Chuyện chữ và nghĩa

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

15/08/2021 21:44

Theo dõi trên

Trong văn chương, chuyện chữ nghĩa thì mênh mông vô tận, kể mãi cũng khó mà hết được. Thôi thì cứ nhẩn nha “ấm trà điếu thuốc” mà ngẫm nghĩ, mà nhâm nhi thưởng thức cho khuây khỏa tâm tư....

bl1s-1629038577.jpg
Tác giả bài viết Vũ Bình Lục.

Cụ Hoàng Đức Lương đời Hồng Đức Lê Thánh Tông viết đại khái rằng: “Thơ là màu sắc ở ngoài màu sắc, mắt thường không thấy được; là mùi vị ở ngoài mùi vị, miệng thường không nếm được; chỉ có thi nhân mới có thể thưởng thức được mà thôi”!... Có thể cắt nghĩa được quan điểm này, thông qua việc xem xét thêm một số quan niệm về văn, về thơ của các cụ ta ngày xưa. Ví như thơ đòi hỏi phải “lời ít ý nhiều”, tối thiểu ngôn từ, tối đa cảm xúc; “Ý ở ngoài lời” (Ý tại ngôn ngoại)…Một câu, một chữ trong thơ có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, ngẫm đi ngẫm lại nhiều lần, thậm chí cả đời người mới có thể thẩm thấu được hết dư vị của câu thơ, một chữ trong thơ…Với người sáng tác, một chữ trong bài thơ cũng có thể thay đi thay lại nhiều lần. Thay rồi lại thay nữa, đến không thể thay được nữa mới thôi. Để có được câu thơ “Xuân phong hựu lục giang nam ngạn”, tác giả của câu thơ phải ba bốn lần thay chữ. Lúc đầu là “Xuân phong hựu quá giang nam ngạn” (Gió xuân thổi đến bờ sông phía nam). Chữ “quá” bình thường. Thay bằng chữ khác “Xuân phong hựu mãn giang nam ngạn” (Gió xuân thổi tràn trề bờ sông phía nam). Chữ “mãn” đã tạm hay, nhưng chưa phải là hay lắm. Mãi sau, tác giả đổi là “Xuân phong hựu lục giang nam ngạn” (Gió xuân thổi làm xanh cả bờ sông phía nam). Chữ “lục” là tính từ chỉ màu xanh, nhưng câu thơ đã được động từ hóa. Hay lên rất nhiều. Hay đến bất ngờ. Công phu chọn chữ đại khái là vậy. Khổ công lắm chứ đâu phải viết chơi. Nói về lao động sáng tạo thơ, Đỗ Phủ từng viết”

Làm người tính thích câu văn đẹp,

Đọc chửa kinh người, chẳng chịu thôi!

Thi sĩ Âu Dương Tu đời Tống bên Tàu có câu chuyện về thơ Đỗ Phủ. Ông Trần Tông Dị nhận được tập thơ của Đỗ Phủ, trong đó có bài TỐNG SÁI HY LỖ ĐÔ ÚY. Trong bài ấy có câu “Thân kinh nhất điểu…”. Chả biết sao chữ cuối câu bị mờ, rất khó nhận ra. Bạn bè ông Trần Tông Dị tranh nhau bàn luận. Có người bảo đấy là chữ “lạc” (rơi rụng). Có người cho rằng đó là chữ “tật” (nhanh chóng). Có ông thì nhất quyết đoán là chữ “hạ” (xuống)…Tuy nhiên, sau khi có được bản chính thức, mới hay rằng chữ mờ ấy là chữ “quá” (bay qua, vút qua). Mọi người mới ngã ngửa người ra, thán phục cái thần tình của chữ “quá”. Là bởi chữ “quá” mới thể hiện đúng tinh thần mạnh mẽ của của ông võ tướng Sái Hy Lỗ, giữ chức quan Đô úy.

Chuyện thi sĩ Giả Đảo đời Đường cũng cho thấy việc chọn chữ trong thơ nó phải kỳ công chu đáo như thế nào. Đại khái, một hôm Giả Đảo cưỡi lừa lên kinh đô dự thi Tiến sĩ. Lừa đi chậm, chứ chả phải đi nhanh như ngựa, cho nên thi sĩ Giả Đảo vừa cưỡi lừa vừa thong thả làm thơ. Anh ta nghĩ được câu “Điểu túc trì trung (có bản chép là “biên”) thụ / Tăng xao nguyệt hạ môn” (Chim đỗ trên ngọn cây trong ao / Nhà sư gõ cửa dưới trăng). Giả Đảo muốn thay chữ “xao” (gõ) thành chữ “thôi” (đẩy). Chữ “xao” thì tạo ra âm thanh hay, nhưng mà nó không thực tế. Nhà sư trụ trì ngôi chùa, làm chủ ở đây, làm gì còn phải gõ cửa? Chữ “thôi” âm không hay, nhưng mà nó đúng thực tế. Nhà sư đẩy cửa (mở cửa) dưới trăng…Dùng chữ nào đây? Đang gật gù phân vân, nhưng con lừa thì nó chả cần biết nhà thơ ngẫm ngợi gì sất. Nó cứ lừ lừ cúi đầu chậm rãi bước. Thật bất hạnh cho nó. Là vì nó “ngu như lừa”, nên nó cứ đâm thẳng vào đội quân lính hộ tống của quan Triệu Doãn có tên là Hàn Dũ. Hàn Dũ bấy giờ đang giữ chức quan KINH TRIỆU DOÃN, tức chức quan quản lý kinh sư, tương đương chức Chủ tịch thành phố thủ đô ngày nay. Làm quan, nhưng Hàn Dũ lại là một văn nhân lớn ở đời Đường. Lính tóm cổ anh chàng Giả Đảo lôi đến trước mặt quan Kinh Triệu Doãn. Hỏi cớ sao ngươi vô lễ đâm thẳng vào đội quân của ta? Giả Đảo sợ hãi run rẩy trình bày đầu đuôi câu chuyện. Nghe vậy, Hàn Dũ không bắt tội Giả Đảo, mà còn mời chàng thư sinh vào trong thành uống rượu bình thơ. Từ đấy, câu chuyện chọn chữ “thôi” hay chữ “xao”, ghép lại với nhau, thành ra thuật ngữ “thôi xao”, chỉ việc đẽo gọt, chọn chữ chọn nghĩa trong việc làm thơ…

Chữ trong sách vở. Nhưng chữ cũng nằm khuất lấp trong dân gian, trong phương ngữ nhiều vùng quê khác nhau. Nhà văn Tô Hoài tìm hiểu ngôn ngữ TRUYỆN KIỀU của Nguyễn Du, khi đi thực tế ở Thái Bình. Ông phát hiện ra trong TRUYỆN KIỀU Nguyễn Du có dùng chữ “áy” (Một vùng cỏ áy bóng tà / Gió hiu hiu thổi một và bông lau). Chữ “áy” chỉ ở vùng quê lúa Thái Bình mới dùng, biểu thị một thứ màu vàng rất chi là huyền ảo. Không thắm, không vàng rực, không vàng sẫm, không vàng tươi, không vàng xộm…mà nó hơi sem sém vàng, còn trộn lẫn một chút xanh lơ…Ngôn ngữ trong TRUYỆN KIỀU căn bản là ngôn ngữ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nguyễn Du tuy quê cha ở Hà Tĩnh, nhưng mẹ ông quê Bắc Ninh, cái nôi quan họ sầm uất ngọt ngào. Ông được sinh ra và trưởng thành ở Thăng Long hoa lệ, có truyền thống văn hóa đẳng cấp. Thêm nữa, ông có cả chục năm sống ở quê vợ Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) tỉnh Thái Bình, cái nôi của hát chèo. Nguyễn Du chỉ sống ở quê cha có mấy năm ở đoạn cuối đời. Thế nên, chữ “áy” trong TRUYỆN KIỀU là do Nguyễn Du đã “thuổng” được trong dân gian vậy! Đấy là chưa nói Nguyễn Du cũng là thi nhân được thừa kế cái tuyệt bút của ngôn ngữ CUNG OÁN NGÂM KHÚC của thi hào Nguyễn Gia Thiều, CHINH PHỤ NGÂM KHÚC nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chuyển ngữ ra tiếng ta, thể thơ song thất lục bát…

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện chữ và nghĩa" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn