Cảm tác từ một bức ảnh

Tình cờ xem được cái ảnh chụp Hà Nội phố ngày xưa có bộ cửa giống nhà tôi trước đây quá, có cả xe cá xanh, rồi một lũ trẻ con ngồi bậu cửa sổ... Cả một bầu trời kỷ niệm tuổi thơ ùa về.
cam-tac-yu-1631135983.jpg
Ảnh: NAG Thomas Billhardt

Một số nhà nhưng sáu căn nhà chung nhau, khác chăng chỉ là chữ cái được đánh bên cạnh ABCDEF. Tất cả các căn nhà giống y hệt nhau, nghĩa là đều hai tầng, có cửa chính và cửa sổ rất rộng.Một lối kiến trúc thiết kế chung cho các căn nhà không có cửa hậu chăng? Cửa ra vào vừa đủ cho hai cánh đóng khép như các ngôi nhà bình thường. Riêng cửa sổ hơi đặc biệt, nó là những miếng gỗ hình chữ nhật lắp ghép lại. Khi cần ta có thể tháo hết ra, nhà rất thoáng. Cửa sổ rộng chiếm hết mặt tiền ngôi nhà, có thể dỡ hết các tấm gỗ ấy để thành cửa hàng. Đây là kiểu nhà mặt phố rất phổ biến thời Pháp thuộc.

Chúng tôi được sinh ra và lớn lên ở một căn nhà như vậy.

Mùa hè, cứ chiều đến, khi ánh mặt trời đã tắt, giời hơi sâm sẩm tối, ông tôi hoặc cậu tôi tháo hết các tấm gỗ ra, căn nhà mát hẳn. Chúng tôi có thể nằm trên cái phản lim mát rượi mà thò cổ ra ngoài đường hóng xe cộ qua lại, hóng mẹ đi làm về, hồi ông chưa về hưu thì hóng ông. Thỉnh thoảng mẹ mua cho mấy cái bánh xốp, ông thì mua cho một xấp bánh bẻng. Quà cho trẻ con là những cái bánh bột rẻ tiền, so với bây giờ thật kém xa chất lượng nhưng sao trẻ con chúng tôi thích thú, ăn ngon lành lắm.

 Xe cộ ngoài đường không nhiều, rất thưa thớt. Mọi người đi lại chủ yếu bằng xe đạp, tàu điện và đi bộ. Mà  xe đạp cũng có  ít. Ô tô thi thoảng mới có một cái chạy qua cửa nhà.  Nhà nào khá lắm thì có xe máy. Vậy mà ông bà tôi chắt bóp để dành mua được cái Mobylette màu vàng. Trẻ con chúng tôi gọi là xe cá vàng. Ngày thường cá vàng được đắp cái chăn đơn nằm góc nhà. Khi nào đi đâu như cưới hỏi, đám giỗ quảy họ hàng, tết nhất, về quê... cậu tôi lôi ra chở ông hoặc bà tôi đi. Trẻ con chớ có léng phéng đùa nghịch gần cái xe, nó mà đổ thì chết đòn. Quý là vậy mà sau này khi hết thời, cái xe được bán đổ đi với cái giá khá là rẻ mạt. Nếu để đến bây giờ thành đồ cổ, biết đâu lại có giá nhỉ!

 Thời ấy, mùa hè cũng nóng lắm nhưng không nóng đến nỗi chảy mỡ như bây giờ. Quạt nan, quạt giấy được ưa chuộng.  Các bà hàng xóm sang chơi với bà tôi, bà nào cũng phe phảy trên tay không cái quạt nan thì là cái quạt giấy. Bà tôi ngồi bán hàng chè chén lúc nào cũng có cái quạt nan thường trực bên cạnh. Giữa nhà tôi có một cái quạt trần của Ý chạy mát cho cả nhà. Cái quạt được giữ lại dùng cho đến tận bây giờ, chạy êm lắm mặc dù đã phải sơn lại và dùng ròng rã hơn nửa thế kỷ. Trong giường bà và lũ trẻ con được ưu tiên dùng quạt tai voi, cái cánh quạt tròn xoe, bằng cao su mềm và rộng bản. Sau này có tiền bà thay bằng cái quạt Nhật cánh màu xanh thẫm, toàn thân sáng nhoáng chạy êm như ru vậy. Hồi đó an ninh cũng khá tốt, do giời nóng có đêm nhà để phanh cửa, cậu tôi bắc cái giường xếp nằm ngoài đường mà không thấy trộm cắp gì.

Thời tiết sang thu như bây giờ, mát mát giời, cửa sổ lại được đóng kín để ngăn bớt những cơn gió hanh hao ùa vào nhà. Bà cũng dọn hàng sớm, cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ.

Tình cờ xem được cái ảnh chụp Hà Nội phố ngày xưa có bộ cửa giống nhà tôi trước đây quá, có cả xe cá xanh, rồi một lũ trẻ con ngồi bậu cửa sổ... Cả một bầu trời kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Tôi đã nhìn thấy hình ảnh chị em chúng tôi trong đó, cảm thấy nhớ quay quắt Hà Nội xưa, nơi đó có ông bà ngoại của chúng tôi đã chăm bẵm, nuôi nấng, dạy dỗ chúng tôi thành người.

 

Theo Chuyện quê