Câu chuyện cổ về hát Then

Thế Sơn (th)

14/09/2021 22:15

Theo dõi trên

Hát Then là một loại hình nghệ thuật độc đáo, phân bố chủ yếu ở 13 tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

hat-then-1631631926.jpg
Hát Then là một loại hình nghệ thuật độc đáo. Ảnh internet

Hát Then không những có mặt ở Việt Nam, mà còn xuất hiện phổ biến ở dân tộc Choang thuộc Trung Quốc. Then được gọi là trời, xuất phát từ cách đọc chệch từ Thiên. Hát Then theo đó là để tế trời.

Được biết, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ở Cao Bằng, hát Then là loại hình đã tồn tại lâu và có cả một bề dày lịch sử, liên quan đến vương triều nhà Mạc. Theo Lê Chí Thanh, Hát then - Đàn tính (gọi tắt là Then tính) là loại hình dân ca đặc sắc nhất của Cao Bằng, bắt nguồn từ cuộc sống lao động tập thể cộng đồng của người Tày cổ.

“Then tính hai miền gắn với giai đoạn lịch sử khoảng 100 năm khi nhà Mạc ở Cao Bằng. Cuối thế kỷ XVI, tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc tranh ngôi vị. Do yếu thế, nhà Mạc lên Cao Bằng chiếm cứ đặt kinh đô ở Cao Bình từ đời Quang Hưng 1594, đến đời Vĩnh Trị, mất ngôi vào năm 1677, tàn dư quân Mạc vẫn tồn tại đến năm 1744. Nhà Mạc ở Cao Bằng trải qua 3 đời vua, bắt đầu từ Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1626 - 1638), Mạc Kính Vũ (1639 - 1677). Trong cảnh hàn vi, ly tán, vua Mạc Kính Cung buồn phiền nên phát bệnh ốm đau liên miên, thái y chữa không khỏi.

Lúc đó, có một người giỏi văn chương, chữ nghĩa là Bế Văn Phụng ở làng Bản Vạn, châu Thạch Lâm (nay là xã Bế Triều, huyện Hòa An) được nhà Mạc tuyển dụng và tiến cử Trạng nguyên, phong làm Tư thiên quản nhạc của triều đình. Để khuây khỏa nỗi ưu phiền đang bao trùm lên triều đình, Bế Văn Phụng đã dày công viết nên tác phẩm "Tam Nguyên luận" nổi tiếng với 800 trang và lập ra đội Then tính nữ (còn gọi là đội Then bụt, pựt, vỉt) đến hát, múa. Tác phẩm kể chuyện chiêm tinh, hết bĩ cực đến thái lai, hết suy đến thịnh, bàn luận kế sách, tiên đoán về tương lai, viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên rất thuận cho trình diễn hát then, đàn tính. Đội Then tính nữ thường xuyên luyện tập, hằng ngày trình diễn phục vụ triều đình nhà Mạc.

Thời ấy, ở xã Nga Ổ, châu Thượng Lang (nay là xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh) có nghệ nhân Nông Văn Noọng (tức Nông Quỳnh Văn) nổi tiếng tài hoa, biết rộng, hiểu nhiều, được nhân dân địa phương mệnh danh là "Phùa Cá đang" nghĩa là vua quạ khoang, ý nói là người hát hay, giỏi thơ, văn, thích ngao du sơn thủy, đến đâu cảnh thiên nhiên hữu tình là có thơ đến đấy. Nông Quỳnh Văn là tác giả của tác phẩm “Lượn Ba chu” (Ba châu) và tác phẩm nổi tiếng "Tứ quý hồng nhan" tuyệt hay, dành cho nam, nữ thanh niên hát lượn Then. Ông được nhân dân địa phương tôn sùng là trạng nguyên, tài danh lan truyền khắp các nơi trong tỉnh. Bế Văn Phụng và Nông Quỳnh Văn biết về nhau trong tiếng lành đồn xa và luôn mong sớm được gặp nhau để hàn huyên, tâm sự. Trong dân gian lưu truyền câu chuyện họ gặp nhau ngẫu nhiên trên đỉnh đèo Mã Phục, nơi ranh giới của miền Tây và miền Đông theo sự phân chia địa hình và tiểu vùng khí hậu. Trong một chuyến đi, đến đỉnh đèo, Bế Văn Phụng và đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ, tình cờ gặp Nông Quỳnh Văn và tiểu đồng đang dắt ngựa theo. Mới quen biết mà đã thân tình, họ cùng tâm đắc về văn chương và nghệ thuật hát then, đàn tính, Bế Văn Phụng tha thiết mời Nông Quỳnh Văn vào cung đình cùng phụng sự triều Mạc.

Là Tư thiên quản nhạc, xem trọng nhân tài, nên Bế Văn Phụng coi Nông Quỳnh Văn như người bạn thân thiết, tri kỷ, hai người đã kết “bạn tồng”. Nông Quỳnh Văn xúc động trước đức độ của Bế Văn Phụng, tuy làm quan trong triều đình mà ứng xử bằng hữu với mình. Không ai biết trước rằng, cuộc gặp mặt ấy đã đặt dấu mốc quan trọng sinh ra dòng Then nam bên cạnh dòng Then nữ. Những ngày tháng kề vai sát cánh bên Bế Văn Phụng, Nông Quỳnh Văn đã lập nên đội Then tính nam (còn gọi là đội Then giàng), thường xuyên cùng vào hát, múa phục vụ cung đình nhà Mạc, được vua quan trong triều tâm đắc, ngợi khen.

Dần dần Mạc Kính Cung khỏi bệnh, vương triều như cởi được “gông xích” tinh thần, làm thanh thoát tâm tưởng, con người trở nên mạnh mẽ, phóng khoáng; tiếng Then tính cũng càng ngọt lành, bay xa, được mọi người nâng niu, quý trọng. Then tính vào cung đình nhà Mạc đã góp phần tạo nên sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai luồng văn hóa kinh đô đồng bằng và miền núi. Đó là quá trình được nâng cao về nghệ thuật trình diễn, tạo nên hai dòng Then nữ và Then nam, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Cao Bằng”.

Về Bế Văn Phụng, trong bài “Danh nhân văn hóa Bế Văn Phùng đỗ tiến sĩ đầu tiên thời Mạc ở Cao Bằng năm Nhâm Tuất 1598”, thì được biết thêm: “Từ năm 1592, vua Mạc Kính Cung đóng đô ở Cao Bình, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, nay là thị xã Cao Bằng.

Nhà Mạc coi trọng việc đào tạo nhân tài ra giúp nước. Năm 1595 mở trường quốc học Bản Thảnh. Kỳ thi Hội khóa II năm Nhâm Tuất (1598), ông Bế Văn Phùng đã đỗ tiến sĩ, ông là người Tày đầu tiên đỗ tiến sĩ được bổ nhiệm làm quan Tư Thiên Quản Nhạc. Tư Thiên là ông giỏi về khoa chiêm tinh, thiên văn cổ đại, đoán trước được thời cuộc, người đời coi ông như Trạng, giỏi về lý thuyết âm dương. Ông trông coi cai quản việc quản nhạc trong cung đình nên gọi là Quản Nhạc. Ông sang tác nhiều tác phẩm chữ Nôm Tày theo thể thơ thất thất trường thiên, như sách “ Tam nguyên luận” với 818 câu thơ để luận đoán thời cuộc mỗi chu kỳ sáu mươi năm. Sách “ Trung Nguyên luận” nói về quy luật cái thiện thắng cái ác. Sách “ Giáo nam nữ” gồm 585 câu thơ giáo dục trai trẻ tu dưỡng đạo đức để phụng sự đất nước, ông cũng là nhà tâm lý học. Năm Nhâm Ngọ (1618) vua Mạc Kính Cung đem quân về định chiếm lại kinh thành Thăng Long, song bị bại trận về đến Cao Bằng vua buồn rầu sinh bệnh trầm uất, các quan thuốc thang mãi mà không khỏi bệnh, ông Phùng biết được nguyên nhân bệnh của vua, ông cùng bạn ông là Nông Quỳnh Văn ( người xã Chí Viễn, huyện trùng Khánh), dựa theo điệu lượn then cổ truyền cải biên nghệ thuật hát, tổ chức đội then nữ vào cung vua làm lễ kỳ yên giải hạn, dẫn xướng múa hát với nhiều làn điệu như Cao Sơn, Lưu Thủy, Giã Bạn…làm điệu nhịp nhàng với cây đàn tính êm dịu, chân dung xóc nhạc. Rồi ông kể chuyện tam nguyên nói về sự chuyển vận tự nhiên, bĩ cực đến thái lai, hết suy đến thịnh nhà vua nghe ra đã khỏi bệnh, đây là bài “ Phá đàn tế phi ôn pùa Mạc”do Đoàn Giảng viết:

Nguyên là pùa Mạc Kính Cung

Hoằn quẹng dú chang khẩu chềm hậu cung

Au cung nữ múa mừng chúc chúa

Bế Phùng lễ tặt hất bụt Tày

Mừng tói tính, kha sáu nhạc

Rập rìu cằm pác ón van

Càng dồm hăn càng van đây tỉnh

Lượn hẩu nhình chang tỉnh sao đây

Tập hẩu Kính Cung chan đin đế đô

Đảy Kính Cung dồm khua đây quá…

Dịch là:

Nguyên là lúc vua Mạc Kính Cung

Ngày vắng ở trong cung buồn rầu

Truyền hai quan vào chầu ở hậu cung

Lấy cung nữ múa mừng chúc chúa

Bế Phùng thị đặt ra bụt Tày

Tay gẩy tính, chân rung xóc nhạc

Rập rìu tiếng hát ngọt đưa

Càng xem lâu càng vừa ý thích

Chọn giai nhân trong tỉnh đẹp xinh

Tập thành thạo đưa trình vào tiến

Chầu Kính Cung trong điện đế đô

Được Kính Cung hoan hô khen ngợi…

Tác phẩm giáo nam, giáo nữ đến nay với nội dung xây dựng nếp sống văn minh vẫn phù hợp với thời đại Hồ Chí Minh, cuốn sách dẫn đường để giáo dục cho thanh niên phù hợp với ý định của nhà vua cần có xã hội lành mạnh, tuyển dụng nhân tài để theo đuổi sự nghiệp lớn là về xuôi khôi phục lại vương triều Mạc ở Thăng Long. Sách giáo nam, giáo nữ là những điểu giáo huấn cổ xưa, nhưng vẫn có giá trị tới ngày nay, có nhiều điểm tương đồng với xã hội là xây dựng gia đình văm hóa mới lên, làng xóm và gia đình không có ma túy, cờ bạc, trộm cắp, đàng điếm. Quan hệ tốt trong gia đình đoàn kết, đoàn kết với xóm làng, siêng năng chăm chỉ làm ăn, con hiền, cháu thảo, học hành chăm chỉ. Sách giáo nam, giáo nữ ngày xưa còn phong phú hơn có mười điểm là:

  • Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch; quan hệ với ông bà, cha mẹ, nội ngoại đoàn kết; cư xử, xưng hô đúng ý nghĩa.
  • Tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn, tôn trọng thầy giáo, nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
  • Con hiền hiếu thảo, học hành chăm chỉ; chống tệ nạn xã hội, không nghiện ngập.
  • Dạy con ngoan không dung bạo lực; chăm chỉ làm ăn, chống lười biếng, say đắm tình dục; đối xử với khách vào nhà lịch thiệp.
  • Vợ chồng bình đẳng hòa thuận.

Năm 1626, vua Mạc Kính Cung lại ra quân về Thăng Long lần thứ hai lại bại trận quay về Cao Bằng. Quân Lê trịnh tảo thanh bắt được Mạc Kính Cung giải về kinh đô xử tội. Ông Bế Văn Phùng cũng biệt tăm từ đó, bị nhà Lê bắt hay trốn tránh ẩn dật và mất ở đâu chưa rõ

 

Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện cổ về hát Then" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn