Làng tôi có những cây Đa ...
Không biết có tự bao giờ? Khi tôi lớn lên, cây Đa đã sừng sững đứng giữa làng như thách thức với thời gian. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Khi các cụ biết thì cây Đa đã như vậy, tôi xa quê lâu năm, khi trở về, cây vẫn vậy, chỉ có những chùm rễ cắm xuống đất, tạo thành những cây phụ, thì nhìn thấy rõ. Thảo nào những đứa trẻ trâu như chúng tôi ngày xưa, dành hết cả tuổi ngây thơ, thỉnh thoảng năm sáu đứa lại nối vòng tay "đo thử" xem cây có lớn thêm không?
Nếu cứ hàng ngày đứng dưới bóng Đa mới hiểu được cái câu: "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu". Đa cứ thế vươn mình che chở cho những người dân quê tôi. Cành, thân xanh tươi từ đời này sang đời khác.
Chẳng có gì thú vị hơn, khi hàng ngày chúng tôi đi học ngang qua, nhặt những cái búp non, bỏ vào túi, thỉnh thoảng đưa vào miệng nhấm nháp. Cái vị chát chát, chua chua, không thể nào quên được. Quả Đa khi chín lại có vị vừa chát, vừa ngọt, rất lạ miệng, nhưng chủ yếu là chờ rụng, vì chẳng ai leo lên ngọn hái quả bao giờ.
Nhặt những chiếc lá đa "bánh tẻ" cùng một cọng rơm, qua vài cái vuốt tay, sẽ trở thành một con nghé ọ, trông thật ngộ nghĩnh. Những ngày trời trở gió, hoặc những buổi đi học về, cánh trẻ con chúng tôi thường đi nhặt lá, xiên vào những cái que dài nhọn hoắt, ém chặt lại xách về, coi như là báo công với mẹ. Lá Đa dày và giòn, khi phơi khô đun bếp thì rất đượm lửa, vào cái thời chưa có bếp gas như bây giờ.
Cây Đa thường là nơi bọn trẻ chúng tôi hẹn nhau, chơi trò trốn tìm, chỉ cần chui trốn vào những cái hốc, thì những đứa nhát ma còn lâu mới tìm thấy.
Không chỉ là nơi hẹn hò của bọn trẻ, quê tôi có chợ phiên, những người lớn ở mạn ngược đi chợ vẫn thường qua gốc Đa, họ cũng lấy nơi này làm điểm dừng chân và hẹn gặp, họ đánh dấu thời gian bằng cái bóng nắng của Đa, chứ không theo đồng hồ như ngày nay.
Vào những buổi trưa hè nóng nực, gốc Đa lại là nơi tụ họp của người lớn, những chuyện trên trời, dưới bể, bọn tôi cũng được nghe từ gốc Đa làng. Đưa ánh mắt vào không trung và mơ về một chân trời xa lắm.
Ban ngày là vậy, nhưng ban đêm thì tĩnh mịch, tĩnh mịch đến ghê người. Sợ nhất là những buổi đi chơi về khuya, ngang qua, thường là bọn tôi phải huýt sáo, hoặc hát thật to để lấn át cái sợ hãi. Những tiếng gió rin rít trên ngọn cây, mà về đến nhà, trùm chăn kín đầu vẫn còn nghe ...rợn sống lưng.
"Thần cây Đa,
Ma cây Gạo
Cáo cây đề"
Bọn tôi cứ rỉ tai nhau những câu ấy của các cụ, nên trong đầu hay liên tưởng đến gốc Đa là nơi trú ngụ của các vị Thần.
Ngày tháng cứ trôi qua, những người phụ nữ làng tôi, khi theo chồng về xứ khác đều mang trong lòng nỗi nhớ gốc Đa. Những người phải đi làm ăn sinh sống khắp nơi, cũng lấy hình ảnh cây Đa như một cách "vọng cố hương". Tôi có dịp được đi các vùng miền, gặp rất nhiều những cây cổ thụ, có thể lớn hơn, nhưng với tôi (một kẻ có lòng dạ hẹp hòi), vẫn cho rằng: chỉ có cây Đa làng tôi mới là đẹp nhất.
Mỗi lần có dịp về quê, tôi lại tha thẩn dưới gốc Đa, như cố tìm lại một chút gì còn vương lại của quá khứ, trong lớp bụi thời gian, mà ở gốc Đa làng đã lưu giữ lại của tôi quá nhiều những kỷ niệm rất đẹp đẽ, và luyến lưu của một thời Xuân Trẻ.
Chuyện làng quê