Cất vó đêm

Hiền Hòa

20/10/2021 23:05

Theo dõi trên

Thương biết bao nhiêu những ngày tháng quê hương và dân làng đói khổ ấy. Thương biết bao nhiêu những con người lao động lam lũ, vất vả, lặn lội như thân cò, thân vạc ở một thời xa vắng mênh mông.

cat-vo-dem-2-1634699095.jpg

Đêm. Bóng tối bao trùm không gian. Thuận theo lẽ tự nhiên, đa phần vạn vật đều nghỉ ngơi, tận hưởng một giấc ngủ êm như nhung. Nhưng không. Vẫn có những vật thức về đêm. Ngôi sao thức để nhấp nháy báo hiệu sự tồn tại của một tinh cầu trong dải ngân hà. Gió thức để lang thang rong chơi. Ếch nhái, dế mèn thức để tấu màn giao hưởng hoan ca. Cò, vạc thức để kiếm ăn...Và có cả những người không ngủ, làm bạn với sao trời, ếch nhái, dế mèn, cò vạc. Đó là những người cất vó đêm.

Cất vó đêm là một nghề lao động cực nhọc của người lao động nghèo quê tôi vào những năm 80,90 ở thế kỉ XX.

Người làm nghề là những thanh niên tuổi ngoài đôi mươi, ba mươi còn đang độ trai tráng. Ban ngày, họ cũng đi làm các công việc đồng áng cấy cày như mọi người. Nhưng vào mùa giáp hạt, khi hoàng hôn buông xuống,họ lại rủ nhau từng tốp hai, ba người lên đường đi cất vó đêm. Hai, ba chục cái vó tôm có bốn gọng làm bằng tre, bụng vó làm bằng vải màn nhuộm nâu, khâu viền bốn cạnh vuông vắn; một cây sào dài bằng tre có mấu hoặc có đóng đinh ở đầu sào; một ống bơ mồi bằng cám gạo rang trộn nước sền sệt; một cái rổ sề cỡ đại to hơn cái thúng cái có một thanh tre nhỏ ngáng ở giữa hai tâm cạp, được luồn buộc bằng dây mây chắc chắn để cầm nắm; một chiếc đèn dầu cỡ đại được chụp bằng một cái vỏ chai; một cái giỏ tre cũng cỡ đại. Đó là tất cả đồ nghề của người cất vó đêm.

cat-vo-dem-1-1634699135.jpg
Nghề cất vó

Nơi họ làm việc là dọc những khúc sông vắng vẻ, nằm cạnh rìa làng hoặc cách xa làng. Tôi chưa từng đi cất vó đêm ở bờ sông vắng như thế bao giờ. Nhưng cất vó đêm ở rìa con cừ và rìa ao quanh nhà từ chập tối đến 9, 10 giờ đêm thì bọn trẻ chúng tôi đã từng làm, nên tôi có thể phần nào hình dung được cảnh cất vó đêm.

Tôm thường đi kiếm ăn vào lúc chạng vạng tối đến nửa đêm. Ngửi thấy mùi thính rang thả trong lòng vó, chúng bơi vào đánh chén. Bằng cảm quan, người cất vó đoán được độ bao lâu thì bọn tôm gần đấy đang say mồi. Thế là cứ chừng mươi, mười lăm phút hoặc nửa tiếng đồng hồ sau khi thả thính, vó lại được cất lên một mẻ. Cất vó tôm khi hạ sào và nhấc sào phải thật khéo, thật nhẹ, thật từ từ, êm ái, tránh động làm tôm sợ mà búng đi, khi gần lên khỏi mặt nước thì phải kéo dứt khoát và nhanh tay để tạo độ võng dồn tôm vào đáy vó.

Đêm đồng quê tĩnh mịch. Dế mèn gảy đàn, vuốt râu và cất khúc hát "ri ri"... quen thuộc, khúc hát mà chỉ riêng loài dế mới hiểu chúng hát gì. Tiếng ếch nhái kêu kèng kẹc như một bản đồng ca dài bất tận, làm cho đêm như sâu hơn, đầy bí ẩn. Thỉnh thoảng lại có chú nhái nào đó tinh nghịch hay giật mình nhảy tõm xuống mặt nước phía xa xa. Gió mùa hè mát lịm, mơn man. Những vì sao mọc chi chít, nhấp nháy như những con mắt tinh nghịch trên bầu trời cao vời vợi. Trăng lên xa rồi gần, dát vàng cả mặt nước. Chiếc vó được cất lên khỏi mặt nước, võng xuống, nặng chũm. Nước ở đáy vó nhỏ tong tong làm cho ánh trăng trên mặt nước vỡ vụn, loang loang, sóng sánh. Một vài con tôm búng tanh tách hòng thoát ra ngoài nhưng vô hiệu. Những con còn lại nằm im lìm, chân càng bám xoè trên thành vó. Dưới ánh trăng và ánh đèn dầu, những con tôm tươi roi rói bụng to kềnh những trứng; những con tôm càng đầu to, mình trong veo, giương đôi mắt lồi bò lổm ngổm. Với động tác điệu nghệ kiểu nhà nghề, chiếc sào dồn dồn chúng về một phía rồi hất gọn chúng vào trong lòng chiếc rổ sề đại. Lúc này, chúng mới bừng tỉnh, giẫy giụa, búng, nhẩy... theo phản xạ tự nhiên nhưng cũng không thể thoát ra khỏi chiếc rổ vừa cao, vừa rộng.

Sau mỗi mẻ cất, tôm được trút nhẹ nhàng vào chiếc giỏ đại có hom buộc chắc chắn rồi thả dìm xuống mặt nước, cạnh một chiếc cọc làm dấu hoa tiêu.

Gà gáy sáng báo canh ba, những chiếc vó được cất mẻ cuối rồi thu dọn trở về.Những con tôm tươi ngon ấy lại theo đôi bàn chân trần của các bà, các mẹ băng qua ruộng đồng, băng qua con sông, con đò ngang, băng qua cả những con đường đất, đá, sỏi để đến những phiên chợ huyện, chợ tỉnh xa xôi cách nhà hàng chục, thậm chí là hai chục cây số, bán đổi lấy mấy bơ bột sắn, mấy ống gạo chiêm, gạo mùa để chống đói cho cả nhà qua mùa giáp hạt. Trên quãng đường xa xôi ấy, các bà, các mẹ nhịn đói đạp đường xa trở về. Nhưng trong cái thúng đội trên đầu, trong cái rổ cắp bên sườn, thế nào cũng có vài củ ấu luộc hoặc dăm ba khúc mía, hoặc vài cái kẹo bột, hoặc miếng bánh đa vừng để về chia cho bọn trẻ đang ngóng đợi ở nhà.

Thương biết bao nhiêu những ngày tháng quê hương và dân làng đói khổ ấy. Thương biết bao nhiêu những con người lao động lam lũ, vất vả, lặn lội như thân cò, thân vạc ở một thời xa vắng mênh mông. Thời gian đã đi vào dĩ vãng. Những chàng trai ngày ấy giờ tóc đã điểm sương, da đã đậm nốt đồi mồi, khoé mắt chi chít vết chân chim. Những bà, những mẹ ngày ấy, giờ đã nhiều người về với tổ tiên, ai còn thì cũng già lụ khụ cả rồi. Nghề cất vó đêm giờ cũng không còn ai làm nữa. Nó đã đi vào dĩ vãng xa xôi. Nhưng sao trong kí ức và tâm hồn tôi, cái công việc lam lũ, vất vả ấy vẫn ngời lên một nét đẹp rất kì diệu, khó phai.

Theo Chuyện quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Cất vó đêm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn