Một lần chúng tôi lên Bắc Giang thăm khu tích Ải Chi Lăng có đi qua sông Thương ở phủ Lạng Thương xưa (nay là thành phố Bắc Giang).
Nhìn dòng sông bên lở bên bồi với dòng trong dòng đục vắt ngang thành phố hiện lên trong buổi sớm bảng lảng sương mù đẹp như một bức tranh thủy mặc bất chợt trong lòng lại nhớ đến câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Sao tên sông lại là Thương/ Để cho lòng anh nhớ/ Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ/ Những suối buồn gửi tới mênh mang” (Qua sông Thương).
Bắt đầu từ đấy, con sông với vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng khiến tôi như thể bị níu hồn. Và, trong trạng thái cảm xúc lâng lâng về dòng sông mênh mang thương nhớ như thế lòng tôi lại rộn lên những vần thơ ngọt ngào, da diết trong bài thơ “Chiều sông Thương” của nhà thơ Hữu Thỉnh.
"Chiều sông Thương" được Hữu Thỉnh sáng tác vào tháng 10 năm 1973, in trong tập thơ 'Từ chiến hào tới thành phố" khi đó người lính ở binh chủng Tăng – Thiết giáp vừa rời chiến trường ngang qua miền Quan họ bị “con sông màu nâu con sông màu biếc” nhập lưu, giăng mắc vương vấn tâm hồn. Đây là bài thơ năm chữ, có ba mươi hai câu viết liền mạch, không dấu câu giống như dòng sông chữ đang dạt dào tuôn chảy kể về một câu chuyện đầy cảm xúc rất hay, vừa gợi lên một chiều thu êm đềm, thơ mộng trong một nỗi niềm lâng lâng, hứng khởi vừa gợi lên một sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của một vùng quê Kinh Bắc. Căn cứ vào nội dung bài thơ người ta thấy mạch cảm xúc của Hữu thỉnh trong câu chuyện kể ấy có hai nội dung khá rõ. Khổ thơ đầu là tâm trạng “dùng dằng” của nhân vật trữ tình trước dòng sông yêu thương như thể của quê nhà. Sáu khổ thơ cuối là hình ảnh sông Thương và những cánh đồng trù phú, bình yên trong chiều thu Kinh Bắc cùng nỗi niềm cảm xúc say mê của nhân vật trữ tình.
Có lẽ trước khi khám phá dòng cảm xúc và vẻ đẹp của sông Thương trong bài thơ đầy nỗi niềm da diết của Hữu Thỉnh thiết nghĩ chúng ta cũng tìm hiểu qua về dòng sông nước chảy đôi dòng nổi tiếng của vùng đấy Kinh Bắc này. Sông Thương có chiều dài gần một trăm sáu mươi cây số, bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước ở làng Man thuộc huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) chảy trong máng trũng Sao Mai nhập vào địa phận Bắc Giang xuôi về Hải Dương hợp vào sông Thái Bình đổ nước ra biển Đông. Theo học giả Toan Ánh, nước sông Thương vốn trong xanh nhưng đến Đa Mai gần thành phố Bắc Giang có hiện tượng nhập giang của sông Sim vốn từ Thái Nguyên chảy qua Hiệp Hòa, Việt Yên đổ vào.
Nước sông Sim đục, đầy phù sa gặp nước sông Thương trong xanh tạo thành “hai dòng”: bên đục bên trong, không hòa lẫn với nhau, chảy song song. Đó là hiện tượng tự nhiên. Thực tế trong diễn trình lịch sử dòng sông Kinh Bắc này còn là một hiện tượng xã hội. Đó là dòng sông sử thi in dấu những chiến công oai hùng của dân tộc. Thời Lý con sông từng có tên là Nhật Đức (dòng sông mặt trời). Sở dĩ có tên gọi là sông Thương bởi khi xưa quan, quân Đại Việt đi sứ phương Bắc hay trấn ải biên thùy ở Lạng Sơn người thân thường đưa tiễn họ tới khúc sông này rồi bắt đầu chia tay. Dòng sông Nhật Đức khi đó từng chứng kiến cảnh bịn rịn chia ly rất thương cảm của kẻ ở người đi nên từ đó người ta gọi sông Nhật Đức là sông Thương, chỗ chia tay là bến Chia Ly. Dấu tích hiện còn chính là làng Thương và bến Chia Ly (hay còn đọc chệch là Chi Ly) bên dòng sông Thương ở Bắc Giang. Đoạn sông Thương này cũng gắn liền với địa danh phủ Lạng Thương và thành Xương Giang, nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của dân tộc từng được thi nhân bao đời nhắc đến: “Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước” (Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo); “Nơi đây vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên/ Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/ Mở thái bình cho đất Việt khắp miền/ Ấy Xương Giang một sông hình đẹp/ Mà dấu thơm muôn thủa còn truyền” (Lý Tử Tấn – Xương Giang phú); “Sông Thương ơi đang những ngày đánh Mỹ/ Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây/ Những cô lái đò súng khoác trên vai/ Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui” (Lưu Quang Vũ - Qua sông Thương)…
Không chỉ là dòng sông lịch sử, sông Thương còn là một con sông nghệ thuật; là cảm hứng bất của muôn đời văn nghệ sỹ. Thế kỷ XV, khi qua đây vua Lê Thánh Tông đã từng viết: “Đứng bên bờ dốc ngắm sông dài/ Lặn với sao trời ráng đỏ soi/ Sông xa bát ngát buồm trăng xế/ Tiếng giặt đâu đây não ruột ai” (Xương Giang cảm hoài); nỗi nhớ trong tình yêu dòng sông cũng đã làm cho Hoàng Nhuận Cầm đã có lần phải thổn thức: “Mai đành xa sông Thương tóc dài/ Vạn khiếp tình yêu xin gửi lại/ Xuân ơi xuân lẽ nào im lặng mãi/ Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn/ Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người nước in một bóng/ Mây trôi một chiều chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh” (Sông Thương tóc dài) và rồi một lần nhận lá thư buồn của người thương trên dòng sông thơ mộng đầy trăng sao vằng vặc ấy nhạc sỹ Đặng Thế Phong đã để lại cho tân nhạc nước nhà một giai điệu đẹp nhưng buồn đến não nuột: “Lướt theo chiều gió/ Một con thuyền theo trăng trong/ Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng/ Biết đâu bờ bến, thuyền ơi trôi nơi đâu? Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu…” (Con thuyền không bến). Cứ thế dòng sông huyền thoại đã làm cho bao nhạc sỹ phải lòng và để lại cho Kinh Bắc những khúc ca vang bóng một thời, ví như: “Qua cầu sông Thương” (Trần Chung), “Tấm áo mẹ vá năm xưa” (Nguyễn Văn Tý) … và đặc biệt là “Chiều sông Thương” của An Thuyên phổ bài thơ cùng tên của Hữu Thỉnh. Sở dĩ nhắc lại đôi điều về lịch sử dòng sông như thế để mọi người có thể thấy được điểm chung trong nguồn cảm hứng và nét riêng trong những sáng tạo tài hoa của người lính Tăng – Thiết giáp đã đóng góp cho “kho tàng” nghệ thuật của dòng sông huyền thoại Kinh Bắc.
Khổ thơ đầu tiên là tâm trạng chẳng muốn dời đi:
“Đi suốt cả ngày thu
Vẫn chưa về tới ngõ
Dùng dằng hoa quan họ
Nở tím bên sông Thương”
Đó là nỗi niềm tha thiết, rạo rực, thích thú, say mê trước cảnh vật và con người bên dòng sông của nhân vật trữ tình. Từ láy “dùng dằng”, nghệ thuật ẩn dụ “hoa quan họ” và bông hoa “nở tím bên sông Thương” được sử dụng Hữu thỉnh dùng thật hay. Từ “dùng dằng” dùng để chỉ sự lưỡng lự, không dứt khoát, chưa quyết định được lựa chọn cách nào; hình ảnh “hoa quan họ” có lẽ để chỉ người con gái Kinh Bắc bởi người ta thường ví người con gái đẹp như bông hoa; hình ảnh “nở tím bên sông Thương” có người bảo là hoa xoan, có người bảo là hoa lục bình nhưng ngẫm kỹ thì cũng không dễ dàng chấp nhận được. Hoa xoan thường nở vào mùa xuân hoặc hoa dâu da xoan có nở vào mùa thu nhưng màu của hoa lại trắng chứ không phải tím. Lục bình thì không thể nào mọc bên sông được. Cho nên sắc “tím” trong bài thơ có thể hiểu là màu hoa trong tâm tưởng, của sự hư cấu. Và chính cái màu tâm tưởng ấy đã tạo cho câu thơ trở nên đặc sắc, thi vị bởi có độ nhòe về nghĩa. Người đọc thấy khổ thơ vừa tả cảnh vừa tả tình. Nó là cảnh “đấy” nhưng cũng là tình “này” (cảm mến cảnh đẹp người xinh của miền quê quan họ) khiến cho chàng trai đi cả suốt cả ngày mà chân “vẫn chưa về tới ngõ”.
Sáu khổ thơ tiếp theo Hữu Thỉnh miêu tả, gợi tả cảnh vật của sông Thương và vùng quê Kinh Bắc cùng những cánh đồng trù phú, bình yên trong buổi chiều thu với nỗi niềm say sưa, mê mải của nhân vật trữ tình. Hình ảnh sông Thương và miền quê quan họ hiện lên trong mắt của của “kẻ tình si” vừa bình dị, gần gũi, thân quen vừa bay bổng, thơ mông và tràn đầy sức sống.
Trước tiên là bức tranh dòng sông và những cánh đồng:
Nước vẫn nước đôi dòng
Chiều vẫn chiều lưỡi hái
Những gì sông muốn nói
Cánh buồm đang hát lên
Đám mây trên Việt Yên
Rủ bóng về Bố Hạ
Lúa cúi mình giấu quả
Ruộng bời con gió xanh
Nước màu đang chảy ngoan
Giữa lòng mương máng nổi
Mạ đã thò lá mới
Trên lớp bùn sếnh sang
Cho sắc mặt mùa màng
Đất quê mình thịnh vượng
Những gì ta gửi gắm
Sắp vàng hoe bốn bên
Hạt phù sa rất quen
Sao mà như cổ tích
Mấy cô coi máy nước
Mắt dài như dao cau
Hình ảnh sông Thương trong chiều thu Kinh Bắc hiện lên qua mấy nét chấm phá (dòng nước, bầu trời, cánh buồm) của Hữu Thỉnh thật đẹp. Thoạt nhìn cảnh vật ấy hẳn người đọc sẽ cảm thấy rằng dòng sông bao đời nay đến giờ chẳng hề thay đổi một chút nào cả. Điệp từ “vẫn” như thể muốn nhấn mạnh điều ấy: “nước vẫn nước đôi dòng”, “chiều vẫn chiều lưỡi hái”. Nhưng ngẫm kỹ chúng ta sẽ nhận ra nhà thơ đã tạo dựng cảnh vật bằng những nét vẽ hết sức tinh tế và tài hoa. Các hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa được Hữu Thỉnh đã sử dụng ở đây rất đắc địa nhằm khéo léo gợi tả cảnh sắc; tạo nên những hình tượng nghệ thuật rất sinh động trên bầu trời và mặt nước sông Thương. Chiều là chiều “cong lưỡi hái”, cánh buồm thì “đang hát lên”. Rõ ràng câu thơ không nói đến sắc màu, không nói đến ánh trăng; không nói đến gió nhưng người đọc vẫn hình dung ra một cảnh hoàng hôn sông nước rất trữ tình với không gian huyền ảo, bàng bạc như cổ tích bởi khung cảnh của một ngày sắp tàn nổi lên với hình ảnh mặt trời đang sắp lặn, trăng non đầu tháng đương lấp ló giữa đôi bờ sông Thương ngập tràn gió mát và thấp thoáng giữa dòng sông mênh mông con nước lung linh sắc chiều ấy là những cánh buồm no gió đang nhẹ nhàng xuôi dòng, “lướt theo chiều gió … theo trăng trong”. Cảnh như thế thật vô cùng đẹp đẽ và thi vị. Như thế bảo sao người ta không mê mải, đắm chìm. Có lẽ, phát hiện và vẽ lên bức tranh lãng mạn, thơ mộng như thế hẳn tâm hồn thi nhân không phải chỉ có tinh tế, tài hoa mà tâm trạng khi đó cũng phải đang rất vui vẻ, thích thú một cách đầy hứng khởi.
Sau khi miêu tả cảnh vật của bầu trời, mặt nước sông Thương nhà thơ tiếp tục đưa con mắt của mình mở rộng sang đôi bờ thương nhớ để tái hiện bức tranh trù phú của cả miền quê quan họ. Khắc họa bức tranh này Hữu Thỉnh đã mở rộng không gian của bài thơ theo những đám mây, cánh đồng và những dòng mương đang chảy nặng phù sa của dòng Thương giang. Nghệ thuật nhân hóa ở đây được nhà thơ Hữu Thỉnh khai thác một cách tối đa: “Đám mây trên Việt Yên/ rủ bóng về Bố Hạ”, “Lúa cúi mình giấu quả/ ruộng bời con gió xanh”, “Nước màu đang chảy ngoan/ giữa lòng mương máng nổi”, “mạ đã thò lá mới/ trên lớp bùn sếnh sang”. Có thể thấy những hình ảnh nhân hóa ấy đã gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc về một miền quê quan họ rộng lớn không chỉ đẹp một cách lãng mạn, nên thơ mà còn rất trù phú và tràn trề nhựa sống, đang không ngừng vận động, sinh sôi, phát triển. Và giữa không gian bao la ấy tâm trạng nhân vật trữ tình đã ánh lên niềm tin yêu, hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no đang chất chứa, tiềm tàng trong những sắc vàng bội thu “những gì ta gửi gắm/ sắp vàng hoe bốn bên”. Nhưng có lẽ tâm điểm của bức tranh vẫn là những con người lao động. Hình ảnh cô gái xuất hiện bên máy nước với đôi mắt “dài như dao cau” không chỉ gợi lên nét đẹp về hình thức mà còn gợi lên sự khỏe khoắn, chăm chỉ, đảm đang của các cô nàng “cười như mùa thu tỏa nắng”. Hẳn là, ngoài con mắt xanh, nếu không có một tình yêu tha thiết với dòng sông, với đất và người ở miền quê Kinh Bắc chắc chắn Hữu Thỉnh sẽ không có được những vần thơ mượt mà, tha thiết, trìu mến đến như vậy.
Có lẽ, hứng khởi và say mê trước những ân tình của con sông mà nhà thơ đã thốt lên:
“Ôi con sông màu nâu
Ôi con sông màu biếc
Dâng cho mùa sắp gặt
Bồi cho mùa phôi thai”
Con sông Thương bên lở bên bồi ấy quả thật là ân tình. Hữu Thỉnh sử dụng nghệ thuật điệp ngữ và câu cảm thán ở đây rất đắc dụng. Nó vừa miêu tả đặc điểm đôi dòng của sông thương (dòng trong – màu biệc và dòng đục – màu nâu) vừa thể hiện những tình cảm thiết tha đang trào dâng trong lòng tác giả; đặc biệt là nhấn mạnh và diễn tả sâu sắc những ân cảm của con người với dòng sông. Con sông đã đem đến nguồn nước mát lành cho những ruộng lúa, chuyên chở phù sa màu mỡ tiếp tục bồi đắp cho những cánh đồng để hứa hẹn những mùa vàng no ấm. Với những ân cảm sâu nặng ấy nhà thơ đã cất lời gọi con sông một cách chan chứa yêu thương và rất ngọt ngào. Lắng nghe những tiếng gọi như thế người đọc cũng cảm thấy vui theo, cảm thấy lưu luyến dòng sông và say sưa với sự trù phú, thịnh vượng của một miền quê Kinh Bắc.
Cuối cùng nhà thơ cũng đã khép lại bài thơ bằng một bức tranh chiều thu tuyệt đẹp:
“Nắng thu đang trải đầy
Đã trăng non múi bưởi
Bên cầu con nghé đợi
Cả chiều thu sang sông”.
Buổi chiều thu Kinh Bắc hiện lên trong dáng hoàng hôn với nắng thu đang trải ra khắp đất trời cùng hình ảnh trăng non múi bưởi đầu tháng và chú nghé đứng đợi bên cầu thật nên thơ. Bức tranh về cảnh chiều thu trên sông Thương như thế bảo sao không nhẹ nhàng, không thanh bình. Ngắm nhìn bức tranh chiều quê ấy người ta thấy hết sức gần gũi, thân quen. Cảnh sắc quê hương đẹp đến nao lòng như vậy càng khiến lòng người không khỏi vấn vương, say mê, thích thú. Nghệ thuật nhân hóa “nắng thu đang trải đầy”, “bên cầu con nghé đợi”, “cả chiều thu sang sông” khiến cho bức tranh “Chiều sông Thương” tĩnh tại, lắng đọng như chính sự tồn tại của nó chứ không phải là chuyển động, cựa mình như thể bức tranh giao mùa “Sang thu” của chính nhà thơ đã từng viết. Vẻ đẹp ấy chất chứa tình thơ, tình đời làm cho ta thấy mến yêu cuộc sống, mến yêu dòng Thương cùng những miền quê quan họ.
Lẽ thường, buổi chiều trong thơ thường chất chứa tâm trạng với những nỗi niềm buôn thương, nhung nhớ như thể: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ rột đau chín chiều” (Ca dao); “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Thôi Hiệu); “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn/ Tiếng ốc xa đưa vắng trống đồn” (Bà Huyện Thanh Quan); “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu…” (Nguyễn Du); “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa, vãn chợ chiều” (Huy Cận); “Con về thăm mẹ chiều đông/ Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà/ Mình con thơ thẩn vào ra/ Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi” (Đinh Nam Khương) Nhưng ở “Chiều sông Thương” buổi chiều không chất chứa những nỗi niềm, tâm trạng. Ở thấy ta thấy phơi phới một niềm tin; một tình yêu cuộc sống; một niềm say mê, hứng khởi trước trước đất và người sông Thương. Có lẽ đây cũng là một sự khác lạ, sáng tạo thành công của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Nếu như trước đây chương trình Ngữ văn trong nhà trường người đọc từng biết đến sông Hồng, sông Đà, sông Hương … hình như chưa có sông Thương của vùng Kinh Bắc thì nay bài thơ “Chiều sông Thương” của Hữu Thỉnh đã được lựa chọn vào chương trình Ngữ văn mới (Ngữ văn 7, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). Chúng ta mừng cho thi phẩm và dòng sông Kinh Bắc đã có một chỗ đứng trong chương trình Ngữ văn nhà trường.