Chúng vây quanh bà: Mẹ ơi! Đã lâu lắm rồi chúng con chưa được ăn bánh đúc riêu cua của mẹ. Mẹ nấu riêu cua cho các con một bữa đi mẹ! Chúng con vẫn nhớ bữa bánh đúc chan riêu cua mẹ đãi chúng con trước khi chúng con chào mẹ vào chiến trường. Mẹ ơi! Nếu mẹ nấu bánh đúc riêu cua, mẹ phải làm như thế này thì chúng con mới được ăn mẹ nhé. Ở thế giới của người âm, luật khắt khe lắm, mẹ đợi đến rằm tháng giêng, mẹ mang mâm bánh đúc ra gốc đa đầu làng, đặt cạnh nồi riêu cua, khi nào có bốn cái lá xanh rơi xuống mâm bánh, là khi đó, các con đã về, mẹ hãy múc bánh ra mẹ nhé! Như thế là các con được ăn bánh của mẹ rồi đấy. Bốn cái lá đa là "tiền" của các con trả cho mẹ. Mẹ nhặt lấy, cho vào thúng, mang về. Chúng con cám ơn mẹ!
Bà nằm thao thức mãi cho đến đến khi trời sáng bạch và rưng rưng nhớ lại. Cũng vào dịp tháng áp tết như thế này, năm năm về trước, vào một buổi chiều đông giá lạnh, nhà bà Lành có bốn chú bộ đội trẻ măng đến xin ở trọ. Tiểu đoàn đặc công hành quân qua làng. Trước khi vào trận đánh lớn, cấp trên cho dừng chân ba ngày để chỉnh huấn. Cả mấy trăm đứa, đứa nào hai má cũng phúng phính như măng như mụt, vậy mà đã là chiến sỹ đặc công kia đấy. Buổi sáng cả bốn đứa dậy rất sớm, luyện võ huỳnh huỵch giữa cái sân đất nhà bà. Ba thằng vây quanh một thằng. Chỉ thấy thằng đứng giữa ngồi thụp xuống, nó đá thế nào mà cả ba thằng kia ngã lăn quay ra sân. Ba thằng lại bật dậy như cái lò xo bị nén, cùng lao vào. Cái thằng đứng giữa mới tài! Nó luyện hai tay nhanh thoăn thoắt, quật ngã từng thằng xuống sân cứ như có phép thuật. Cứ tưởng thằng đứng giữa là tài, nhưng khi thấy chúng thay nhau đứng giữa, mới biết thằng nào cũng tài.
Nhà bà khi đó, chồng và đứa con trai cả của bà cũng đang trong chiến trường. Ở nhà, chỉ còn bà với con bé Thu, gái thứ và thằng Tòng con trai út. Bốn gian nhà trống hoác, rộng thênh, bộ đội đến ở nhờ. Bữa ăn đầu tiên có khách bộ đội, cả ba mẹ con vui như hội. Bốn thằng lính trẻ góp thêm bốn bơ gạo và hai hộp thịt hộp. Có lẽ bộ đội cũng biết là dân đói, cho nên mới “góp” vào hậu hĩnh như thế. Thằng Tòng chưa được ăn thịt hộp bao giờ, cứ gắp lấy gắp để. Các anh chị phải nhịn nhường cho nó.
Nhìn chúng nó ngồi ăn vô tư, không hề nghĩ đến cái sống cái chết trong trận chiến ác liệt phía trước mà tim bà đau nhói. Thương chúng nó quá, năm hết, tết đến nơi rồi, nếu như thời bình, giờ là lúc đang lo sắm sanh đón tết. Vậy mà đầu xanh tuổi trẻ, chúng đang dấn thân vào chiến trận, lành ít, dữ nhiều. Nhưng biết làm sao được? Đất nước có chiến tranh, cả chồng và con bà đấy thôi! Chí trai, đất nước lâm nguy, chẳng nhẽ ngồi nhà? .
Đêm hôm ấy, bà trằn trọc không sao ngủ được. Ngày mai chúng lên đường ra trận rồi, sống chết chỉ cách nhau gang tấc, đang đầu xanh tuổi trẻ, chúng có khác chi thằng cả, con bà? Chẳng nhẽ bà không không có món gì ngon đãi chúng một bữa ư? Và bà nghĩ ngay đến món bánh đúc riêu cua, món đặc sản đồng quê mà chồng và con trai bà đều mê. Ừ phải rồi, sáng mai bà sẽ ra đồng bắt cua và buổi trưa mai, chúng sẽ phải ngạc nhiên về tài nấu nướng của bà. Những cái miệng hơn hớn háu đói kia rồi sẽ biết...
Sáng hôm sau, khi cả bốn đứa kéo nhau ra đình làng “tập huấn chính trị”, bà lẳng lặng xách giỏ ra đồng. Trời rét, nhưng ngày ấy ngoài đồng, cua cáy còn sẵn lắm. Những chú cua đồng to kềnh, dè dặt, thập thò trong lỗ bò ra, nghênh nghênh men theo chân ruộng vừa mới cấy. Loáng một chốc, bà đã bắt được đầy một giỏ cua. Còn mấy bò gạo tám thơm, bà đã ngâm từ đầu tối rồi. “Thịt” bánh đúc, muốn cho mềm dẻo, phải ngâm gạo trước một đêm. Bà đem xay, xay đi xay lại hai ba lần cho thật nhuyễn rồi mới cho vào nồi, bắc lên bếp.
Buổi trưa hôm ấy, có lẽ suốt đời bà không quên được. Cả sáu đứa, trong đó có hai đứa con của bà ngồi quây quanh mâm bánh đúc bà đã thái sẵn thành sợi. Chúng chỉ việc xúc cho vào bát to rồi chan riêu vào. Chúng vừa ăn vừa suýt xoa: Ngon quá mẹ ơi! Sao mẹ nấu tài thế! Chúng con cảm ơn mẹ nhé!
Xong bữa bánh ngon lành hôm nay, ngày mai chúng vào chiến trường, đối mặt cái chết, liệu chúng còn có dịp trở lại thăm bà một lần nữa không? Nhìn những cái miệng hơn hớn, sì sụp, chan chan, húp húp kia, bà lặng lẽ quay mặt ra phía sau, cố kìm những giọt lệ to tướng đang chực trào ra.
Buổi chiều, cả bốn thằng được nghỉ, chờ đêm xuống tiếp tục hành quân vào chiến dịch. Chúng hăm hở leo lên lợp lại mái bếp sắp tụt gianh cho bà. Đứa nào làm cũng nhanh thoăn thoắt, quả là những đôi tay chắn vén, bén việc. Đều con cái nhà lao động cả mà! Đang sức ăn, sức làm, giá không có chiến tranh, những đôi tay ấy, hàng ngày làm ra biết bao sản phẩm cho xã hội. Càng nghĩ, bà Lành càng xót xa, nước mắt lại giọt ngắn giọt dài...
Tin miền Nam hoàn toàn giải phóng làm nức lòng nhân dân cả nước. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, cả chồng con bà cũng đã hy sinh. Thằng Tòng lại vừa vào bộ đội, con Thu đi lấy chồng, bốn gian nhà cũ ngày trước, nay đã được nhà nước cấp tiền cho tu bổ lại trông rất khang trang nhưng lẻ loi một mình bà với một cái bóng. Vài tháng, vợ chồng con gái Thu mới về thăm mẹ. Chỉ có bàn thờ chồng, thờ con là suốt ngày đêm khói hương không tắt.
Chắc chúng đã hy sinh, về báo mộng cho bà đây ! Chúng nó yêu bà, nhớ bà, coi bà như mẹ đẻ, làm sao bà nỡ vô tâm mà không đáp ứng. Còn ông ấy và thằng cả nữa chứ, chắc cũng đang thèm một bữa bánh đúc chan riêu cua của bà. Bà nhớ rất rõ là chúng dặn bà là khi nào có bốn chiếc lá đa còn xanh rụng xuống mâm bánh, là khi đó, chúng đã về ăn bánh của bà. Ngày mai là rằm tháng giêng, đúng ngày chúng nó hẹn. Cũng như năm năm về trước, bà xách giỏ ra đồng, có khác là ngày ấy, bà xách giỏ đi trong lòng vui hăm hở, còn bây giờ, tay bà xách giỏ mà mỗi bước đi lòng trĩu nặng đau thương.
Bà đợi trời sáng rõ rồi lặng lẽ gánh gánh hàng đầu năm ra gốc đa đầu làng. Người ta bầy hàng thì chờ khách mua, nhận đồng tiền may mắn đầu năm. Còn bà bán hàng thì chờ đợi những hồn ma và những chiếc lá đa. Bà hồi hộp ngồi đợi tín hiệu từ cõi âm của chồng, của con. Và đúng như trong giấc mơ, năm sáu phút sau, rất kỳ lạ là trời không gió mà trên mâm bánh có bốn chiếc lá đa còn xanh rụng xuống. Bà run run nhặt lấy cho vào thúng rồi lập cập xúc bánh đúc, chan những môi nước riêu nổi gạch cua vàng óng ánh vào đầy sáu cái bát. Vừa chan, bà vừa khóc. Nước mắt bà nhỏ giọt vào từng bát riêu cua...
Đêm hôm ấy, khoảng canh ba, bà lại mơ chúng nó về. Bốn thằng lính trẻ đã ở trọ nhà bà hai năm về trước. Vẫn bốn thằng chúng nó dìu nhau nhưng trông đỡ gầy và xanh hơn. Chúng vây quanh bà cùng reo: Bánh đúc riêu cua ngon lắm mẹ ơi! Sang năm mẹ lại làm đãi chúng con mẹ nhé! Chúng con cám ơn mẹ! Nói rồi chúng lại dìu nhau ra đình làng, nói là đi tập huấn chính trị. Bà nhìn theo bóng chúng lẫn vào những đám mây trắng như sương như khói và cả cái đình làng kia nữa, mái đình cong cong ẩn hiện trong mây, tất cả như sương như khói, mờ dần...
Khi câu chuyện bà Lành bán bánh đúc riêu cua cho ma loang ra, người trong làng ai nghe cũng xúc động. Trong làng, nhà nào có chồng con hy sinh trong chiến tranh đều bắt chước làm theo bà. Hàng năm cứ đến rằm tháng giêng, người nhà nấu những món ăn khi đang còn sống, chồng, cha con họ ưa thích, đem ra gốc đa đầu làng. Họ cũng ngồi bày bán và hồi hộp chờ xem có chiếc lá đa nào rụng xuống mâm không. Nhà nào có nhiều lá rơi vào mâm, không xanh thì vàng cũng chẳng sao, đều vui mừng hớn hở vì tin rằng những người thân yêu đang ở thế giới bên kia, đã trở về để thưởng thức các món ngon của họ nấu. Ban đầu, chợ ma chỉ dành riêng cho những gia đình có người đi lính chết trận, sau rồi dần dần mở rộng ra cho tất cả những gia đình nào trong làng xã có người thân đã qua đời. Bởi thế, chợ ma mỗi năm càng thêm đông vui.
Vài chục năm sau, chính quyền thấy đây cũng là một nét văn hoá tâm tâm linh, giàu giá trị tư tưởng nhân văn, người ta tổ chức thành Chợ Ma. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng giêng, chợ ma lại họp. Nhà nào cũng trở dậy thật sớm, nấu nướng nhiều món ăn mang ra chợ bán cho ma. Người ta cử một người mặc áo quần, trang điểm giống như "ma" thật, cắp rổ lá đa đi đến các hàng, thả vào mỗi mâm vài cái, ý là những người thân yêu của gia đình đó đã khuất, đã trở về trong ngày đầu xuân, thưởng thức món ăn ngon của người thân nấu, phù hộ độ trì cho gia đình, dòng tộc sang năm mới khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Nhà nào "ma" quay lại hai ba lần, có nghĩa là ma khen ngon, năm ấy gia chủ sẽ được nhiều phúc lộc.
Trái tim người lính