Tháng 3/2020, Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã chính thức cấp chứng nhận bản quyền cho công trình Chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0) của các tác giả Trần Tư Bình (Việt kiều tại Úc) và Kiều Trường Lâm (chuyên gia marketing tại Việt Nam). Sau đó, báo chí trong nước đã tốn khá nhiều công sức để đưa tin và phân tích về công trình này.
Có là cần thiết và tiện dụng?
Theo công bố chính thức của các tác giả CVNSS 4.0, họ đã xây dựng quy tắc gõ tiếng Việt không dùng đến các thanh dấu với việc sử dụng toàn bộ 26 chữ cái Latinh hiện hành. Các tác giả cho biết, việc soạn thảo tiếng Việt bằng CVNSS 4.0 tiết kiệm thao tác khá nhiều so với cách gõ telex thông dụng.
Theo TS Nguyễn Văn Lợi – nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, một số người lo lắng việc không dùng dấu ghi thanh điệu như CVNSS 4.0 sẽ làm mất đi đặc điểm riêng – ngôn ngữ thanh điệu của tiếng Việt. Thật ra, cách làm này không ảnh hưởng đến cách phát âm như là ngôn ngữ thanh điệu của tiếng Việt, mà chỉ dẫn đến hệ lụy về chữ viết tiếng Việt (ký hiệu tiếp nhận bằng mắt). Những hệ lụy đó là:
1- Không phản ánh đúng bản chất của thanh điệu nói chung và đặc điểm phát âm từng thanh điệu nói riêng.
2- Gây khó khăn trong việc học đọc, học viết tiếng Việt, nhất là đối với trẻ em và người nước ngoài. Người học không biết chữ cái nào phản ánh thanh điệu trong chuỗi các con chữ, cũng như cách phát âm từng thanh như thế nào.
3- Chữ viết không dùng dấu ghi thanh làm mất đi vẻ đẹp riêng của chữ Quốc ngữ.
4- Công nghệ thông tin cho phép khắc phục các khó khăn trong việc soạn thảo văn bản chữ Quốc ngữ với các dấu phụ ghi thanh điệu và các nguyên âm đặc biệt. Trong khi CVNSS4.0 lại rất rối rắm khi gõ.
Còn TS Đặng Minh Tuấn – tác giả bộ gõ Vietkey, về mặt ngôn ngữ học, CVNSS 4.0 không tuân thủ cấu trúc của tiếng Việt và không thể sử dụng như là hệ thống ký âm, mà chỉ đơn thuần là hệ thống ký hiệu hay quy tắc gõ tắt.
Thế nhưng, các tác giả của CVNSS 4.0 lại khẳng định rằng công trình của họ tiện dụng và hữu ích trên môi trường máy tính và mạng vì không cần tốn chỗ để cài đặt các bộ gõ tiếng Việt. Vậy thì hoá ra CVNSS 4.0 không đơn thuần là một bộ gõ mà lại tham vọng là thay thế Chữ Quốc ngữ hay sao?
Xin nói với các tác giả CVNSS 4.0 là bộ nhớ của máy tính cũng như điện thoại thông minh thừa đủ lớn để cài thêm bộ gõ tiếng Việt để gõ được chữ Việt có dấu. Hơn nữa, ngôn ngữ là phải dễ hiểu chứ không phải là một thứ mật mã để phải mất thì giờ học và đọc được ra các nội dung cần thiết.
Vậy nhưng, không hiểu sao rất nhiều báo chí lại “bu” vào để viết bài về CVNSS 4.0 mặc dù có thể khẳng định rằng chính các nhà báo làm công việc này cũng chẳng hề mất thời gian và công sức để học nó (!). Phải chăng, những hiệu quả truyền thông này đạt được là nhờ năng lực marketing của đồng tác giả Kiều Trường Lâm?
Nên tổ chức thi soạn thảo nhanh xem sao
Tác giả bài viết này đã luôn bị đồng tác giả Kiều Trường Lâm quấy rầy rất nhiều qua Facebook và Zalo cùng những cuộc gọi trực tiếp. Dường như với các tác giả của CVNSS 4.0, việc trêu tức các nhà báo cũng là một cách marketing hiệu quả, bất kể bài viết sau đó là khen hay chê họ.
Và thế là sau những bài báo phân tích các điểm không hay của CVNSS 4.0 cùng cơ hội cho các các giả của nó phát biểu, ý định tổ chức các cuộc thi soạn thảo nhanh cho mọi đối tượng có thể tham gia cũng là không thừa. Ở nhiều nước, người ta đã tổ chức các cuộc thi như vậy và cách làm là không cần biết thí sinh sử dụng công cụ gõ tắt gì, miễn là hoàn thành bài thi sớm để có giải. Đương nhiên, CVNSS 4.0 sẽ có cơ hội nếu những cuộc thi này được tổ chức. Song cần lưu ý là theo TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo - thì các “gõ sĩ” chuyên nghiệp ở các nhà xuất bản có năng suất soạn thảo lên tới hàng trăm trang/ngày.
Khi được biết thực tế này, đồng tác giả Kiều Trường Lâm đã bày tỏ sự lo ngại cho các thì sinh sử dụng CVNSS 4.0. Về lý, họ có thể khai báo quy tắc gõ tắt vào các bộ gõ có sẵn như Vietkey và Unikey để thi thố như ai. Thế nhưng, hạn chế là ngay chính các tác giả của CVNSS 4.0 cũng chỉ quen sử dụng 2 ngón trong soạn thảo thì làm sao địch lại với các “gõ sĩ” chuyên nghiệp vốn rất thành thạo sử dụng cả 10 đầu ngón tay. Vì thế, đồng tác giả Kiều Trường Lâm đã đề xuất không thi gõ 10 ngón để cho công bằng giữa hai trường phái. Tuy nhiên, đề xuất này có được chấp nhận hay không thì sẽ do Ban tổ chức với các chuyên gia có uy tín về ngôn ngữ học và CNTT quyết định và xem chừng cũng không dễ thuyết phục. Tiêu chí của cuộc thi là yếu tố thời gian chứ không phải là tiết kiệm thao tác gõ bàn phím.
Dẫu sao thì các tác giả cùng “môn đệ” của CVNSS 4.0 vẫn còn rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc thi này. Nguyên nhân vì người có sáng kiến này cũng muốn chờ cho dịch cúm Covid-19 sớm chính thức qua đi và sớm nhất thì vào mùa xuân 2022 mới có thể diễn ra cuộc thi. Với khoảng thời gian còn lại khá dài đó, các “môn đệ” của CVNSS 4.0 chắc chắn sẽ có đủ thời gian luyện tay nghề và sẽ là lý tưởng nếu như sẽ có chính các “gõ sĩ” chuyên nghiệp sử dụng công cụ CVNSS 4.0 để tham dự cuộc thi này.
---
Đọc thêm những bài biết cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/
KIỀU TRƯỜNG LÂM
11:47 09/09/2021
Cảm ơn bạn đã đăng! Tôi là tác giả Chữ VN Song Song 4.0. Nếu bạn có thể liên hệ phỏng vấn đăng báo, bạn có thể liên lạc ở email: kieutruonglam@gmail.com
Trần Tư Bình
09:19 09/09/2021
Tác giả bài báo này cùng Ts. Nguyễn Văn Lợi và Ts. Đặng Minh Tuấn (tác giả bộ gõ Vietkey) đã không viết được vài chữ vài câu bằng Cvnss4.0 cho nên họ chưa hiểu được giá trị của Cvnss4.0.