Cây sáo ở lại

Cây sáo tôi giữ gìn như báu vật, giờ đã vỡ nát. Tôi cầm nó nghẹn ngào, nhẹ đặt vào hẻm cây săng lẻ: vĩnh biệt mày sáo trúc ơi...
240620162-243383717694901-8186167592134749843-n-1630746985.jpg

Mấy tháng trước còn nhập hội tụi trẻ với câu hát: máy bay phản lực, nó chực thả bom... Phản lực ra Bắc chỉ thả 2 quả bom rồi về. Còn trong chiến trường mà gặp thằng T28, hay AD6 thì thôi rồi, nó giã cho cả tiếng ấy. Loại này bay chậm cánh ngang, thường có thằng OV10 hoặc L19 đi trước, nó thấy mục tiêu, bắn xuống quả pháo khói rồi hai thằng kia bay đến đánh bom dai như đỉa đói. Nhưng sự huỷ diệt của B52 thì không thằng nào bằng được.

20 ngày trên đường mòn Hồ Chí Minh, lính chúng tôi không còn trêu chọc vui cười nữa, thấm mệt. Đoàn “ngựa thồ” (gọi vui thế vì có lúc nào đi thẳng đâu) cắt rừng để rút ngắn đường đi. Chẳng biết có từ bao giờ mà những cây mọc lưng chừng núi đã nhẵn bóng bởi những bàn tay bám vào kéo đu người lên. Trong ánh sáng mờ ảo của núi rừng đoàn quân gù lưng như đứa sau đội mông đứa trước. Thỉnh thoảng mới ra đường xe chạy, bụi đất ngập mắt cá chân, để nhìn tận mắt nụ cười của “tiểu đội xe không kính”, chẳng còn chút kính nào. Đường đi phần lớn trên đất Lào, đoạn cuối trên đất Cam Pu Chia. Đường Trường Sơn còn gọi là đường 559, thuộc Bộ Tư lệnh 559 do Tướng Đồng Sĩ Nguyên quản lí: lái xe Trường Sơn, bộ đội đường ống xăng dầu, Thanh niên xung phong... Dọc theo đường mòn là các trạm Giao liên (trạm nghỉ) của bộ đội. Khoảng cách giữa các trạm là một đêm hành quân của chúng tôi.

Đã qua cái bỡ ngỡ lần đầu đến trạm nghỉ, thuộc tỉnh Pa Xa La Khét (Lào). Trạm là mấy cái lán bán âm dương chứa lương thực vũ khí. Đón bộ đội vào, đưa thương binh ra. Cảm phục biết bao thân gái trong rừng là các o giao liên, niềm nở tiếp đón xếp nơi ăn nghỉ cho từng đơn vị, phổ biến quy định đi đường, rồi giữ vệ sinh trạm nghỉ..., tiếng xứ Nghệ ngọt lịm. Lính hành quân kiêm luôn vận tải, nộp gạo cho trạm là có cơm ăn, hết đến trạm sau cấp tiếp. Chỉ sau này vào sâu trong rừng chúng tôi mới phải tự nấu ăn. Đoàn quân mắc võng trải dài trong rừng, í ới hỏi thăm, vui như ngày hội.

Vừa ốm lại qua 8 giờ hành quân đêm, không vui cùng mọi người. Tôi nhanh chóng mắc võng cạnh hầm cá nhân. Có cả hai cây cọc phụ để nước mưa chảy ra ngoài võng. Hầm còn tốt, may quá, có thằng còn phải đào hầm vì bom làm sập rồi. Mưa phùn, lũ vắt ngóc đầu lên cả loạt không còn đáng sợ nữa khi leo lên võng. Muỗi táp vào mặt, mắc màn, xoa thuốc chống muỗi vắt, tôi thiếp đi. Thật xấu hổ lại phải để một o đánh thức bằng cách lắc võng thật mạnh cùng nụ cười: “anh kiểm tra hầm xem có bọ cạp không nghe, độc lắm đó” làm tôi tỉnh hẳn. Bữa ăn đầu trong rừng là chút thịt hộp, canh đậu xanh thật ngon miệng. Các o hóm hỉnh nói trêu: hôm nay máy bay nó quên không mò tới. Chia tay với cái vẫy lưu luyến, chúng tôi lại lên đường.

Cái ngày thứ 21 trong rừng ấy thì không được may mắn như vậy. Vừa nhảy lên võng nằm dài khoan khoái thì có tiếng máy bay. Trong sống chết có khoảnh khắc bản thân người lính cũng không lặp lại được, tôi lao vút xuống hầm. Lần này là 2 chiếc B52, trong rừng không có pháo phòng không nên nó rà thấp thoải mái lắm. Mà càng thấp độ bom càng dày đặc, hầm chỉ tránh được mảnh bom thôi, khoảng 15 mét 1 hố bom rộng ngang chừng 5 mét. Dưới hầm tôi nghe tiếng đất rung chuyển, tiếng cây gãy răng rắc... vài phút. Yên tĩnh, lồm cồm bò lên mà không tin vào mắt mình nữa. Chỉ một từ hoang tàn, cái cây cổ thụ mấy thằng ôm giờ xơ xác, chi chít mảnh bom ròng ròng nhựa chảy. Và đồng đội... Chúng tôi nhanh chóng dùng tăng võng đưa các anh về đất mà thấy không thể chấp nhận được sự thực này. Khát khao cống hiến và chưa đầy 1 tháng từ lúc tiếng hô “Quyết tâm” lên đường.

Tập trung kiểm quân. Đại đội tôi thiếu đi con số hai sáu. Cả đoàn quân là thiếu hơn một trăm anh! Chỗ tôi nằm tăng đã võng rách nát cả. Cài trên ba lô chiếc sáo trúc gãy vụn... Tôi không thể cất lời vĩnh biệt đồng đội, phải thành là: vĩnh biệt sáo trúc ơi. Nhận quân trang mới từ giao liên, đơn vị lại lên đường. Mấy con sóc bông đã quá quen thuộc với người lính, vẫn nhảy nhót ngó nghiêng như trêu chọc chúng tôi, qua trận bom giờ cũng chẳng thấy đâu nữa làm con đường càng thêm trầm mặc. Lòng quặn đau...

“Phía trước có cầu treo”, lệnh truyền từ đầu hàng quân xuống. Gần đến cầu dừng lại, gậy đỡ đáy ba lô. Cây gậy mà tuổi học trò mơ ước ấy có tên là gậy Trường Sơn, nhớ khi được lệnh vào rừng chặt gậy mà lòng háo hức như mang đồ trang sức. Thực là chẳng thơ mộng gì đâu. Leo dốc dùng chống thân mình lên, xuống dốc chống cho khỏi trượt, dừng lại nó đỡ cho ba lô bớt nặng, như lúc đang chờ qua cầu đây.

Một chút nao lòng nhớ cầu treo Phú Bình nơi huấn luyện, lính chẳng có thời gian nhớ gì đâu. Nhưng chiếc cầu này có lẽ chỉ Trường Sơn mới có, và đi qua chắc đủ là diễn viên xiếc. Cái đèn pin đã bịt chỉ để lại một tia sáng bằng đồng xu cho tôi thấy cây cầu. Hai cây song to buộc chặt vào bốn cây gỗ hai bên bờ, lát trên là những đoạn gỗ bằng cổ chân, một dây song cao tầm tay vịn, dưới là vực thẳm. Chưa có ai rơi xuống đâu, lính thì thào, một tiểu đội TNXP luôn kiểm tra độ vững chắc của cầu mà. Mà nghĩ gì chứ, có lệnh là bước lên thôi. Tròng trành, đung đưa, tất cả dồn vào từng ngón chân, tôi đã qua được cầu. Thở phào, tôi thấy mình mạnh mẽ. Người ta bảo nỗi đau phải có thời gian xoa dịu, còn trên đường Trường Sơn tôi đi, thời gian hình như cô đặc lại. Qua cây cầu tôi thấy mình từng trải, nỗi đau mất đồng đội giờ chỉ còn là quyết tâm trả thù cho các anh.

Đoàn quân lên đường không còn buồn bã nữa. Con đường còn dài.

 

Theo Chuyện Làng quê