Tuy nhiên, Rằm Trung thu mới thực là ngày tết thiếu nhi của thiếu nhi Việt Nam. Rằm Trung thu là cái tết chung vui cộng đồng cho thiếu nhi Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền, đẳng cấp, tầng lớp. Các bậc cha mẹ không phải quá lo toan sắm sửa cho con cái như chuẩn bị Tết Nguyên Đán. Gia đình có điều kiện thì chăng đèn kết hoa, đèn kéo quân, đèn lồng; cỗ trung Thu là hoa quả ngoại nhập, bánh nướng bánh dẻo cổ truyền hoặc hiện đại. Gia đình ít điều kiện thì chỉ cần đôi trái bưởi, dăm quả hồng, đèn ông sao tự làm hoặc trống đất quay tay; hoặc chỉ một vài trong những thứ ấy cũng đủ một cái tết thật vui cho con trẻ. Những nơi còn thiếu điện thì trẻ em làm lễ trông trăng dưới ánh trăng vàng đầy lãng mạng, và chị Hằng, chú Cuội với cây đa là của chung tất cả các em. Kéo co, trốn tìm, rước đèn đã đưa các em lại gần nhau hơn, gắn kết các em hơn.
Con trai tôi sinh nhật vào cuối tháng 9 dương lịch, có những sinh nhật của cháu trùng ngày rằm Trung thu. Tôi lưu được bức ảnh tối sinh nhật trùng rằm Trung thu của con trai được chụp dưới ánh trăng trên sân thượng nhà tôi. Một hộp bánh nướng, bánh dẻo, một quả bưởi là cỗ trông trăng. Quà sinh nhật là mấy toa tàu chạy bằng pin được sản xuất tại nước ngoài, đang được cháu chăm chú lắp ráp trên sân gạch - Hạnh phúc nhiều khi chỉ vậy là đủ?
Trung thu không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn chúng ta nữa. Nhìn con trẻ vui chơi, chúng ta được quyền mơ về một tấm vé trở lại tuổi thơ. Hiện nay trên một tờ báo mạng có một chuyên đề "Nhìn Tây ngẫm Ta", nhưng với tôi Tết Trung thu của Việt Nam là điều mong ước của Tây đấy.
N.V.N.
Trái tim người lính