Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, trước sự bùng phát của dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh, vai trò của Tổ Covid cộng đồng đã góp phần đáng kể, đã thực hiện giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 chủ động tại từng hộ gia đình, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc truy vết các đối tượng liên quan đến người nhiễm Covid-19...
Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động giám sát dịch của Tổ Covid cộng đồng trên địa bàn vẫn còn lúng túng, một số nơi hoạt động còn hình thức, quy mô, số lượng, thành phần còn bất cập; nhiệm vụ của các thành viên Tổ chưa cụ thể, chưa sâu sát kiểm điểm, đánh giá hàng ngày, công tác giám sát dịch chưa kịp thời, chậm thông báo cho chính quyền và cán bộ y tế đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm... Nguyên nhân do nhận thức của người đứng đầu một số địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò của Tổ chưa đúng mức; các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cũng như là kiểm tra đôn đốc; tổ chức Tổ Covid cộng đồng chưa phù hợp...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu dân cư với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19, không để sót, lọt bất cứ trường hợp nghi nhiễm nào trên địa bàn, góp phần thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Các cấp, các ngành cần quán triệt nghiêm túc về vị trí, vai trò của Tổ Covid cộng đồng; phải xác định Tổ Covid cộng đồng là vũ khí chiến lược trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với mục tiêu là giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 chủ động tại từng hộ gia đình, Tổ Covid cộng đồng chính là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Y tế nghiên cứu ban hành hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về tổ chức, cách thức hoạt động, nhiệm vụ của Tổ Covid cộng đồng. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng trên toàn tỉnh. Báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
UBND các huyện, thành phố thành lập Tiểu ban chỉ đạo hoạt động của Tổ Covid cộng đồng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác giám sát dịch hoàn thành trước ngày 03/6/2021. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khẩn trương kiện toàn, củng cố mô hình hoạt động của Tổ Covid cộng đồng theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở; quán triệt sâu sắc trách nhiệm của tổ Covid cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư, kết hợp với hướng dẫn hoạt động của các Tổ trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất.
UBND xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch hoạt động của Tổ Covid cộng đồng, Quyết định thành lập các Tổ Covid cộng đồng, quy mô mỗi tổ Covid cộng đồng gồm 3-4 người: là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư (tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 20-30 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ viên). Tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, đồng thời hỗ trợ các điều kiện để Tổ Covid cộng đồng hoạt động được hiệu quả. Đôn đốc, giám sát các Tổ Covid cộng đồng để đảm bảo hoạt động thực chất, tránh hình thức.
Sở Nội vụ (Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh) chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn khen thưởng đối với các Tổ và thành viên Tổ Covid cộng đồng có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động của Tổ Covid cộng đồng, gắn với phong trào dân vận khéo. Lựa chọn một số khu dân cư xây dựng mô hình điểm, đánh giá và nhân rộng triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Chính trị -Xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và vai trò, tác dụng của Tổ Covid cộng đồng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; vận động các tổ chức hội viên, đoàn viên trong tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tích cực tham gia làm nòng cốt trong các Tổ Covid cộng đồng. Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, kịp thời gửi văn bản về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết hiện nay, tỉnh đang thiếu trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực. Để rút ngắn thời gian, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hoặc cho phép tỉnh mượn thiết bị từ các địa phương khác, đồng thời hỗ trợ nhân lực cho các tuyến điều trị.
Về công tác xét nghiệm, ngoài tập trung vào các thôn là các ổ dịch lớn, thời gian tới Bắc Giang sẽ mở rộng tầm soát ra toàn tỉnh, khối lượng cần lấy mẫu sẽ lớn hơn. Do vậy hiện đang thiếu khoảng 400 người để phục vụ lấy mẫu.
Về triển khai tiêm vắc xin, tỉnh Bắc Giang được Chính phủ ưu tiên phân bổ 150.000 liều. Tỉnh triển khai kế hoạch để có thể sử dụng hết số vắc xin này trong một tuần và quyết tâm chạy đua với thời gian để tiêm cho công nhân sớm được quay trở lại làm việc. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 200 điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ tiêm phòng.