Chỉ còn anh và em là của mùa Thu cũ

Bài thơ “Thơ tình cuối mùa Thu” được Xuân Quỳnh đưa vào trong tập thơ “Tự hát”, xuất bản năm 1984, tức là viết ra khi nhà thơ đã đi qua cái tuổi mười tám đôi mươi đầy mơ mộng. Điều này cũng có nghĩa là bài thơ được làm trong thời kỳ nữ sĩ đã từng nếm trải không ít những dông bão của cuộc đời.
mua-thu-vao-hoa-cuc-1726892970.JPG
Mùa Thu và hoa cúc

Kể từ cái chiều thu định mệnh trên đoạn đường đầu cầu Phú Lương ở Hải Dương đến nay đã ba mươi sáu năm. Đó là ba mươi sáu mùa Thu nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) giã biệt mọi người để đi về phía “cuối trời mây trắng bay”. Và đó cũng là ba mươi sáu mùa Thu người yêu thơ không ngừng tưởng nhớ tới Xuân Quỳnh với tư cách là một “thi sĩ của tình yêu” và người đời cũng không ngừng thổn thức bản tình ca vượt thời gian: “Thơ tình cuối mùa Thu” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (phổ thơ bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Quỳnh):

THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU
(Xuân Quỳnh)

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa Thu đi cùng lá
Mùa Thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa Thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Là của mùa Thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay

Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may

(Theo “Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ”, Nhà xuất bản Văn học, 1994)

Đọc bài thơ “Thơ tình cuối mùa Thu”, chúng ta thấy mỗi câu thơ trong bài có năm tiếng (thể thơ ngũ ngôn). Toàn bài thơ có năm khổ nhưng không đều nhau: Hai khổ thơ đầu mỗi khổ thơ có tám câu, ba khổ thơ cuối mỗi khổ có bốn câu. Tuy số lượng câu thơ trong các khổ thơ dài ngắn khác nhau nhưng nhìn tổng thể cấu tứ của toàn bài rất chặt chẽ và nhất quán. Xuyên suốt bài thơ người ta thấy có hai hình ảnh song hành, tương hỗ lẫn nhau: Hình ảnh thiên nhiên và tình yêu của con người.

Hai hình ảnh song hành và tương hỗ lẫn nhau này được nhà thơ tổ chức bằng cách bố trí, sắp xếp các hình ảnh cụ thể mang tính đối lập giữa hai mặt: nhất thời và vĩnh cửu, mất và còn, ra đi và ở lại. Và thoạt nhìn câu chữ trên bề mặt chúng ta sẽ thấy bài thơ cũng hết sức giản dị. Nhưng lắng nghe từng con chữ chúng ta sẽ nhận ra đằng sau những ngôn từ hết sức bình dị; ẩn sâu trong những âm điệu có vẻ như trầm lắng là một nguồn cảm xúc dạt dào, mãnh liệt đang bùng cháy dữ dội, mạnh mẽ. Đó là tiếng lòng của người phụ nữ đang yêu với những trăn trở, suy tư về thời gian, về đời người trong một niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn bất diệt của tình yêu. 

Những trăn trở, suy tư và niềm tin vào cái quy luật trường tồn của tình yêu được đúc kết ấy cũng chính là mạch cảm xúc của bài thơ. Một mạch cảm xúc dạt dào tình cảm nhưng cũng chất chứa trí tuệ bởi đó là những kinh nghiệm được rút ra từ những trải nghiệm trong thực tiễn của tự nhiên và con người: bắt đầu từ sự ra đi của mùa Thu, nghĩ về dòng chảy của thời gian, rồi ngẫm về hành trình của đời người để cuối cùng nhận ra một sự tồn tại bất biến, vĩnh hằng của tình yêu. Nhưng bài thơ không dừng lại ở đó. Trong một tầm cao hơn, mang tính triết lý. Đó là quan niệm về tình yêu.

Phải chăng qua bài thơ Xuân Quỳnh muốn nói với mọi người rằng: trên đời này mọi vật đều phải chịu quy luật mất còn của thời gian, duy nhất chỉ có một thứ không chịu sự tác động của thời gian: đó là tình yêu. Tình yêu đích thực của con người luôn bất tử, sẽ vượt qua thời gian và bất biến trước mọi đổi thay của cuộc đời. Chúng ta hãy lắng nghe cái nhịp đập yêu thương ấy để thấy được tiếng lòng tha thiết và niềm tin mãnh liệt của thi nhân vào vẻ đẹp tình yêu cao cả của con người.  

Bài thơ được mở đầu bằng những chuyển động của thế giới tự nhiên trong khắc tàn thu: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa Thu đi cùng lá/ Mùa Thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mang/ Mùa Thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em”.

Theo quan niệm của người phương Đông con người và thế giới tự nhiên có mối quan hệ tương thông. Con người là một “tiểu vũ trụ” trong lòng “đại vũ trụ”. Bởi vậy người ta hay mượn những quy luật của thế giới tự nhiên để nói về quy luật của con người. Đất trời có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông thì đời người có bốn giai đoạn Sinh - Trưởng - Lão - Bệnh.

Sử dụng mùa Thu để làm đối tượng miêu tả phải chăng Xuân Quỳnh có ngụ ý về thời gian của đời người. Nhà thơ đã sử dụng mối liên tưởng tương đồng giữa thiên nhiên (mùa Thu) và đời người (khi đã trải qua gió bão, thác lũ) để khẳng định về sự tồn tại vĩnh cửu của tình yêu. Việc sử dụng phương thức ẩn dụ như thế phải chăng là cách để Xuân Quỳnh làm cho tình yêu trở nên bất tử.

Đọc tám câu thơ chúng ta thấy nhà thơ dùng đến bảy câu để nói về thiên nhiên đang không ngừng chuyển động. Đó là những mây trắng bay, lá vàng thưa thớt, dòng nước mênh mang, vàng hoa cúc. Đây là những hình ảnh của mùa Thu, một bức tranh mùa Thu với đầy đủ các sắc màu đặc trưng. Cùng với những tín hiệu nhận biết mùa là những cảnh vật, Xuân Quỳnh còn sử dụng rất nhiều động từ: Bay (mây trắng bay), về (lá về rừng), đi (đi cùng lá), ra (ra biển cả), vào (vào hoa cúc) để gợi lên sự chuyển động của thời gian.

Những bước đi thời gian ở đây không hề vội vàng, hối hả mà rất nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng rứt khoát, rõ ràng. Ở trong khổ thơ, cùng với nghệ thuật ẩn dụ nhà thơ còn sử dụng phương thức hoán dụ để cụ thể hóa cái tín hiệu “mùa Thu” bằng những hình ảnh gọi mùa như “mây trắng”, “lá vàng”, “dòng nước mênh mang”.

Có thể thấy mỗi một hình ảnh là một cảnh sắc khác nhau của trời Thu. Một trời thu đang dần phai nhạt để chuẩn bị chuyển mùa sang đông. Và ẩn sau bức tranh báo hiệu sự chia lìa xa cách của mùa Thu đang chuyển động ấy người ta thấy hiện lên một nỗi buồn man mác, một nỗi niềm dường như có gì đang bịn rịn, tiếc nuối, lưu luyến chưa muốn rời xa. Nhưng tâm điểm của khổ thơ không dừng ở bức tranh tàn thu đang chuyển động. Bức tranh ấy suy cho cùng cũng chỉ được sử dụng như một công cụ để làm nổi bật hình ảnh của tình yêu con người. Tình yêu của con người ở đây đã vượt qua mọi quy luật của tự nhiên. Nếu mọi vật trên mặt đất đều phải chuyển động, sự tồn tại chỉ là nhất thời, phải tuân theo cái định mệnh lá rụng về cội, nước đi ra biển thì vẫn có một thứ tồn tại không theo quy luật ấy, tồn tại một cách vĩnh cửu: Tình yêu của con người. Đây chính là cặp đối lập đầu tiên. Một sự đối lập cả về nội dung lẫn hình thức.

Về nội dung: Sự tồn tại của tạo vật chỉ là nhất thời với tình yêu của con người là tồn tại vĩnh cửu, về hình thức: bảy câu đầu nói về sự chuyển động của tự nhiên với một câu cuối nói về sự tồn tại không thay đổi của tình yêu. Cho nên câu thơ “chỉ còn anh và em” ở cuối khổ được ngân lên một cách đầy kiêu hãnh và tự tin. 

Sang đến khổ thơ thứ hai: “Chỉ còn anh và em/ Là của mùa Thu cũ/ Chợt làn gió heo may/ Thổi về xao động cả/ Lối đi quen bỗng lạ/ Cỏ lật theo chiều mây/ Đêm về sương ướt má/ Hơi lạnh qua bàn tay”, Xuân Quỳnh đã lặp lại câu thơ cuối của khổ thơ thứ nhất và đưa lên đầu khổ. Cách điệp ngữ như thế vừa nối mạch cho khổ thơ vừa gây ấn tượng cho người đọc về sự tồn tại bất biến của “hai ta”.

Dường như lặp lại vẫn chưa đủ, nhà thơ còn phải nhấn mạnh thêm “Là của mùa Thu cũ” để cho người đọc thấy được sự trường tồn bất biến trước mọi sự biến thiên của thời gian. Và sau cái lời thông báo về sự tồn tại trái ngược với quy luật tự nhiên của “anh và em” ấy nhà thơ bắt đầu cực tả những nét tâm trạng đầy nữ tính qua những hình ảnh ẩn dụ: làn gió heo may, lối đi quen, cỏ lật theo chiều mây, đêm sương, gió lạnh. 

Những hình ảnh ẩn dụ ấy vừa gợi nên cảnh sắc của tiết trời cuối thu vừa gợi lên những cung bậc cảm xúc đang trào dâng trong tâm hồn của một người phụ nữ mê mải trong tình yêu, khát khao được ấm nồng, mong muốn được che chở mỗi khi gặp giá lạnh hay dông bão. Trong khổ thơ người ta bắt gặp một hình ảnh rất quen của mùa Thu. Đó là “làn gió heo may”. Có thể nói, đây là một hình ảnh đẹp, giàu sức gợi tả.

Trong thực tế gió heo may rất nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa Thu. Nhưng trong khổ thơ ta thấy làn gió ấy không nhẹ chút nào. Nó làm “xao động” tất cả. Hóa ra câu thơ không chỉ là cảnh sắc trời thu mà còn cả là tâm cảnh. Đó là tâm trạng của nhà thơ đang trong giấc nồng yêu đương và cũng là tâm trạng của biết bao chàng trai cô gái đang say sưa trong tình yêu. Làn gió heo may là nhân chứng của biết bao cuộc tình. Nó làm thức dậy ký ức và những kỷ niệm tình yêu trong những mùa Thu cũ. Có không ít người dù đang rất hạnh phúc với tình yêu của hiện tại nhưng bất chợt gặp lại “làn gió heo may” vẫn không khỏi ngây ngất với quá khứ đầy ắp những yêu thương ngọt ngào.

Sau cái cảm giác khát khao về sự yêu thương ấm áp, cảm hứng về tình yêu được Xuân Quỳnh chuyển sang một trạng thái khác. Đó là một tình yêu trong hạnh phúc ngọt ngào, vững chãi, bền bỉ: “Tình ta như hàng cây/ Đã qua mùa gió bão/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ”. Ở trong khổ thơ thứ ba này chúng ta thấy nhà thơ đã sử dụng phối hợp rất hiệu quả nghệ thuật điệp ngữ: “Tình ta như …” (lặp cấu trúc ngữ pháp) và biện pháp so sánh: “Tình ta như hàng cây …, Tình ta như dòng sông …” để khẳng định sự bền vững của một tình yêu chung thủy.

Có lẽ trải đời qua những đắng cay của chốn nhân gian đầy cơ cực, xáo động với những nắng nôi bão dông mà đến giờ phút này Xuân Quỳnh đủ tự tin để khẳng định hạnh phúc ngọt ngào của mình. Tình yêu ở đây chan chứa niềm tin, hy vọng. Những “gió bão”, “thác lũ” là những ẩn dụ cho những nghịch cảnh mà con người từng đi qua. Đó là thử thách của tình yêu. Một khi tình yêu đã đi qua thử thách nghiệt ngã nhất thì không có gì có thể phá hủy được hạnh phúc của đôi lứa yêu nhau.

Tình yêu của Xuân Quỳnh giờ đây giống như hàng cây trụ vững qua những ngày gió bão, giống như dòng sông bình yên trở lại sau những ngày thác lũ. Nó không còn bồng bột như tình yêu vừa chớm nở với những hờn dỗi vu vơ. Cái tình yêu lúc này thực sự đã trở thành một bến đỗ bình an. Nó là điểm tựa, là sức mạnh tinh thần cho người phụ nữ. Bốn câu thơ rất ngắn gọn nhưng chan chứa hạnh phúc ngọt ngào, không còn những khổ đau, thấp thỏm, chấp chới, âu lo.

Và cuối cùng, mạch cảm xúc của bài thơ được khép lại bằng những hình ảnh mang tính đối lập giữa các mặt còn và mất, ra đi và ở lại trong hai khổ thơ ăm ắp những yêu thương nhưng cũng phảng phất thoáng chút ngậm ngùi bởi sự hữu hạn của đời người: “Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em”; “Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại.../ - Kìa bao người yêu mới/ Đi qua cùng heo may”. Cũng như ở khổ thơ đầu, thế giới tự nhiên nó có quy luật của nó. Nó có đường đi của nó chỉ có tình yêu của “anh và em” bất tuân quy luật đó mà thôi. Cho nên “thời gian”, “mùa”, “tuổi” (con người) ở đây cũng chỉ là sự tồn tại nhất thời, cuối cùng cũng phải ra đi. “Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại” còn ở lại, là sự tồn tại vĩnh cửu.

Thực tế cuộc đời là vậy. Thời gian trôi qua nhanh như một cơn gió thổi, chẳng thế mà các cụ ngày xưa hay ví von “thời gian như bóng câu qua cửa sổ”; mùa thì tuần hoàn theo cùng tháng năm; tuổi trẻ của đời người cũng theo mùa một đi không trở lại. Tất cả rồi sẽ đều phải trôi mất trên dòng sông thời gian. Chỉ duy nhất một thứ còn tồn tại. Đó là “anh và em” “cùng tình yêu” của hai ta. Tình yêu ấy không tuổi. Nó sẽ trở thành nhân chứng của thời gian, chứng kiến những bước đi của mùa Thu. Có lẽ được say sưa trong hạnh phúc ngọt ngào mà nhà thơ đã thăng hoa trong cảm xúc tình yêu.

Dẫu biết đời người không thoát khỏi quy luật của sinh - lão - bệnh - tử nhưng trong men say tình yêu Xuân Quỳnh đã vượt lên cái quy luật ấy để lạc quan, reo mừng khi được chứng kiến các lứa đôi đang nối tiếp nhau trong niềm hạnh phúc thương yêu: “Kìa bao người yêu mới/ Đi qua cùng heo may”. Tiếng reo vui mừng kết thúc bài thơ nhưng không khép lại trí tưởng tượng. Nó gợi lên sự kế tiếp của những tình yêu mới, của các thế hệ “anh và em” tiếp theo. Như thế tình yêu cũng như một dòng sông. Không bao giờ ngừng chảy. Phải chăng vì điều này mà bài thơ đã trở thành khúc ca tình muôn đời của biết bao đôi lứa đang nồng nàn yêu thương.

Bài thơ “Thơ tình cuối mùa Thu” được Xuân Quỳnh đưa vào trong tập thơ “Tự hát”, xuất bản năm 1984, tức là viết ra khi nhà thơ đã đi qua cái tuổi mười tám đôi mươi đầy mơ mộng. Điều này cũng có nghĩa là bài thơ được làm trong thời kỳ nữ sĩ đã từng nếm trải không ít những dông bão của cuộc đời. Chính vì thế trong bài thơ chúng ta thấy cái nhìn của nhà thơ và hình ảnh thơ không còn “dữ dội”, “ồn ào” hay bóng bẩy, hoa mỹ nữa mà có phần “lặng lẽ”, “dịu êm” một cách rất tự nhiên, bình dị với những cảnh vật chân chất, mộc mạc như những gì vốn có của đất trời; thể hiện đúng như những gì đang diễn ra trong nỗi lòng, tâm trạng của chính mình.

Tuy nhiên cũng không phải vì quen thuộc, giản dị như thế mà bài thơ mất đi cái sự cháy bỏng, da diết của lứa đôi yêu nhau. Bởi vậy khi đọc bài thơ người ta thấy những va đập, những rung lắc, những đớn đau của mọi thử thách không làm cho trái tim đang yêu trở nên bị lụy, run rẩy, tan vỡ. Trái lại, thử thách càng mạnh mẽ, dữ dội thì càng làm cho tình yêu vững bền, bất diệt trong một niềm tin bất biến về sự trọn vẹn bởi vẻ đẹp vĩnh cửu của tình yêu.

Cũng bởi vì một tình yêu như thế mà khép bài thơ lại rồi nhưng người ta vẫn thấy cái dư vị của nó vẫn cứ ngọt ngào, ăm ắp, chất chứa trong những dư âm lắng đọng ở nơi sâu thẳm tâm hồn.