Chị Gu-Gồ

Trương Thành Sơn

15/06/2022 05:56

Theo dõi trên

Từ ngày về hưu ông Quýnh có một nỗi lo, ấy là việc gả chồng cho gái yêu. Mãi 35 tuổi sau khi đã xuất ngũ, đi học đại học rồi tốt nghiệp đi làm, phấn đấu lên đến phó phòng ông Quýnh mới cưới vợ. Đã muộn mằn lại còn hiếm nên đứa con gái duy nhất ra đời khi ông đã 37 tuổi.

google-vui-tinh-1655247337.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Là con duy nhất của bố mẹ, nên cô bé Khuyên được chiều hết cấp. Giờ qua 23 tuổi đã tốt nghiệp đại học mà gái yêu chưa hề biết nấu một bữa ăn gia đình. Trong bữa ăn, ông Quýnh bảo con:

- Khuyên để ý mẹ làm cơm, lo việc nhà thế nào để dần tự lực chứ con?

- Vâng, để tâm mà con vẫn không biết đâu. Mà cờ đến tay là phất chứ lo sớm làm gì hả bố? Vướng gì thì hỏi chị Gu-gồ bày vẽ cho hết,

- Thời nay người ta không còn đòi hỏi sự hy sinh của người phụ nữ như xưa nữa, các tiêu chuẩn công – dung – ngôn – hạnh đã thay đổi rồi, nhưng người phụ nữ vẫn là tay hòm chìa khoá, vẫn là phong thuỷ của một gia đình con ạ.

- Cụ già ơi! Con gái mới 23 tuổi mà, nghĩ sớm thế cho con già đi để rồi ế chồng à? Hí hí…

Mẹ Kim cũng chú ý vừa làm, vừa giảng giải và buộc Khuyên tham gia việc cùng mình. Thế nhưng bao giờ cô bé cũng kiếm cớ để chuồn, mặc cho mẹ làm một mình, còn bảo:

- Khi cần đã có mẹ chồng lo, con dâu khi muốn thì chị Gu-gồ giúp.

Ông Quýnh, bà Kim cũng nỗ lực tìm, tế nhị giới thiệu với bạn bè để tìm một chàng rể trong số con trai của các bạn bè, nhưng không mang lại bất cứ kết quả khả dĩ nào. Cứ mỗi lần bố mẹ hướng dẫn con gái cách tìm bạn trai theo các tiêu chuẩn, cách tiếp nhận tình cảm của các chàng trai là Khuyên lại bĩu môi:

- Hứ, sao bố mẹ không bày cách cho con đánh mông, liếc mắt để quyến rũ các con đực? Hí hí hí…

Điều làm ông Quýnh lo lắng hơn nữa là việc vun vén, tổ chức các sự kiện trong gia đình. Điều này mới nảy sinh sau khi ông Quýnh tham gia tổ chức tang lễ cho ông anh rể cả, bị ung thư rồi mất ở tuổi 81. Con cái ông anh rể và bà chị gái không hề có sự chuẩn bị trước, thằng cả cứ bảo:

- Dịch vụ bây giờ có đủ từ A đến Z, mình chẳng cần làm gì cả. Bí gì thì hỏi chị Gu-gồ.

Thế nhưng thực tế sự việc xảy ra, tất cả rối như canh hẹ. May là có một người chú từ quê lên biết việc nên giúp đỡ tận tình. Nhưng sự giúp sức chỉ là những việc theo thủ tục truyền thống, còn những lệ ở thành phố thì bên dịch vụ đảm nhận. Hơn thế bọn con cái ứng dụng công nghệ, hễ vướng gì là nó bảo:

- Để cháu hỏi chị Gu-gồ đã ạ.

Mà nó hỏi bằng lời thật:

- Chị Gu-gồ ơi, cách làm bát cơm cúng người chết trong đám tang thế nào?

- Tôi tìm thấy mấy bài hướng dẫn sau, bạn tự đọc nhé.

- Vâng, không có gì.

- Chúc chị nhanh thoát ế chồng nhé.

- Hí hí, cảm ơn.

Mà cái chị Gu-gồ ấy nói mới dễ nghe thế chứ, rất chu đáo tỷ mỉ và kịp thời. Tài nhất là chị ta trả lời rành rọt bằng tiếng Việt Nam, còn biết pha trò cười nữa.

Lúc ông Quýnh nói về sự lúng túng trong tổ chức đám tang bác với con gái, Khuyên cười phá lên:

- Cụ già ơi! Thế cụ đã biết làm những việc ấy chưa mà cụ đòi thằng con rể tương lai biết việc ấy ạ? Tại cụ cứ lo xa, chị Gu-gồ biết tất, sẽ bày cho mà.

- À… ừ…

- Cụ hãy lo việc tổ chức đám cưới cho con gái yêu, khi … bác sỹ bảo cưới ấy. Ha ha ha…

Đúng là ông Quýnh không hề biết việc thật, thời còn đi làm thì mọi việc đều do văn phòng hỗ trợ, còn ở nhà thì xưa nay chưa có việc gì. Đến ngay cả đám cưới của mình cũng do bố mẹ lo, ở cơ quan thì chi đoàn thanh niên giúp.

Rồi chuyện phải lo cũng bất ngờ tới thật. Ấy là mẹ vợ tức là bà ngoại bé Khuyên mất đột ngột ở tuổi 86. Trước đây bao nhiêu công to việc lớn thì chính bà cụ lo. Giờ có đến ba đứa con nhưng chị cả là mẹ của Khuyên ngu ngơ y như ông Quýnh chồng mình, con trai thứ hai chính là trai trưởng bị tai biến nằm một chỗ, cô vợ chưa đóng vai chính bao giờ. Còn mỗi vợ chồng cậu út thì lại định cư tận Canada, trúng dịp dịch cúm Tàu (Covid-19) không có chuyến bay để về được.

May thay, đúng khi vướng như gà mắc tóc thì “nhân tố bí ẩn” xuất hiện. Đó là cô con gái đầu của cậu trưởng tộc, nghe tin bà nội ốm nặng thì cùng chồng về thăm. Không ngờ chẳng kịp, ngay đêm đó bà đã mất rồi. Nó thấy mọi người rối tinh lên mà không có người cầm trịch lo tang bà nội thì tra Gu-gồ, rồi cùng chồng lập danh mục công việc, phân công người đảm nhiệm. Hóa ra cái chị Gu-gồ được việc phết, chàng cháu rể đứng ra cùng vợ sắp đặt mọi việc.

Ông Quýnh đường đường là con rể trưởng, nhưng hoàn toàn không biết phải làm gì, vồ ngay lấy thằng cháu rể bên vợ để vừa làm vừa học tập. Nghiễm nhiên ông Quýnh cướp được diễn đàn, để đứng ra chỉ đạo sau khi thằng cháu đã lo mọi việc đâu ra đấy trong thực tế.

Cuối cùng thì ông Quýnh cũng cùng cả họ bên vợ lo được việc lớn và trở thành tấm gương hiếu nghĩa, biết việc.

Mấy tháng sau thì Khuyên giới thiệu người yêu, khốn nỗi đúng dịp dịch cúm Tàu (Covid-19) đang giai đoạn nguy hiểm ở TP HCM nên mọi việc được cắt ngắn, đơn giản hoá. Ông Quýnh cũng áy náy nên đề nghị hoãn đến khi dịch yên. Con bé Khuyên cười rũ rượi bảo:

- Cụ ơi! Bác sỹ sản khoa bảo phải cưới, cúm Tàu (Covid-19) cũng vẫn phải cưới. Cụ cãi nhau với bác sĩ được không ạ?

- Thế ra… chúng mày…

- Hí hí hí… con phải kiểm tra chất lượng chàng rể tương lai chứ? Thế lỡ với được thằng bất lực, cưới về rồi thì con mếu à? Bố có đền chồng con được không?

Thế là đành chịu chúng nó, chàng rể lại hỏi chị Gu-gồ về cái gì cắt bớt được trong đám cưới thời cúm Tàu (Covid-19), cái gì vẫn phải thực hiện để hai gia đình phối hợp.

Ôi thời đại của chị Gu-gồ nên sinh ra cô dâu Gu-gồ, chàng rể Gu- gồ, rồi đến cụ hưu Gu-gồ nữa…

Cảm ơn chị Gu-gồ nhé!

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Chị Gu-Gồ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn