Chùa Lưu Ly hay Lưu Ly tự là tên gọi của một trong Thất Bảo của nhà Phật là ngọc Lưu Ly thể hiện sự quý giá, trong sáng và thuần khiết của một ngôi chùa. Không biết chính xác có từ khi nào, nghe các cụ trong làng kể lại, chùa Lưu Ly khoảng 200-300 năm tuổi..
Năm 2009, sau khi vị sư trụ trì ở chùa qua đời một thời gian, Đại đức Thích Giác Nguyên cùng với Đại đức Thích Thanh Huy về chùa, gánh vác phật sự, tu sửa, xây dựng ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.
Do ngôi chùa cũ trải qua thăng trầm của lịch sử và sự tác động của các yếu tố thiên nhiên nên đã bị xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hỏng, dân làng và nhà chùa đã họp bàn, thống nhất xây mới trên nền chùa cổ.
Năm 2015, ngôi chùa chính thức khánh thành và Đại đức Thích Giác Nguyên được Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quyết định bổ nhiệm trụ trì ngôi chùa. Với uy tín và trách nhiệm cao, Đại đức Thích Giác Nguyên đã hướng dẫn các tín đồ Phật tử, nhân dân địa phương tổ chức tốt các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Đại Đức Thích Giác Nguyên- Trụ trì chùa Lưu Ly chia sẻ“Nói về Việt Nam thì người ta nghĩ ngay đến hình ảnh ngôi chùa. Cho nên các cụ ngày xưa thường nói rằng: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời cua tổ tông”. Câu ca dao đấy đã ăn vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Nó rất gần gũi và rất thân thương. Đã là người Việt Nam thì hình ảnh ngôi chùa đã in đậm vào tâm khảm của mỗi người, từ khi bé, lớn lên rồi già đi thì hình ảnh ngôi chùa lúc nào cũng gần gũi thân thương và ấm áp như vậy. Quan trọng nhất là duy trì, phát triển, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, của nguồn cội theo tinh thần uống nước nhớ nguồn.
Ngoài các ngày lễ chính, chùa còn có các khóa tu cho Phật tử ở các lứa tuổi khác nhau vào dịp hè hàng năm. Mỗi khóa tu chùa đã hoan hỉ đón cả nghìn phật tử ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc về tham dự.
Đặc biệt, để tiếp tục đồng hành với sự phát triển, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn và cốt cách con người, nhà chùa và nhân dân thôn Mạc Hạ hàng năm tổ chức lễ hội chùa vào ngày 10/3 âm lịch.
Năm 2024, chương trình đại lễ được tổ chức trong 2 ngày 9/3 và 10/3 Âm lịch, bao gồm các nghi thức: dâng lễ cúng Tổ, thời khóa tạ kinh Dược Sư cầu Quốc thái dân an, Trì Kinh Địa Tạng (đạo tràng Hoa Nghiêm cùng các phật tử ), trang nghiêm tổ chức Cúng Phật- Cúng Tổ và tổ chức tiệc chay toàn dân.
Đại Lễ Giỗ Tổ 10.3 của chùa Lưu Ly Hà Nam đã trở thành một hoạt động thường niên được đón đợi. Lễ hội mang đến cho bà con nhân dân và phật tử xa gần tinh thần tĩnh tại, niềm tin tôn giáo và mong ước một cuộc sống đủ đầy, trọn vẹn, hạnh phúc, thiện lành. Lễ hội cũng là dịp giáo dục lòng yêu quê hương, ý thức uống nước nhớ nguồn, hướng thiện tâm cho con người.