Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đang diễn ra, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã có những trao đổi về những thách thức của báo chí và phương hướng phát triển trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, ông có đánh giá gì về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua, sắp tới, Hội sẽ có những hướng đi cụ thể ra sao nhằm phát triển nền báo chí nước nhà?
Ông Lê Quốc Minh: Bên cạnh những thành tựu đạt được trong thời gian qua, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế trong hoạt động của các cấp hội cũng như Trung ương Hội. Trong đó, vấn đề khá bức xúc, tạo ra nhiều lo lắng là đạo đức nhà báo. Trong thời gian tới, hướng đi của Hội Nhà báo sẽ là xây dựng đội ngũ hiện đại, nhân văn, có tính chiến đấu, tính phản biện, nhưng đương nhiên trọng tâm vẫn là nâng cao đạo đức nhà báo, nâng cao chất lượng nhà báo cả về tư tưởng chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ.
Hội cũng sẽ chú trọng đảm bảo quyền lợi, quan tâm đời sống của các hội viên, nâng cao sự hợp tác giữa các Hội Nhà báo trong nước với các Hội Nhà báo trong khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, câu chuyện bản quyền cũng là một trong những trọng tâm của Hội cần giải quyết trong thời gian tới. Tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra khá tràn lan, nhức nhối, nếu các cơ quan báo chí không làm chặt sẽ rất khó cạnh tranh với mạng xã hội.
Đặc biệt, hiện nay báo chí thế giới đang có rất nhiều thay đổi từ công nghệ đến cách tiếp cận thông tin. Do đó, báo chí Việt Nam không thể đứng yên, thụt lùi, mà cần nhanh chóng tiếp cận những cách làm báo hiện đại, phù hợp với nhiều nền tảng khác nhau. Thậm chí sẽ có những nền tảng báo chí hiện nay chưa xuất hiện, nhưng nhiều ý kiến dự đoán rằng chỉ từ 3-5 năm tới sẽ có thể xảy ra. Chúng ta cần chuẩn bị sớm để không thụ động, sẵn sàng đổi mới, chuẩn bị cho tương lai khó đoán định.
PV: Thưa ông, hiện nay mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, bản thân các cơ quan báo chí cũng đang phải cạnh tranh với nền tảng mới này, ông nghĩ sao về những thách thức mà báo chí có thể gặp phải trong bối cảnh hiện nay?
Ông Lê Quốc Minh: Tôi cho rằng báo chí không thể và cũng không nên chạy đua theo mạng xã hội. Mỗi cơ quan báo chí chỉ có một lượng nhân lực giới hạn, nhưng người sử dụng mạng xã hội lại ở khắp mọi nơi. Song cũng cần thấy rằng, điểm khác biệt của báo chí nằm ở sức mạnh kiểm chứng, kiểm định thông tin và có khả năng tạo ra những nội dung mang tính chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, thay vì chạy đua với mạng xã hội, đưa những tin hời hợt thiếu kiểm chứng, thì báo chí cần tạo ra những nội dung chuyên sâu để phát huy năng lực, sở trường của nhà báo chuyên nghiệp.
Báo chí trong tương lai không chỉ phản ánh sự việc, mà cần đưa ra các giải pháp cho xã hội. Báo chí xây dựng, dù phản biện, nêu ra những bất cập, nhưng rất cần tính xây dựng.
PV: Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về đạo đức nhà báo cũng như thách thức của người làm báo, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Lê Quốc Minh: Chuyển đổi số là chiến lược chung toàn quốc, trong báo chí, chuyển đổi số cũng là hướng đi của các cơ quan báo chí hiện nay. Song không phải cơ quan báo chí nào cũng có được các chiến lược chuyển đổi số cụ thể. Về vấn đề này, Hội Nhà báo cũng như các cơ quan truyền thông đã phối hợp để có định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản.
Hiện nay, chúng ta đang nhầm lẫn giữa số hóa và chuyển đổi số. Báo chí hiện nay đang dừng lại ở việc mang các nội dung có tính truyền thống lên môi trường số. Trong khi đó, chuyển đổi số là thay đổi toàn bộ việc sản xuất thông tin đến bộ máy, hoạt động kinh doanh, tất cả đều diễn ra trên môi trường số, sử dụng công nghệ.
Chuyển đổi số phải là sự chuyển đổi từ tư duy của các lãnh đạo đứng đầu cơ quan báo chí đến từng phòng ban, từng phóng viên.
Ngoài ra, liên quan đến sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí hiện nay cũng có nhiều vấn đề cần đặt ra. Các cơ quan báo chí có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin bài, sử dụng chatbot trả lời độc giả, nhưng nếu sai xót, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, điều này đang gây ra nhiều tranh cãi.
Như vậy câu chuyện đạo đức nhà báo trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ ở từng cá nhân mỗi nhà báo mà còn phụ thuộc vào cả hệ thống máy móc.
Chuyển đổi số là tiến trình không thể bỏ qua nhưng có thể dẫn đến những điều khó lường trước, bởi vậy mỗi cơ quan báo chí cần phải nghiên cứu, tìm hiểu các cách làm hay của thế giới, đánh giá và học hỏi, song cũng cần tính đến những vấn đề bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam khi làm báo.
PV: Vậy theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của báo chí trong thời gian tới, báo chí cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng yếu nào?
Ông Lê Quốc Minh: Hiện nay có rất nhiều kênh thông tin khác ngoài báo chí, đây là xu hướng phát triển tất yếu trong thời kỳ mới, bởi vậy thách thức lớn nhất của báo chí là sự thu hút sự quan tâm của độc giả. Để làm được điều đó, bản thân báo chí cũng cần thay đổi, không thể tác nghiệp theo hình thức truyền thống đã áp dụng trong hàng chục năm qua. Trong tương lai, thách thức này lại càng lớn hơn nữa khi xã hội phát triển không ngừng.
Làm thế nào thu hút được sự chú ý của độc giả trong tương lai, báo chí cần thay đổi, không thể tác nghiệp theo hình thức truyền thống đã áp dụng trong hàng chục năm qua. Trong tương lai, thách thức càng lớn khi chuyển sang xã hội số thậm chí đang nói đến thế giới ảo, còn khó khăn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo sẽ là nhu cầu vô cùng cấp bách trong thời gian tới, đây cũng là nhu cầu tự thân của từng cơ quan báo chí, nhưng với vai trò của Hội Nhà báo, chúng tôi đang có kế hoạch để hỗ trợ các cơ quan báo chí, đặc biệt là nâng cao chất lượng các báo Đảng tại địa phương.
Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao năng lực số của các tòa soạn, không chỉ là báo điện tử mà cả báo in, phát thanh, truyền hình cũng cần nâng cao năng lực số, đổi mới sáng tạo không ngừng nhằm kéo độc giả trở lại gần hơn với báo chí.
Để tạo điều kiện cho báo chí đổi mới, các cơ quan chức năng cũng cần có các cơ chế pháp lý hỗ trợ các cơ quan báo chí về thuế, công nghệ, chính sách định mức thông tin. Tuy nhiên, năng lực tự thân của từng báo, từng phóng viên vẫn là điều quan trọng nhất. Phải nói rằng cho dù có trải thảm hoa cho các cơ quan báo chí, nhưng nếu tổng biên tập, phóng viên không muốn đổi mới, tìm tòi sáng tạo thì sẽ không thể có những thông tin chất lượng để phát triển.
PV: Trong thời gian tới, Hội Nhà báo sẽ có những hoạt động nào để hỗ trợ các báo phát triển?
Ông Lê Quốc Minh: Hội Nhà báo không phải nơi vạch ra các chiến lược chung cho các cơ quan báo chí, nhưng có thể hỗ trợ các báo về đào tạo nghiệp vụ, tăng cường quan hệ giữa các Hội Nhà báo tại các địa phương với Trung ương, quốc tế để học hỏi. Hội cũng có thể giới thiệu những xu hướng báo chí mới để các Hội Nhà báo tại từng địa phương triển khai.
Trong thời gian qua, còn có một số vấn đề tồn tại, nhiều người cho rằng nguyên nhân do các cơ quan báo chí gặp phải những vấn đề về kinh tế báo chí, tôi không đồng ý với lý do này. Báo chí với nhiệm vụ phụng sự khán thính giả, phục vụ nhân dân. Thời gian tới, Hội Nhà báo sẽ tăng cường nhiệm vụ của ủy ban kỷ luật, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như ban tuyên giáo trung ương, đảm bảo về mặt định hướng thông tin tuyên truyền, thắt chặt quản lý các cơ quan báo chí, cá nhân vi phạm. Những cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần cũng tôi cũng kiến nghị cần có những giải pháp mạnh tay, thậm chí là rút giấy phép, lãnh đạo các báo có phóng viên vi phạm cũng cần phải chịu trách nhiệm.
Chúng tôi hy vọng sự vào cuộc mạnh mẽ của Hội Nhà báo sẽ góp phần làm trong sạch báo chí.
PV: Xin cảm ơn ông./.