Chợ Bưởi cuối năm tấp nập người sắm Tết Nhâm Dần - Nét đẹp xưa vốn có của người Hà Nội       

Bài, ảnh: Vũ Xuân Bân

30/01/2022 15:18

Theo dõi trên

Dạo quanh chợ Bưởi phiên cuối năm Tân Sửu, chuẩn bị sắm Tết Nhâm Dần bạt ngàn đào, quất cảnh, các loại  hoa lan, râm bụt, thược dược, trạng nguyên, đỗ quyên, lay ơn, mào gà, hồng, lựu, màu trắng của bó cúc trà mi, hoa hồng, thủy tiên, hoa nhài, màu tím của những chậu dã yên thảo, đinh tử hương, cẩm tú cầu, thạch thảo và điểm thêm sắc mai vàng từ phương Nam.

Một số loại cây cảnh cầu kỳ hơn là những cây trúc quan âm, phật thủ, khế uốn hình gà, bưởi hồ lô được đánh cả bầu cho vào chậu lớn hết sức kỳ công mang đầy không khí Tết. Người bán không chỉ bó hẹp ở các vùng lân cận mà còn từ các nơi xa hơn như tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định…với đa dạng các mặt hàng từ cây cảnh, tượng gỗ, nhưng nhiều nhất vẫn là hoa, đào, quất.

cho-buoi-12022-1643528709.jpg
Chợ Bưởi (Hà Nội) phiên cuối năm Tân Sửu (2021), chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần (2022)

 

Hà Nội tấp nập, ồn ào, vội vã là vậy, những tưởng những nét đẹp cổ kính đã dần bị thay thế bởi vẻ đẹp hiện đại, thế nhưng ở nhiều nơi trong thành phố vẫn còn lưu giữ được nguyên nét đẹp xưa vốn có. Không biết biết tự bao giờ, chợ Bưởi luôn được người dân của đất Kinh kỳ nhắc đến với sự gần gũi, thân thương đến kỳ lạ: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín (âm lịch) cho duyên đèo bòng”.

cho-buoi-12022a-1643529039.jpg
Góc chợ Bưởi - Ngã 3 đường Hoàng Hoa Thám và Lạc Long Quân tại phiên chợ cuối năm Tân Sửu.

 

Chợ Kẻ Bưởi xưa là chợ lớn nhất ở phía Tây thành Thăng Long, nay đã thay đổi rất nhiều theo thời gian nhưng đây vẫn là nơi mà mỗi người Hà thành tìm đến, nhất là khi Tết đến, xuân về. Đây là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội duy trì hình thức họp chợ phiên cho đến tận ngày nay. Đáng chú ý, ở đầu đường Thụy Khuê, ngay cạnh ngã 3 cổng chính của chợ Bưởi có Cây bồ đề cổ thụ. Theo nhà văn hóa Vũ Kiêm Ninh, cây bồ đề này phải trên trăm tuổi. Ngày xưa cây nằm trên bãi chợ Bưởi, đến khi người Pháp xây chợ vào năm 1922, dân vùng Bưởi đặt điều kiện muốn chặt gì thì chặt chứ nhất định không được chặt bồ đề. Bồ đề được xem là loài cây thiêng liêng trong Phật giáo.

Chợ Bưởi ngày xưa họp trên bãi đất rộng gần chục ha, có 2 khu: Khu buôn bán vật dụng hàng ngày, hàng thủ công nghiệp, hạt giống cây giống và khu buôn bán gia súc gia cầm. Quy mô nhất vào những hôm chợ phiên là khu buôn bán vật nuôi gồm ngựa và trâu bò, lợn, gà, chó, mèo…. Cứ vào phiên chợ, khu bán gia súc lại tấp nập với hàng nghìn người về chọn mua con giống để chăn nuôi. Với cư dân vùng ven đô, chăn nuôi rất phát triển. Sự tấp nập đó được người đi chợ quy ước là “ngày tư, ngày chín” để họp phiên và những người ở xa có thể đem những gia súc tốt từ các nơi về đây buôn bán.

cho-buoi-12022b-1643529829.jpg
Bày bán đào tại ngã 3 góc đường Thụy Khuê và Lạc Long Quân ngay sát chợ Bưởi.

 

Theo bia Hậu Thuần hiện còn lưu giữ ở sân đình An Thọ thì tên chợ Bưởi xuất hiện trên bia đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái thứ 3. Căn cứ vào tấm bia “An Thái phương tây thôn thị bi ký” dựng năm Tự Đức (1842 – 1881), tấm bia ghi tên những người phát tâm công đức trùng tu lại chợ Bưởi, có câu “Ngã thôn hữu thị cổ dã” (Thôn ta có chợ từ lâu). Nhưng cũng có người cho rằng, chợ Bưởi xuất hiện từ thời Lý, ngay khi hình thành Thăng Long. Cứ tới các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch dân các khu vực lân cận lại kéo về chợ Bưởi mua bán, chơi chợ, đông vui tấp nập.

cho-buoi-12022c-1643530011.jpg
Quất cản Tứ Liên (quận Tây Hồ) bày bán tại ngõ 89 Lạc Long Quân gần vố chợ Bưởi.



Chợ Bưởi đã xây dựng 3 tầng khang trang cách nay hơn hai chục năm thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống. Dù đã xây dựng cao tầng nhưng dân ta chỉ quen họp chợ ở tầng chệt, còn các tầng 2 và 3 tuy đã thiết kế các quầy bán hàng nhưng không ai lên mua bán hàng hóa, đành phải chuyển công năng sử dụng được quảng cáo là Trung tâm thể dục thể thao thể hình, CLB UFO Billiards, chơi bi-a, phòng tập gym… Chợ Bưởi họp tràn ra hai bên các đường phố Thụy Khuê, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám. Những ngày thường, mặt hàng buôn bán tại chợ gồm có cả thú nuôi, cây cảnh diễn ra sôi động trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám từ ngã ba chợ Bưởi cho đến ngã ba phố Văn Cao ngày nay. Có thể gọi đây là chợ phiên sinh vật cảnh độc đáo ở ngay giữa Thủ đô. Càng những ngày giáp Tết, chợ Bưởi càng đông vui tấp nập với muôn vàn hoa khoe sắc… từ các nơi mang về bày bán. Chợ Bưởi là một điểm bán hoa, cây cảnh rất đặc biệt của người Hà Nội mỗi khi Tết đến, Xuân về. 

cho-buoi-12022e-1643530236.jpg
Chậu cây hoa Đỗ Quyên này tại chợ Bưởi phiên cuối năm Tân Sửu bán với giá 2 triệu đồng

 

Những ngày qua, Hà Nội lất phất mưa, có lúc mưa nặng hạt, đến phiên chợ Bưởi cuối năm sắm Tết Nhâm Dần, trời trở lạnh, nắng ráo. Do phải phòng chống dịch CoVid 19 theo khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế nên chợ Bưởi vào phiên cuối năm tuy tấp nập, náo nhiệt nhưng cũng không thể bằng những năm trước chưa có đại dịch CoVid 19. Theo anh Trần Văn Đại ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) bán hơn 100 cây quất cảnh trong ngõ 89 đường Lạc Long Quân gần chợ Bưởi, đến phiên chợ trưa 28 Tết đã bán được gần hết, chỉ còn gần chục cây, giá bình quân từ 400.000đ đến 500.000đ/cây, tương đương với giá năm trước. Còn lại 2 cây quất đại chỉ với giá một triệu đông/cây nhưng phải tự túc phương tiện vận chuyển về nhà, chưa có người mua. Giá đào Tết năm nay cũng tương đương như Tết năm ngoái cũng từ 300.000đ đến 500.000đ/cành là khá bắt mắt. Đào thế thì vài triệu đến cả chục triệu đồng cây. Các loại hoa lay ơn, hoa ly, hoa đỗ quyên, hoa Trạng nguyên… đắt hơn năm ngoái một chút.

cho-buoi-12022d-1643530538.jpg
Chậu hoa chơi Tết Nhâm Dần mua tại ngã 3 dốc chợ Bưởi với giá 200.000đ.

 

Người mua dạo quanh các hàng, nhìn ngắm, suy tư, có khi phải đi lại vài ba lần mới tìm ra được cành đào, cây quất, chậu hoa, cây cảnh ưng ý. Người bán và khách như những người tâm giao, tỉ tê trò chuyện. Thế nên dù chợ Tết đông đúc thật nhưng không có cảnh mua nhanh, bán vội mà là thuận mua vừa bán, vui vẻ, trật tự.

Đi chợ Bưởi phiên cuối năm, có người mua hoa chơi Tết, có người ngắm cây cảnh, người mua giống cây, giống hoa, nhưng cũng có người đến chợ đơn giản chỉ là một thú vui trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về... Vậy mới biết, giữa cuộc sống xô bồ, những tưởng dịch CoVid 19 sẽ vắng vẻ, sức mua giảm nhưng vẫn còn đó chợ Kẻ Bưởi với sự thanh lịch, những nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội.