Chịu khó, chịu khổ lúc này...

Nhà thơ Ngô Đức Hành
bo-doi-1631384470.jpg
Lên đường vì miền Nam thân yêu

         

Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Văn bản chỉ đạo này, đưa ra nhiều quan điểm mới.

Thứ nhất là, xác định lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”.

Thứ hai, để “ai ở đâu ở đó”, Thủ tướng yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Thứ ba là, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc...

Để làm được điều này, hàng ngàn cán bộ chiến sỹ thuộc nhiều đơn vị của Quân đội được tung vào TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Phan Văn Giang tại Phiên họp trực tuyến diễn ra tối 19/8 của Thường trực Chính phủ với với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch Covid-19 hứa với Thủ tướng, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn. Ngày 23/8, quân đội, công an lên đường “Nam tiến”. Phải nói rằng, đây là cuộc ra quân chưa có tiền lệ trong lịch sử. Khái niệm “đi chợ hộ dân” hay “đi chợ giúp dân”, bắt đầu có từ đây.

Đi chợ hộ dân, tưởng nhẹ nhàng nhưng không hề đơn giản. Chưa nói trong hoàn cảnh giãn cách vì COVID-19, người đi chợ phải đeo khẩu trang, găng tay, kính chống bắn mới chỉ nói về sở thích, thói quen tiêu dùng thôi đã mệt. Trong một gia đình với nhau, cũng là mua thịt heo, mẹ đi chợ quen với quầy này, con dâu quen quầy khác, mẹ thích mông sấn, con ưa ba chỉ; mẹ thích rau này, con dâu ưa rau kia...Mệt phết, về khẩu vị, chưa nói đến người “dưng”.

Từ 0 giờ ngày 23/8 đến 28/8 (thời điểm tác giả viết bài) đã qua 5 ngày TP. Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội. Có nghĩa là đã qua 5 ngày bộ đội ta đi chợ hộ dân. Nhiều quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh đã huy động tổng lực kết hợp sự tăng cường từ quân đội triển khai nhiều mô hình hay, sáng tạo với tinh thần "không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc..." như chỉ đạo của Thủ tướng. Toàn TP.Hồ Chí Minh có hơn 2.300 điểm bán, gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn sẵn sàng phục vụ. Thế nhưng, đảm bảo lương thực cho nhiều triệu hộ dân trên địa bàn thành phố là chuyện không dễ dàng.

Một phường như phường 11, Bình Thạnh nơi em tôi ở, ngày đầu mới hơn trăm đơn đặt hàng (có thể còn chưa quen) nhưng ngày sau đã vọt lên gần 500 đơn hàng. Cả phường có tới 24.000 dân cơ mà. Có nơi dân số còn đông nữa, đơn hàng càng cao nữa. Thực sự vất vả cho lực lượng đi chợ hộ; thực sự dễ hiểu nếu món hàng theo đơn đặt không đủ. Đó là chưa nói đến việc các siêu thị không đủ người chuẩn bị đơn hàng, phường còn phải hỗ trợ các siêu thị phân đơn, chở về rồi mới đi giao được cho dân.

bac-si-1631384511.png
Vững tin đẩy lùi dịch bệnh

Thực tế thì nền tảng công nghệ đã được ứng dụng rồi đấy. Dân được giới thiệu chi tiết siêu thị, cửa hàng để lựa chọn, kèm theo đó là giá cả của từng mặt hàng. Dân cũng có thể chọn cách trả tiền trực tuyến hoặc trả tiền mặt khi nhận hàng. Dân khuyến cáo người dân chỉ nên mua những mặt hàng thiết yếu và mua đủ dùng cho đến lần đi chợ sau, không nên tích trữ. Điều đó là cần thiết trong điều kiện cung ứng khó khăn. Mua vừa cho người khác còn mua.

Khi có chủ trương đi chợ hộ dân, cơ bản nhân dân ủng hộ, bớt được gánh lo về lương thực thực phẩm trong những ngày không chợ, không hàng online, không shipper...của giãn cách tăng cường. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản tẹo nào. Đấy là chưa nói đến những nguyên nhân ất ơ, đơn hàng đặt qua điện thoại dễ sai sót. Cơ bản các phường, các tổ hỗ trợ chỉ nhận đơn hàng qua đường link đăng ký. Gia đình nào không biết cách thì có thể nhờ hàng xóm hay người quen đăng ký giúp. Cũng là nhờ qua điện thoại thôi, vì ai ở nhà nấy, không được qua hàng xóm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng triển khai hệ thống đăng ký đơn hàng cambo, nhưng từ khi khai trương website luôn rơi vào tình trạng quá tải, không thể truy cập cùng một thời điểm vì lượng người truy cập đặt hàng quá đông. Số người đăng ký qua đường dây nóng Zalo hotline cũng tăng đột biến. Lắm cái vụn vặt, rất đa dạng. Tỷ như lượng người truy cập đặt đơn hàng rất lớn nhưng phần lớn là đặt đơn lẻ 1 - 2 combo nên lực lượng phụ trách giao hàng không xuể, đặc biệt là các khu phong tỏa hiện nay không thể đi giao hàng do chỉ lực lượng làm nhiệm vụ mới được qua chốt. Người dân được khuyến cáo nếu cùng tòa nhà, khu phố thì đặt hàng theo nhóm hoặc lựa chọn combo rồi đặt hàng thông qua cán bộ ở khu phố để việc giao, nhận hàng được thuận tiện, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên giữa vận hành hệ thống và thực thi luôn trắc trở.

Bạn tôi sống ở ở chung cư thuộc quận 8 cho biết, vì là dân ở "vùng đỏ" nên chuyện đi chợ của gia đình đều nhờ hết ban quản lý chung cư và cán bộ phường. Tuy nhiên, vợ bạn đặt đơn hàng 3 ngày nay vẫn chưa nhận được. Khi hỏi cán bộ chốt đơn thì họ cho biết lượng đơn quá tải nên sẽ giao theo thứ tự. Sau đó, anh tiếp tục kiên trì đặt hàng trên hệ thống online của các siêu thị nhưng đều thông báo quá tải, không đặt được.

Quá tải và chưa kịp thời, nhiều hộ dân than rằng vẫn chưa nhận được hàng mua hộ dù đơn đã đặt 3-5 ngày. Điều này chẳng có gì khó hiểu, dân thành phố đông như thế, nhiều khi tìm ra số nhà trong các hẻm, các xẹc không hề dễ dàng. Chưa nói đến chuyện số nhà chưa quy chuẩn, bên nào cũng có chẵn, có lẻ như xôi đỗ; một số nhà có hàng chục hộ. Vân vân và vân vân. Quá tải từ mặt đất đến mặt online.

bo-doi1-1631384540.jpg
“Đi chợ hộ dân”, vẻ đẹp anh Bộ đội Cụ Hồ

Đấy là chưa nói đến chuyện, cá biệt rất dễ bực mình. Anh em đi chợ hộ vất vả từ khâu soạn đơn, chọn sản phẩm nhưng đến khâu giao hàng, nhưng các thành viên đội hình đi chợ hộ đối mặt với nguy cơ bị "bom" tiền và hàng. Chạy đôn chạy đáo đi tìm hàng giữa tâm dịch nhưng trên đường đi giao hàng thì nhận được cuộc gọi từ người dân báo không cần mua nữa vì họ đã tự tìm được.

Nhiều khi anh em đứng trước cổng chung cư người nhận, gọi điện hàng chục cuộc nhưng vẫn không được phản hồi. Mãi đến chiều cùng ngày, người đặt đơn mới nhắn tin xin lỗi với lý do "đặt thử xem có được đi chợ hộ thật không", chứ không muốn mua hàng. Thật là đùa không đúng cách giữa lúc giãn cách xã hội căng thẳng.

Từ nay đến ngày 15/9 – ngày Chính phủ giao cũng như TP. Hồ Chí Minh quyết tâm kiểm soát được dịch bệnh sẽ còn có nhiều cải tiến để việc để việc “đi chợ hộ dân” tốt hơn. Không ai bị bỏ lại phía sau, không để ai thiếu ăn thiếu mặc được Chính phủ xác định khi giai đoạn 4 đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương nhất là TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội kéo dài. Nhưng để việc “đi chợ hộ dân” bớt đi trắc trở, lực lượng đi chợ hộ đỡ khổ, có lẽ người dân cũng phải “chung sức đồng lòng”. Bình thường cả nhà dùng 10 quả trứng/ngày, nay chỉ 5 quả trứng/ngày đã “chết” ai đâu.

Chịu khổ, chịu khó đi một chút cũng là yêu nước đấy. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân cơ mà?