Chuyện cái bánh in

Sắp đến Tết rồi, hễ đến Tết là nhớ đến bánh phồng, bánh tét và bánh “IN”, loại bánh thường có mặt trong các ngày tết ở những vùng quê và trong các nhà nghèo…
banh-in-1643614674.jpg
 

 

Con ai đem bỏ chùa này

Oan Sư, Sư chịu, người này giống Sư. ( Câu đố - Bánh In)

Sắp đến Tết rồi, hễ đến Tết là nhớ đến bánh phồng, bánh tét và bánh “IN”, loại bánh thường có mặt trong các ngày tết ở những vùng quê và trong các nhà nghèo…

So với các loại bánh khác, bánh IN là loại dễ làm nhất, không cầu kỳ, nguyên liệu là nếp hột được rang chín, xay thành bột, trộn với nước cốt dừa, đường… trộn và cán thật đều, sau đó nhận bột vào những khuôn bánh bằng gỗ (bây giờ thì khuôn nhựa), xong gõ, bánh rớt ra, sắp chúng vào xửng (hoặc thùng), hôm sau là bánh dẻo, ăn được, bánh để lâu được, ăn qua Tết, đến rằm tháng Giêng…

Sau 30/4/1975, gạo nếp là mặt hàng lương thực chiến lược, nhà nước quản lý, nên tết nhứt bánh trái không có nhiều và dồi dào như những năm trước… nhưng Bánh IN thì phải có…

Năm 1977, có chị Ba Xu ở tại chợ Thốt Nốt (gần nhà Dì Năm Giàu, dì ruột của tôi), đến nhà tôi mướn điểm làm bột bánh in, số bột thành phẩm giao cho bạn hàng Thốt Nốt lấy chuyển lên Sài Gòn bán.

Gia đình chị Ba Xu trước sống bằng nghề xe đò, chạy đưa khách tuyến Thốt Nốt – Cần Thơ – Rạch Giá….

Lò bột hoạt động đến khoảng rằm tháng chạp là ngưng xay bột đi Sài Gòn, mà chuyển sang xay gia công cho bà con địa phương để họ làm bánh in ăn Tết…

Lúc này, tôi mới quan sát cái không khí vui nhộn này….

Sáng sớm, người ta bơi xuồng đến lò bột giao số nếp (tính bằng lít), Lò Bột ghi giấy, cho số, người chủ nếp tiếp tục đi chợ, mua bán hàng hóa… trưa về, ghé lại Lò Bột xem số nếp gởi ban sáng xay xong chưa? nếu chưa… thì đợi thêm, xong nhận bột đem về nhà, tiền gia công tính theo số lít nếp.

Thông thường, làm thủ công trong gia đình là lấy nếp rang trong cái chảo, nếp chín, đem bỏ vào cái cối đá trong nhà xay thành bột, nhà không có cối xay thì đến nhà hàng xóm xay nhờ.

Lò bột xay bằng cối đá to, đường kính 8 tấc có gắn cái máy dầu kéo, cối lại chuyển động cái thớt dưới (thông thường chuyển động là thớt trên). Lò bột có số người chuyên đem nếp xuống bến sông, vo và gút nếp, xong mang lên đổ trên mấy tấm nệm bàng thành nhiều khúm, để ráo… có chừng 4 lò rang nếp, bằng chảo lá sen, chất đốt là trấu, trong chảo có sẵn số cát sạch… cát thật nóng (cát sôi), đổ nếp vào, dùng cái bàn cây có cán dài  đẩy nếp và cát (nhờ cát, nếp chín đều), khi nếp phồng lên vừa chín, là xúc vội cả cát và nếp đổ vào cái xàng máng treo tòn ten phía trên chảo, sàng cát rơi xuống chảo, nếp còn lại xúc ra, chuyển vào cho anh thợ xay… người thợ rang phải nhanh và chuẩn vì chậm là nếp chín quá sẽ vàng hoặc khét…

Công việc vui nhộn, lò bột hoạt động từ sáng đến chiều tối… kéo dài chừng 27,28 tháng chạp là nghỉ ăn Tết… Bến sông nhà tôi khi ấy như là bến chợ, mấy chục chiếc xuồng đậu…

Mấy năm tháng ấy, bánh in được làm với đường chảy (đường thùng) hoặc đường xay (loại đường chảy làm ly tâm), chớ đường cát trắng là rất hiếm…

Bây giờ thì không cần làm bánh in ở nhà nữa rồi, ngoài chợ bán đầy, bánh in cũng được làm rất khéo… Trong số bạn học năm xưa, hiện có 1 chị bạn làm bánh in rất khéo, tết này cũng có nhiều người quen đặt chị làm bánh In, chị than tuổi lớn (hơn 70), nhưng vì vui cũng ráng làm….

Hai ngày nay, ở Hải Dương và Quảng Ninh dịch Covid 19 bùng lên, có lẽ bà con ngoài ấy lại phải ăn Tết buồn rồi…

Thương quá !

 

29/01/2021 - TKT

Chuyện làng quê