Chiến lược tháp 4 tầng giúp TPHCM 'chặn đánh từ xa' dịch COVID-19

- Theo TS.BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV Hồi sức COVID-19 TPHCM, “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng” là một chiến lược chủ động, giúp ngăn chặn, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, từ đó chăm sóc, bảo vệ tốt hơn sức khỏe và sự an toàn của người bệnh, đồng thời giúp giảm tải áp lực điều trị.
 
Nhu cầu trang thiết bị của BV Hồi sức COVID-19 TPHCM được đảm bảo để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Ảnh: Hải An

Chiến lược tháp 3 tầng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, khi lượng bệnh nhân tăng nhanh trong thời gian ngắn, tạo áp lực rất lớn cho ngành y tế trong việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân, cũng như đáp ứng điều trị những ca diễn biến nặng.

Trong làn sóng dịch COVID-19 tại TPHCM thời điểm này, số ca mắc mới được ghi nhận ở mức 4 con số mỗi ngày, áp lực điều trị rất lớn, vì vậy mô hình điều trị tháp 4 tầng ra đời tại BV Hồi sức COVID-19 TPHCM.

BV được thiết kế theo 4 tầng tháp điều trị, trong đó tầng 1 điều trị bệnh nhân không triệu chứng, tầng 2 điều trị bệnh nhân có triệu chứng, tầng 3 điều trị bệnh nhân có bệnh lý đi kèm (bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch), tầng 4 điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

Việc bổ sung tầng tháp thứ 4 trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại BV Hồi sức TPHCM được các chuyên gia đánh giá là bước đi kịp thời và phù hợp với tình tình thực tế. Dựa trên mô hình tháp 4 tầng trong điều trị COVID-19, cùng các kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, bác sĩ đã và đang áp dụng chiến lược “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng”.

TS.BS. Nguyễn Tri Thức chia sẻ, đây là một chiến lược chủ động, giúp ngăn chặn, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, để từ đó chăm sóc, bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe và sự an toàn của người bệnh. Chiến lược này cũng giúp giảm tải áp lực điều trị, tối ưu hóa nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị để tập trung điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, giúp tăng thêm khả năng cứu sống bệnh nhân.

Theo chiến lược này, 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức từ BV Chợ Rẫy sẽ trực tiếp “cắm chốt” tại 4 BV ở tầng thứ 2, bao gồm BVĐK khu vực Thủ Đức, BV Củ Chi, BV Bình Chánh và BV Cần Giờ.

Các bác sĩ này sẽ cùng BV theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ nặng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, sẽ nhanh chóng được hội chẩn trực tuyến, đánh giá và lập tức chuyển đến “tầng” điều trị phù hợp.

“Cùng với sự phối hợp của các nhân sự tại BV cấp độ 2, hệ thống hội chẩn trực tuyến, hệ thống đường dây nóng cũng được thiết lập tại BV Hồi sức COVID-19, do các bác sĩ giàu kinh nghiệm về chuyên ngành hồi sức phụ trách, như BSCKII. Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy), TS.BS. Nguyễn Hoàng Hải (BV Nhân dân Gia Định), TS.BS. Đỗ Quốc Huy (BV Nhân dân 115). Bất cứ khi nào bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, các chuyên gia sẽ hội chẩn trực tuyến. Sau khi hội chẩn, nếu xác định bệnh nhân có nhiều khả năng chuyển nặng thì lập tức sẽ chuyển về BV Hồi sức COVID-19, cho thở oxy dòng cao, chủ động hạn chế tối đa nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng”, TS.BS. Nguyễn Tri Thức nói, đồng thời cho biết thêm với bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, nếu được kịp thời thở oxy dòng cao chủ động, thì khoảng 70% bệnh nhân sẽ chuyển độ về nhẹ. Do đó, phát hiện sớm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nhân chuyển nặng.

BS. Nguyễn Tri Thức cũng cho biết, bên cạnh việc “đánh chặn từ xa”, BV Hồi sức COVID-19 cũng thành lập đội điều phối bệnh nhân, nhằm phối hợp với các đơn vị khác trong hệ thống điều trị COVID-19 để có sự trao đổi, hội chẩn, điều phối, chuẩn bị phù hợp trong quá trình chuyển bệnh nhân giữa các tuyến điều trị. Điều này sẽ giúp việc chuẩn bị, chỉ định chuyển bệnh phù hợp hơn, hạn chế nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng trong quá trình chuyển bệnh. Đối với BV tiếp nhận cũng sẽ có sự chủ động trong việc chuẩn bị nơi tiếp nhận, trang thiết bị, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn… để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân cho nhân viên y tế.

Bảo đảm đủ thiết bị cho BV Hồi sức COVID-19

Với thuận lợi từ cơ sở hạ tầng sẵn có, sự chủ động chuyển đổi ngay từ giai đoạn đầu của TPHCM, cùng sự hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị từ Bộ Y tế, BV Hồi sức COVID-19 TPHCM đã dần đi vào ổn định và ghi nhận những tín hiệu khả quan ban đầu.

BV có quy mô 1.000 giường, được thiết lập tại khu điều trị nội trú BV Ung bướu cơ sở 2, được ví như “thành trì cuối cùng” trên mặt trận điều trị trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 của TPHCM.

Điểm thuận lợi nhất của BV chính là hạ tầng sẵn có của một BV có cấu trúc hạ tầng hiện đại, đồng bộ, với hệ thống oxy trung tâm và có thể hỗ trợ hô hấp cùng lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn), trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt, có hệ thống khí nén trung tâm - một yêu cầu hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.

Phó Giám đốc BV Ung bướu Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ, việc chuyển đổi từ BV Ung bướu sang BV hồi sức điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, vấn đề về nhân sự đã được Bộ Y tế, ngành y tế TPHCM hỗ trợ. Vấn đề trang thiết bị ban đầu cũng thiếu thốn, nhưng đến nay đã được huy động nhanh chóng để đáp ứng cho công tác điều trị.

Đến nay, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến phía nam để huy động nguồn lực trang thiết bị y tế và điều chuyển trang thiết bị y tế từ các nơi chưa có nhu cầu. Từ kho dã chiến đã chuyến đến BV Hồi sức COVID-19 TPHCM 30 máy thở chức năng cao, 100 máy bơm điện, thiết bị monitor… Riêng trong sáng 20/7, từ kho dã chiến, Bộ Y tế chuyển đến BV 1 hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), 7 máy lọc thận, 10 máy thở chức năng cao không sử dụng khí nén.

Riêng về máy thở, hiện kho dã chiến đã tiếp nhận 2.000 máy do Bộ Y tế chuyển vào, và sẽ tiếp tục thêm 200 máy thở trong thời gian tới.

Về phía TPHCM, bên cạnh việc huy động các nguồn lực sẵn có, Thành phố đã lên danh sách và chuẩn bị lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị vật tư cho BV.

“Từ 20 tỷ đồng do một đơn vị doanh nghiệp tài trợ cho BV Chợ Rẫy, BV Chợ Rẫy đã mua các thiết bị thiết yếu như máy siêu âm, máy Xquang di động… để ưu tiên trang bị và sử dụng tại BV Hồi sức COVID-19 TPHCM", TS.BS. Nguyễn Tri Thức chia sẻ.