Cho tôi viết về Mẹ !

Về thăm nhà lần này trông mẹ ốm nhiều lắm. Mẹ bảo: lúc này mẹ thường thấy mệt trong người, nhiều khi không làm gì mẹ cũng mệt ngang. Mẹ biết...trong người mẹ lúc này yếu lắm rồi..."Về thăm nhà lần này trông mẹ ốm nhiều lắm. Mẹ bảo: lúc này mẹ thường thấy mệt trong người, nhiều khi không làm gì mẹ cũng mệt ngang. Mẹ biết...trong người mẹ lúc này yếu lắm rồi..."

Nghe mẹ nói, tôi chợt nhớ lại lời của bác sĩ dặn năm trước( ) nhớ rồi tôi khóc...dù cố ngăn dòng nước mắt trước mẹ nhưng sao nó vẫn cứ trào tuôn...nghĩ mà thương mẹ nhiều lắm, gian nan vất vả cả một đời vậy đó, thương cuộc đời hồng nhan của mẹ nữa, dường như chưa bao giờ được hạnh phúc mỉm cười!

dt1bcm-1709646999.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Hồi ngoại tôi còn sống mỗi khi nhắc đến mẹ, ngoại thường bảo "phần số của mẹ bây đúng là hồng nhan bạc phận" mà quả thật, tôi thấy câu nói ấy đã vận đúng vào cuộc đời của mẹ tôi...

Mười tám tuổi, mẹ lên xe hoa về nhà chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ, và rồi cuộc hôn nhân ấy chóng vánh tan vỡ chỉ sau một năm bởi những thói lề phong kiến áp đặt của nhà chồng, thời gian sau mẹ lên Sài Gòn học may ở nhà người dì, nơi phồn hoa đô hội này cha mẹ tôi đã gặp nhau. Năm năm sau đó ba chị em tôi lần lượt ra đời, sau này mẹ kể, khoảng thời gian năm năm đó, là những chuỗi ngày mẹ đã sống trong nước mắt, bởi cha tôi, một người chồng suốt ngày chỉ biết ăn chơi trác táng cả phong lưu đa tình, mặc dù biết thế nhưng mẹ vẫn cam chịu. Mẹ bảo, cam chịu để nuôi con, cam chịu để gia đình không mang tai tiếng với họ hàng làng xóm có đứa con gái lại thêm một lần dang dỡ.

Năm 1975 đất nước thống nhất, cột mốc lịch sử ấy cũng đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Ngày ấy cha tôi là sĩ quan của chế độ cũ nên được đưa đi tù cải tạo. Mẹ bồng bế chị em tôi trở về quê ngoại sinh sống, bảy năm sau cha tôi được trả tự do trở về, tiếp nối quảng thời gian đó cha mẹ tôi ly hôn nhau, nói thật ngày đó tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được vì sao?sự thể đúng sai? mà cho dù có đúng sai thế nào, thì đó vẫn là bậc sinh thành của tôi, một sự thật mà tôi không thể nào chối bỏ được, vâng, tôi luôn tâm niệm với lòng mình như thế.

Tôi lên sáu, một lứa tuổi có thể đã cảm nhận mọi việc xảy ra chung quanh mình, còn nhớ ngày ấy bốn mẹ con tôi sống nhờ trong ngôi nhà của ngoại trên một căn gác nhỏ xíu bằng gỗ, căn gác được ngoại dùng để chứa những vật dụng trong nhà nay nhường lại chỗ cho mẹ con tôi ở, căn gác nằm phía trên căn bếp nhà ngoại, vì vậy mà mỗi khi nhà ngoại nấu ăn là phía trên căn gác cũng bừng nóng, mùa hè cũng thế, cái nắng cái nóng oi bức suốt ngày đêm, kể trần thực thế thôi, chứ ngày lớn lên hiểu chuyện, tôi thêm yêu và trân quý căn gác nhỏ trong ngôi nhà của ngoại nhiều lắm, trân quý và biết ơn người bạn nhỏ này nhiều lắm, đã chở che đùm bọc mẹ con tôi trong những tháng ngày gia đình tôi khốn khổ nhất.

Mẹ tôi vốn có nghề may, nhưng ở vào thời buổi những năm sau giải phóng, cuộc sống của người dân còn khó khăn lắm, nói gì đến vùng quê như quê ngoại tôi, nhiều nhà cơm còn không đủ ăn thì lấy đâu ra mặc đẹp, thế nên mẹ tôi phải xoay ra buôn gánh bán bưng làm đủ mọi thứ nghề để có tiền nuôi con, nhớ những ngày đó mấy chị em tôi hay đi theo mẹ bán đậu phộng, mía ghim ở trước cửa rạp hát, đêm nào cũng đến tận trời tối khuyua mới về đến nhà.

Vất vả cơ cực là thế, nhưng ngày đó cuộc sống của mẹ con tôi vẫn luôn thiếu trước hụt sau, năm tôi lên tám tuổi, một người bà con xa giới thiệu mẹ tôi đi may trở lại trên Sài Gòn, thế là từ đó ba chị em tôi sống xa mẹ.

Cứ thế, hai ba tháng mẹ trở về thăm chị em tôi một lần, rồi mẹ lại đi, hơn tám năm trời mẹ con tôi sống xa cách nhau, ngày lớn lên nhớ về những ngày tháng này tôi càng thấy thương mẹ tôi nhiều gấp bội, thương lắm những ngày tháng đó mẹ tôi như thể thân cò một mình lặn lội trong mưa gió đi kiếm miếng ăn đem về nuôi đàn con khôn lớn...

Năm tôi mười lăm tuổi. Mẹ tôi thôi không đi may thuê cho người ta nữa, trở về nhà mấy mẹ con dựng lên ngôi nhà sàn nhỏ trên bến sông của ngoại, còn nhớ những ngày đó mẹ con tôi đâu có tiền để cất nhà đâu, mẹ tôi tuy đi may ở Sài Gòn, nhưng tháng nào cũng chỉ đủ tiền trang trải cho ba chị em tôi ăn học, nhiều khi còn thiếu hụt phải nhờ ông bà ngoại phụ tiếp, thế, nên tôi còn nhớ lúc dựng lên ông ngoại đã phải chắt mót từng miếng ván vụn ( ông ngoại tôi là thợ mộc) rồi công phu chắp vá lại hàng mấy tháng trời mới hoàn thành xong ngôi nhà cho bốn mẹ con tôi ở!

Khoảng thời gian này mấy mẹ con tôi mở một tiệm may nho nhỏ trên bến sông của ngoại, rồi cuộc sống của gia đình tôi lúc này vẫn cứ thế, Mẹ tôi vẫn phải tảo tần hôm sớm trong túng thiếu nghèo khó, thêm chăng nữa nổi nhọc nhằn trên đôi vai của mẹ, bởi ba chị em tôi ngày một lớn, đồng nghĩa với việc học hành, cơm áo gạo tiền nhân lên gấp bội.

Nói thật.Tôi lớn lên thành đứa con gái ngỗ nghịch đó, tự ý quyết định cuộc sống của mình, một khoảng thời gian dài tôi đã để mẹ khóc hết nước mắt vì tôi...

Tôi thế đấy, mà mẹ nào có từ bỏ được tôi đâu. Những ngày cuộc đời tôi gặp giông bão vẫn luôn có mẹ ở cạnh bên chở che đùm bọc...

Năm nay tôi năm mươi tuổi rồi, ở một độ tuổi này tôi mới thật sự biết yêu thương mẹ mình, có quá muộn màng cho sự ăn năn của tôi không!? còn mẹ tôi thì vẫn cứ thế, vẫn cứ lúc nào cũng yêu thương và xem những đứa con của mình còn bé bỏng cần được tha thứ, mà tôi thiết nghĩ tất cả các bà mẹ trên thế gian này là như thế đấy, cho dù các con mình có ở một độ tuổi nào đi chăng nữa. Với mẹ, các con vẫn mãi còn bé bỏng .

Năm nay mẹ tôi ngoài bảy mươi rồi, mười năm trở lại đây mẹ cứ đau bệnh suốt, khoảng thời gian này, bệnh của mẹ ngày một nhiều hơn, nói về căn bệnh hen suyễn của mẹ tôi đã có từ thời còn con gái, cộng thêm nghề may của mẹ nữa, cho căn bệnh thêm trầm trọng, mỗi lần trở về thăm nhà, nhìn mẹ ngày một gầy đi, sao mà tôi thấy đau lòng... những lúc như thế tôi chợt khóc một mình...tôi khóc tôi ăn năn...tôi khóc tôi ao ước...tôi ao ước sao cho mẹ tôi có được nhiều sức khỏe...để mẹ vui mẹ sống với chị em tôi đến trăm tuổi già!

Mẹ ơi...! năm tháng gian nan của mấy mẹ con mình đã đi qua rồi... những tháng ngày khốn khổ đến cùng cực của mấy mẹ con mình đã đi qua rồi...giờ là lúc để chị em con trả hiếu cho mẹ, thì mẹ lại đau bệnh suốt thế này...nghĩ đến mà con thương mẹ nhiều lắm...thương cho tuổi xuân của mẹ nữa, ngày đó tuổi mới ngoài ba mươi mẹ còn duyên dáng xinh đẹp biết bao, còn bao khát khao của độ tuổi xuân thì...thế mà mẹ chọn ở vậy để cho chị em con có được tình yêu thương trọn vẹn. Mẹ con thật vĩ đại mà, thật vậy, với mọi người mẹ con chỉ là một người bình thường thôi, nhưng với chị em con. Mẹ thật vĩ đại...!

Lần trở về nhà này của tôi vào mùa xuân, nên đi đến đâu tôi cũng nghe người ta hát những bài hát về mùa Xuân...nào là ơi mùa xuân đến rồi đó cùng chúc nhau thêm một tuổi mới... rồi nào là mỗi mùa xuân sang mẹ tôi lại thêm một tuổi...lời ca hay là thế, nhưng tôi không muốn nghe đâu, thật, tôi không muốn nghe đâu, tôi không muốn mẹ tôi thêm một tuổi nào nữa, dẫu biết đó là quy luật của thời gian, nhưng tôi không muốn đâu, tôi sợ...tôi sợ thời gian đến từng ngày...nó đến cướp mất mẹ của chị em tôi...

Thế nhé thời gian ơi! xin hãy chầm chậm thôi...để chị em tôi còn có mẹ trên đời. Chị em tôi còn cần có mẹ lắm, ở một độ tuổi năm mươi hết rồi nhưng chị em tôi vẫn còn cần có mẹ trong đời. Để mẹ chỉ dạy bảo ban chị em tôi những đều hay lẽ phải trong cuộc sống.Và những lời bảo ban của mẹ, chị em tôi xem như những vốn liếng vàng ngọc giàu có của mình, thật vậy, như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói " không có bài hát nào đủ nói về Mẹ...Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người "

VT-

Chuyện làng quê