Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 – 1973 (Kỳ 3): Những ngày cuối cùng trên đất Việt Nam

Phạm Thúy Hậu

18/02/2022 06:11

Theo dõi trên

Ngay từ trước khi ra trận địa chúng tôi đã được biết các khẩu đội tên lửa của Việt Nam thuộc các Tiểu đoàn tên lửa 81 và 82 đã bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái. Đã có 7 tên lửa phóng vào chiếc máy bay ấy.

Trong quá trình phân tích những loạt tên lửa vừa được phóng, người ta đã tìm ra nguyên nhân của việc bắn ra một số lượng lớn tên lửa như vậy: chưa có được sự điều khiển một cách thích đáng từ sở chỉ huy trung đoàn và thiếu sự hiệp đồng tác chiến giữa các tiểu đoàn. Trường hợp này cũng bộc lộ một điều nữa: các khẩu đội và ban chỉ huy trung đoàn chưa có được một sự chuẩn bị đầy đủ. Điều này có nghĩa là nếu không có sự giúp đỡ của chúng tôi thì phía Việt Nam chưa thể tác chiến một mình được. Do vậy, nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô đã phải hoãn thời gian trở về nước muộn hơn. Trong số đó có tôi.

chien-tranh-viet-nam-1645139343.jpg
Một bữa ăn của chuyên gia quân sự Liên Xô ở khách sạn Kim Liên

 

Theo quyết định của Trưởng đoàn chuyên gia binh chủng tên lửa phòng không A. M. Đdưda người ta đã tiến hành kiểm tra sự sẵn sàng của các khẩu đội Việt Nam trong việc tác chiến độc lập. Về khâu này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Chỉ mãi đến cuối tháng 1 mới đạt được những kết quả mong muốn. Có một nhóm đông đảo chuyên gia quân sự Liên Xô chuẩn bị về nước. Trong số này có cả tôi.

Trong những ngày ấy Đoàn ca múa Craxnôia đã đến Hà Nội biểu diễn. Đến tối người ta chở chúng tôi đến xem buổi biểu diễn văn nghệ kéo dài đến 3 giờ sáng. Sau đó chúng tôi còn có mặt thêm vài ngày ở trận địa. Trước ngày lên đường về nước chúng tôi tập hợp tại khách sạn Kim Liên.

Đến sáng Thiếu tá Daica cho chúng tôi biết vào khoảng 5 giờ sáng mai máy bay sẽ cất cánh. Tất cả mọi người đều phấn chấn. Bỗng nhiên vào khoảng 16 giờ có một xe buýt đến khu chung cư của chúng tôi. Từ trong xe bước ra là Thiếu tá Daica và người phiên dịch. Cả hai đều tiến đến chỗ tôi. Thiếu tá cho tôi biết hiện nay bệ phóng tên lửa mà tôi phục hồi lại bị trục trặc: nó không quay đồng bộ với ăngten của ca bin "P". Do vậy tôi cần đến ngay trận địa và khắc phục sự trục trặc mới nảy sinh.

Trận địa ở cách Hà Nội khoảng một giờ rưỡi đi xe. Tiểu đoàn đã triển khai trong một vườn chuối. Người ta nóng lòng chờ đợi tôi. Tôi lập tức bắt tay vào việc. Chẳng có gì đặc biệt phức tạp trong việc tìm ra và khắc phục sự cố, trên bệ phóng bộ ly hợp truyền đã bị lỏng. Để hiệu chỉnh nó chỉ cần vài phút. Sau khi kiểm tra bệ phóng đồng bộ với hệ thống ăngten và hướng dẫn thêm cho người chỉ huy khẩu đội, tôi sửa soạn ra về, nhưng người ta lại giữ tôi lại.

Toàn thể khẩu đội tỏa về các phía, họ lôi từ đâu ra những chiếc bàn, những chiếc bảng, tạo thành một chiếc bàn dài để tiến hành một tiết mục gì đó. Trên bàn có rượu Lúa mới (chúng tôi gọi nó là "rượu gạo"), bia, nước khoáng, các thức nhắm. Mọi người đã nhanh chóng ngồi vào bàn. Thế là bắt đầu bữa tiệc chia tay. Tất cả các bạn Việt Nam đã cám ơn tôi, hỏi han về gia đình, về nhà cửa và v.v.. Sau đó họ tặng cho tôi 12 chiếc nhẫn rất đẹp làm bằng nhôm lấy từ các ống trên các máy bay Mỹ bị bắn rơi. Họ đeo ngay 10 chiếc nhẫn lên các ngón tay của tôi, tôi bỏ 2 chiếc còn lại vào túi. Cuối cùng chúng tôi chia tay và tôi quay về khách sạn Kim Liên.

Khi chúng tôi quay trở về khách sạn thì trời đã tối. Chúng tôi cho xe chạy chậm, không bật đèn. Chúng tôi đến một điểm dân cư nào đó. Trong túi tôi có 15 đồng Việt Nam, không có lý gì đem nó về nước. Dọc đường đi, tại một quán cà phê tôi đã dùng số tiền ấy mua 5 chai rượu vang nhãn hiệu "Đồng Tháp".

Đến gần nửa đêm tôi về đến khách sạn Kim Liên. Tại đó hầu như không có người nào ngủ cả: mọi người sốt ruột chờ đến sáng và chờ đợi giờ phút cất cánh, vì phía trước là ngày gặp lại Tổ quốc. Cho đến sáng mọi thứ uống có cồn đều được uống hết với bạn bè. Gần 5 giờ sáng một xe buýt đến đưa chúng tôi ra sân bay.

Ra tiễn chúng tôi có Thiếu tá A. B. Dai ca và viên chỉ huy tiểu đoàn tên lửa, Đại úy Iu. P. Bôgđanốp. Dĩ nhiên, mặc dù đã hết sức cố giấu nỗi hồi hộp, nhưng chúng tôi vẫn hồi hộp: tại nơi đây, trên đất Việt Nam đã có biết bao nhiêu điều trải qua. Những bạn chiến đấu của chúng tôi vẫn đang lưu lại nơi đây. Chắc chắn chúng tôi sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy họ.

Mọi người đã nhanh chóng vào chỗ ngồi trên máy bay. Sau vài phút máy bay bay về phía biên giới Trung Quốc. Sau 30 phút chúng tôi đã bay trên không phận Trung Quốc và mãi mãi từ biệt Việt Nam. Vậy là đã kết thúc một trong những giai đoạn quan trọng và không thể quên trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Giai đoạn ấy đã có vai trò to lớn trong số phận sau này của tôi.

Thị trấn Lexnôi, tháng 1-2003

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 – 1973 (Kỳ 3): Những ngày cuối cùng trên đất Việt Nam" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn