Chuyện của một người lính

Câu chuyện này, tôi được một người lính kể lại trên một chuyến tàu về Hà Nội. Chiều hôm đó, do tàu bị tăng bo ở gần Phú Thọ nên đoàn tàu phải dừng lại khá lâu.
277247790-4916987971750592-4621206587524518865-n-1648098387.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

Tất cả hành khách ùa xuống sân ga. Người ngồi cạnh tôi là một anh lính trẻ có nước da ngăm đen, nói:

- Em có đồ đạc gì để anh xách xuống cho. Không được để lại trên tàu, dễ bị mất lắm.

- Em chỉ có cái túi đồ này thôi!

Hai đứa ngồi đợi ở sân ga. Tôi gợi chuyện trước:

- Anh ở biên giới về à?

- Không, bọn anh đi thực tập ở Thu Cúc. Anh có việc gia đình nên xin về trước.

Sau một hồi trò chuyện dông dài mới biết cả hai cùng quê. Anh cười:

- Trời ạ, sát gần nhau nhé. Khi nào về thì sang nhà anh chơi.

Nhà em cũng gần chùa đúng không? Có cây si ngay bến nước trước cổng chùa ý. Chị hai của anh làm dâu ở đó. Rồi anh kể cho tôi nghe, quê nội ở tận Nam Bộ. Ba của anh hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần chục năm sau mới được nhà nước công nhận là liệt sĩ. Ông là người con vùng đất Long An, năm 1954, tập kết ra Bắc và kết hôn với người con gái quê lúa - Đó chính là mẹ của anh. Hết thời gian huấn luyện, ông trở lại miền Nam hoạt động bí mật trong lòng địch. Một thời gian sau, khi ông về trỏng, tất cả mọi giấy tờ liên quan đến ông đều bị thu hết. Cả nhà cũng ngầm hiểu công việc của ba là quan trọng. Sau đó, mọi người không ai biết tin tức về ba. Có tin đồn ông phản bội cách mạng, có người nói ông đã hy sinh. Còn mẹ của anh thì luôn tin và hy vọng người chiến sĩ ấy sẽ trở về.

Tuổi thơ của anh là cánh diều mẹ làm cho tung bay dọc theo đoạn đê sông Hồng. Cả những thứ đồ chơi từ viên bi bằng đất sét được mẹ vo tròn, sau đó ủ vào bếp trấu. Bắn khó nhưng vẫn thích. Chiếc mũ mẹ đan bằng sợi thảm, sợ anh bị nhặm mẹ khâu ở trong là chiếc khăn mùi xoa có in hình bông hoa. Chị Huyền dắt tay cậu em trai tới lớp trong buổi học đầu tiên. Chị dặn: em học ngoan, đợi ba về mua quà cho…

Ngày chiến thắng làng quê ngập cờ hoa. Tin tức ngày thống nhất được đài phát thanh truyền tin liên tục. Nam Bắc nối liền một dải, niềm vui đến từng nhà… Nhưng mẹ càng ngóng đợi thì tin tức về ba càng bặt âm vô tín… Mãi đến một hôm, đúng ngày 26/3, anh tham gia cắm trại cùng với lớp thì chú Tư và chú Hai là bạn chiến đấu của ba ra ngoài Bắc, đến tận nhà gặp mẹ anh. Lúc đó, mọi người biết ba là một chiến sĩ tình báo và đã hy sinh anh dũng vào tết Mậu Thân năm 1968... Cuối cùng, những điều bí ẩn về người cha cũng sáng tỏ. Và anh chính thức được mang họ của cha và được công nhận là con liệt sĩ.

Nhớ lại những năm tháng ba của anh chiến đấu xa nhà, bà ngoại kể rằng mẹ anh thỉnh thoảng những chiều muộn, đứng ở cầu ao lấy khăn lau nước mắt. Vì nhớ chồng vì thương các con. Bà ngoại xót xa lắm. Chỉ biết động viên an ủi con gái. Nhà anh nghèo. Mẹ anh sinh được bốn mụn con, chỉ mình anh là con trai. Ngày ba trở lại chiến trường thì anh còn quá nhỏ. Công việc đồng áng đều do mẹ và chị Huyền lo hết. Lúc đó mới khoảng chừng hơn 10 tuổi nhưng rất biết việc. Cấy hái, cơm nước chị giúp mẹ rất nhiều. Mẹ không được khoẻ, nên khi 16 tuổi chị thành lao động chính trong nhà.

Năm đó, có người dạm hỏi chị Huyền về làm vợ nhưng chị từ chối. Chị bảo: các em còn nhỏ, mẹ yếu nên chị không thể. Đám đó họ cũng nhãng ra và tìm người khác. Vài ba đám khác đến hỏi chị cũng từ chối... Hình như chị cũng mong một người nhưng ngày chiến thắng người ấy không trở về. Chị buồn lắm nhưng không bao giờ tâm sự với các em mà chỉ giấu ở trong lòng. Chị phụ mẹ nuôi ba đứa em ăn học và trưởng thành. Sau này, một chị theo chồng đi xây dựng vùng kinh tế mới, còn chị giáp anh làm công nhân và lấy chồng trên thị xã. Năm 18 tuổi, anh xung phong đi bộ đội. Sau khi từ chiến trường K trở về, anh tiếp tục đi học chuyên nghiệp, theo cuộc đời binh nghiệp.

Và ngôi nhà nhỏ ở xóm Chùa có hai người phụ nữ lặng lẽ chăm sóc nhau. Sau này, anh đưa mẹ vào tận Long An để thắp hương viếng cha. Họ hàng, anh em khi nghe tin mẹ con anh vào vui mừng khôn xiết. Ôm nhau khóc. Mọi người cũng kể ba trở lại hoạt động bí mật nên không được gặp mặt. Đến khi ba hy sinh, mãi sau này gia đình mới biết. Bữa đó, mẹ anh đã khóc rất lâu. Kể chuyện cho chồng nghe về những năm tháng nuôi các con khôn lớn. Những năm tháng bà chờ chồng mòn mỏi như thế nào. Người vợ thì thầm với chồng:

- Anh ngắm con trai của chúng mình đi. Nó giống hệt anh từ hình dáng đến nước da ngăm đen, cả nụ cười nữa...

Riêng anh, anh lặng nhìn nghĩa trang mà lòng nghẹn ngào. Có biết bao ngôi mộ, có biết bao những người con của quê hương Nam Bộ đã chiến đấu và hi sinh cho quê hương. Có biết bao nhiêu người đã ngã xuống vì độc lập tự do; biết bao nhiêu người phụ nữ mỏi mắt chờ chồng, chờ con...

Vòng xoay cuộc đời theo quy luật, cứ cay cay sống mũi mỗi lần men theo dọc bến sông quê trở về ngôi nhà thân yêu, anh thương cái dáng mỏng trên triền đê... một mình... Tiếng còi tàu hú dài vào ga đưa tôi trở lại thực tại. Chia tay nhau ở ga Hà Nôi, tôi trở lại mảnh đất gang thép. Mỗi lần nhớ đến câu chuyện anh kể, trong lòng lại trào dâng nỗi xúc động...

3/2015

 

Chuyện Làng quê