Chim chào mào

Huỳnh Hồng Điệp

03/10/2021 10:40

Theo dõi trên

Chào mào là loại chim trời sống theo đàn, thích cuộc sống tự do và yêu bầu trời trong xanh. Nếu nuôi nhốt trong lồng, thức ăn nước uống đầy đủ, chào mào có thể sống trên chục năm.

chao-mao2-1633232303.jpg
Con chào mào bạch tạng được trả giá 300 triệu đồng

Trước đây bố tôi có nuôi con chào mào, nó khỏe mạnh và hót rất hay, sống được 12 hay 13 năm gì đó.

Sáng  hôm qua, anh giai ra sân cho chim ăn phát hiện hai chiến sỹ chổng vó trong lồng, người  cứng đơ. Một chào mào, một họa my. Thức ăn còn, nước còn, lồng không gãy, không phải chết do chuột hay mèo. Chợt nhớ ra, đang giao mùa,  thời tiết thất thường, chim dễ chết, chủ lại quên không che áo lồng. Tiếc của thì ít mà thương con vật thì nhiều. Vợ chồng chủ nhà xót xa mãi.

Sáng nay đọc bài viết của một bác nói về chim chào mào làm tổ trên cây lộc vừng trước sân nhà.  Đất lành chim đậu, tôi nghĩ là điềm lành. Mừng cho bác ấy. Cái chạc cây ấy năm nào cũng có một đôi chào mào bay về làm tổ, không biết có phải đôi bố mẹ năm đầu tìm về không. Có năm đang làm tổ dở chừng, chúng bỏ đi.  Khả năng có con  chuột rình mò nên đôi chim lo lắng cho đàn nhóc tương lai chăng?!  Trứng chim  chào mào màu nâu xám, là món khoái khẩu chả cứ gì của bọn chuột, đôi khi có cả những con thằn lằn cũng thích nhấm nháp món ăn ngon ấy.

Chào mào được người nuôi chim cảnh thích vì chúng dễ nuôi, có giọng hót hay. Thức ăn đơn giản như châu chấu, sâu quy, hoa quả...  Thỉnh thoảng được một múi cam, mẩu dưa hay mẩu táo, lê là cậu chàng nhảy lọc xọc trong chuồng để rỉa rồi. Cầu kỳ có thể làm bột trứng cho nó giống như làm cho yến nhưng không cần kỹ quá. Ăn no phởn chí, cu cậu cất giọng hót.

Thường người nuôi thích chim đực hơn. Nếu mua phải chim mái (do chọn không kỹ), họ sẽ mở lồng thả ngay. Vì chim mái thể trạng yếu ớt hơn, dáng không đẹp, tiếng hót mỏng mảnh, không hay. Cùng một công, người ta sẽ nuôi chào mào đực.

Cũng có người nuôi thêm chào mào mái để con mái kích con đực hót.

Chim  chào mào đẹp, chuẩn phải là chim đực, có mào đen thẳng cứng trên đầu, hai má lông đỏ chót, thân trường, chân khỏe, vững chãi. Tiếng hót cao, trong, lảnh lót. Có một thời dân chơi chuyên nghiệp  ở Hà Nội đã trả giá con chào mào bạch tạng 300 triệu, một cái giá cao  ngất ngưởng. Có lẽ vì màu lông trắng quý hiếm và giọng ca ngây ngất lòng người chăng? Thế mới biết, nghề chơi cũng lắm công phu thật!

chao-mao-1633232204.jpg
Tranh của họa sĩ Nguyễn Hiệu

Dung Phung

Chim chào mào trống, mái đều hót được, nhưng trống buổi trưa nắng hè mổ cò thì nghe thôi rồi. Còn loại chào mào cũng đít đỏ không mào chỉ có chùm lông dựng ngược trên đầu quen gọi ngọc hống hót kém hơn. Loại có mào màu xanh\, xám trắng hót nhiều âm điệu dễ lẫn bách thanh... nuôi từ nhỏ nơi vắng có thể bay theo người.

Trong các bộ chim chơi: bộ hót, bộ chọi, bộ biến dạng gien màu... thì chào mào dễ nuôi, lành nhất!

Đỗ Thắng

Nghe nói chim chào mào rất thích ăn quả ớt chỉ thiên. Mấy năm trước gần nhà tôi có cây đa to đến mùa quả chim chào mào về ăn quả đa rất nhiều. Rồi có một người cả gan dám chặt cây đa, chim chào mào không về nữa, người chặt cây đa cũng ra nghĩa địa.

Duy Hữu

Chào mào dễ thích nghi, chứ giống chim sâu bắt nhốt là cắn lưỡi chết ngay. Hồi nhỏ tôi hay đi bắt chim, thì chim sẻ, chào mào dễ nuôi, chứ cố bắt chim sâu thì chỉ 1-2 ngày là nó chết.

Có lần bắt được 1 ổ cuốc 3 con, mang về nuôi, cho ăn chóng lớn như thổi, nhưng vào 1 đêm cuối hè, cả 3 con kêu suốt đêm, sáng ra chúng chết rũ cả. Tiếc ngẩn ngơ.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Chim chào mào" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn