Chân dung tự họa

Lich Bui

08/01/2022 08:38

Theo dõi trên

Đang rửa chén bát, chuông điện thoại réo inh tai, liếc qua thấy hiện tên người gọi là cô em gái. 

Thôi, kệ đi, xong việc gọi lại tám cho được lâu vì mỗi lần chị em nói chuyện thì ít nhất cũng nửa tiếng .

Hết hồi, chuông lại đổ tiếp dồn dập, nghĩ chắc chuyện chẳng lành, tôi chụp vội để nghe. Đầu dây bên kia cô em thút thít mà chả nói câu gì càng làm tôi rối trí vì giờ này cô em chắc chắn đang bên mẹ ... hoang mang sợ tin dữ khi bà đã ngót nghét tuổi 90.

chan-dung-tu-hoa-1641605987.png
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn

 

Lát sau cô em mới mở lời :

Em không chịu nổi mẹ nữa rồi, từ mai em không xuống với mẹ nữa đâu !

Xảy ra chuyện gì vậy ?

Mới vài bữa trước đây mẹ kêu mất cái quần ( vải tole lanh đen, may lưng lửng, ống rộng thùng thình dành để các cụ già mặc cho tiện ), tìm cả ngày không thấy, tối em đến ngủ cùng, mẹ bảo chỉ có mày với tao thì sao mà mất !!

 Hôm qua, bạn của con giai Mẹ đi công tác, tiện ghé thăm và biếu mẹ một triệu (5 tờ 200 ngàn ),  mở ra cất vào, suốt ngày, đếm đi đếm lại rồi giấu chỗ này, nhét chỗ kia sợ ai thấy họ lấy mất ( mà khổ nỗi nhà có ai ngoài mẹ và cô em tới lui cơm nước đâu ). Ấy thế mà cất đâu kỹ quá, tìm mãi không thấy, tiếc của  mẹ lật hết giường chiếu, lôi hết bọc quần áo này đến bọc khăn lau khác ... toát mồ hôi hột vẫn không ra. Vớ được con gái vừa bước vào sân, chưa kịp dựng xe mẹ đã la toáng :

Tao mất hết tiền rồi !

Mẹ lại cất đâu quên rồi đi tìm không thấy chứ ai lấy mà mất.

Tao không cất đâu hết, nhất định có đứa lấy của tao !

Ai vào nhà mà lấy của mẹ mà ai biết mẹ có tiền mà lấy.

Tao nói mày biết để bụng thôi nhớ, thằng chồng mày sáng nay xuống chữa cái vòi nước cho tao, chỉ có nó lấy chứ còn ai vào đây nữa. Nó lấy sạch của tao rồi ...

Đến nước này chị bảo em xuống đây làm gì nữa, từ mai kệ mẹ, mẹ muốn làm gì thì làm cho em nhẹ cái đầu.

Thấy vậy, tôi bảo em bình tĩnh, đâu còn đó, mẹ bị nhớ nhớ, quên quên ai mà chả biết, suy nghĩ làm gì cho mệt.

Trong nhà, chị em hiểu được là một chuyện, làng xóm ai không biết cứ nghĩ em lấy này nọ của mẹ vì khi tỉnh táo mẹ vẫn nói chuyện vô tư nhất là bình luận tin tức thời sự ...

( nhiều lúc hỏi mẹ lãng tai nặng, nói phải ghé sát tai và quát lớn mới nghe mà sao tin tức thời sự gì cũng biết  ... mẹ nói tỉnh rụi : tao nhìn, đọc hàng chữ chạy dưới ! )

Để cho em nguôi tý, tôi bảo thôi kệ đi, nó nằm đâu đó biết đâu mai mốt lục lọi đồ đạc mẹ lại thấy, không cần tìm.

Soi camera về tôi thấy 2 mẹ con xổ tung đồ đạc, khuya vẫn tìm chưa chịu đi ngủ, tôi điện nói ngủ đi kẻo mệt. Em bảo, đêm nay mẹ sẽ lục sục cả đêm không ngủ đâu vì tiếc tiền ...

Khuya, em điện báo thấy rồi, mẹ gói kỹ trong một túi vải con rồi cất trong ống tay áo lạnh của tôi, cái áo to đùng tôi gởi lại ở nhà để nếu về vào mùa đông mặc đỡ phải đem đi đem lại khi SG không khi nào cần tới.

Tôi nói cô em mai đổi cho mẹ 5 tờ 10 ngàn hay 50 ngàn màu từa tựa để mẹ có mất cũng đỡ tiếc. Em không chịu kêu : Phải tội chết, hơn nữa mất mẹ vẫn cứ đi tìm ...

Nói tới nói lui chán, cuối cùng mẹ đã đồng ý cất vào một cái hộp to, để trong tủ khóa lại, em giữ chìa khóa và vài ngày mở cho mẹ đếm lại  !!!

Cơm canh em nấu cho mẹ để đó khi nào mẹ ăn thì hâm lại, em thấp thoáng chạy đi chạy về mà có ( n ) lý do để dở khóc, dở cười với mẹ.

Tìm người phụ giúp mẹ mà đã 5 người ra đi không trụ được vì thực ra mẹ vẫn tự lo được tất cả, ai làm việc gì cũng không vừa ý, cứ  " nhảy " vào làm rồi tỏ thái độ " đá thúng đụng nia " thậm chí " đuổi " không cho ở cùng nữa vì lý do chả có việc gì, ngày 2 bữa cơm và quét nhà quét sân mà tháng mất mấy triệu bạc nên mẹ xót, lý do cơ bản nữa là sợ người ta ... ăn trộm . Con lớn, con bé càng ra công o bế, động viên thậm chí " nịnh nọt " người giúp việc bao nhiêu thì mẹ càng tỏ ra cương quyết phản đối bấy nhiêu. Điều thay đổi này khác hoàn toàn tâm tính mẹ khi còn trẻ trong đối nhân xử thế mà cô bác trong làng thường bảo : Các cháu không cần học ai, cứ học chính mẹ các cháu là được rồi. Cuối cùng thì con cái phải chiều mà chỉ khổ cô em vất vả hơn.

Con mua đồ ăn thức uống chất đầy bàn, đầy tủ toàn kêu ăn nó phí đi ( tiếc tiền ), ngày ngày chỉ cơm rau với chút thịt cá gọi là ( 2 lạng ăn cả tuần )... Một điều lạ là tuổi mẹ xấp xỉ 90 mà khi làm xét nghiệm, các chỉ số đều tốt, con cái có vắt chân lên cổ theo cũng chả được ngoại trừ tai lãng ( từ khi còn trẻ ) và chợt nhớ chợt quên 2 năm nay ...

Cuộc đời mẹ vốn vất vả, mất cha từ nhỏ, chồng hy sinh khi mẹ ở tuổi ngoại 30, một mình gánh trên vai bà mẹ già và 4 đứa con thơ trải qua bao dông tố cuộc đời  nên tằn tiện, chắt chiu là phải. Con cái biếu tiền cất kỹ, chưa đủ chục thì kêu con ứng đủ gửi tiết kiệm cho chẵn chục, cuốn sổ đến giờ này với con số đáng nể mà vẫn dành dụm chả dám ăn tiêu ...

Sắm được 9 chỉ vàng, 8 đứa cháu nội ngoại khi lấy vợ, lấy chồng cho đều mỗi đứa 1 chỉ, riêng thằng cháu đích tôn được thêm 1 chỉ. Ngày cháu nội về nhà chồng, bà nội đại diện nhà gái phát biểu rõ ràng, rành mạch không thừa một câu chữ ...

Tháng ngày dịch hoành hành, xem ti vi thấy dòng người đổ về quê ùn ùn, mẹ nói cô em facetime xem nó có phải đi " tản cư " không. Thấy tôi, mẹ bảo : Nếu phải đi thì về đây với mẹ nha, đừng đi đâu cả !!! Ôi, lòng mẹ ...

An ủi, động viên cô em rằng chiều mẹ, đừng để ý những điều mẹ nói làm gì vì tới đây mình cũng sẽ già và cũng " trái chứng trái nết " vậy thôi. Cô em nói em sẽ không khó tính thế ... biết nói sao bây giờ. Mới ngoại lục tuần mà tôi đây đã nhớ nhớ quên quên chờ sao cái tuổi tám, chín mươi cơ chứ. Tay cầm cái kính mà đi tìm mỏi mặt không biết để ở đâu. Định đi lấy thứ gì đó, đi một lát chả nhớ định đi lấy gì đành quay lại chỗ đứng trước đó, định hình lại một lúc mới nhớ ra mình đang định làm gì, cần gì ... đi tiếp. Mới bữa qua đây thôi, nấu cơm tính giá xào mướp, canh rau mùng tơi, chả biết đang mơ mộng gì, cho luôn mướp vào cùng mùng tơi, đến khi xào giá, thấy trỏng trơ, sực nhớ đến mướp, ngó qua lại ... thì ra đã nằm trọn trong nồi canh. May mà canh mướp mùng tơi ... cũng hợp !

Quần áo cứ thích mặc đồ cũ cho nó " nhẹ " Cũng rất thích đếm tiền nha.

Mẹ bảo : mày uống phải thuốc LÚ của tao rồi con ạ.

Có lẽ nào ???

Bức chân dung tương lai của tôi đang hiền hiện qua chính hình ảnh mẹ của tôi đây ư ?

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Chân dung tự họa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn