Chiếm tòa Đại sứ Mỹ, Tết Mậu Thân 1968

Minh Nguyễn (ghi)

12/12/2022 11:31

Theo dõi trên

Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn, là người chỉ huy cuối cùng còn sống của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Trong đời biệt động của mình, ông đã trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt và bi tráng của Biệt động Sài Gòn. Một trong những trận “kinh điển” đó là trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ năm 1968 mà đến nay ông vẫn nhớ từ những chi tiết nhỏ...

23 Tết Mậu Thân, tôi cùng anh Trần Hải Phụng (tức Hai Phụng), Tư lệnh Phân khu 6 đến báo cáo với đồng chí Võ Văn Kiệt (tức anh Sáu), lúc đó là Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), về kế hoạch tấn công các mục tiêu của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Nghe xong kế hoạch, anh Sáu khen chuẩn bị như vậy là tốt, nhưng ngừng một chút, anh hỏi chúng tôi:

- Tại sao các anh không đánh Đại sứ quán Mỹ?

Anh Sáu đoán biết chúng tôi do dự. Hơn nữa, quân và cán bộ cũng dồn hết cho 10 mục tiêu khác rồi. Anh Sáu nói tiếp:

- Nếu không đánh Đại sứ quán Mỹ coi như đợt Mậu Thân này Biệt động Sài Gòn không tham gia.

dh1e1a-1670819217.jpg
 Đại tá Trần Minh Sơn. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trước ý kiến của anh Sáu, anh Hai Phụng hết sức lo lắng. Sau đó, anh Hai Phụng chào anh Sáu với lời hứa sẽ cố gắng. Trên đường chúng tôi trở về, ai cũng đầy lo lắng không biết xử lý ra sao. Anh Hai Phụng hỏi:

- Bảy Sơn tính sao?

Quen làm việc với anh Hai Phụng, các việc khó khăn anh thường hỏi tham mưu. Biết phận sự của mình, tôi vắt óc nghĩ. Cán bộ còn ai đâu? Súng trong thành phố cũng đã giao hết. Lực lượng cũng đã phân bổ xong! Như vậy là tiềm lực để đánh mục tiêu số 11 này phải chuẩn bị từ đầu. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi nói: “Báo cáo anh Hai, còn một người có thể đảm đương nhiệm vụ này, đó là Ba Đen (chiến sĩ biệt động Ngô Thanh Vân) nhưng người này đang giữ chìa khóa của 14 hầm vũ khí trong nội thành. Nếu có bề gì thì coi như là thất bại.

Anh Hai Phụng nói ngay:

- Ba Đen thì tôi tin được.

Ba Đen là một cán bộ phụ trách công tác bảo đảm nhiều năm, rất năng nổ, trách nhiệm và dày dạn kinh nghiệm tổ chức chiến đấu nội thành. Tôi liền tìm gặp Ba Đen bàn cách đánh Đại sứ quán Mỹ.

Ba Đen rất quyết tâm và đề nghị tôi cùng tham gia làm công tác chuẩn bị. Anh đề nghị tôi kiếm cho anh 200.000USD.

Tôi lo lắng, bởi số tiền lớn quá lấy đâu ra? Tôi xin ý kiến anh Sáu. Anh Sáu nói sẽ lo được.

Sau đó, Ba Đen đề nghị tôi cần một phó chỉ huy, một số anh em và các loại vũ khí. Riêng vũ khí thì không quá lo lắng bởi đã có hầm chứa vũ khí bí mật của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế) tại nội đô. Nhưng người bây giờ lấy đâu ra, Ban tham mưu tôi còn hơn 10 anh em toàn là “lính kiểng”, chuyên lo giấy má chứ chưa đánh trận mạc bao giờ. Ba Đen nói: “Không sao, anh Bảy để anh em tập bắn loại súng của ta và của địch mấy ngày là được rồi”.

Giấy tờ hợp pháp cho anh em đi lại nội thành cũng được sớm hoàn thành. Công việc coi như hoàn tất xong trước ngày 28 Tết, kể cả việc ăn ở của anh em khi vào nội thành. Xong công tác chuẩn bị, tôi hỏi Ba Đen: “Sao anh cần tới 200.000USD?”.

Ba Đen cười:

- Biệt động già đời mà anh còn hỏi tôi việc ấy. Với số tiền này, tôi sẽ “mua” đứt đám chỉ huy các đồn bót từ Củ Chi đến Sài Gòn.

Chuẩn bị cho trận đánh quyết định này, tôi phải “giải tán” cả cơ quan tham mưu của Phân khu 6, kể cả liên lạc và cán bộ chuyên môn. Tôi vào nội thành ngày 28 Tết tại đường Minh Phụng (bùng binh Cây Gõ) và ăn Tết cùng với anh em. Cơ sở lo cho anh em ăn Tết rất chu đáo. Trong lúc ăn tối, tôi hỏi anh em về khả năng và quyết tâm chiến đấu.

Một em nhỏ tuổi nhất tên là Vinh đứng lên, dõng dạc trả lời: “Nuôi quân ba năm, sử dụng một giờ, chú Bảy đừng lo, chúng tôi sẵn sàng hy sinh, sống mái với quân thù trong trận chiến đấu này”.

1 giờ 45 phút sáng 31-1-1968 (tức Mồng Hai Tết Mậu Thân), Đội biệt động số 11 do đồng chí Ba Đen chỉ huy xuất phát đi đánh tòa Đại sứ quán Mỹ. Trong trận đánh này, các chiến sĩ cảm tử đã tấn công chiếm được mục tiêu một cách ngoạn mục, giữ vững trận địa tới giây phút cuối cùng và hy sinh anh dũng, ghi danh bất tử cho thành phố thân yêu. Chiếm được Tòa đại sứ quán trong 6 giờ, nhưng trận đánh của biệt động đã làm chấn động toàn nước Mỹ. Hơn 10 đồng chí đã hy sinh, trong đó có chiến sĩ trẻ Vinh, cậu ta dự tính sẽ lập gia đình sau trận đánh này. Riêng chỉ huy Ba Đen bị ngất trong khi chiến đấu và bị địch bắt. Sau khi bị tra tấn và giam cầm trong nhiều nhà tù, đến năm 1973, Ba Đen được trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri…

Là người chỉ huy lực lượng biệt động cuối cùng còn sống đến ngày hôm nay, tôi luôn day dứt mỗi khi nghĩ về trận đánh năm ấy, về những đồng đội thân yêu của mình đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Sài Gòn. Họ đều là những chiến sĩ trung kiên, quả cảm và đến tận bây giờ vẫn chưa thể tìm được hài cốt...

M.N

(Theo lời kể của Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn).

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chiếm tòa Đại sứ Mỹ, Tết Mậu Thân 1968" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn