Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sỹ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sân khấu hấp dẫn

Phương Lan (TTXVN)

19/05/2022 09:27

Theo dõi trên

Chỉ trong một thời gian ngắn, các dự án sân khấu đề tài về Bác Hồ, thể hiện hình tượng Bác liên tục được các đơn vị nghệ thuật được dàn dựng và công diễn. Điều này cho thấy, với các nghệ sỹ sân khấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sỹ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sân khấu hấp dẫn.

Chú thích ảnh Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Nhiều tác phẩm sân khấu đề tài Bác Hồ

Đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác, trong hai ngày 19-20/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt vở sân khấu "Nợ nước non". Kịch bản "Nợ nước non" do Nhà văn, Nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ viết, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đạo diễn cùng ê kíp nghệ sỹ nổi tiếng dàn dựng.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, vở sân khấu "Nợ nước non" là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ; ca Huế; bài Chòi khu 5 và dân ca Nam bộ. Vở diễn khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành, cùng với hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam.

Vở diễn có nhiều cảnh xúc động, lôi cuốn khán giả như cảnh đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát; cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan tảo tần, khó nhọc đã từ giã cõi đời khi chồng là ông Nguyễn Sinh Sắc và con trai Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi… Vở diễn cũng tái hiện cảnh bến cảng Sài Gòn với tâm trạng nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba với đất nước, những người thân, đặc biệt là với Lê Thị Huệ học trò của cha, bạn vong niên thời ở Huế trước chuyến đi xa vạn dặm...

Trước đó, vào tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tác phẩm "Người cầm lái" - vở nhạc kịch đầu tiên về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính thức ra mắt khán giả. Tác phẩm do Nhà hát Công an nhân dân thực hiện; biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn. Với 3 hồi: "Quê hương", "Tiếng vọng non sông", "Chuyến tàu định mệnh", vở nhạc kịch kể về cuộc đời của Bác Hồ, từ khi còn nhỏ ở cùng cha mẹ, trải qua mất mát khi mẹ qua đời, những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, rồi trở về chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm được dàn dựng với hình thức giao hưởng - đại hợp xướng, kết hợp sáng tạo những tinh hoa của sân khấu kịch hát dân tộc cùng ngôn ngữ múa dân gian đương đại đặc sắc. Đặc biệt, sân khấu được thiết kế nổi hình bản đồ Việt Nam kết hợp với hiệu ứng công nghệ, đem đến trải nghiệm nghệ thuật hấp dẫn cho khán giả. Nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 17/5, vở nhạc kịch "Người cầm lái" đã được công chiếu phục vụ đông đảo khán giả.

Sân khấu Lệ Ngọc cũng dày công sáng tạo vở kịch nói "Lá đơn thứ 72" có đề tài về hình tượng Bác Hồ, chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Người. Kịch bản "Lá đơn thứ 72" của tác giả Hoàng Thanh Du, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ đạo diễn. Vở diễn khai thác câu chuyện có thật về một vụ án oan sai của một đảng viên, cán bộ địa phương bị lĩnh án 8 năm tù vì tội giết người. Ông liên tục viết thư gửi Bác Hồ kêu oan, nhưng phải tới lá đơn thứ 72, lời cầu cứu mới đến được với Bác. Bác Hồ đã chỉ đạo phải điều tra lại vụ án này vì biết một sự thật: tù nhân này chấp hành tốt các quy định của trại giam và luôn dành dụm số tiền ít ỏi nhờ vào lao động tại trại để đóng Đảng phí, dù lãnh đạo trại giam không tiếp nhận. Bác Hồ tin rằng một đảng viên dù đã bị bắt, nhưng vẫn giữ niềm tin mãnh liệt vào Đảng như vậy, hẳn án của người đó có thể bị oan sai…

Trước đó, đầu tháng 4/2022, Nhà hát Kịch Việt Nam đã công diễn chương trình nghệ thuật "Tên Người sáng mãi" tạo được ấn tượng sâu đậm với khán giả. Chương trình gồm 3 vở kịch ngắn: "Đoàn kết là sức mạnh" (tác giả Lê Trinh, đạo diễn Nghệ sỹ Ưu tú Lâm Tùng), "Đôi mắt sáng" (tác giả Thiên Ân, đạo diễn Nghệ sỹ Ưu tú Tạ Tuấn Minh), "Bác Hồ và mùa Xuân năm ấy" (tác giả Lê Trinh, đạo diễn Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Phương Nga) kể những câu chuyện giản dị, nhưng đầy ý nghĩa về Bác, nhắc nhở mỗi người về những bài học mà Bác để lại. 

Nguồn cảm hứng bất tận

Có thể nói, những vở diễn, dự án sân khấu về đề tài Bác Hồ liên tiếp ra mắt khán giả trong một thời gian ngắn đã cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài hấp dẫn, được nhiều nghệ sỹ say mê sáng tạo. Tuy nhiên, hầu hết các nghệ sỹ, đạo diễn đều thừa nhận, xây dựng tác phẩm sân khấu đề tài về Bác Hồ là rất khó, bởi lẽ hình ảnh của Bác đã trở nên quá quen thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam. Chính vì vậy, để có tác phẩm ghi dấu ấn mới, hấp dẫn và thuyết phục người xem đòi hỏi đầu tư công sức kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, dàn dựng đến diễn xuất... 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, tác giả kịch bản "Nợ nước non", Bác Hồ đã ở trong trái tim nhiều thế hệ. Đã có hàng chục tác phẩm sân khấu với những loại hình khác nhau thể hiện hình tượng Người. Vì vậy, tác phẩm mới phải khai thác ở những khía cạnh, những câu chuyện bình dị thật hấp dẫn, để từ đó toát lên sự vĩ đại của Người.

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho rằng, hiện nay, câu chuyện về Bác nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi nghệ sỹ sẽ có cách "kể" câu chuyện theo cách của riêng họ. Vấn đề là nghệ sỹ phải đảm bảo vở diễn là công trình mang tính nghệ thuật cao, khán giả thấy thuyết phục và thú vị, mang đến cho người xem những cảm quan mới, lạ… khi nghe chuyện về Bác Hồ.

Nghệ sỹ Minh Hải, Nhà hát Cải lương Việt Nam, người đóng vai Nguyễn Tất Thành trong vở kịch hát "Nợ nước non" cho biết, khi nhận vai diễn này, anh khá lo lắng, nhưng anh cũng rất tự hào khi được hóa thân vào hình tượng Bác Hồ, niềm tự hào đó là động lực giúp anh cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều lần để hoàn vai diễn của mình một cách tốt nhất.

Là nghệ sỹ đã từng nhiều lần hóa thân vào hình tượng Bác Hồ, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ cho biết, mỗi khi dàn dựng tác phẩm về hình tượng Bác Hồ, ông đều thấy áp lực. Chính vì vậy, trong quá trình dàn dựng vở diễn về Bác, ông luôn cố gắng dàn dựng sao cho vẫn giữ được hình ảnh chân thật, thân thuộc về Bác, nhưng có nét mới trong ngôn ngữ thể hiện, nhằm thu hút khán giả…

Trong khi đó, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức cho rằng, nghệ sỹ không chỉ đóng vai Bác mà là thể hiện hình tượng nghệ thuật về Bác bằng trái tim và lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Mỗi nghệ sỹ đều có một Bác Hồ của riêng mình, đều có lòng ngưỡng mộ đặc biệt với Bác Hồ, nên ai cũng muốn tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được dàn dựng một cách tốt nhất…

Có thể thấy, đến nay, các tác phẩm sân khấu về đề tài Bác Hồ vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sỹ sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sân khấu hấp dẫn về Bác. Từ các tác phẩm nghệ thuật sân khấu, các thế hệ hôm nay sẽ có thêm nhiều bài học quý giá để học và làm theo tấm gương của Người.