghệ thuật thứ 7.
Cuốn Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình còn được bàn luận sâu về một đặc trưng mang tính cốt lõi của kịch bản phim truyện truyền hình, đó là tính liên tục kịch. Tác giả đã đưa vào cuốn sách khá nhiều dẫn chứng sinh động về thế nào là tính năng liên tục kịch và chứng minh thuyết phục, rằng vì sao phải giữ được đặc trưng không thể thiếu này trong mỗi đoạn, mỗi trường đoạn, mỗi tập của bộ kịch bản, chất liệu nền tảng; hồn vía tư tưởng, thẩm mĩ; nguồn lực nhân vật cho bộ phim tương lai.
Một điều rất cần thiết nữa là tác giả cuốn sách đã trân trọng nêu lên mối quan hệ giữa Văn học và Điện ảnh, trong đó kịch bản phim truyện truyện hình được coi là một bộ phận quan trọng của Nghệ thuật thứ 7. Mối quan hệ này đã có từ buổi bình minh của Điện ảnh cách đây khoảng gần 130 năm và ngày càng trở nên khăng khít, ngày càng phát lộ những phát kiến, những kết quả nghệ thuật vô cùng dấu ấn và thăng hoa. Theo đó, để có được những bộ kịch bản phim truyện truyền hình dài tập nhà biên kịch cần thiết phải có tư duy dựng truyện dài hơi và cần hơn nữa kiến văn của những nhà văn tiểu thuyết; cộng tác hoặc sử dụng những tác phẩm của họ là cơ hội tốt cho mỗi tác giả khi thực hiện công việc sáng tạo ra các bộ kịch bản phim truyện truyền hình. Trong thực tế, phần đa các tác phẩm phim truyện truyền hình thành công đều được khai thác từ những bộ tiểu thuyết lớn, hoặc kịch bản được các nhà văn tiểu thuyết yêu thích Điện ảnh và Truyền hình viết ra.
Với điều thứ ba, công trình Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình là cuốn sách dễ đọc bởi cách trình bày bố cục khá mạch lạc theo hướng tạo trụ cột và sự lan tỏa, tạo điểm nhấn và chu trình quy nạp. Mọi khái niệm nghệ thuật và khoa học xã hội nhân văn; mọi khía cạnh nghề nghiệp dù là nhỏ nhất để sáng tạo nên một kịch bản phim truyện truyền hình được nêu ra trong sách đều được tác giả lý giải, chú thích, biện luận hướng tới tính chuyên nghiệp của nghệ thuật nghe nhìn. Thú vị nhất là ông đã chứng minh khá thuyết phục về đặc trưng bản chất nhất của ngôn ngữ điện ảnh, thứ ngôn ngữ sâu rộng mênh mông như bể đã và còn sẽ thu hút cả một rừng văn nghệ sĩ tài năng, các chuyên gia hàng đầu về phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình đàm luận, kiến giải bằng sáu chữ: Nhìn thấy được và Nghe thấy được. Sáu chữ mà nói được đầy đủ nhất bản chất và bản sắc nhất của ngôn ngữ điện ảnh. Nhìn thấy được, Nghe thấy được, có nghĩa là những gì nhà biên kịch viết ra mà đạo diễn và các thành phần sáng tạo tiếp theo không Nhìn thấy được, không Nghe thấy được thì chưa phải là một kịch bản chuyên nghiệp.
Cuốn Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình còn dễ đọc, còn hấp dẫn bởi tác giả của nó vốn xuất thân là một họa sĩ Điện ảnh nên ông đã đưa vào công trình nghiên cứu nghệ thuật của mình một hệ thống minh họa bằng tranh ảnh khá phong phú và ấn tượng. Các tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh thượng dẫn đã góp phần tôn vinh thêm nội dung các phần kiến văn, dẫn giải, minh chứng bằng các ví dụ sinh động, tạo ra nhiều lực hấp thu sự hiếu kỳ của độc giả.
Để kết thúc bài viết nhỏ, bằng thu nhập cá nhân trước một cuốn sách đáng đọc, cuốn sách cần thiết và dễ đọc, chúng tôi cho rằng, sẽ có nhiều cách để hiểu biết để tiếp cận về lịch sử Truyền hình và phim truyện truyền hình; có nhiều con đường để nghiên cứu trải nghiệm và sáng tạo nên những bộ kịch bản chuyên nghiệp và chất lượng cho phim truyện truyền hình mà tài năng nghệ thuật là điều kiện tiên quyết nhất, song cuốn Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình của tác giả Đỗ Lệnh Hùng Tú sẽ giúp cho những ai yêu thích các lĩnh vực nói trên có được những tri thức, những kiến văn tin cậy, những thủ pháp nghề nghiệp khai phóng, kiến tạo năng động, tránh được các lối đi đường vòng. Đây cũng chính là điều mà chúng tôi trân trọng xin giới thiệu cuốn sách đến tất cả các quý độc giả yêu mến truyền hình và phim truyện truyền hình, đặc biệt các quý vị đồng nghiệp đang thích thú với công việc sáng tạo ra những tác phẩm kịch bản phim truyện truyền hình./.