Chú bộ đội và con búp bê

Một buổi sớm mùa thu, mặt trời bắt chiếu những tia nắng vàng đầu tiên xuống khu vườn, mùi hương ổi đầy quyến rũ cứ lan toả khắp xóm. Không gian làng quê thật yên tĩnh.
241850225-4285887054860690-1895658615658610897-n-1631595658.jpg
Ảnh minh họa

Tôi ra cổng định tìm mấy đứa bạn cùng chơi nhưng không thấy ai. Bám tay vào cánh cổng làm bằng tre của nhà ông ngoại định đu thì bỗng xuất hiện ngay trước mặt một chú bộ đội với bộ quân phục màu xanh, vai đeo ba lô. Chú bộ đội cúi xuống hỏi:

- Cháu con nhà ai?

- Cháu con nhà bố Khuyến ạ.

Tôi trả lời liến thoắng. Chú lấy con búp bê bằng nhựa màu hồng bên túi cạnh của ba lô đưa cho tôi. Chú nhấc bổng tôi lên bằng hai cánh tay và đi vào sân rồi thả tôi xuống, gọi to:

- Bố mẹ ơi! Con đã về rồi đây này!

Cả nhà ông ngoại tôi và nhà ông Tân (Ông Tân là anh trai ruột ông ngoại tôi, hai nhà sát nhau, liền sân) vội vàng chạy hết ra sân. Dì út nhà tôi hét toáng lên mừng rỡ:

- Ôi! Anh Lập! Anh Lập đã về hai bác ơi, bố ơi!

À, hoá ra chú bộ đội này là bác họ của tôi. Mọi người chỉ nhắc tên, bây giờ tôi mới biết mặt. Niềm vui đối với gia tộc họ Nguyễn thật bất ngờ. Mọi người cứ nghĩ bác đã hy sinh không ngờ bác lại xuất hiện bằng xương bằng thịt ngay trước mặt. Bà Tân nước mắt giàn giụa từ trong bếp chạy ra. Bác ôm chầm người mẹ mà bác thương nhớ nhất và thì thầm: “Con nhớ mẹ quá”...

Cái tin đồn bác đã mất cách đó hơn một năm khiến cả nhà vô cùng đau xót. Bây giờ, bác trở về mà mọi người đều có cảm giác như trong mơ. Ông ngoại tôi thì ngắm bác từ đầu đến chân xem có bị thương chỗ nào không, rồi vỗ vai:

- Thằng này giỏi!

- Cháu cảm ơn chú. May là không sao chú ạ.

Bác đưa mắt tìm kiếm và hỏi:

- Vợ con chưa về hả mẹ?

Tôi lanh chanh trả lời:

- Bác Sửu đi làm ở trạm xá, tối mới về ạ.

Ông ngoại tôi lúc đó mới cười bảo:

- Anh không biết mình có con đúng không? Anh có con trai rồi nhé, Nguyễn Thành Trung.

- Thật thế hả chú?

Khuôn mặt bác rạng rỡ hẳn lên. Bác nhảy lên mà quên cả cái chân bị thương. Mặt bác hơi nhăn lại nhưng cười được ngay. Bác hỏi dồn dập ông ngoại tôi và ông Tân:

- Con trai của con đâu ạ? Sao mọi người không biên thư cho con. Cháu đang ở đâu hả bố?

- Ở nhà bà ngoại, dì Thắm xuống đón tối hôm qua. Nghe tin con về thế nào bên đó cũng sang bây giờ. Thư vợ anh viết nhiều lắm nhưng chắc do thất lạc, không đến được nơi - ông Tân trả lời.

- Thôi, lát nữa con sang chào bố mẹ vợ và đón cháu về.

Tối hôm đó, cả họ nhà tôi vui lắm, mọi người định làm cỗ ăn mừng nhưng ông ngoại tôi gạt đi. Ông bảo có một số gia đình đã nhận được tin con họ đã hy sinh (lúc đó ông ngoại tôi đang làm chủ nhiệm HTX). Anh Trung được bác Lập đón từ bên nhà ngoại về từ trưa hôm đó. Hai vợ chồng bác Lập tíu tít chào hỏi họ hàng, làng xóm. Bác Sửu thỉnh thoảng lấy khăn mùi soa chấm nước mắt vì vui. Mãi sau này, tôi mới biết bác ấy phải chịu tiếng do thiên hạ đồn thổi rằng anh Trung không phải con bác Lập. Thực ra, sau khi huấn luyện một thời gian, bác tôi đã tranh thủ tạt qua nhà một lần. Bác Sửu cứ buồn tủi, không thanh minh được. Ông ngoại tôi khuyên mãi không xong mới quát:

- Con của ai cũng kệ, phải nuôi. Nó là cháu của họ Nguyễn này!

Thế rồi, hai ông bàn nhau đặt tên cho cháu, nếu là con trai thì đặt tên là Nguyễn Thành Trung, nếu là gái thì đặt tên là Nguyễn Hoài Phương. Ngày anh Trung ra đời cũng đến, cả họ mong chờ ngày này đã lâu nhưng vui nhất là ông bà Tân vì có cháu để bế bồng. Bác Lập cũng không ngờ mình có người nối dõi tông đường. Nhìn cậu con trai lên ba bi bô, bác tôi hãnh diện lắm. Bác ôm anh Trung vào lòng từ lúc đón về mà không rời. Các dì nhà tôi rót nước chè xanh mời mọi người. Mỗi nhà sang chơi mang theo một cái đèn bão nên sáng cả một khoảng sân. Còn tôi, lúc đó đứng ở sân bên nhà ông ngoại nhìn sang. Chợt nhớ ra con búp bê bác Lập tặng lúc sáng, tôi chạy vào nhà, bế nó lên. Con búp bê nằm thì nhắm mắt, đứng thì mở mắt. Chà! Đẹp hơn con búp bê bố mua cho mình. Tay ôm chặt con búp bê nhưng nghĩ thế nào tôi lại mang sang đặt vào tay anh Trung:

- Con búp bê này là của anh.

Cả nhà ngỡ ngàng nhìn tôi và cười. Bác Lập vội vàng đỡ tay tôi:

- Bác tặng con mà.

- Con không lấy vì anh Trung không có quà.

Ý nghĩ thơ ngây của tôi khiến mọi người bật cười. Tôi dúi vào tay anh Trung rồi chạy ra cổng, nô đùa với trẻ con hàng xóm. Năm đó, tôi mới có 5 tuổi nhưng hình ảnh bác tôi trở về từ chiến trường thì tôi nhớ mãi không quên. Kí ức của tuổi thơ đẹp đẽ vẫn luôn theo tôi suốt cả cuộc đời.

 

Theo Trái tim Người lính