Chim dòng dọc

Trong các loài chim, có lẽ loài chim dòng dọc làm ổ (tổ) là độc đáo nhất… Chim dòng dọc sống theo bầy, không riêng lẻ như các loài chim khác, làm ổ bầy đàn và kéo nhau đi ăn cũng bầy đàn.
239853390-365136845242942-2314235501026195516-n-1630122810.jpg

Ngày xưa, quê tôi khi chưa có làm lúa thần nông, còn lúa xạ thì chim dòng dọc có nhiều, mấy ông nông dân cũng sợ đám chim dòng dọc này dữ lắm, vì lúa mới xạ xong, cả bầy đáp xuống thì xem như phải xạ lại. Có những người chuyên bẫy chim dòng dọc bằng lưới, họ căng những tấm lưới rộng, rãi lúa, bầy chim đáp xuống, lưới chụp lại, bắt cả bầy.

Loại chim dòng dọc này làm tổ trên các cành cây cao, nhánh cây de ra ngoài xa, thông thường là các cây tre gai cao, cây bần, cây me nước, con nít không thể leo trèo mà bắt, gở tổ chim được chỉ khi giông, gió mạnh quá, tổ chim rơi xuống mà thôi.

Đặc điểm là chim dòng dọc đóng ổ ở đâu là có những đám ong lá đóng ở kế bên, vì thế mấy trẻ nhỏ tìm cách lấy tổ chim đều bị ong chích (đánh). Hồi nhỏ, tôi cũng có thắc mắc hỏi, người lớn cắt nghĩa: Có lần mấy con Ong mắc lưới nhện, nhờ chim dòng dọc tung lưới cứu thoát, vì thế để trả ơn, các con Ong theo bảo vệ chim. Bây giờ, đồng quê nơi nào cũng làm lúa 2, 3 vụ, hình ảnh từng bầy đàn chim dòng dọc cùng các tổ chim ngộ nghĩnh, độc đáo này hiếm thấy… lui vào dĩ vãng.

Không gì thích thú bằng khi nhặt được 2 cái tổ chim mái, xỏ vào 2 chân làm đôi giày cỏ. Ôi! những chiều thả diều, những chiều bắt bướm, những chiều theo những mương cạn, vũng nước xúc cá lia thia… những chiều hương đồng, gió nội….

 

Theo Chuyện quê