Chữ tình

Mùa đông xứ Bắc, với cái lạnh tới dưới 8oC mà vẫn cảm nhận được cái ấm áp của tình người. Khi này cô càng thấm thía câu nói của đại thi hào Nga Maxim Gorki “nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương”.
274982827-2894029217563447-3432553152412328739-n-1646129100.jpg
Ảnh minh họa

Ngày thứ nhất:

- Chị ơi, chị ăn gì em mang sang cho chị!

- Chị mệt lắm em, sốt cao, miệng đắng ngắt, chị chẳng muốn ăn gì cả. Đừng nấu nướng gì cho vất vả.

- Vất vả gì. Bị nhiễm bệnh này chán ăn lắm, chị phải cố, không ăn được cũng phải cố. Bác sĩ bảo, phải cố nuốt, cố được là phải cố hết mức mới bình phục được. Lát em mang cháo sang cho chị. Chị chịu khó chờ chút nhé. Rồi con bé cúp máy.

Khoảng một tiếng sau, cô nghe thấy tiếng cửa mở, con bé đẩy nồi cháo được đậy kỹ càng vào phía trong rồi gài cửa lại như cũ “chị ơi, em mang cháo cho chị rồi đấy, chị dậy ăn cho nóng, ăn nhiều vào nhé” . Cô chỉ biết ừ và cảm ơn. Cô ra cửa bưng nồi cháo vào nhà. Nồi cháo được nấu bằng cái nồi cơm điện nhỏ nhưng hai cái đùi gà thì to vật vã, một dúm rau ngò đã thái bỏ riêng vào một cái bát nhỏ. Mùi cháo thơm phức bốc lên ngào ngạt. Cô cảm thấy hấp dẫn vô cùng. Lấy cái tô múc cháo ra, vừa múc cô vừa cong mũi lên hít hà cái vị cháo nóng có cả mùi hạt tiêu ngào ngạt lan tỏa trong không gian. Cô múc một cái đùi gà ra bát, tay kia lóng ngóng đưa lại gần đỡ vì sợ nó rơi. Cái đùi gà lớn, thịt lại nâu, chắc nịch. Con gà chắc phải 3,5 đến 4 kg thì đùi mới to như thế. Cô ngồi xuống bàn thưởng thức. Cái đùi gà to đến mức, cái sức của người ốm lúc này cầm cũng thấy oải. Nhưng cô nghĩ để nguyên thế gặm cho ngon vì vậy cứ húp một muỗng cháo thì cô lại cắn một miếng thịt gà. Vừa cắn vừa chấm muối gừng ớt sao mà ngon đến vậy. Chỉ khoảng 20 phút, bát cháo nóng và cái đùi gà đã giải quyết xong. Cô cất phần còn lại vào bếp để khi đói thì tiếp tục giải quyết.

- Chị ơi, trưa nay chị ăn gì em nấu (con bé lại gọi)

- Nàng ơi, cháo nhiều quá, chị ăn cả ngày nay chắc cũng không hết đâu. Không phải nấu gì cho chị nữa.

- Vâng, vậy chị ăn hết đi nhé. Rồi ăn gì nữa thì bảo em. Cố lên nhé.

Cô cảm ơn và hình như một phần lo lắng biến mất.

Ngày thứ hai:

Từ sớm, một đứa em ngoài chợ đã gọi. “Chị ơi, bị covid hỏi thăm rồi à”

- Uh, chị test và bị dương tính từ hôm qua.

- Thế sáng nay chị đã ăn gì chưa? Mà chắc là chưa, sớm thế này chắc chưa ăn gì, để em mua gì cho chị.

Chỉ mấy phút sau, cô ấy đã mang vào hai cốc cháo, 4 quả trứng vịt lộn. “Chị ăn tạm nhé, lát em mua gì đó cho chị nấu bữa trưa” và gần trưa, con nhỏ treo vào phía trong cửa một miếng thăn bò và rau cần Tây.

- Cô bé hàng xóm “chị ơi trưa em nấu cơm nhé. Chị thích ăn gì thì bảo cho em biết” .

- Em ơi, Thảo nó vừa mua thức ăn mang vào rồi, chị có thể tự làm được.

- Vâng. Vậy mai chị để em nấu cho chị.

Tiếng điện thoại vang lên. Cô bạn cùng cơ quan gọi. Nó hỏi thăm đủ thứ rồi chỉ cách ăn uống, thể dục… nó gửi cho cô những bài yoga để vận động nhẹ nhàng và nhắc đi nhắc lại: phải ăn tốt và không được lười vận động.

Ngày thứ ba:

Sáng sớm, cô bé hàng xóm đã bưng sang bát cháo gà nóng hổi để vào cửa “chị ơi, dậy ăn luôn cho nóng. Phải ăn hết đấy không được phụ công em đâu” rồi nó tắt máy. 10 giờ sáng đã lại thấy tiếng cửa mở rồi khép ngay. Cô ngó ra “một mâm cơm thịnh soạn: cá nấu mẻ, thịt nạc kho. Dù là miệng đắng ngắt nhưng cô vẫn phải cố hết sức để giải quyết cái mâm cơm ấy nhưng vẫn phải để lại đến tối thì mới xong. Suốt mấy ngày, chồng cô chẳng phải làm gì cả, chỉ có việc duy nhất là rửa bát.

Ngày thứ 4:

Lại hàng xóm. Chị ơi, sức khỏe chị thế nào rồi? Sau một hồi hỏi thăm, động viên cô ấy nói: “chị ơi, trong lúc ốm đau như này, chị cần gì thì nói với em nhé. Em muốn được làm một cái gì đó cho chị, chị đừng ngại nha chị”.

- Uh, chị cảm ơn cô! Mấy nay mọi người cũng mang thuốc men, hoa quả, cơm nước đủ cả, để mai cần gì thì chị nhờ cô giúp. Cảm ơn cô nhiều nhé!

Ngày thứ….

Và đúng 10 ngày vật vã, người đau nhừ tử, vừa ho, vừa khó thở, đau đầu, chóng mặt… nhưng với sự động viên của mọi người và sự cố gắng của bản thân, ngày thứ 10 cô đã âm tính.

Mùa đông xứ Bắc, với cái lạnh tới dưới 8oC mà vẫn cảm nhận được cái ấm áp của tình người. Khi này cô càng thấm thía câu nói của đại thi hào Nga Maxim Gorki “nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương”. Một hành động nhỏ nhưng lại là một nghĩa cử lớn. Hãy luôn thắp sáng tâm hồn mình và sưởi ấm tâm hồn người bên cạnh ta bằng ngọn lửa của tình yêu thương!

Cảm ơn vì tất cả!!!

 

Chuyện Làng quê