Chuyện con chó ở Trường Sa

Đã có rất nhiều bài viết hay về con chó mà chúng ta từng nuôi dạy từ tuổi ấu thơ cũng như đã về già; từ nông thôn đến thành thị; từ khi còn đói nghèo, bần hàn đến nay đã có bát ăn, bát để, thậm chí là giầu có. Tất cả những chuyện đó chỉ làm sáng lên câu tục ngữ mà cha ông ta đã tổng kết:''Khuyển mã chí tình''. Nhưng đấy là chuyện nuôi chó ở trên đất liền. tôi muốn kể chuyện các chiến sĩ Hải quân nuôi chó ở quần đảo Trường Sa.
ch-trai-tim-nglinh-1633573139.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Cách đây chừng 25 năm , chúng tôi được ra thăm một số đảo của quần đảo Trường Sa.

Nói sao được hết niềm vui khôn tả khi được đạt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc giữa trùng khơi sóng và gió. Đón chúng tôi cập mạn không chỉ là lính đảo mà còn có những chú chó chạy tung tăng, đuôi ngoáy tít lộ vẻ vui mừng vì có khách ra thăm. Cánh lính trẻ cho biết, mỗi đơn vị nuôi vài con cho làm ''cận vệ đắc lực, tin cậy'' khi thực hiện công việc của người lính cũng như mọi sinh hoạt đời thường. Vào những năm tháng ấy đảo của ta chưa có điện thắp sáng như bây giờ. Không có điện thường xuyên đồng nghĩa với không có ti vi; không có radio. Thành thử, có con chó quấn quýt cho ''đỡ nhớ nhà''.

Chó thường được theo lính đảo đi tuần tra nên chúng rất thông thạo địa hình, địa vât . Chúng thuộc từng đoạn chiến hào, từng bãi san hô, từng mỏm đá mồ côi dưới chân sóng, Có đêm tối trời, tối biển vậy mà mấy con chó cứ ngoe nguẩy đuôi dẫn lính ta đến nơi con vích bò vào chân đảo. Chúng là lực lượng bảo vệ từng luống rau trước bọn phá họa là chuột, là gà.

Chúng ta thường đặt tên cho con chó của mình là Vàng, Vện, Ky, Tít, Mum, Đốm...Nhưng ở ngoài Trường Sa thì lính ta không đặt tên như vậy. Họ toàn lấy tên hoa hậu, người mẫu, diễn viên điện ảnh đặt tên cho chó để tỏ lòng ngưỡng mộ thần tượng của mình. Xoàng ra, cũng phải đặt tên chúng cho mĩ miều là Thùy Mỵ,là Dung Dị, là Đoan Trang. Có cô văn công ngỏ ý muốn các anh cứ tự nhiên lấy tên của cô đặt tên cho một con chó mà các anh muốn.

- Không phải đợi đâu chị ạ. Chị cứ lên tàu vào đất liền là tên của chị đã được đặt cho chó rồi. Bọn em nghĩ chán rồi chỉ bằng cách này mới nhớ tên các chị

Tôi thấy anh lính trẻ vừa âu yếm vuốt ve con chó vừa khoe: ''Em" này mấy tháng trước đến ngày sinh nở, bọn em phấp phỏng chờ đợi, lo lắng sao cho nó được ''mẹ tròn con vuông''. Chuyện đến tai mấy bạn đồng hương họ mang cả khẩu phần sữa bò của mình đến mừng ''bà đẻ''. Vui đáo để.

Có một chuyện mà không phải ai cũng biết.Người lính hết niên hạn ở đảo, được vào đất liền việc khó khăn trước hết là ''chọn mặt gửi vàng''. Chọn ai trong những đồng đội thân thiết để ''bàn giao'' con chó để người đó nuôi tiếp. Lính đảo không ai giết chó cũng như ăn thịt chó. Không có chuyện giết chó mừng ngày ra quân. Đúng là vậy.

Đảo Trường Sa lớn được lính ta ví von là ''thủ đô'' của các đảo khác . Một buổi chiều chúng tôi theo tàu đón một số cán bô chiến sĩ ở đảo khác vào ''thủ đô'' xem biểu diễn văn nghệ. Khi tàu nổ máy rời đảo nhỏ về ''thủ đô'', cả đàn chó lao như tên bắn xuống biển đuổi theo tàu, theo các chủ của nó đang ngồi trên tàu. Bơi được vài chục mét, biết không đủ sức đuổi theo tàu, đàn chó quay đầu vào đảo. Chúng ngồi ngay dưới chân sóng dõi mắt nhìn theo con tàu đang vươn khơi. Tôi cũng đăm đăm nhìn đàn chó ở trên đảo khi chúng chỉ còn là những chấm đen trong ánh chiều tà.

Bước chân lên tàu để về đất liền đang trong bịn rịn chia tay những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió thì bắt gặp một phụ nữ ôm con chó . Chẳng biết chị ta ''quân vận'' giỏi thế nào mà lính đảo đành tặng con chó kia cho chị. Con chó nằm ngoan trong tay chị nhưng nước mắt nó cứ chảy khi đau đáu nhìn về hòn đảo ngày càng mờ xa.

Giọt nước mắt của con chó ở Trường Sa đọng mãi trong ký ức của tôi.

Theo Trái tim người lính