Cảm xúc màu Đặng Lưu San

Ngô Đức Hành

12/01/2022 20:32

Theo dõi trên

Tôi biết nhà văn Đặng Lưu San (Đặng Tuyết Hồng) nhưng không đến độ thân thiết. Hai anh em cùng sinh hoạt ở Hội Nhà văn Hà Nội, nên năm gặp một lần vào dịp “hội hè”. Đặng Lưu San là nhà văn đầy nội lực sáng tạo.

dang-luu-san-1641994128.jpg
Bạn bè trong giới văn chương đến chúc mừng nhà văn, họa sỹ Đặng Lưu San (thứ tư, trái sang)

Chị đến với văn chương đa diện, vừa viết văn, vừa làm thơ. Nếu đích đến của những nhà văn là tiểu tuyết thì đến nay Đặng Lưu San đã là tác giả của “Hoa xuyến chi vẫn nở” (NXB Hội Nhà văn năm 2015), “Nửa đời của Hạ” (NXB Hội Nhà văn năm 2016); ngoài ra chị đã xuất bản hai tập truyện ngắn “Cung đường mê” (NXB Hội  năm 2018). “Ngôi nhà trên bến Đằng Giang” (NXB Hội Nhà văn năm 2021). Về thơ, chị đã in “Mơ bến bình yên” (NXB Hội Nhà văn năm 2014), “Nơi anh không thể tới” (NXB Hội Nhà văn năm 2016). Như vậy, con đường đến với văn chương của chị bắt đầu bằng cảm xúc thơ, nhưng tâm hồn trải ra trên cả hai loại hình văn bản.

Đặng Lưu San luôn làm tôi bất ngờ. Từ năm 2014 đến nay, gần như năm nào chị cũng có tác phẩm ra mắt bạn đọc, thơ và văn cứ “gối nhau”, tương đối sòn sòn. Hai năm nay vì Covid-19 nên đúng là bẵng đi, tôi không gặp chị. Để rồi tôi nhận được thông tin “sửng sốt”: chị khai mạc triển lãm mỹ thuật có tên không thể mở hơn là “Triển lãm Mở”.

“Triển lãm Mở”, khai mạc vào sáng 11/01/2022, khi Tết đã cần kề, tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Dẫu đang phải “thích ứng an toàn, linh hoạt” nhưng khá đông bạn bè, những người yêu hội họa, mến mộ chị đến khá đông. Tôi đến vào ngày thứ hai. Đặng Lưu San chưa hết xúc động. “Tri ân sâu sắc nhất tới những người bạn người thân yêu đã đến chia sẻ niềm đam mê của Đặng Lưu San trong buổi sáng hôm qua. Do dịch bệnh nên không có tiệc đứng nhưng Triển lãm vẫn tràn đầy những lẵng hoa tươi thắm, đầy ắp những nụ cười và ánh mắt hân hoan. Hạnh phúc và xúc động. Nghẹn ngào và rưng rưng...”, chị chia sẻ.

2. “Đặng Lưu San đến với hội họa như một cuộc dạo chơi, và cuộc bày tranh này là nhà văn đang xòe bài tam cúc: tứ tử trình làng. Một cuộc chơi ngẫu hứng, thật lãng mạn và sang trọng, cho đã với cái sục sôi có trong mình”, họa sỹ Đỗ Đức bày tỏ. Nhận xét của ông được in trên một banner cùng ảnh họa sỹ Đặng Lưu San, trên sảnh tầng 2 Nhà Triển lãm, trước cửa Phòng trưng bày Triển lãm Mở.

Mở” ra mắt lần này gồm 57 tác phẩm sơn dầu, trên chất liệu Acrylic, đủ các khổ, hoành tráng nhất là “Chiều Hạ Long” kích thước 1,0mx2,4m. Đề tài trong tranh Đặng Lưu San đa dạng, từ “Mùa xuân” 1 và 2; “Những mùa hoa” 1,2,3,4,5; “Hoa mùa xuân” 1, 2; “Vũ điệu sắc màu” 1,2,3; quê hương, đất nước; đề tài hoài niệm như “Dấu xưa”, “Tiếng vọng” 1,2; “Miền quê”, “Lối về”....đến những đề tài hoàn toàn siêu thực như các tác phẩm “Mê cung” 1,2,3; “Mắt mây”, “Sự sống”...Đến với hội họa trong những năm tháng thế giới và đất nước đối diện với thảm họa Covid-19, nên Triển lãm Mở cũng có 2 tác phẩm “Hoa mùa Covid” 1,2. Điều đó cho thấy, trách nhiệm xã hội của chị ngay trong tác phẩm hội họa.

dang-luu-san-2-1641994129.jpg
Nhà văn, họa sỹ Như Bình (trái) và nhà văn, họa sỹ Đặng Lưu San bên tác phẩm “Chiều Hạ Long”.

Tôi như lạc vào không gian của màu sắc tươi sáng, bạo liệt, nhiều thông điệp và truyền cảm hứng. Đúng là con người luôn tiềm ẩn những năng lượng không giới hạn. Xin nhớ, Đặng Lưu San mới đến với hội họa hơn một năm nay, tình cờ như ai mách bảo, quến dụ. “Bây giờ đi đâu em nhớ giá vẽ, cứ muốn mau chóng trở về nhà. Trong giấc mơ cũng thấy mình đang vẽ”, chị chia sẻ. Chị vẽ như lên đồng. Tác phẩm “Chiều Hạ Long” kích thước lớn như vậy nhưng Đặng Lưu San vẽ trong một ngày.

Chị San và đến với vẽ nhanh chóng nhập cuộc, mãnh liệt, rõ ràng với những màn tung hứng của cảm xúc. Chị đến với hội hoạ như một cuộc ghé chơi, chả có gì phải căng thẳng, hay quá đề cao những ước vọng. Thấy thích thì vẽ,  vui thì chơi tiếp, hứng thú thì ở lại, hạnh phúc thì tiếp tục tận hiến. Hội hoạ của chị hồn nhiên, tươi mới. Màu sắc của chị trong trẻo và đẹp một cách tươi ròng. Cái quan trọng nhất là ngay từ đầu chị đã tìm được lối đi, một con đường để không lạc bước mà thoả sức sáng tạo, mà không gặp bất cứ rào cản nào khác”, nhà văn, họa sỹ Như Bình có mặt trong ngày khai mạc, không dấu được cảm xúc trước tác phẩm của đàn chị. “Ngắm tranh của chị thấy ào ạt cảm xúc, thấy tâm hồn của người vẽ sao mà trong sáng, rạo rực và đắm say đến vậy”, nhà văn Như Bình hạnh phúc.

Tôi để ý trong Triển lãm Mở có 6 tác phẩm về đề tài sông biển. “Em yêu biển, là giảng viên nên được đi thực tế nhiều vùng quê, trong đó có vùng biển nên tiếp xúc nhiều với đời sống lao động của bà con ngư dân. Tranh về biển của em, trong đó có niềm tự hào, có mơ ước về biển cũng như quê hương luôn bình an, hạnh phúc cho con người”, Đặng Lưu San bộc bạc chân thành, khi tôi tìm hiểu căn cớ của cảm xúc.

Xem tranh người đàn bà vẽ Đặng Lưu San, tôi nhớ bài thơ “Đàn bà” của chị. “Người đàn bà đi qua nỗi đau / gom nhặt những niềm tin rơi vãi / Cứ tự hỏi / Sao đàn ông chẳng bao giờ hiểu / đàn bà / muốn gì?”. Thế giới màu sắc qua Triển lãm Mở, không ít hoài niệm, xung đột, bùng nổ, khao khát tự do.

dang-luu-san-3-1641994129.jpg
Họa sỹ Đặng Lưu San (trái) và nhà thơ Ngô Đức Hành

3. Đặng Lưu San không học ai, vẽ tự do không theo quy thức nào. Núi đồi, biển cả, cánh buồm, phố, quê, lối cũ, những hàng cây, bốn mùa, mưa nắng...nằm trong tâm thức chị từ bao giờ, nay có dịp trào ra, rải lên toan theo cảm xúc màu.

Vì thế, theo họa sỹ Đỗ Đức, tranh chị khó đặt tên, vì sáng tác của chị không với ý thức của người dựng tác phẩm hội họa, mà chỉ mượn màu toan bút để giữ lại cảm xúc trước thiên nhiên như một tứ thơ bất chợt hiện ra. Đó là cái hay đặc trưng của Đặng Lưu San với hội họa. Vì trải cảm xúc, không toan tính trên mặt toan nên thước đo của tác giả là thuận mắt. Vâng, vừa mắt mình thì vừa mắt người. Có phải thế không mà xem tranh chị không thể bắt bẻ thế này thế kia, vì chẳng có thế này thế kia để mà bắt bẻ.

Triển lãm Mở giàu tính ngẫu hứng cho một cuộc chơi cảm xúc sẽ không dừng tại đây mà nó sẽ còn tiếp diễn như những vần thơ theo năm tháng. Khi tâm hồn vẫn đầy cảm xúc dành cho thi ca và hội họa thì tranh sẽ được tiếp tục vẽ. Sẽ là như vậy, họa sỹ Đỗ Đức nhận định. Với Đặng Lưu San, tôi nhận ra “Trong sâu thẳm / Chút khao khát phập phồng / Phập phồng khao khát / thì thầm gọi tên / ánh sáng” (Ánh sáng, thơ Đặng Lưu San). Thứ ánh sáng đó, phóng sinh màu sắc, thành vũ khúc trên toan.

 

Bạn đang đọc bài viết "Cảm xúc màu Đặng Lưu San" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn