Chị Vân

Thần tốc! Lệnh hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chiến sĩ còn nguyên quần áo thợ mỏ buông tay búa, cầm súng vượt Trường Sơn đi cứu nước.
may-troi-1669101577.jfif
 

 

Bến phà Lục Đầu Giang, máy bay Mỹ ngày đêm đánh phá ác liệt, khói bom mù mịt. Thị xã mỏ bên bờ vịnh Hạ Long, nhà cửa đổ nát, hoang tàn trở về thời kỳ đồ đá. Tổng Thống Mỹ hênh hoang tuyên bố vậy!

Không sợ bom rơi đạn nổ, đoàn quân thợ mỏ xếp hàng qua phà dài dằng dặc hàng cây số. Đêm qua họ từ trong lò ra, mặt mũi còn lấm lem than bụi, xoa lên đầu con đang ngủ trên giường, hôn lên má vợ một cái rồi vội vã ra đi. 

Ở đầu tầng than, bên những chiếc xe goòng đầy ắp, Anh Nguyễn Đức Bình thợ sửa chữa cơ điện, đã rủ bạn gái ra đây cho vắng vẻ, nắm chặt bàn tay người yêu thì thầm: "Chờ anh về! Chúng ta sẽ làm đám cưới thật to trên bãi biển Bái Tử Long mênh mông lộng gió em nhé". Chị Hương, giáo viên, người yêu, lặng lẽ tặng anh chiếc khăn nhỏ thêu hai con hải âu đang tung cánh trên bầu trời xanh ngắt. Vuốt sợi tóc mai vương trên má anh, chị khe khẽ hát:

"Ngày xưa, biển không có cát như bây giờ

Ngày xưa, biển không có sóng vỗ bờ...  
           Và gió, gió hát thật êm
           Và mây, mây trôi thật hiền 
           Biển ngây thơ, và biển không như bây giờ ... 
           Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe 
           Bài hát có những niềm vui, thật vui..."

Chả hiểu bài hát này của Nhạc sĩ nào, chị hát lời lộn xộn, chầm chậm, nho nhỏ, cảm xúc trào dâng. Anh Nguyễn Đức Bình kéo bàn tay chị lên chấm những giọt nước mắt, rồi từ từ buông xuống, nhè nhẹ thả ra theo bước chân đồng đội xa dần, xa dần...

 Chàng trai Bùi Ngọc Điệp hai mươi hai tuổi, là cán bộ kỹ thuật của mỏ, người con duy nhất trong nhà, mới cưới vợ được mười ngày, đã từ chối đi học kỹ sư mỏ ở Ba Lan, khoác ba lô lên đường. "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Kỹ sư Vũ Thanh Thiên, quê ở Thái Bình, chiều qua nhận được tin như sét đánh: "Mẹ ốm nặng, về ngay để cưới vợ trước khi mẹ nhắm mắt...". Cưới chạy tang? Chiến tranh? Cưới ai vậy? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Ngày học ở quê Thiên chỉ biết Mai Hoa xinh đẹp nhất lớp, nhưng học dốt không thi đậu trường đại học nào. Ngọc Lan cũng không xinh lắm nhưng giỏi văn, kênh kiệu. Bố làm trên tỉnh, cho Lan theo con đường chính trị. Còn ba đứa nữa thì làng nhàng chả đứa nào vừa ý. Vậy mà mẹ lại gọi về cưới vợ, mọi việc dồn đến rối bời. Lần về phép năm ngoái bà chị cả đã nhắm cho một chỗ ở làng bên, cô này hơn hai tuổi. Chị bảo: "Huệ con liệt sĩ chống Pháp, nết na lắm, gái hơn hai, trai hơn một là đẹp". Ngẫm ra mới thấy chị cả khôn, nhà có bốn chị em, ông anh thứ hai là liệt sĩ chưa có vợ con. Chị cả và chị ba đi lấy chồng mãi tận xã bên. Thiên là út lại đi công tác xa, bây giờ vào bộ đội nữa, ai trông non chăm sóc mẹ già yếu. Cưới Huệ về, mọi việc đâu vào đấy, tuổi lớn mới gánh vác được. Thời nay bọn trẻ khác lắm, không khéo lại nuôi con thiên hạ. Chị cả rút kinh nghiệm từ đời mình ra, chồng trước cũng là liệt sĩ. Anh hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ở cầu Hàm Rồng. Góa bụa khi chưa kịp có một đứa con cho riêng mình. Nén đau chị lo cho nhà chồng và làm trọn đạo một người vợ. “Sang cát” cho chồng “mồ yên mả đẹp”, thì cũng là lúc giảm biên chế chị nghỉ việc, với mấy đồng phụ cấp một lần. Một thời gian sau gia đình nhà chồng họp lại. Họ khuyên chị, cuộc đời còn đang ở phía trước…Chị đi bước nữa, không ngờ bị cắt chế độ vợ liệt sỹ khi bước đi “bước nữa”. Hỏi han, chạy chọt thế nào cũng chẳng được. Đành phải chịu, luật là luật. Người chồng hai lại lười, rượu chè, cờ bạc. Hoàn cảnh như vậy chị làm sao nuôi được mẹ.

Thôi kệ, mọi công việc ở nhà có các chú, các cô và các chị lo liệu. Đường ra trận là con đường thẳng tắp, rẽ ngàng rẽ dọc là ăn đạn lạc và bia miệng để đời - Bê quay. Thiện hì hục ngồi viết thư cho mẹ. Xin mẹ tha lỗi và hẹn ngày chiến thắng, các chị có bảo lấy ai em cũng nghe. Đến sáng thì vừa xong, khoác ba lô lên đường không kịp bỏ vào hòm thư bưu điện.    

Hai nghìn thợ mỏ của bể than Đông bắc rùng rùng chuyển động tiến ra chiến trường, sáng danh truyền thống “kỷ luật - đồng tâm” của những người con đất mỏ anh hùng. Họ cùng hát lên những tiếng hát "át tiếng bom", bài ca chiến đấu, bài ca Tổ quốc thân yêu. Vang vang lời thề: "Chưa đánh tan giặc Mỹ thì ta chưa về".

 Các bà các mẹ trong phố mỏ ùa ra tặng quà, nào bánh nếp, bánh chưng, làm lương khô ăn dần. Các cô gái mỏ tíu tít tặng cho mỗi người một chiếc khăn. Cái thì thêu đôi chim hòa bình. Cái thêu hai quả núi Gà chọi, biểu tượng vịnh Hạ Long. Lại một quyển sổ và một chiếc bút máy. Những cái bắt tay nắm chặt. Những nụ hôn nồng thắm mang theo hương bồ kết ra trận.

Nhiều bức thư của các chiến sĩ vội đi chưa kịp gửi về quê nhà đã nhờ người ở lại chuyển hộ. Chị Vân nhân viên bưu điện, rưng rưng nước mắt cầm một nón đầy những lá thư còn nguyên mùi mực, mới viết đêm qua. Vũ Thanh Thiên đặt lá thư vào nón, khẽ nói: "Chị! mẹ em gọi về cưới vợ. Lúc này có nên không chị? ". "Em cứ đi đi! Chị và tất cả những người con gái Việt Nam sẽ đợi các em suốt đời mà!". Chị Vân quàng tay ôm cổ Thiên, ghì chặt, những giọt nước mắt chỡ sẵn, từ từ lăn trên má hai người. Thiên nhè nhẹ nói: "Mẹ em đang chờ xem thư. Chị gửi cho kịp. Chị nhé. Cám ơn chị nhiều". "Hẹn ngày chiến thắng, gặp nhau trên vịnh Hạ Long".

Chị Vân đi dọc hàng quân. Hôn lên má từng người lính để tạm biệt. Đó là những nụ hôn sâu thẳm thay cho những người mẹ, người vợ, người yêu chưa kịp âu yếm lúc vội vã lên đường.

Những chiến sĩ không có thư đã ghi vào cuốn sổ tay của chị: địa chỉ, hòm thư và quê quán người thân. Tất cả niềm tin và hy vọng đặt ở tấm lòng yêu thương, tình người. Chị Vân.

 Những người thợ mỏ ra trận đã trở thành huyền thoại, đã từng làm “bạt vía” quân thù. Đài nước ngoài loan tin rằng "Đội quân đặc nhiệm của quân đội Việt Nam, bao gồm toàn thợ lò từ Vùng mỏ đang hành quân vào Nam, một đội quân tinh nhuệ". Thế là quân đội Mỹ ra sức bỏ bom tìm diệt trên đường hành quân, hòng chặn đứng một lực lượng đặc biệt, kỷ luật cao, đầy nhuệ khí đang trên đường hướng thẳng về tiền tuyến. Các chiến sĩ ở chiến trường nức lòng, người hậu phương vùng mỏ càng chắc tay búa, vững tay súng. Rạp chiếu bóng công nhân to rộng, bẩy trăm ghế ngồi là vậy vẫn không đủ cho người xem. Phòng văn hóa bèn tổ chức chiếu phim ngoài trời, tối tối hàng nghìn người nô nức đi xem, theo dõi bước chân của các chiến sĩ vùng mỏ ở chiến trường qua các bộ phim tài liệu "Nhật ký chiến trường". Trên màn hình từng đoàn quân vội vã leo đèo, lội suối hành quân. Những trận chiến đấu bom đạn mù mịt. Đám trẻ nhỏ ngồi bệt xuống bãi cỏ ngước mắt nhìn màn hình rồi reo lên ầm ĩ: "Chúng mày ơi bố tao kìa, tay nhăm nhăm khẩu súng, xung phong, bố ơi...". Lại đứa khác, hét toáng lên: "Đây mới là bố tao, trên người đầy lá ngụy trang đấy...đấy". Trong nháy mắt những hình ấy biến mất, chả ai xác định, đúng hay sai. Thôi, cứ anh bộ đội là cha, là chú mình, là lính thợ mỏ.

Không biết, ai đó đã nghe trộm chương trình "Chiêu hồi" của Đài Phát thanh Sài gòn, nhạc hiệu là nhạc phẩm "Ngày v" của nhạc sĩ Hoàng Giác. Một giọng nói miền Bắc rên rỉ: "Hỡi anh em chiến sỹ giải phóng đang cầm súng chiến đấu cho lý tưởng mù quắng, hãy hạ súng xuống đầu hàng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Quê hương chúng ta, mẹ già con thơ đang đợi, máu của chúng ta đổ là máu của dân tộc đang chảy. Tôi đã từng là chiến sĩ giải phóng vượt Trường Sơn đi cứu nước, nhưng đã nhầm đã bước vào vũng máu của dân tộc, kêu gọi mọi người mau mau quay trở lại, trước mắt chúng ta là con đường tươi đẹp, thênh thang rộng lớn..."

Sáng hôm sau trên công trường, trong lúc chờ giao ca, mấy cô tài xế băng chuyền Hiên, Hợp, Cải...túm tụm rỉ tai nhau. Hợp nhanh nhảu nói:

- Phát trên đài Chiêu hồn là thằng Phúng con út nhà cai Phùng đấy, chính là nó, còn nguyên cái giọng ồm ồm của đứa dậy thì, mặt đầy trứng cá. Đồ "Trứng khôn hơn rậm".

Cải thêm vào:

- Cái hôm làm lễ hành quân ra mặt trận, nó lẩn vào bụi le định trốn, lấy cớ đi đái. Có sợ vãi đái ra thì có.

Hiên chép miệng:

- Úi dào, con chị thì bán mắn tôm thối trộn gạch non, bán nước mắn pha nước lã. Cả một đám cưới hàng trăm người ngộ độc, ba người chết. Bị bắt, nó  trốn vào tận rừng sâu Síu Mần. Cả nhà nó là đồ phản bội, có gien có giống cả.

Vũ Thanh Thiên còn lạ gì thằng Phúng, một lần Thiên bị đánh oan. Tuyết chạy máy bơm ở lòng moong. Thiên đi kiểm tra kỹ thuật thấy máy bơm không chạy, nước ở moong dâng lên, một số thiết bị sắp ngập nước. Tuyết nằm sõng soài bên cạnh máy hôn mê bất tỉnh. Thiên vội vàng bế chạy một mạch lên xe cấp cứu. Nhập viện, ruột thừa đã vỡ. Bác sĩ trên tỉnh về rửa ruột hai tiếng đồng hồ. Đêm ấy Thiên ngủ lại để chăm sóc. Học nghề xong Tuyết ra mỏ làm, không có gia đình người thân. Sáng muộn hôm sau, cánh cửa phòng bệnh mở sầm, Phùng xông vào túm cổ áo Thiên đấm túi bụi vào mặt, vào bụng. Bất ngờ không kịp chống đỡ Thiên ngất xỉu, máu me đầy mồm. Mọi người can ngăn, lời ra tiếng vào ầm ỹ. Phùng hét toáng: "Nó tằng tịu với con vợ sắp cưới của tôi. Dạy cho nó một bài học". Chẳng ai nghe thằng điên, bảo vệ tống cổ ra khỏi cổng. Sau này ra viện Tuyết tuyên bố từ mặt, cắt đứt. Hôm Thiên lên đường ra trận, Tuyết đến, xe đã chạy. Ngồi trên xe nhìn lại, Tuyết khuất sau những toa than đầy trên bến cảng.       

Chuyện thằng Phúng con nhà cai Phùng "bê quay" đầu hàng giặc cứ thế lan tỏa khắp nơi. Tuyết còn thêm vào cho có đầu có đuôi. Hư thực phải chờ đến ngày giải phóng, nhưng không biết còn sống, để mà vác xác về  không? Đồ đê hèn. Nghe xong chuyện ý ai cũng nói vậy. Nhục.   

Hệ thống loa phóng thanh của Đài truyền thanh Công nhân kéo đến tận nhà để mọi người nghe tin chiến thắng hàng ngày của buổi phát thanh Quân đội nhân dân. Ai cũng vui mừng và tin chắc rằng đội quân thợ mỏ đã đánh chiếm sân bay Tà Cơn, Quảng Trị rồi chiến dịch Đường chín, Khe Sanh. Trong mục "Sổ tay chiến sự" phát thanh viên đã đưa tin và bình luận hùng hồn: "Kho xăng Nhà Bè đã ngùn ngụt bốc cháy, hàng vạn lít xăng bị thiêu hủy. Mọi tiếp viện bị bao vây, chặn đứng các cuộc tấn công của địch trên khắp chiến trường. Các chiến sĩ của ta đã trở về an toàn, đặc biệt chiến sĩ Nguyễn Đức Bình được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ..."

Cả lán Hòa Bình, mọi người nhao nhao loan tin: "Có phải Bình phân xưởng cơ khí đấy không?". "Còn ai nữa, đích thực rồi, đi tìm cái Hương báo tin cho nó biết đi"...

Đang cùng với học sinh sơ tán trong hầm, cô giáo Hương và các em chạy ùa lên reo hò: "Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi! Anh Bình ơi mau về đi, Bái Tử Long đang đợi, đang cất lên tiếng hát - vui thật là vui..." Tất cả nén mũ rơm xuống đất, ôm nhau nhẩy múa. Trái tim cô Hương rung lên nhè nhẹ một nốt trầm của tình yêu người lính, trong lòng thêm ấm áp...

Những tin vui của hậu phương Vùng mỏ, rực rỡ như hoa sim nở đỏ giữa rừng. "Chiến dịch sản xuất than Vì miền Nam ruột thịt" rồi "Hai mươi vạn tấn than Thống nhất Tổ Quốc"...đã làm nức lòng cả nước, nâng bước chân các chiến sĩ tiến sâu vào lòng địch.

Những nụ hôn đằm thắm và hình ảnh chị Vân xinh đẹp, dịu hiền luôn ddi theo Vũ Thanh Thiên, trên mọi nẻo đường của đất nước. Ngoài kia là chiến tranh bom đạn, trong lòng anh sôi sục ước mơ - Chị Vân. Lá thư đầu tiên anh nhận được sau trận đánh là của chị Vân. Nước mắt nhỏ xuống nhòe mờ, anh đọc:

"...Em đã chuyển thư của anh về cho mẹ rồi. Em nhớ các anh lắm, các anh đi rồi bom vẫn nổ tàn phá đất mỏ. Em nghe thấy xa xa, tiếng hò reo chiến thắng của các anh trong tiếng súng nổ ầm ầm. Miền Nam chiến thắng, về đi! Em đợi".

Đêm ấy Thiên vội vàng viết:

"Mến gửi em gái phương xa! Anh có thể gọi như vậy được chứ? Nhận thư chắc mẹ mừng lắm. Mẹ khóc đấy! Anh biết mẹ hay xúc động mà. Ngay lúc đặt lá thư lên tay em, anh đã thích em, tin em. Em đã nâng bước anh đi. Chiến tranh có thể hủy diệt cuộc sống, nhưng tình yêu mãi mãi còn lại. Cả ngày hôm nay anh chỉ vượt được gần hai cây số vì địch đã thả xuống hàng nghìn quả bom cày nát Trường Sơn. Anh đang ngồi trên thân cây rừng đang cháy dở, viết thư cho em đây. Sống chết không phải định ra bằng ngày mà bằng giờ. Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng gì cho đất nước?

Thư sau anh sẽ kể nhiều cho em nghe.

Anh yêu em và nhớ em vô cùng!"

Mãi lâu mới có đồng chí quân bưu vượt rừng vào, Thiên vội vã viết lại. Đồng chí quân bưu cầm lấy nói: "Úi dào! Có mùi bom đạn, đất cát mới là chiến trường chứ. Đưa đây". Thiên ngẩn người, đứng đợi. "Mày có thư mới đây. Đọc đi!". Mừng rơn, Thiên nhẩy sáo ra bờ suối, mấy chiến sĩ không có thư, chạy theo cùng đọc. Chữ chị Vân nắm nót đây rồi:

"Anh yêu quý! Mẹ mất rồi!...". Mắt hoa lên, Thiên không còn biết gì nữa, khẽ gọi "Mẹ, mẹ ơi...".

Một chiến sĩ, đọc tiếp:

"Em đã về với mẹ. Mẹ mừng lắm! Trước lúc nhắm mắt nhìn thấy con dâu. Biết mẹ rất mong mỏi, em đánh liều không xin phép anh. Em đội khăn tang đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Tha lỗi cho em, anh nhé. Sau này chiến thắng trở về, anh có yêu em, có lấy em làm vợ hay không thì tùy. Lúc ấy phải như vậy anh ạ. Mẹ ra đi thanh thản. Anh yên lòng nơi trận mạc. Không phải chỉ có em đâu, đất nước này ai ai cũng vậy. Nước mắt rơi cho những niềm xót xa, day dứt. Nước mắt rơi cho những khát khao mong muốn Hòa bình..."

Cả tiểu đội rưng rưng nước mắt, giữa rừng sâu một nén nhang không có. Tiểu đội trưởng đọc to lá thư như mệnh lệnh. Một phút thương nhớ, cúi đầu mặc niệm. Trên trời máy bay vẫn gầm rú, phía trước bom đạn vẫn ầm ầm. Tiểu đội theo đoàn quân lên Tây nguyên.      

 Chiến tranh ngày càng ác liệt, những người chiến sĩ ngày càng phải tiến sâu vào chiến trường. Quân bưu không đuổi kịp, liên lạc bị gián đoạn, thư về không có, thư đi không gửi được. Sau lá thư đau thương ấy, đều đều mỗi tuần Thiên viết một lá, đặt dưới đáy ba lô nặng trĩu, trèo đèo, lội suối, lưng cõng "em", tay cầm súng nhằm thẳng quân thù - Bắn.

Trời Tây Nguyên chưa sáng, mưa tầm tã, bom đạn tạo nên những ánh chớp xanh lè, tiếng nổ ầm ầm. Từ xa bỗng xuất hiện một phụ nữ dân tộc, tất tưởi chạy xuống chân núi, lưng gùi một đứa trẻ nằm bên trong. Trên đầu máy bay trực thăng rè rè đuổi theo, từng loạt đạn bay vèo vèo bên cạnh mẹ con chị. Cách đây ít phút hành quân đến đây thì bị lộ, chúng tôi nằm ém trên sườn đồi chờ lệnh. Trực thăng vòng lại, tiếng khóc thét của đứa trẻ vang lên át tiếng súng nổ liên hồi. Thiện nhìn rõ chị đã bế con ra khỏi chiếc gùi tre, ôm chặt trong lòng. Ngớt tiếng súng, Thiện và tổ tam tam được lệnh xông lên, tiến về phía mẹ con chị. Các chiến sĩ bế thốc chạy xuống chân đồi về làng. Chị thều thào bập bẹ nói tiếng kinh không sõi: "Cái bộ đội có ai chết không à?". Ngạc nhiên, chị không hỏi con, hỏi chị mà hỏi bộ đội. Thiện an ủi: "Để chúng tôi băng bó cho chị và cháu nhé. Cái bộ đội sao chết được". "Tao không đau đâu à". Vài câu vậy thôi, tất cả vội vã cõng xuống bản Pré. Người Chu Ru quần cư giữa triền thấp nhất của miền cao Tây Nguyên. Những ngôi nhà bên triền đồi, dưới tán cổ thụ tỏa bóng, mặt trông về cánh đồng kéo tận chân núi. Họ sống yên bình và an hòa như tính cách của chủ nhân miền sơn cước, vẫn ăn “lộc rừng”, hưởng quả ngọt từ đất và luôn biết gìn giữ những giá trị tinh túy, nguyên sơ cho dân tộc mình. Mùi cà phê hạt ngọc “trời ban”, chín mọng, nồng say tỏa ra từ vườn cây không người hái. Các ngôi nhà trong bản Pré cửa đóng then cài. Tất cả lên rừng, xuống hầm, tránh máy bay, bom đạn, duy chỉ còn thấp thoáng bóng dáng già làng Ya Lốc ở lại sống chết với bom đạn, hun nóng căn bếp lửa giữa những ngày đông giá rét của xứ non thiêng. Thấy bộ đội bế mẹ con chị vào bản, Ya Lốc bảo: "Nó là cái Hiêng". Ông quay sang nói với Hiêng bằng ngôn ngữ của người Chu Ru. Nghĩa là, Hiêng đi trồng ngô trên rẫy, nhìn thấy bộ đội trên rừng đông lắm. Máy bay ầm ầm tới, nó bắn xuống, bộ đội không biết đường ra, chết mất. Hiêng liều mình chạy cho máy bay đuổi theo. Mẹ con nó chết còn hơn bao bộ đội chết. Ai đánh giặc cho, ai bắt con thủ dữ trong rừng để dân bản trồng ngô trồng sắn.

Đột nhiên một quả bom rồi hai quả bom nổ chậm trong vườn cà phê nổ tung, Ya Lốc và mọi người nằm rạp xuống đất. Thiên lao nhanh ôm chầm lấy hai mẹ con chị, một mảnh đạn găm vào người. Hai mẹ con chị được cứu sổng. Thiên ra nhiều máu, bất tỉnh. Ya Lốc am tường chữa bệnh cho bản làng đã lấy cây bông Cu li rịt chặt, đưa vào nhà trong đóng cửa lại.

Lệnh hành quân cấp tốc, các chiến sĩ vội vã lên đường, không chần chừ, Ya Lốc dục: "Chúng mày đi mau, để nó lại đây cho tao, cái Hiêng cho thuốc và cho ăn, không sợ nó chết đâu à!".

Vết thương quá nặng, hàng tháng trời hôn mê. Các chiến sĩ quân y của Trung đoàn đi tìm kiếm thương binh, nhanh chóng chuyển Thiên về Bệnh viện dã chiến, it ngày sau đồng đội cõng qua rừng ra miền Bắc điều trị. Thiên không còn gặp lại Ya Lốc và mẹ con Hiêng để nói lời cám ơn.

Ra viện, về lại chốn xưa bến phà sông Cửa Lục, hỏi ai cũng bảo Chị Vân ở vùng này thì nhiều lắm, nào là Vân nhà sàng, Vân đánh sắng tẩy (vun than dưới hầm tầu thủy). Vân cầu đường... Vân nào cũng có chồng đi bộ đội, còn Vân bưu điện, đến bưu điện mà hỏi. Trên đường đến bưu điện, một cô gái đi qua trước mặt, vội quay lại, hỏi:

- Có phải anh Thiên đấy không? Em Tuyết đây mà!

Chần chừ rồi nhận ra, Thiên ồ lên một tiếng:

- Tuyết à, nhận ra anh sao?

- Anh chững chạc hơn nhiều.

- Chiến trường, bom đạn rèn luyện mà.

- Phúng của em thế nào rồi?

- Anh nhắc đến làm gì. Nó theo địch thật, chết tan xác khi máy bay đi chiêu hồn rồi. Đáng đời. Còn anh đã biết tin gì chưa?

- Chưa!

- Chị Vân là liệt sĩ rồi!

 Chấm những giọt nước nơi khóe mắt, Thiên đọc tấm bia đá trong nghĩa trang Liệt sĩ thành phố: "Liệt sĩ Ngô Bạch Vân đã anh dũng hy sinh khi đang vận chuyển đạn, tiếp viện lên đồi cao xạ ".

Tuyết kể: "Dạo ấy nó đánh phá ác liệt lắm, tất cả nam nữ tự vệ đều phải chi viện cho các trận địa pháo trên đồi cao. Chị Vân và em cùng vác đạn lên đồi cao. Lúc yên ả hai chị em trò chuyện, thì ra chị đã về quê nhận làm con dâu, cho mẹ anh yên lòng, thanh thản nơi suối vàng. Chị còn dặn lại, nếu có phải hy sinh, em cố tìm bằng được anh xin lỗi hộ chị. Anh tha lỗi cho chị anh nhé! Anh hứa đi." 

Nước mắt lưng tròng, Thiên mở ba lô, lấy ra hàng trăm bức thư chưa gửi, ngồi đọc cho Vân nghe. Thứ tự theo ngày tháng. Lá thư cuối cùng đọc trước:

"Bẵng đi bao ngày không viết thư cho em, anh bị thương, đồng đội cõng anh qua rừng ra miền Bắc điều trị. Nay đã khỏi, mai ra viện, anh về với em. Có vui không? Đón anh nhé, chúng ta sẽ về quê thắp hương cho Mẹ. Xin Mẹ đêm tân hôn rồi tuần trăng mật, cùng nhau đi tàu Vượt sóng ra Vịnh Hạ long. Anh là trời (Thiên) em là mây (Vân). Trời xanh mây trắng bồng bềnh..."

Không đọc hết được lá thư, Thiên òa khóc nức nở. Tuyết thay anh đọc chầm chậm từng lời, từng chữ. Nhiều đoạn hùng mạnh như đoàn quân đang tiến bước dưới quân kỳ. Nhiều đoạn buồn buồn nức nở, nhớ Mẹ, nhớ Vân. Nhiều đoạn văn chương như bom rơi đạn nổ, xé xác quân thù. Bàn tay Tuyết run run, mồ hôi ướt đầm, nước mắt tràn trề, tựa vào bờ vai Thiên lúc nào cả hai đều không biết.

Châm lửa đốt, Thiên tâm niệm rằng ở nơi phương xa nào đó Vân sẽ đọc được. Dù có ai bảo: "đừng đốt vì trong mỗi lá thư đều có lửa"*, nhưng anh vẫn đốt, sưởi ấm cho tình yêu - Bất diệt.

 

Hè năm 2022  - ĐHT