Chủ tịch nước: Quan tâm đến vị thế, vị trí của môn Lịch sử

Chủ tịch nước đề nghị những vướng mắc, tranh luận về học môn lịch sử hiện nay cần các cơ quan chuyên môn trao đổi, thống nhất, tìm ra một cách tốt nhất, tinh thần là quan tâm đến vị thế, vị trí của môn lịch sử.

Sáng 3/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Cùng dự buổi gặp mặt có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, tôn vinh, ghi nhận các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử nước nhà - những người đã và đang cống hiến trí tuệ, tài năng cho sự phát triển của ngành khoa học lịch sử nói riêng cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Chủ tịch nước nêu rõ nghiên cứu lịch sử không phải để đi tìm quá khứ mà là để tiến về tương lai, để hiểu được quy luật vận động của xã hội, của lịch sử để vận dụng những bài học lịch sử đối phó với thách thức, giải quyết những vấn đề của hiện tại, biết những gì nên làm và những điều nên tránh, tìm kiếm những giá trị chân lý của dân tộc, những giá trị trường tồn của thời gian. Qua đó, soi sáng cho những bước đi đúng đắn, vững chắc vào những trang lịch sử mà thế hệ con cháu sẽ kế tục viết nên sau này.  

Nhắc lại lịch sử của Hội được hình thành từ rất sớm, năm 1966, Chủ tịch nước đánh giá, Hội đã có nhiều nghiên cứu khoa học lịch sử có giá trị cả về lượng và chất, về mặt học thuật, tư tưởng, nghiên cứu và đào tạo lịch sử vì sự nghiệp phát triển của nền sử học nước nhà, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước, bảo vệ các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, các giá trị lịch sử đúng đắn của dân tộc. Hội cũng tham gia tích cực vào các hoạt động phản biện xã hội, góp phần bảo vệ các hệ giá trị lịch sử dân tộc, chống lại sự xuyên tạc, phá hoại của nhiều nhóm thế lực. Chủ tịch nước cho rằng, số hội viên của Hội không ngừng được mở rộng là nguồn nhân lực quý. Uy tín của Hội được tạo lập và không ngừng nâng cao, nhiều nhà sử học của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và vinh danh. Nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước là sự ghi nhận, minh chứng cho những thành quả mà Hội đã đạt được.

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Chủ tịch nước nhấn mạnh, lịch sử còn thì văn hóa còn, văn hóa còn thì dân tộc còn, dân tộc còn thì đất nước còn. Vũ khí để bảo vệ Tổ quốc không chỉ là súng ống, đạn dược mà còn là những giá trị của lịch sử dân tộc, sự hiểu biết sâu sắc của nhân dân về gốc tích nước nhà, là truyền thống lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

"Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng lịch sử dân tộc gắn liền với việc bảo tồn các di sản, công trình lịch sử, văn hóa. Trong đó có việc quan tâm đến nghiên cứu, giáo dục lịch sử. Vì vậy những vướng mắc, tranh luận về môn học lịch sử hiện nay thì cần các cơ quan chuyên môn trao đổi, thống nhất, tìm ra một cách tốt nhất, tinh thần là quan tâm đến vị thế, vị trí của môn lịch sử. Một thực tế hiển nhiên là hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng đặt lại dấu hỏi Hội và các nhà nghiên cứu sử học, cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là lịch sử có giá trị lớn lao và hay như vậy, nhưng tại sao các cháu thanh thiếu niên chưa yêu thích môn lịch sử. Trách nhiệm này thuộc về chúng ta. Đó là chúng ta chưa có cách thức truyền đạt hấp dẫn, hiệu quả, còn thiếu những truyện lịch sử ngắn gọn mà sinh động; thiếu những bộ phim lịch sử hấp dẫn, thiếu những phương pháp sư phạm truyền cảm hứng... Cho nên tôi mong muốn Hội cần tiếp tục có những đề xuất cụ thể, thuyết phục với các cơ quan chức năng Nhà nước. Không phải là chiến lược dài hạn mà ngay từ bây giờ cần có một bộ sách về lịch sử dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn, nhất là với lớp trẻ", Chủ tịch nước đề nghị.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội tập hợp được đội ngũ những người nghiên cứu, giảng dạy lịch sử; đổi mới phương pháp học tập môn lịch sử hơn nữa trong nhà trường và trong cộng đồng xã hội.

Chủ tịch nước cho rằng, nếu chúng ta không xã hội hóa đại trà việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử giống như các môn khoa học tự nhiên hay kinh tế vốn có sẵn nhu cầu xã hội, cơ hội về kinh tế và cơ hội việc làm, thì Nhà nước phải có một số hình thức trợ cấp khác nhau để đảm bảo hiệu quả, tạo cơ chế khuyến khích tốt cho việc nghiên cứu, đào tạo, học tập lịch sử. Nhà nước cần hỗ trợ sự phát triển nền sử học Việt Nam, trong đó có các hình thức hỗ trợ tài chính thông qua các để tài khoa học, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, phản biện về lịch sử, hỗ trợ giáo viên và trợ cấp cạnh tranh cho sinh viên theo ngành sử học... Cần có nguồn kinh phí ổn định để triển khai các hoạt động liên quan đến lịch sử.  

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước mong muốn Hội Khoa học lịch sử Việt Nam không chỉ nghiên cứu và tập trung vào lịch sử Việt Nam mà còn nghiên cứu, am hiểu sâu sắc lịch sử khu vực và thế giới. Hội cần đặt tầm nhìn đưa Hội trở thành một trung tâm nghiên cứu lịch sử có uy tín của khu vực và thế giới; xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh để có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc gia và khu vực. Nghiên cứu các biện pháp khuyến khích học chữ Hán, chữ Nôm để khai thác sâu hơn những tư liệu lịch sử, từ đó có thể đóng góp nhiều hơn vào bảo vệ lợi ích, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam; Tiếp tục nêu cao ngọn cờ đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng từ những nghiên cứu, bằng chứng lịch sử có giá trị.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trong đó cần kêu gọi sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân để có thêm nguồn quỹ dồi dào phục vụ Hội hoạt động./.