Nhiều buổi trời lạnh quá nên trong lúc đợi khách, tôi cùng mấy cậu xe ôm công nghệ ghé qua công trường xây dựng gần đó, sau khi xin được mấy thanh cốp pha hỏng liền đem ra gốc cây đốt lửa để sưởi ấm. Đợt gió mùa đông Bắc tràn về khiến nhiệt độ giảm sâu, cái rét tê tái khiến tôi leo lên giường đi ngủ vẫn mặc áo len bên trong, áo Jaket bên ngoài cùng chiếc quần jean dày cộp. Do đã xem cảnh báo trên tivi, nhằm phòng chống bị đột quị do thời tiết giá lạnh nên tôi lồng hai đôi bít tất rồi xỏ vào để giữ ấm bàn chân. Cẩn thận như vậy không thừa, chưa kể trong túi áo lúc nào tôi cũng có sẵn lọ dầu gió và chiếc khăn len ấm áp. Sau khi bọc mình trong đống quần áo chật ních rồi chui vào mấy chiếc chăn lên ấm sực, do cả ngày phơi mặt ngoài đường cũng thấm mệt nên tôi nằm chưa quá 5 phút đã chìm vào giấc ngủ.
7 giờ sáng ngó ra ngoài cửa trời vẫn tối đen, thời tiết này nếu không phải ra đường mà nằm trong chăn ấm là hạnh phúc nhất, tuy nghĩ vậy nhưng tôi vẫn đun nước làm bát mì tôm chống đói. Trong lúc đang ăn sáng chợt tôi nghe thấy tiếng gõ lọc cọc quen thuộc ở bên ngoài, tôi thầm nghĩ chắc tiếng gió va đập vào gốc tre, không đời nào có việc đó…Đúng lúc tôi đưa bát mì lên miệng húp nốt chỗ nước thừa, cánh cửa sắt bật mở, ông trưởng họ đã lù lù xuất hiện, vậy là tai tôi không hề nghe nhầm tiếng lọc cọc của chiếc ba toong do ông chống. Đợi tôi lật đật pha trà xong, lúc này ông trưởng họ bắt đầu e hèm rồi từ tốn nói:
-Anh biết cuối năm chú bận kiếm nồi bánh chưng, tuy nhiên hôm nay có việc họ quan trọng, nên chú cùng anh sẽ phải đi có việc.
Tôi thoáng chút ngần ngừ, tuy vậy không dám trái í ông trưởng họ, đợi cho ông khoan thai thưởng thức chén trà bồm xong, lúc này tôi rụt rè hỏi khẽ:
-Nếu là việc họ thì em đâu dám chối từ, nhưng bác cho em biết việc gì được không.
Ông trưởng họ khẽ nhăn mặt rồi nhìn vào chén trà, dù mới là nước một nhưng chén trà đỏ quạch như nước rau dền, đã vậy vụn trà trôi nổi khắp chén. Biết không thể uống được loại trà rẻ tiền, ông trưởng họ chép miệng hắt chén trà uống dở ra ngoài hiên, ông giải thích rõ:
-Chú đưa anh sang thôn Thượng, hôm nay cô đồng Huệ hẹn gặp để lo việc chạp mộ mời các cụ trong họ về ăn tết.
Nghe ông trưởng họ nói xong, tôi bấm đốt ngón tay đã thấy sự vô lí, thông thường họ nhà tôi hay chọn ngày 24 để đi chạp mộ. Hôm đó thay mặt mọi người, ông trưởng họ sẽ cung kính mời gia tiên về ăn tết cùng gia đình con cháu trong họ tộc. Đây cũng là dịp để mọi người trong họ thể hiện sự báo hiếu với tổ tiên, nhưng hôm nay mới mùng 10 tháng chạp, sao ông trưởng họ đã yêu cầu đi chạp mộ sớm vậy, không những thế còn đến nhà cô đồng Huệ làm gì nữa. Là người quen mặt nhẵn tên mọi người trong làng, vì vậy tôi lục tung trí nhớ để tìm người có tên là Huệ. Sau gần mười phút kiếm tìm, tôi hỏi lại ông trưởng họ:
-Thôn Thượng em nhẵn mặt mọi người, nhưng tên Huệ chỉ có nhà Huệ gốm thôi.
Ông trưởng họ gật đầu xác nhận rồi nói ngay:
-Đúng rồi, nhà Huệ trước buôn bán đồ gốm sứ, nhưng mấy năm trở lại đây do được Thánh cho ăn lộc nên mở điện thờ tại nhà, anh nghe nói con nhang đệ tử nhiều nơi về cầu cúng lắm. Cô nổi tiếng vì tu luyện và mở được tuệ nhãn, vì thế mọi việc cõi âm hay chuyện tương lai cô đều nắm rõ.
Uống xong cốc nước lọc, tôi thở dài vì tiếc một buổi chạy xe kiếm tiền, nhưng nể mặt ông trưởng họ không quản ngày rét mướt đã mò sang nhà tôi từ sớm nên tôi nhận lời đến nhà cô đồng Huệ.
Trên đường đi tôi bày tỏ sự băn khoăn của mình:
-Em không tin con mẹ Huệ chút nào, chắc bán gốm ế khách quá nên chuyển nghề nhanh trong vòng một nốt nhạc. Nếu nhìn thấu tương lai, sao mẹ đó không bán nhà, sau đó dồn hết tiền bao vài con lô hay đánh một con đề có phải giàu gấp mấy chục lần không.
Ông trưởng họ lại được dịp rền rĩ, ông gõ chiếc ba toong xuống con đường làng rồi khẽ gắt với tôi:
-Giời ạ, chú lại ăn nói báng bổ rồi.
Ngôi nhà ba tầng khang trang của cô đồng Huệ so với nhiều nhà ở thôn Thượng có điểm khác biệt, bởi trên sân thượng có bức tượng Phật Bà Quan Âm đứng trên tòa sen, tay của Phật Bà Quan Âm cầm bình Cam Lồ và nhành Dương Liễu, bức tượng bằng đá trắng nổi bật trên nền mái tôn màu đỏ. Trong gian điện thờ ngay tầng một, các bức hoành phi câu đối và những đồ thờ tự nguy ngay rực rỡ với màu đỏ và màu vàng là chủ đạo khiến nhiều người phải choáng ngợp, cô đồng Huệ đang ngồi ngay trước ban thờ xem cuốn vạn sự rồi bấm đốt ngón tay tính toán, nhìn qua cũng biết cô xem ngày tốt cho mấy người lo việc hỷ sự. Mới hai năm không gặp, tôi thấy cô đồng Huệ béo tốt trắng trẻo hơn so với dạo bày gốm bán ngay chợ Huyện, ngày đó nhìn cô lam lũ vất vả còn người đen và quắt như cá thu một nắng vậy. Tôi liếc nhìn thấy ông trưởng họ với nét mặt nghiêm nghị ngồi đợi đến lượt mình, biết ông là người chỉn chu và khuôn phép nên tôi cũng không dám buông lời chọc ghẹo Huệ gốm như trước kia. Đợi gần một tiếng khi đã vãn khách, lúc này cô đồng Huệ bắt đầu quay sang ân cần hỏi ông trưởng họ, với tôi là chỗ quen biết cũ do cô là khách đi xe quen, tuy nhiên với thân phận mới nên cô lờ đi coi như không biết.
2
Đợi cho ông trưởng họ trình bày xong, cô đồng Huệ cất giọng nói nghe như loa phát thanh của xã vậy, cô nhấn nhá. Mọi năm họ nhà bác chạp mộ để thỉnh vong các cụ về ăn tết cùng con cháu ngày nào cũng được, tiễn gia tiên quay về cõi âm lúc nào cũng ổn. Tuy nhiên năm nay sẽ khác rất nhiều, người ta nói trần sao âm vậy chính là ở những việc như hôm nay. Theo lệnh mới từ các quan dưới cõi âm, các vong muốn về sum họp cùng con cháu ở trên này, tất cả đều phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày. Nếu bác đặt lễ và chọn hình thức cách ly ngay hôm nay, đúng ngày 24 tháng chạp sẽ làm lễ đón các cụ về nhà, chậm vài ngày lúc đó khu cách ly quá tải, chắc chắn mọi nơi sẽ khóa sổ không nhận nữa.
Ngồi nghe cô đồng Huệ phán, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không đợi ông trưởng họ cất tiếng, do ngứa mồm nên tôi hỏi luôn:
-Vậy cô cho biết nhà mình có mấy hình thức cách ly.
Cô đồng Huệ hơi nhíu mày rồi nói nhỏ:
-Đây là điện thờ chứ không phải nhà, cậu nhầm thế là phải tội chết.
Ông trưởng họ nhà tôi lúc này khẽ nói:
-Vâng xin cô cho biết các hình thức cách ly để tôi chọn luôn.
Theo chân cô đồng Huệ bước vào một gian phòng rộng rãi trên tầng ba, tôi thấy trên tường có treo bức tranh THẬP ĐIỆN DIÊM VƯƠNG, chính giữa phòng có kê một chiếc bàn tròn có phủ tấm vải lụa màu đỏ, trên bàn có bức tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, vị thần cai quản nghĩa trang. Căn phòng có tiếng cầu kinh Phật được phát ra từ chiếc đài nhỏ, hoa tươi và nến thắp sáng mọi góc phòng. Cô đồng Huệ chỉ vào hàng chục bình gốm lớn nhỏ bày la liệt dưới sàn nhà, ngay từ lúc bước vào căn phòng tôi đoán ngay đây là kho chứa đồ gốm ế của cô từ mấy năm trước, tuy nhiên tôi đã nhầm khi cô thong thả giải thích. Điện thờ nhà cô có ba khu cách ly với giá cả cùng tiêu chuẩn khác nhau, đây là khu VIP nên các vong sẽ được phục vụ ba bữa cơm cúng mỗi ngày, ngoài ra các vong sẽ được nghe kinh Phật và ngửi hoa tươi được thay mới vào mỗi buổi sáng, ở khu này cô sẽ thu phí dịch vụ mỗi vong 800 ngàn một ngày. Nếu ở khu hạng hai sẽ có giá 500 ngàn mỗi ngày, khu đó chật hơn và không có hoa tươi, mỗi ngày các vong chỉ được dâng cơm hai lần. Nếu ở khu hạng ba, cô chỉ thu 200 ngàn mỗi ngày, nhưng cơm không có và hoa cũng miễn luôn.
Nghe cô đồng Huệ nói, tôi thấy có gì đó sai sai nên vặn lại:
-Vong thì ăn gì mà tốn vậy, còn khu VIP làm sao biết được chật hay rộng.
Cô đồng Huệ nhìn tôi bằng đôi mắt sắc lẹm, tuy có vẻ không hài lòng trước câu hỏi xoáy nhưng cô nhanh chóng lấy lại vẻ cao đạo của mình, cô đưa tay chỉ các bình gốm rồi giải thích rõ hơn:
-Nếu chọn khu VIP, các vong sẽ được mời cách ly trong các bình gốm sứ của Trấn Cảnh Đức, gốm Giang Tây vì các bình gốm sang trọng nên giá đắt là đương nhiên, các vong ngày xưa khi còn trên dương thế có phẩm hàm từ quan bát phẩm trở lên sẽ được ưu tiên cách ly trong các bình gốm đó. Còn như ngày xưa vong nào từng đỗ đạt khoa bảng nhưng không ra làm quan chỉ thích ngâm thơ uống rượu, cô sẽ mời các vong vào cách ly trong mấy bình gốm Chu Đậu cho nhã. Các vong trẻ sau này ít tên tuổi, cô sẽ mời vào cách ly trong bình gốm Bát Tràng, vong nào thích màu mè văn nghệ, cô sẽ mời vào bình gốm Đồng Nai. Vong nào khi còn sống buôn bán phát tài giàu có, cô sẽ thỉnh vào trong bình gốm sứ Minh Long.
Giời ạ, trần đời tôi chưa từng thấy ai như cô đồng Huệ, đúng là việc bán đồ gốm sứ đã ăn vào máu rồi, chính vì vậy cô say sưa nói về các bình gốm dùng cách ly các vong y như dạo cô đi bán đồ gốm sứ trên chợ huyện. Nhẩm tính qua cũng biết mấy đồ gốm sứ này đắt tiền, tôi liền hỏi cô đồng Huệ:
-Sao cô không đưa các vong vào bình gốm Phù Lãng cho tiện.
Cô đồng Huệ thắp thêm mấy nén nhang trước ban thờ Địa Tạng Vương, sau đó cô bĩu môi nói mát mẻ:
-Các cụ trong họ nhà bác đã nằm trong tiểu sành mấy chục năm rồi, tiểu đó nung ở đất Phù lãng, bây giờ về ăn tết lại cách ly trong bình gốm đó, thử hỏi các vong có thoải mái không.
Ngồi thừ người ra để suy nghĩ, ông trưởng họ ghé tai tôi nói nhỏ:
-Thôi mỗi năm chỉ có một cái tết, đành chấp nhận tốn kém chút vậy. Tôi đã xem khu cách ly hạng hai rồi, nó chỉ là mấy cái hốc chứa đồ dưới tầng, còn khu cách ly hạng ba chính là chỗ chiếu nghỉ cầu thang và ban công.
Biết mặc cả cũng không ăn thua, tôi liền an ủi ông trưởng họ:
-Các cụ nói chiều như chiều vong là có lí do, bác quyết luôn khu VIP cho vong các cụ tổ trong họ nhà mình được thoải mái, nếu không lúc các cụ giận lại khổ đám con cháu.
Sau khi nộp tiền phí dịch vụ khu cách ly hạng VIP, tiền mua hoa quả để làm lễ thỉnh vong. Tôi cùng ông trưởng họ chọn được bảy chiếc bình gốm tuyệt đẹp trấn Cảnh Đức, những bình này dành cho vong của bảy cụ tổ trong họ ở tạm 14 ngày trước khi về ăn tết cùng con cháu. Chợt nhớ ra điều quan trọng, tôi quay sang thắc mắc với cô đồng Huệ:
-Cô đưa các vong vào bình gốm cách ly, vậy miệng bình có phải đeo khẩu trang không.
Biết tôi hay hỏi xỏ xiên, cô đồng Huệ chỉ vào mấy lá bùa màu vàng có những dòng chữ uốn lượn như giun bò, cô giải đáp:
Mỗi bình gốm nhốt vong cách ly, cô sẽ dán lá bùa để các vong không trốn được, hết 14 ngày các vong sẽ được về nhà ăn tết.
Đúng 12 giờ trưa, lễ chạp mộ bắt đầu. Cô đồng Huệ bắt đầu thỉnh chuông gõ mõ, ông trưởng họ theo hiệu lệnh của cô đã thành kính thắp 9 nén nhang trước bức tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, sau đó ông ê a khấn vái;
“Con bái thỉnh Thập Điện Diêm Vương.
Con bái thỉnh Địa Tạng Vương bồ tát.
Con bái thỉnh chư ngài Sơn thần, Long thần, Thổ địa cai quản ở 10 phương tam giới….”
Buổi lễ kết thúc, trước sự chứng kiến của tôi và ông trưởng họ, cô đồng Huệ đã rước đủ bảy chiếc bình gốm có vong của các cụ tổ trong họ vào khu cách ly VIP. Trên đường qua về nhà tôi đành nói thật những tâm tư ở trong lòng mình, em thấy việc cách ly này không hiệu quả đâu bác, dưới đó khác nào trên này, kiểu gì chả có hàng ngàn đường mòn lối mở, nhiều nhà không có tiền cách ly nên họ sẽ mời vong đi theo đường tắt về ăn tết cùng con cháu. Đi bên cạnh tôi, ông trưởng họ nghe cũng có lí, ông gõ chiếc ba toong xuống nền đường bê tông như suy nghĩ, sau đó ông thở dài nói:
-Đành là như vậy, nhưng thôi có thờ có thiêng, có kiêng có lành.
3
Ngày 24 tháng chạp đã tới, dù có nhiều khách quen thuê tôi chở lên phố sắm tết, tuy nhiên tôi kiên quyết tắt điện thoại để dành trọn vẹn buổi sáng đón vong các cụ tổ trong họ vê ăn tết. Là người đảm trách quản lí ngôi từ đường, nên suốt 365 ngày trong năm, ông trưởng họ chỉ quanh quẩn ở ngôi từ đường, tính ra mỗi năm ông phải lo 124 đám giỗ to nhỏ khác nhau, nếu là người khác chắc sẽ oải, nhưng ông vẫn lo chu toàn mọi việc khiến các cụ trong họ luôn miệng tấm tắc khen. Lúc bước vào ngôi từ đường của dòng họ, tôi thấy ban thờ đã được ông trưởng họ lau dọn sạch sẽ, bát hương cũng được bao sái gọn gàng. Mùi hương trầm phảng phất từ chiếc lư đồng cổ như hòa quyện với mùi thơm của hai lọ hoa ly đặt ở hai bên cho đối xứng, dù còn gần một tuần nữa mới bước sang năm mới, nhưng chính giữa gian từ đường đã có cây đào đang khoe sắc, không khí tết đã tràn ngập nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ. Như ngầm trách khéo việc tôi đãi trà bồm nửa tháng trước, ông trưởng họ rót trà ra chiếc chén màu men ngọc rồi từ tốn nói:
-Chú thưởng thức trà Tân Cương loại thượng hạng được ướp với sen Tây Hồ xem có giống với trà bên nhà không.
Trong lúc ngồi thưởng trà, ông trưởng họ ôn lại chuyện xưa cũ, chắc những chuyện này ông được các vị cao niên kể cho nghe từ hồi còn bé. Chính vì vậy nên mỗi lần người trong họ có con dâu mới, khi đôi vợ chồng trẻ đến thắp hương cho các cụ tổ, việc đầu tiên của ông trưởng họ bao giờ cũng kể lại chuyện này thay lời giáo huấn. Nghe tiếng chặt thịt gà từ dưới bếp vọng lên, ông trưởng họ nói một cách đầy tự hào:
-Các cụ tổ nhà mình tuy không có công danh sự nghiệp gì vẻ vang, nhưng khoản kén ăn, sành uống uống phải là số một. Thịt gà không có lá chanh thái nhỏ rắc lên trên, các cụ ném cả đĩa ra sân ngay. Thịt chó không có nắm lá mơ lông bên cạnh, cầm chắc đứa cháu dâu sẽ bị chửi cho ngập mả. Thịt bò mà quên mấy nhánh tỏi, lúc đó dù đang giỗ họ cũng bị dẹp ngay. Rượu hoa cúc phải đựng trong nậm tráng men nâu, rượu nếp cái hoa vàng phải đựng trong choé, cứ sai cách là các cụ cho cả người lẫn rượu xuống ao ngay.
Nhìn đồng hồ cũng không còn sớm, tôi giục ông trưởng họ sang nhà cô đồng Huệ để rước vong bảy cụ tổ về ăn tết, dù sao 14 ngày cách ly cũng trôi qua êm ả, rất may không có cụ nào sốt ruột quá trốn khỏi khu cách ly tìm về. Thong thả uống xong chén trà, ông trưởng họ chống ba toong cùng tôi qua thôn Thượng. Không khí tết đã len lỏi khắp đường làng ngõ xóm, nhiều nhà bắt đầu gói bánh chưng để chiều tối sẽ bắc bếp luộc, những cành đào và các chậu quất cũng được nhiều gia đình bày ngay giữa sân. Trong tâm trạng phấn khởi và lòng thành kính với tổ tiên, ông trưởng họ vừa nhìn thấy ngôi nhà của cô đồng Huệ phía trước mặt, ngay lập tức ông hơi ưỡn ngực còn chiếc ba toong được ông cắp nách và bước đi một cách trang nghiêm, nhìn ông giống như các cụ đón sắc phong của triều đình khi xưa vậy. Tuy không nói ra vì sợ mất đoàn kết, nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi vẫn coi cô đồng Huệ là con mẹ bán đồ gốm sứ ngay chợ huyện, còn việc thánh cho ăn lộc chỉ là chiêu trò của lũ buôn thần bán thánh.
Khác với sự tấp nập hôm trước, ngôi nhà của cô đồng Huệ cửa đóng then cài im ỉm, tôi bấm chuông và réo gọi ầm ĩ cũng không có ai ra mở cửa. Trước sự ngạc nhiên của tôi và ông trưởng họ, một người hàng xóm ngay gần đó liền chạy tới thông báo. Hai bác đừng gọi cửa hay bấm chuông vì trong nhà không có ai đâu, mấy hôm trước bà Huệ được bên y tế đưa đi cách ly rồi, nghe đâu có tiếp xúc với ca nghĩ nhiễm covid. Nghe xong những thông tin đó, ông trưởng họ ngồi bệt ngay xuống trước cánh cổng nhà cô đồng Huệ, lúc này ông chỉ lo lắng cho vong của bảy cụ tổ trong họ, bởi vì nếu vong các cụ tổ không thoát khỏi khu cách ly về ăn tết, lúc đó sẽ khiến ông ân hận cả đời. Do muốn ông trưởng họ bớt lo âu, tôi đành nói một cách đầy cảm thông:
-Thôi việc này chỉ mình em và bác biết là được rồi, các cụ có trốn khỏi khu cách ly về ăn tết hay không, chắc cũng vạn sự tùy duyên.
Ngồi suy nghĩ giây lát, ông trưởng họ chống ba toong đứng lên, vừa đi ông vừa tuyên bố một cách đầy tự tin:
-Ngày xưa các cụ tổ nhà mình chuyên đào tường khoét vách, chính vì vậy nên tôi chắc chắn các cụ sẽ thoát được khỏi khu cách ly đó.
Tôi rụt rè đề nghị:
-Năm sau em và bác lại chạp mộ ở ngoài nghĩa trang nhé.
Ông trưởng họ khoát tay nói một cách đầy hào sảng:
-Biết rồi.
Theo Chuyện quê