Đồng chí Lê Quang Thái, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Đưa người đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đối với người lao động tại vùng đồng bào DTTS, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, đi làm việc ở nước ngoài góp phần giảm nghèo bền vững. Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào DTTS, huyện Chư Pưh xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hàng năm, Huyện ủy – UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành, nhất là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về XKLĐ. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi XKLĐ; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng pháp luật. Coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, vừa giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là bà con DTTS, góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình trên địa bàn.
Xác định đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động người dân đi xuất khẩu lao động là giải pháp vừa tạo việc làm tăng thêm thu nhập tiến tới thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo. Từ năm 2021 đến nay, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Chư Pưh đã tích cực phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai và Ủy ban nhân dân các xã Ia Hrú, Ia Dreng, Ia Phang, Nhơn Hòa, Ia Blứ, Chư Don, Ia Hla, Ia Le và thị trấn mở 22 lớp đào tạo nghề, có gần 600 học viên tham gia với tổng kinh phí thực hiện 1.229.690.000 đồng, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Bên cạnh đó, Phòng LĐTB&XH huyện Chư Pưh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, tuyển dụng được 5.815 công nhân, người lao động vào làm việc, có thu nhập ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Công Chung, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Chư Pưh cho biết: Xác định XKLĐ là một trong những hướng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đúng quy định. Thời gian qua Phòng LĐTB&XH huyện đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động tuyên truyền tại từng thôn làng về xuất khẩu lao động. Đến nay, hoạt động XKLĐ có những khởi sắc, bà con hiểu biết nhiều về lợi ích của việc đi XKLĐ và thực tế người dân đi xuất khẩu lao động đã và đang có mức thu nhập ổn định.
Thời gian tới, chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo với chương trình vay vốn tín dụng chính sách xã hội, trong đó ưu tiên các đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS có cơ hội đi XKLĐ để phát triển kinh tế. Qua đó, đã góp phần giúp người lao động trên địa bàn huyện giảm nghèo nhanh, bền vững từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Xác định đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động người dân đi XKLĐ là giải pháp vừa tạo việc làm tăng thêm thu nhập tiến tới thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo. Thời gian qua Phòng LĐTB&XH huyện Chư Pưh đã tích cực phối hợp với các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động tuyên truyền tại từng thôn bản về xuất khẩu lao động. Đến nay, hoạt động xuất khẩu lao động có những khởi sắc, người dân đi xuất khẩu lao động đã và đang có mức thu nhập ổn định.
Trước đây gia đình chị Siu H’Pét (26 tuổi), dân tộc Jrai ở thôn Ia Bia, xã Ia Le (Chư Pưh) là một trong những hộ khó khăn. Mặc dù vợ chồng H’Pét cũng thường xuyên chăm chỉ, chịu khó làm nương rẫy nhưng thu nhập cũng không khá là bao, cái nghèo cứ đeo bám trong cuộc sống. May mắn đến với gia đình H’Pét là khi được cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện vào thăm, tặng quà, rồi lại tư vấn về các chính sách hỗ trợ đi lao động ở nước ngoài. Sau nhiều lần đắn đo chị quyết tâm bàn bạc với chồng đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út. Sau khi làm đầy đủ thủ tục, H’Pét được Công ty giúp đỡ học tiếng và hỗ trợ kinh phí để đi lao động. Những tháng đầu đến nơi làm việc mới chị được bố trí vừa học vừa làm, với mức lương từ 10 triệu đồng. Sau thời gian vừa học vừa làm H’Pét được nhận chính thức thời điểm công ty nhiều việc chị xin làm thêm giờ mức thu nhập dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Có tiền trong tay, nhưng có lúc H’Pét cứ nghĩ mình mơ, một giấc mơ hiện thực “thoát nghèo” bền vững.
Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt trong căn nhà mới xây to, đẹp. Cháu Nay H’Uyn, con gái chị Nay H’Len ở làng Ia Bia, xã Ia Le chia sẻ: “Trước đây, nhà cháu nghèo lắm, thiếu ăn thường xuyên và phải ở trong căn nhà bé xíu. Thấy gia đình khổ quá, năm 2018, mẹ H’Len được cán bộ xã, huyện hướng dẫn, tuyên truyền nên quyết định đi XKLĐ ở Ả Rập Xê Út. Qua bên đó, mẹ em vừa làm việc vừa tranh thủ làm thêm nên có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà mấy năm nay, 3 chị em của cháu không còn thiếu ăn, thiếu mặc. Có tiền mẹ gửi về, bọn cháu mua quần áo, sách vở để đi học, rồi ăn uống cũng đầy đủ hơn. Đặc biệt tiền mẹ gửi về, các cậu đã thuê người xây nhà mới cho chị chúng cháu, mừng quá... ”.
Nói về việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân địa phương đi XKLĐ, anh Nguyễn Như Trường – Phó Phòng LĐTB&XH huyện Chư Pưh chia sẻ: Từ năm 2021 trở về trước số lượng người dân tham gia đăng ký đi XKLĐ rất ít, do tác động bởi dịch bệnh Covid- 19, thêm nửa bà con địa phương vẫn luôn có tâm lý là ngại xa gia đình...Được sự chỉ đạo trực tiếp từ Huyện ủy – UBND huyện, Phòng LĐTB&XH đã chủ động làm việc, phối hợp với các công ty giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động đến từng xã, từng thôn làng và cả từng hộ gia đình trên địa bàn để tích cực tuyên truyền vận động, tìm kiếm nguồn lao động phù hợp. Nếu như trong 2021 chỉ có 07 người (trong đó: 03 nữ, 04 nam) đã xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản 1 người; Đài Loan 6 người; Năm 2022, có 33 người (trong đó: 17 nữ, 16 nam) đã xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản 19 người; Hàn Quốc 7 người; Đài Loan 7 người; Đặc biệt từ 2023 đến nay, trên địa bàn đã có 101 người đi XKLĐ sang: Nhật Bản, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Đài Loan…Điều này đã và đang tạo ra cơ hội cho người lao động nông thôn, đang thiếu việc làm thu nhập thấp có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình.
Thực tế chứng minh, đi XKLĐ ngoài việc tích lũy tiền bạc, kinh nghiệm, tác phong làm việc khoa học, kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động mà phần lớn là thanh niên trở về địa phương đã góp phần tích cực trong lao động sản xuất, nhiều cách làm hay được vận dụng, nhiều người còn mở các công ty góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế của địa phương.
Đến nay có thể khẳng định, đối với người lao động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn khó khăn thì việc đi XKLĐ, làm việc ở nước ngoài là một con đường đúng đắn, hiệu quả, nhanh chóng trong công tác giảm nghèo bền vững.