Cuốn sách được chia thành 9 chương, mỗi chương lại được chia tách thành từng phần như những câu chuyện nhỏ nối đuôi nhau theo tuyến tính thời gian của hành trình nhưng cũng hàm chứa rất nhiều những hiện tượng, dấu ấn phi tuyến tính của tạo hóa và vùng thánh địa linh thiêng.
“Chạm vào Kailash - Những câu chuyện thánh linh” không tập trung phân tích các thử thách, khó khăn về địa hình, khí hậu khi chinh phục ngọn núi cao gần 7.000 mét, cũng không đi vào miêu tả chi tiết những khung cảnh hùng vĩ, các địa danh tâm linh nổi tiếng hay bình luận về các giáo lý, khái niệm tâm linh.
Điểm hấp dẫn của tác phẩm chính là những ấn chứng thánh linh, những bài học lịch sử, và các tri thức cổ xưa cứ lần lượt xuất hiện qua trải nghiệm và tâm thức của tác giả cùng các thành viên trong đoàn hành hương, sau đó được tác giả xâu chuỗi, chia sẻ xuyên suốt hành trình qua lối kể chuyện chân thực, gần gũi và lôi cuốn.
Những tri thức như “sơ đồ Kora tâm thức”, “sơ đồ tâm linh Kerung”... xuất hiện trong nhân duyên đủ đầy, rồi từ đó dần mở ra những khám phá, trải nghiệm kỳ thú tiếp theo. Trong số đó có sự hiện diện thánh linh của hệ thống dữ kiện để tác giả kết nối lịch sử hình thành Đại bảo tháp Boudhanath tại Kathmandu – thủ đô Nepal với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Tây Tạng cùng rất nhiều những điển tích khác.
Bên cạnh đó, bóng dáng của những con số tâm linh luôn hiện hữu trước và trong chuyến đi cũng là những điểm “chạm” lý thú cho độc giả. Cuốn sách mang đầy đủ các đặc điểm của thể loại văn học du ký nhưng cũng lôi cuốn, hấp dẫn người đọc theo cách của một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu.
Hơn hết, cuốn sách chắt lọc rất nhiều những bài học bổ ích, sâu sắc trong đó có bài học về “ngã” và “tâm thế bình thản đón nhận ánh sáng của tỉnh thức”. Giống như bước chân những hành giả nơi đây, không thảng thốt, không tăng cảm thọ, cũng không vống lên. Bởi như tác giả đã viết, “mỗi lần như thế, là một lần trút bỏ và thêm một lần trực nhận về cái vắng ngã, thêm một lần để chúng ta được trực nhận về sự trọn vẹn của tâm”.
Tiến sĩ Trịnh Thắng đã viết cuốn sách này trong vòng một tháng ngay sau khi trở về từ Kailash. Điều đặc biệt là ông đã nhịn ăn hoàn toàn (chỉ nhấp môi chút nước lọc) trong suốt hai tuần liền khi viết về vòng Kora quanh Kailash.
Nếu có sự e dè nào đó của độc giả, cho rằng vốn kiến thức tâm linh của mình có phần hạn hẹp, mà bỏ lỡ cuốn sách này cùng kho tàng tri thức tâm linh sâu sắc bình dị, thiết thực, đi vào đời sống trong tác phẩm, thì đây sẽ là một điều đáng tiếc. Trong tinh thần san sẻ và biết ơn tất thảy, tiến sĩ Trịnh Thắng đã viết “Chạm vào Kailash - Những câu chuyện thánh linh” như một món quà tri ân đến toàn thể.
“Mỗi bước chân các con đi trên hành trình này đều mang công đức”
"Tôi đã giật mình và vô cùng xúc động khi được trực tiếp nghe câu nói này từ ngài Sey Namkha Dorje Rinpoche tại Bảo tháp Boudhanath, Kathmandu, Nepal. Ngài đã nói với chúng tôi như vậy khi đoàn tới đảnh lễ ngài vào buổi tối tại quán trọ ngay khuôn viên của bảo tháp trước khi sang Tây Tạng vào ngày hôm sau.
Thật may mắn! Đó là một món quà trong lành, một lời cổ vũ, một lời nhắn nhủ vi tế mà cốt tủy để chúng tôi không thể rời xa đại nguyện trong cuộc hành hương đầy linh thánh này. Riêng với tôi, nó đã một lần nữa khẳng định công đức và phước lành trong từng bước chân và từng hơi thở.
Quả là một sự khiêm hạ vô ngần mà lớn lao cũng tột bậc trong chính nội hàm vi tế của câu nói đó. Nhất định, tôi sẽ không để lãng phí từng bước chân trong đại nguyện “cùng muôn trùng tâm thức trở về ngôi đền linh thiêng trong lòng Kailash và tuyệt đối trút bỏ các lớp vô minh”.
Tinh thần ấy một lần nữa khẳng định rằng chúng tôi đi trong một cuộc hành hương với đức tin, nguyện lực, cảm hứng và bền bỉ trong từng bước chân để tỉnh thức nhận ra sự tái ngộ, vống lên rồi vắng lặng của ngã. Nếu ai đó hỏi tôi “Điều gì lớn lao nhất mà tôi học được từ chuyến đi này?” thì nhất định phải là điều đó - Tỉnh thức nhận ra sự tái ngộ, vống lên và vắng lặng của ngã.
Như thế, tôi không thiên về sự tích nạp các thông tin theo kiểu trầm trồ ngợi ca hay so sánh giữa các vùng miền mà chỉ ghi lại những dấu ấn thánh linh sống động và gần như là hằng hữu trong từng bước chân. Theo cách này, tôi thừa nhận không chịu ảnh hưởng của những gì đã biết về Kailash trước chuyến hành hương. Thi thoảng lắm, tôi mới mượn tạm một vài địa danh hay điển tích mà một số tác giả khác đã từng viết để làm cớ dẫn chuyện cho bạn đọc dễ hình dung và thêm phần sinh động.
Ngoài ra, tôi viết cuốn sách này như người thợ dựng nên chiếc cổng tạm trước khi vào một ngôi làng để qua đó khách thập phương có thể mường tượng ra ngôi làng nọ. Kailash là một ngôi làng hùng vĩ và huyền bí hơn cả cổ xưa song cũng lại đương đại hơn cả thực tế. Vì lẽ đó, tôi viết cuốn sách này trong cảm hứng và tương thông thuần tịnh với dòng chảy xuyên vết ấy.
Chúc các bạn an lạc và thưởng thức tác phẩm “Chạm vào Kailash - Những Câu Chuyện Thánh Linh” như những bạn đồng hành đích thực với chúng tôi về Kailash", Trịnh Thắng chia sẻ
Khoảnh khắc đặc biệt
"Khoảnh khắc đặc biệt nhất với tôi chính là khi tôi bước vào một bảo tháp ở ngay lối ra của hang động bàn chân. Tháp không thật to và không có gì đặc biệt, nhưng cánh cửa đang mở và một vị lạt ma đang ngồi tĩnh lặng phía trong thì hấp hút tôi kỳ lạ. Trong tĩnh lặng, trong ân sủng vô biên, trong từ bi và khiêm hạ tột cùng, tôi nhẹ nhàng bước vào, hai tay chắp trước ngực cung kính vái chào vị lạt ma rồi cứ vậy đi thẳng vào phòng trong. Đó là chánh điện và tôi quỳ xuống, vái lạy đức Liên Hoa Sinh trước bức tượng của ngài. Bức tượng ấy bề thế và tôn nghiêm nằm ngoài những mực thước và giá trị mà tôi định mô tả ra đây.
Tôi tụng ca dâng kính ngài một đoạn trích kinh chuyển pháp luân rồi tụng Omani Padme Hum. Mọi người trong đoàn cũng đã vào và tĩnh lặng ngồi cả đó. Tất thảy một lòng cung kính trong đại nguyện. Tôi thay mặt đoàn dâng nguyện hành hương về Kailash rồi trong vô thức tự hát lên một đoạn nghe du dương xa thẳm và tương thông. Bài hát mang dấu ấn của một lời tiên tri về chuyến hành hương quanh Kailash:
Mặt trời tỏa rạng
Sương tan đêm dày
Bóng người hành khất xa xôi
Núi giờ mở cửa đón mây về trời
May thay, có người trong đoàn ghi âm lại được bài hát này để rồi sau đó vài người bàn tán về lời tiên tri. Có người luận rằng, chuyến đi lần này dù là vào mùa mưa nhưng sẽ nắng và núi Kailash đã mở cửa đón chào đoàn hành hương từ Việt Nam sang. Mây sẽ về trời cao, và núi sẽ lộ nguyên hình!
Đúng như lời tiên tri, mọi thứ sau đó đều diễn ra như vậy", Trịnh Thắng chia sẻ thêm.
Trích đoạn 2
Tàng kinh các và kho tàng tri thức cổ xưa
Thấm thoắt bao mùa thoi cứ đưa
Trời đất xa xưa chung nguồn cội
Muôn tầng tri thức luôn ở đó
Cơ man tuyết phủ chốn tri tôn
Giờ vẫn trọn lành trong khắc ấy
Chơi vơi ai đứng giữa tuyết rơi
Cửa kia không thấy sao vẫy gọi
Mạn phép đường xưa mây trắng vời
Tiếng lạo xạo trên tuyết nghe như phụ họa cho âm thanh rền rã của suối, còn tuyết trắng như soi bóng màu mây trời. Mặt trời có lúc hiện ra, có lúc lại lẩn hẳn trong mây, khiến bóng những người hành khất cứ lúc rạng ngời cao hứng, khi lại sầm sẫm thầm lặng.
Mấy tí, chúng tôi đã băng qua dãy núi con giữa hai dãy núi lớn, xưa kia là hai cánh nỏ thần. Trên đỉnh núi con toàn đá dăm vỡ ra từ những tảng đá lớn khi chúng va chạm vào nhau trong các cuộc công kích từ bẫy đá thần của hai bên. Giờ chiến trường khép lại, nhưng dấu ấn ấy vẫn còn. Dẫu thế, chúng tôi không còn khởi tâm niệm nào về cuộc chiến ấy nữa. Tất cả đều thanh tịnh.
Trích đoạn 3
Đức tin, nguyện lực, cảm hứng và bền bỉ là bốn giá trị quan trọng nhất tôi luôn nhớ.
Đích đến từ bốn giá trị ấy không nằm ở việc tôi làm được gì và trong bao lâu, mà quan trọng nhất lại ở tâm nhận biết. Chúng đồng thời giúp tôi nhận ra sự tái ngộ, vống lên, và vắng lặng của ngã. Đấy chính là khi tôi tìm thấy chính mình.
Thay cho lời kết, một lần nữa, tôi gửi tới các bạn lời nhắn nhủ từ ngài Sey Namkha Dorje Rinpoche tại Bảo Tháp Boudhanath:
“Mỗi bước chân các con đi trên hành trình này đều mang công đức!”
Tiến sĩ Trịnh Thắng sinh năm 1972 tại Thái Bình. Với mong muốn được cống hiến, chia sẻ, ông đã theo đuổi ngành Y và tốt nghiệp bác sĩ tại trường Đại học Y khoa Thái Bình năm 1996. Sau đó ông chủ yếu là tự học Tiếng Anh rồi đỗ thủ khoa trong kỳ thi học bổng Thạc sĩ tại Mỹ do quỹ Population Council tài trợ. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ y tế công cộng, chuyên ngành khoa học xã hội và hành vi tại trường đại học Bắc Carolina, Hoa Kỳ (UNC) năm 2007 do quỹ VEF tài trợ. Tiến sĩ Trịnh Thắng đã có hơn 20 năm nghiên cứu, giảng dạy và công tác trong lĩnh vực y tế công cộng, giáo dục và phát triển xã hội. Cũng giống như việc tự học Tiếng Anh, ông đã tự mình chữa khỏi cận, loạn thị, xẹp lồng ngực, chấn thương cột sống, ho ra máu mãn tính nhờ tập võ, khí công, và thiền định. Vào năm 2012, sau 30 năm nghiên cứu, tập luyện, giảng dạy võ học, khí công, thiền định, và năng lượng trường sinh học, tiến sĩ Trịnh Thắng đã sáng lập, hướng dẫn và truyền dạy Thiền dịch tâm thể. Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách về y tế, văn hóa, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bài hát đương đại mang âm hưởng dân gian, khí công và thiền, cùng các cuộc triển lãm tranh cá nhân. |