Chạy mất dép

Vừa qua tết 1985, tui và mẹ con Maika từ Long Xuyên về đầu quân cho đoàn cải lương của anh bầu Quốc Sỹ, anh vốn là con trai của soạn giả Hoài Điệp Tử, một cây viết có tên tuổi ở Minh Hải đang làm việc tại Phòng văn hóa Huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
269710956-2971279129801375-3941487474623546922-n-1641456192.jpg

Đoàn đang hát tại chợ Năm căn Vàm lẽo, cách chợ Bạc Liêu 14 cây số, đường sông thì có đò nhưng chạy hơi lâu. Muốn đi nhanh thì đầu chợ có chiếc xe đò nhỏ mỗi ngày một chuyến đi về. Mỗi chuyến xe chở hơn 20 người, phụ nữ thì ưu tiên có chỗ ngồi còn thanh niên như tui thì đu tòn ten phía sau, đường xấu nên lúc đưa bên này lúc đu bên kia như khỉ trong sở thú vậy. Đường lúc đó toàn là ổ gà bụi lốc lên đầy đầu đầy cổ, chắc vì vậy mà bà chị vợ của tui bả ngán đi chợ lắm... Bà chị vợ "dễ thương" cũng là đào hát chánh của đoàn nên được ông Bầu Quốc Sỹ bố trí cho buôn bán độc quyền trong rạp nên kinh tế cũng thoải mái hơn anh chị em nghệ sĩ khác (Chị vợ và má vợ đi đoàn hát gần cả năm nay rồi).

Gặp tui bà chị vợ mừng lắm, nhờ tui đi chợ mua đồ bán cho chị. Bà chị tánh cẩn thận ghi rõ giá từng món, mua ở tiệm nào, tiền xe đi về là 14 đồng, cộng 3 đồng bồi dưỡng ăn được một ổ bánh mì 2 đồng và một đồng mua trà đá uống nguyên một ngày. Chợ Bạc Liêu thời bao cấp nên không sung túc như bây giờ, mua món gì cũng phải vô cửa hàng Quốc doanh đứng xếp hàng, lại nhằm lúc mới đổi tiền nên ăn món gì cũng được hỏi:

- Có tiền lẻ không vậy?

Mà tiền ăn chỉ phát có 3 đồng vừa ăn vừa uống thì ăn món gì ngoài ổ bánh mì? Maika mới lẩm đẩm biết đi, nhìn các món hàng dễ thương bán cho mấy đứa con nít bày trong cửa hàng Thương nghiệp Quốc doanh tui thầm nghĩ ước gì mình có tiền mua đồ cho đứa con của mình nhỉ? Ngồi ôm giỏ hàng vừa gặm ổ bánh mỳ trong đầu tui bỗng lóe lên một suy nghĩ:

- Mình đã có cách mua đồ cho con gái mình rồi.

Thế là tui trở lại cửa hàng mua cho Maika cái nón nhỏ xíu dễ thương với giá 6 đồng. Thế là từ đó mua đồ xong tui vô cửa hàng Quốc doanh mua một món quà cho đứa con gái 2 tuổi của mình, khi thì con búp bê, khi thì chiếc áo đầm, khi thì đôi giày, đôi dép, khi thì những món đồ chơi của con nít... Vốn đa nghi nên bà chị nghĩ tui thế nào cũng ăn gian... nên lần nào mua hàng về cũng mượn cân để cân lại. Nhiều lần, không phát hiện được gì chị ấy nghĩ là hàng đang hạ giá mà tui không cho chị hay nên chị nói:

- Mai Dượng ở nhà để tui đi mua sẵn thăm người quen luôn.

Hôm chị đi mua đồ thấy chẳng hạ giá đồng nào chị lại nghi cho tui... chôm đồ của chủ tiệm... mẹ tụi nhỏ biết tánh tui nên khăng khăng cãi:

- Chồng tui không có tham đâu. Tui biết tánh ổng mà, nghèo chết bỏ chứ không tham gian ai một đồng một cắc nào.

Nhưng khi bả hỏi làm cách nào có tiền mua đồ cho con thì tui chỉ cười mà không trả lời... Hàng đi mua thì chỉ có mấy món: Thuốc lá, kẹo, bánh, đường, bánh trái, hột dưa... tối cho mẹ vợ bán độc quyền trong rạp nên tiền lời nhiều, đoàn hát hát một bến ít nhất cũng trên 1 tháng nên ngày nào tui cũng được đi Bạc liêu Du lịch và gặm bánh mì. Thấy tui ngày nào về cũng có tiền mua đồ cho con nên bà chị vợ tức chịu hết nổi... nên một hôm vừa đi mua hàng về thì bà già vợ, chị vợ và mẹ tụi nhỏ ngồi chờ sẵn. Mặt hầm hầm bà chị vợ hỏi có vẻ hằn học:

- Bây giờ dượng trả lời cho tui biết, dượng làm cách nào để có tiền mua đồ cho con của dượng ? mặc dù con của dượng nó cũng là cháu của tui. Nếu không nói rõ thì dượng là thằng ăn cắp... vì tui biết chắc là dượng không có tiền trong mình mà mỗi lần đi chợ về là mua đồ cho con Dượng là mần sao?

Mẹ tụi nhỏ cũng theo phe địch:

- Ông nói rõ cho ngọn ngành chứ. Tui biết là ông không tham gian nhưng làm gì ông có tiền tui thiệt tình không biết.

Thấy tình hình có vẻ căng quá không cách nào thoát... nên tui hạ giọng:

- Có gì đâu mà chị làm ầm lên vậy, tiền tui mua đồ cho con tui nó nằm trong số tiền chị đưa cho tui đó chớ đâu. Nhưng tui không có ăn gian chị hay ăn cắp gì của ai. Không tin chị xem kỹ lại cái phiếu tính tiền đi.

Sau khi hai chị em song kiếm hợp bích săm soi cái phiếu mua hàng, cộng từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới không phát hiện gì... lúc đó tui mới nói thiệt:

- Tiền tui mua đồ cho con gái tui lấy từ cái tiền xe đi về 14 đồng đó.

- A, Tui hiểu rồi, Dượng đi xe không trả tiền hả?

- Không phải.. tui đâu có đi xe... tui đi bộ... nên mỗi ngày dư 14 đồng mua quà cho con gái tui.

Bà già vợ, chị vợ và bà vợ thân yêu của tui ồ lên bất ngờ vì không ai tin mỗi ngày tui có thể chịu khó lội bộ 28 cây số vác hơn 10 ký đường đậu, kẹo bánh? Vậy đó mà bà chị vợ nỡ nào nói câu phủ phàng:

- Dượng lội bộ hay như vậy mai tui khỏi đưa tiền xe... hen.

Tui kêu "TRỜI" một tiếng rồi chạy mất luôn đôi dép. /.

 

Theo Chuyện quê