Chủ đề  “Nông thôn mới” trong tác phẩm Mùa rươi

Tiểu thuyết Mùa rươi của nhà văn Phạm Quang Long với hơn 430 trang được chia thành 23 chương đọc rất hấp dẫn ngay từ những trang đầu.
tieu-thuyet-pham-quang-long-1692756759.jpg
 

                                                                  

Trong lịch sử văn học Việt Nam đương đại, có rất nhiều nhà văn nổi tiếng viết rất hay về chủ đề nông nghiệp, nông thôn. Những tác phẩm của họ đã để lại dấu ấn đậm nét trong văn học nước nhà  như những tác phẩm: Thời xa vắng của Lê Lựu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thuý, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp… Những tác phẩm xuất sắc ấy hầu hết đã được chuyển thể thành phim đưa lên sóng truyền hình, được  khán giả cả nước yêu thích. Gần đây nhất, có một nhà giáo, nhà quản lý văn hoá rất đam mê với đề tài nông nghiệp, nông thôn, đó là Phó GS, TS Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội &Nhân văn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Du lịch Hà Nội vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết Mùa rươi gây xôn xao dư luận mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét : “ Tiểu thuyết Mùa rươi của Phạm Quang Long không phải viết về con rươi mà viết về con người, những trăn trở của ông với đời sống nông dân, nông thôn…”.

Tiểu thuyết Mùa rươi của nhà văn Phạm Quang Long với hơn 430 trang được chia thành 23 chương đọc rất hấp dẫn ngay từ những trang đầu. Câu chuyện nhà văn kể chuyện về một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ thuộc huyện Thái Thuỵ, Thái Bình có tên là  Hà Đồng, chính là quê  tác giả. Làng đó được thiên nhiên ưu đãi hàng năm có một mùa rươi vào cữ tháng chín, tháng mười âm lịch “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”. Cả làng Hà Đồng sống trong phập phồng hy vọng, nhờ con rươi đặc sản ấy mà bao gia đình đã thoát nghèo, còn kích thích thêm những gia đình khác biết thu vén làm ăn, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để vươn lên làm giàu. Trong tiểu thuyết nhà văn chỉ xây dựng chừng độ hơn 20 nhân vật, có những tuyến nhân vật là hai vợ chồng, có khi cả gia đình hoặc có khi một nhân vật chỉ xuất hiện một lần nhưng tính cách nội tâm , ngôn ngữ cử chỉ đã xuyên suốt tác phẩm, để người đọc nhớ mãi như các nhân vật Đỉnh là trưởng thôn, một cựu chiến binh tâm huyết với làng, lão Hoản là một nông dân khôn vặt láu cá, độc đoán, gia trưởng và Tâm, một chủ tịch huyện tuổi trẻ, tài cao sâu sát với dân, dám chịu trách nhiệm về những quyết sách của mình trong chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội địa phương…  Câu chuyện về làng Hà Đồng là câu chuyện của những người nông dân một nắng hai sương quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ tin tưởng về đường lối, chính sách của Đảng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng hành cùng công cuộc chấn hưng “tam nông” trong sự nghiệp Công nghiệp hoá-Hiện đại hoá đất nước những năm đầu thế kỷ  XXI…Đỉnh và Hoản là hai nhân vật trái ngược nhau hoàn toàn, một người thì ngày đêm suy nghĩ, cống hiến cho làng với vị trí trưởng thôn. Đỉnh còn là một cựu chiến binh kỳ cựu có nhiều đóng góp trong chiến tranh chống Mỹ trở về phục viên được nhân dân trong thôn tín nhiệm nên bất cứ việc gì ông cũng không nề hà miễn là vì lợi ích của người dân, còn lão Hoản thì khôn vặt , láu cá, gia trưởng độc đoán và sẵn sàng chửi tất cả dân làng giống như Chí Phèo đời mới. Trong bộ ba Đỉnh, Thuỷ ,Tiến đều là những cựu chiến binh trở về họ rất gắn bó với nhau và sẵn sàng chia sẻ cùng nhau. Đỉnh, Thuỷ tham gia công tác tại thôn còn Tiến đi xuất khẩu lao động. Tiến trở về  làm ăn buôn bán ở thành phố có doanh thu khá nhưng sẵn sàng chia sẻ với quê nghèo bằng việc tự nguyện góp tiền của hỗ trợ dân làng xây chùa và các công trình phúc lợi của xã, thôn… và khi dự án Đồng Rươi  của thôn bị một “nhóm lợi ích” thao túng đổ bể thì Tiến không ngại khó, dồn hết tiền của để đầu tư với quyết tâm làm cho dự án Đồng Rươi thành công, giúp quê nghèo khởi sắc. Trong tiểu thuyết nhà văn cũng xây dựng một nhân vật khá điển hình một mẫu người bất tài , hãnh tiến, cơ hội đó là Tân. Khi là bí thư chi bộ thôn, Tân luôn khéo léo, nịnh bợ cấp trên để được lên huyện và ngoi lên chức phó phòng nông nghiệp huyện rồi cấu kết với bọn xấu để “chạy” bằng được vị trí là chủ dự án Đồng rươi khi đánh hơi thấy mùi tiền. Tiểu thuyết Mùa rươi đã đặt ra nhiều vấn đề thời sự nóng hổi của nông nghiệp, nông thôn và nông dân đó là vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp của người nông dân như câu chuyện cả làng lao vào trồng cây đinh lăng, rốt cuộc chỉ được mấy bình rượu ngâm hoặc tâm lý tiểu nông của người nông dân ngại tiếp xúc với cái mới, trong chuyện nuôi rươi, cũng đồng đất ấy có nhà thì kiếm hàng trăm triệu, nhiều nhà thì trắng tay… Vấn đề xây dựng nông thôn mới là niềm trăn trở của tác giả qua những cái được và mất từ thực tiễn. Qua tâm sự của một nhân vật tích cực trong tiểu thuyết : “Xây dựng nông thôn mới, hiện đại hoá nông thôn, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu…thì đúng rồi. Nhưng cái nào đúng, cái nào sai, sai đúng đến đâu, các ông đã nghĩ kỹ chưa? Còn những chuyện khác thì coi trọng đồng tiền quá nên làm hỏng nhiều thứ quá. Tệ nhất là tình làng nghĩa xóm bây giờ… Hiện đại hoá mà làm hỏng con người thì tôi chả mong hiện đại hoá làm gì? (tr.303). Nhà văn cũng đau đáu một nỗi niềm khi đời sống nông dân khá hơn, làng quê cũng chịu tác động sâu sắc của cơ chế thị trường, thuần phong mỹ tục đang dần mất đi và cái xấu thi nhau công phá khiến tình làng nghĩa xóm thêm nhạt phai, ấy là khi  cơn sốt đất ảo len lỏi về đến quê nghèo, người nông dân hám lợi thi nhau bán đất, lấp ao làm nhà mọc nên cái “ phố Tấn” với những hàng quán nhậu, karaoke nhạc xập xình inh ỏi… thu hút nhiều thanh niên nông dân bỏ bê ruộng đồng, tụ tập ăn chơi sinh ra tệ nạn trộm cắp khiến làng quê không thể bình yên … Tác giả cũng đau đáu khi đề cập đến vấn đề bức thiết trong công tác Đảng hiện nay, đó là sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong vòng xoáy của cơ chế thị trường. Đã có người làng phải thốt lên: “ Đảng của Cụ Hồ là Đảng Cộng sản thật. Các cụ ấy vào Đảng là để hi sinh cả tính mạng cho dân cho nước. Còn bây giờ ở quê tôi, người ta vào Đảng để hưởng thụ chứ không ai chịu hi sinh gì cả” (tr.297). Trong một lần tâm sự gan ruột với một Thuỷ, trưởng thôn Đỉnh bộc bạch một sự thật trong nhiều tổ chức Đảng hiện nay : “Trong Đảng nói là dân chủ, nói hết, phê bình và tự phê bình để giúp nhau tiến bộ. Đấy là chuyện của thời xưa chứ thời nay không thế nữa, vẫn nói thế nhưng làm không thế nữa rồi…phê bình đúng còn khó nghe nữa là phê bình chưa đúng. Có người miệng nói phê bình để giúp nhau tiến bộ, nhưng có khi phê lại là để vùi dập, có khi khen nhau lại là khen cho chết hẳn” (tr.163). Trong một lần tranh luận với chủ tịch huyện về vấn đề “tam nông”, trưởng thôn Đỉnh thẳng thắn : “Nhà nước còn nợ nông dân nhiều lắm. Cái gì cũng dựa vào nông dân, nhưng nông dân thì thiệt nhất, con cái nông dân khổ nhất, nông thôn ít được chú ý nhất. Hàng hoá nông dân làm ra nuôi cả xã hội, nhưng xã hội chả coi nông dân ra gì. Hàng hoá bán cho nông dân thì đắt, mua hàng của nông dân thì rẻ, ruộng đất của nông dân cứ lấy vô tội vạ, ông nào thích thì ra cái quyết định thu hồi, mà đền bù thì chả được là bao…” ( tr.303).

Là nhà văn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gắn bó với quê hương, tác giả Phạm Quang Long đã vẽ nên bức tranh quê thật tuyệt vời, trong tiểu thuyết ông ca ngợi những người nông dân hiền lành, ít học, hay lam, hay làm nhưng chất phác thật thà, bức tranh quê trong tiểu thuyết  không đến nỗi u ám, bế tắc. Dự án Đồng rươi do nhóm lợi ích thao túng đã bị pháp luật trừng trị, hồn cốt làng quê là mái đình, cây đa với món đặc sản rươi nấu, rươi kho thơm  “điếc “ mũi hàng xóm vẫn mãi trong trí nhớ những người con xa quê và kết thúc cuốn tiểu thuyết là đám cưới của đôi trai gái ngoan hiền thảo thơm là Hiên và Thao  được dân làng quý mến.

Bằng ngôn ngữ kể chuyện rất sinh động, nhà văn Phạm Quang Long đã khéo léo chuyển tải những lời ăn, tiếng nói rất dân giã vào những câu thoại, vận dụng, sử dụng sáng tạo những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao để diễn tả tâm trạng, hành vi, thói quen sinh hoạt…của người nông dân làm cho mạch văn hấp dẫn hơn. Để mô tả cách nấu món rươi truyền thống của khu vực đồng bằng Bắc Bộ là nấu rươi với măng tre, tác giả dùng câu thành ngữ : “ Rau âm phủ nấu với mủ nàng tiên” thật sâu sắc và giàu tính liên tưởng.

Tiểu thuyết Mùa rươi là tập tiểu thuyết thứ 5 của nhà văn, trong vòng 6-7 năm gần đây ông đã xuất bản 5 bộ tiểu thuyết : Lạc gữa cõi người ( NXB Hội Nhà văn, 2016); Bạn bè một thưở (NXB Lao Động, 2017); Cuộc cờ( NXB Hà Nội, 2018); Chuyện làng ( NXB Công an Nhân dân, 2020): Mùa rươi ( NXB Văn học, 2022). Trong đó , tiểu thuyết Chuyện làng đã được giải chính thức Cuộc thi sáng tác đề tài  Vì an ninh Tổ quốc do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức năm 2019-2020. Tác phẩm Chuyện làng cũng là đề tài viết về nông nghiệp, nông thôn. Những đóng góp của nhà văn Phạm Quang Long vào nền văn học nước nhà thật đáng trân trọng, đặc biệt là đề tài nông nghiệp, nông thôn ….