Vậy mà bà con ai cũng thích mua vì giá mỗi cây bắp chỉ chừng năm, bảy chục ngàn nên mua một cặp chưng Tết thấy cũng là lạ. Ai cũng nghĩ thầm:
- Cái gì thì cái "Chắc ăn như Bắp" ba ngày Xuân rồi hãy tính sau vậy.
Ngày xưa thời còn đi học có người bạn cùng khối tên Nguyễn Văn Xướng nhà ở Thành Lợi (Bình Minh - Vĩnh Long) phía bên cồn sau nhà bạn là mé sông cái trồng rất nhiều rẫy bắp (loại bắp nếp nù là giống bắp được bà con miền Tây hay trồng vì loại cây ngắn ngày chỉ chừng hai tháng là thu hoạch) ngay bờ sông cái đất nhiều cát nên nhìn rẫy bắp đầy trái, đám bạn học đứa nào cũng trố mắt ra nhìn đến phát thèm. Chục đứa thì hái 30 chục trái, chất rơm thành đống rồi nổi lửa nướng lùi đến khi bắp chín, lột trái bắp đang nóng đưa lên miệng cạp sao mà nó ngọt lịm và mùi vị rất tuyệt vời.
Xướng nói:
- Tao nói tụi bây chắc không tin. Trái bắp bẻ trên cây ăn tại chỗ nó ngon vậy chứ đem nơi khác chỉ cần qua bên sông là mùi vị nó khác rồi.
Ai chứ thằng Xướng có biệt danh nhà Sử địa đại tài nói thì ai dám cãi? (Hắn hay lắm: Sử việt, sử thế giới, địa lý các nước hắn thuộc vanh vách như trong lòng bàn tay vậy). Bây giờ hắn sống bên Mỹ nên bạn bè cũng ít gặp nhau.
Xóm lò heo của Bình Minh mấy năm đầu sau 1975 tự nhiên trở thành xóm Bắp nổ. Trong Huyện ai muốn nổ bắp làm cốm cứ ra xóm lò heo, nhất là gần tết đầu trên xóm dưới tiếng nổ đùng đùng rất vui tai. Thời đó bánh trái đâu có nhiều, Tết thì nhà nào cũng chỉ làm bánh in, bánh tráng và nổ bắp ngào đường để dành đãi khách ba ngày tết. Vậy mà khi lưu lạc xuống huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải tôi thấy bên hông nhà lồng chợ huyện có bà nấu bắp bán. Trái bắp thì vùng nước mặn đâu có trồng được. Bắp chở từ Long Xuyên hay Vĩnh Long xuống tới đây thì sớm lắm cũng một tuần, vì vậy trái bắp nó bạc màu vàng trắng mốc nằm một đống chẳng thấy có chút gì là ngon. Nhưng khi giở cái nồi ra làm tui bất ngờ vì những trái bắp đã xanh dờn như được làm phép vậy. Thấy thèm, mua cả chục trái nhưng khi ăn thì chẳng có mùi vị gì gọi là ngon ngọt như ở trên mình. Nhưng bà con dưới đó đâu biết trái bắp ăn còn ngon hơn nhiều lần nếu ăn ở vùng trên nên cứ mua ăn vô tư. Gặng hỏi chị nấu cách nào mà nó có màu xanh? Ngần ngừ một lát rồi chị ta mới chỉ thì ra dưới đáy nồi bắp chị để mấy vật dụng của bộ lư đồng. Nấu cách này trái bắp vàng khè khi chín sẽ trở lại màu xanh còn có độc hại hay không thì... ai mà biết? (Sau này người ta còn bỏ mấy cục pin vào nồi bắp cho có màu xanh)
Có thằng cháu kêu tui bằng chú nhà ở Phú Tân, nơi nó ở chuyên trồng bắp, lần nào về thăm nhà khi xuống Long Xuyên nó cũng mang theo vài xâu bắp giống, loại phơi nguyên trái để cả vỏ đến khô queo làm mồi nhậu. Mỗi lần có độ nhậu nó tách chừng hai trái bắp lấy được khoảng một chén hột khô khốc, đem rang với một ít nước mắm vậy mà khi ăn thử rồi các món khác đều ế với món bắp rang của nó vậy. Xưa chỉ có các quán hủ tíu chay dùng trái bắp nấu lấy nước ngọt cho nồi nước lèo bây giờ cả quán hủ tíu hay cơm tấm khi nấu súp đều bỏ vô vài trái bắp trong nồi súp hay canh để lấy nước ngọt.
Trong truyện dân gian cổ tích Việt Nam có chuyện Trạng Quỳnh ngày xưa thuê đất của bà Chúa Liễu. Bà phán:
- Trồng cây gì thì trồng, Bà chỉ lấy gốc và ngọn, còn khúc giửa cho mày.
Thế là Trạng cắc cớ trồng bắp, khi thu hoạch Trạng hái hết trái chỉ nộp cho Bà toàn là gốc và ngọn nên Bà giận mà không làm gì được Trạng Quỳnh vốn là tay lém lĩnh và nghịch ngợm cả vua chúa ông cũng không từ.
Bây giờ cây bắp đâu bỏ thứ gì, bắp non để xào hay nấu lẩu đều ngon, thân bắp thì cho bò ăn, những thứ ngày xưa bỏ đi bây giờ đều có giá trị của nó. Thế thời nhiều thay đổi, Đúng là thời trái bắp lên ngôi nên đi đâu ăn chay ăn mặn gì cũng gặp trái bắp. Còn tui thì chỉ khoái khẩu nhớ hoài cái trái bắp nướng trên lửa than chan tí mở hành... ôi mới nhắc đã thèm chịu hết nổi rồi còn bạn thì sao nhỉ... /.
Chuyện Làng quê