Thời trẻ con, chúng tôi háo hức cả năm đợi đến Tết để được đi chợ Chùa. Gọi là chợ, nhưng thực ra đó chỉ là một đoạn đường tỉnh lộ số 63 (giờ theo bản đồ Google gọi là đường 972), nằm gần chùa Vĩnh Khánh. Ngay cả cái tên chùa, mãi gần đây tôi mới biết, vì xưa nay cả làng chỉ có một ngôi chùa nên không ai để ý đến cái tên riêng của ngôi chùa này. Ở chợ Chùa, xưa người ta bán muối, bán trầu để lấy may với quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Món ấy chỉ dành cho người lớn thôi, còn cánh trẻ con và thanh niên quan tâm đến những thứ khác. Xưa người ta bán pháo Tết, cả băng hoặc bán lẻ những cái pháo cối, pháo tép, từ ngày chính phủ cấm thì không còn mặt hàng này nữa. Đây có lẽ là mặt hàng trẻ con quan tâm nhất. Người ta cũng bán đủ thứ hoa quả, bánh trái là những sản vật địa phương.
Gần như trẻ con quê tôi sáng mồng 2 Tết đổ hết về chợ Chùa, để chơi là chính. Chỗ này đánh đáo, chơi khăng, chỗ khác túm tụm chơi tam cúc. Thanh niên đi chợ để hò hẹn, để tụ tập chơi cho vui. Người lớn đi chợ Chùa để cầu may, rồi vào chùa Vĩnh Khánh lễ. Giờ chùa Vĩnh Khánh đã được đầu tư rất lớn, nhưng chợ Chùa thì vẫn ăn theo. Không chỉ người trong làng đến lễ chùa, mua bán lấy may và gỡ, giao lưu, chơi bời cho vui nữa, mà đã thành nơi để mọi người ở các làng xã lân cận tìm đến. Năm trước, về quê đúng dịp Tết, tôi đã đưa vợ con đến để giới thiệu chợ Chùa, nhưng có lẽ ấn tượng không còn cao như thời trẻ con nữa, vì yếu tố tâm linh và tính thương mại đã lấn át yếu tố chơi xuân vốn có của chợ Chùa. Hy vọng chính quyền địa phương sẽ đẩy chợ Chùa thành một lễ hội xuân tầm cỡ, như ông chủ tịch xã đã có lần đề xuất.
Yêu lắm quê hương Xuân Khê của tôi, nhớ lắm chợ Chùa của tuổi thơ tôi. Còn bạn, ấn tượng Tết quê thế nào?
Theo Chuyện quê