Chuyện của người lính

Phạm Tuấn Giáo

21/02/2022 14:55

Theo dõi trên

Câu chuyện bạn tôi, người lính năm xưa kể lại.

Anh đi lính (nhập ngũ) đầu năm 1978, khi mà cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước đã kết thúc được gần 3 năm. Trước đó, sau khi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, người ta hân hoan, say sưa với chiến thắng vang dội, một dân tộc nhỏ bé, kiên cường, gian khổ trong chiến tranh, từ vũ khí thô sơ, chiến tranh du kích, nằm hầm, nằm hố với quân đội tuổi đời chưa cao, tự hào chiến thắng hai đế quốc to, có tên trên bản đồ thế giới, được ngợi ca.

cau-chuyen-nguoi-linh-1645430058.jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet    

 

Khi đó người ta còn tự hào, tin tưởng là không kẻ thù nào dám động đến Việt Nam, tự hào vì có đội quân hùng mạnh, bách chiến, bách thắng!

    Nhưng không lâu, chiến tranh nổ ra ở Biên giới Tây Nam do bọn diệt chủng Pol Pot, Yengsari với sự hà hơi, tiếp sức của bọn Bành trướng phương Bắc gây ra, bọn chúng đã sát hại bao nhiêu đồng bào ta ở khắp dải biên cương, nhất là phía cực Nam Tổ quốc. Máu đã đổ, bao đồng bào, chiến sỹ ta đã mất đi bởi bàn tay hung bạo, không còn tính người của quân xâm lược. Toàn dân tộc lại phải hành quân ra trận.

     Lứa tuổi chúng tôi, đa số học hết cấp 2, cấp 3 lại phải tiếp tục lên đường cầm súng bảo vệ đất nước, giữ gìn Biên cương.

    Bạn tôi khi đó nhập ngũ về đơn vị của Quân khu, Hắn học hết cấp 3, nên sau khi huấn luyện Tân binh xong được cử đi học lớp sơ cấp đào tạo cán bộ cấp Tiểu đội, Trung đội.

    Sau khi học xong Hắn lại trở về đơn vị cũ làm nhiệm vụ. Cùng với Hắn còn có một số anh em khác.

    Hắn kể, hồi đó là cuối năm 1978, Hắn cùng đơn vị với một cậu bạn, ở đơn vị gần tuyến Biên giới phía Bắc.

    Đầu năm 1979 cậu bạn tranh thủ qua nhà, chỉ được phép trong có 4 ngày, do đơn vị tự ý giải quyết, vì có điện bố ốm nặng, khó qua khỏi.

   Anh bạn về đã quá hạn hai ngày mà chưa thấy quay lại đơn vị. Mọi người nghi ngờ anh này sợ chiến sự sắp nổ ra lên tìm cớ truồn thẳng, không lên lại đơn vị nữa. Thế là họ tức tốc cử Hắn và một sỹ quan cấp úy mang công lệnh về quê Gã kia để bắt kẻ trốn lính. Thời đó những kẻ trốn lính bị coi như tội phạm, bị khinh rẻ, bị bắt quay trở về đơn vị, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự tùy theo thái độ, tính chất nặng, nhẹ!

     Hai người về quê Gã kia, anh cán bộ cấp úy nhà cũng gần địa phương Gã kia nên bảo với Hắn là anh tranh thủ tạt qua nhà, còn Hắn đến nhà Gã và địa phương trao đổi công việc trước. Hôm sau hai người sẽ gặp nhau để "bắt" Gã quay trở về đơn vị. Nếu Gã trốn tránh, chống đối thì đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, tìm kiếm!

    Hắn hỏi thăm được về đến đầu làng Gã kia lúc trời đã về chiều. Hắn ngồi nghỉ tại quán nước đầu làng, ý định hỏi thăm vào nhà Gã kia trước để nắm tình hình cụ thể rồi mới ra xã. Dù sao Hắn nghĩ Gã kia cũng là đồng đội cũ, nếu ra xã làm việc ngay sẽ căng thẳng, làm khó cho Gã và gia đình!

     Ngồi quán nước, chưa kịp uống xong chén nước, Hắn nghe tiếng loa, tiếng nhạc pha lẫn tiếng nói từ xa vọng tới. Hắn hỏi bà cụ bán nước thì biết được tiếng loa đài phát ra từ đám cưới một chú bộ đội về phép, tổ chức cưới "chạy tang".

     Bà cụ kể:

      - Bố chú rể hai tuần nay đang khỏe như vâm, tự nhiên lăn đùng ra ốm, nằm liệt giường, chẳng chịu ăn uống gì, chỉ còn da bọc xương, mặt xanh như tàu lá, chắc sẽ ra đi nay mai thôi. Gia đình thấy thế vội điện cho con trai đang đi bộ đội về cưới vợ. Chứ nếu chẳng may ông ấy chết, theo tục lệ phải mấy năm sau cậu ta mới cưới vợ đươc.

     Hắn lại nghe bà cụ nói:

     - Chú rể lại là con trai cả, gia đình cũng lo lắng vì anh ta đang trong quân ngũ, nơi hòn tên, mũi đạn, chẳng biết thế nào!

    - Lần này anh ấy được đơn vị linh động cho về cưới vợ, hay là anh ta lại bỏ trốn về, mọi người cũng cứ bán tín, bán nghi thế thôi!

      Hắn hỏi bà cụ tên chú rể, thì nghe bà cụ nói, Hắn bán tín, bán nghi, bà cụ nhớ không rõ, nói tên lá lá giống tên Gã. Nhưng hoàn cảnh thì giống như Gã đã trình bày khi xin về, vì có điện bố ốm nặng.

     Tình thế bất ngờ với Hắn. Hắn tức tốc hỏi thăm đường vào đám cưới xem có phải chính là Gã ta không!?

     Hắn bước vào đám cưới, nhìn trên phông thấy tên chú rể đúng là Gã rồi. Hắn nghĩ bụng, tay này chắc bố ốm nặng nên bị ép cưới "chạy tang", chắc Gã cũng bị bất ngờ như Hắn. Gã bị ép buộc phải ở nhà thêm mấy hôm để cưới vợ thôi, chứ Gã không dám bỏ ngũ đâu. Hắn thở phào nhẹ nhõm, sửa lại trang phục quân đội đàng hoàng, Hắn hiên ngang bước vào đám cưới khi hai họ đang vui vẻ chuẩn bị ăn uống, trò chuyện mừng cho đôi trẻ.

     Khi thấy Hắn, người lạ, lại là bộ đội đến, cả đám cưới có vẻ ngạc nhiên. Còn người nhà Gã từ kinh ngạc đến hoảng hốt, vì biết rằng Gã đã chậm phép, nên đơn vị cử người về xích cổ lôi đi ngay!

     Rầy rà to rồi, chú rể đang trong đám cưới mà bị bắt đi thì nhục lắm!

     Gã đang ở trong buồng với cô vợ mới cưới, nghe thấy có bộ đội đến nhà cũng vội vã bước ra. Nhìn thấy Gã, Hắn chẳng nói gì mà tiến đến giơ tay ra bắt và thì thầm vào tai Gã, cố để không muốn mọi người nghe thấy điều gì:

      - Anh to gan thật, sao chưa lên đơn vị, người ta nghĩ là anh bỏ trốn, cử tôi và anh Tú về bắt anh đây!

     - Có công lệnh hẳn hoi đấy!

     - Không đùa đâu!

    Gã cũng thì thầm vào tai Hắn, Gã kể lại sự tình cụ thể về việc bất đắc dĩ phải làm đám cưới "chạy tang", chứ có phải Gã trốn không lên đơn vị nữa đâu. Gã không biết làm thế nào, không dám gọi điện lên đơn vị, đánh liều ở nán thêm mấy ngày, chịu kỷ luật thôi!

     Thằng bạn tôi nghe thế cũng thông cảm với Gã và gia đình. Hắn chỉnh lại quân phục, cầm micro dõng dạc phát biểu ý kiến trước đám cưới là Hắn thay mặt anh em, chiến sỹ trong đơn vị Gã đang tại ngũ về thăm gia đình và dự, mừng đám cưới hai bạn trẻ.

     Sau khi Hắn ngừng lời, không khí đám cưới từ trầm lắng trở lên náo nhiệt, vui vẻ khác hẳn trước đó!

    Mọi người cùng ăn uống, chúc tụng nhau.

    Hắn là đại diện đơn vị về dự đám cưới nên rất được trân trọng. Hắn được mời lên mâm trên, đươc ngồi cùng với các ông, các cụ có vai vế trong họ nhà Gã!

    - Hắn không ngờ, khi ở nhà Hắn chỉ được coi là thằng cu con, thấp bé, nhẹ cân, chỉ bị sai vặt, có cỗ chỉ ngồi mâm dưới, mà hôm đó Hắn lại được trịnh trọng mời lên ngồi mâm trên như là khách quý!!! - Hắn vênh mặt kể vói tôi giọng đầy tự hào!

     Lại nói về Gã kia và đám cưới "chạy tang".

     Ông bố Gã kia muốn con trai cưới vợ, phần vì Gã là con trai cả, phần vì nghe thông tin chiến sự liên tục trên Đài tiếng nói Việt Nam, lo cho thằng con trong quân ngũ, nơi mũi tên, hòn đạn. Ông và gia đình đã nhắm cho Gã một cô bé ở làng bên, vừa học xong cấp 3, mới bước vào trung cấp mầm non được mấy tháng. Gã và cô ta muốn sau khi cô ta tốt nghiệp mới làm đám cưới cho phải đạo. Gia đình hai bên thì muốn giục cưới ngay cho yên bề gia thất, tránh chuyện không hay, thanh niên kẻ ra, người vào nhà con gái chưa chồng!

      Chẳng biết họ có bàn nhau gì không, ông bố Gã lăn đùng ra ốm nặng cũng có nguyên do. Khi Gã cưới vợ thì ông ta lại húp cháo, ăn cơm và lại khỏe ra. Chẳng biết ông bố Gã khi đó có uống thứ thuốc tiên gì không, mà ông cụ ốm liệt giường, lại hồi phục nhanh đến như vậy!?

     Cũng do điều kiện, hoàn cảnh, phong tục. Dù sao chúng ta cũng thông cảm cho họ!

    Suy nghĩ của những người chân chất, nhà quê mà!

    Hắn ăn uống xong một lúc thì bảo Gã cho mượn xe đạp, chỉ đường cho Hắn sang nhà anh Tú (anh cán bộ cấp úy được cử về bắt Gã cùng với Hắn). Cũng may trên đường về anh Tú đã nói địa chỉ nhà, vả lại cũng cùng trong một huyện với Gã, nên nhiều người trong gia đình Gã biết nơi ở nhà anh Tú.

    Hắn sang đến nhà anh Tú đã hơn Tám giờ tối (20 giờ). Vợ chồng anh Tú đã chuẩn bị đi ngủ. Hắn gọi cổng vợ anh Tú ra mở cửa, mở cổng mời Hắn vào nhà. Vợ chồng anh Tú phấn khởi khi nghe Hắn kể chuyện bắt gặp đám cưới "chạy tang" của Gã. Gần hai tiếng sau Hắn với vợ chồng anh Tú mới sắp xếp đi ngủ. Hắn ngủ phòng ngoài. Vợ chồng anh Tú ngủ trong buồng bên trái, còn mẹ đẻ anh Tú và cô con gái ngủ ở buồng bên phải.

     Hôm sau Hắn ở nhà anh Tú, đến chiều sang nhà Gã cơm nước xong, hẹn nhau đến sáng hôm sau cả ba cùng ra bắt xe trở về đơn vị.

    Về đến đơn vị Hắn và anh Tú trình bày, nói giúp Gã về chuyện đám cưới "chạy tang", nên cán bộ trong đơn vị cũng thông cảm, không xử lý kỷ luật, mà chỉ nhắc nhở rút kinh nghiệm sau khi đã chúc mừng Gã đã cưới được vợ!

     Mấy ngày sau Hắn được chuyển về tuyên huân Trung đoàn, chắc là Hắn viết chữ đẹp, văn hay, chữ tốt!

    Gã và anh Tú vẫn dưới đơn vị.

Tình hình biên giới phía Bắc ngày càng căng thẳng. Chiến sự đã nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào ngày 17/02/1979 thật là khốc liệt. Đặng Tiểu Bình đã xua hơn 6 vạn quân lính tràn qua khắp 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Bọn xâm lược dã man, tàn ác thực hiện chính sách "ĐỐT SẠCH, GIẾT SẠCH, PHÁ SẠCH" đã gây ra bao nhiêu đau thương, tang tóc cho đồng bào và chiến sỹ ta.

    Đơn vị của Hắn trước tình hình đó cũng phải tham gia trực tiếp chiến đấu cùng nhân dân bảo vệ từng tấc đất của Tổ tiên, chống lại bọn xâm lược phương Bắc.

    Trong trận chiến đấu ấy, Gã và anh Tú đã anh dũng chiến đấu, kiên cường bám trụ, thực hiện phương châm "một tấc không đi, một ly không rời". Họ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến ác liết với kẻ thù man rợ, để lại ờ hậu phương bố mẹ già yếu, vợ dại, con thơ!

    Nhưng Trời không lấy đi của ai tất cả. Gã về cưới vợ "chạy tang", anh Tú, cán bộ cấp úy với nhiệm vụ về bắt Gã, tranh thủ tạt qua nhà, cả hai đều có con dịp ấy. Anh Tú có cô con gái xinh xắn, còn Gã có cậu con trai khỏe mạnh, cường tráng!

    Sau vụ ấy hai gia đình kết thân, gắn bó với nhau. Hai đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của hai người vợ lính, có chồng đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Chúng hợp nhau, chúng đến với nhau tạo nên một gia đình mới.

    Vợ chồng chúng sống hòa thuận. Hai đứa con một, trai, một gái đang trưởng thành, tiếp bước cha ông, chúng nó tiếp tục công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Hắn (thằng bạn tôi) kể câu chuyện khi Hắn không chuyển ngành, hắn rời khỏi quân ngũ về nghỉ, cũng gần chục năm rồi. Nay nhân kỷ niệm 43 năm ngày mất của những người lính trên Mặt trận Biên giới phía Bắc, tôi mới ghi lại.

     Một câu chuyện về hai cuộc đời, trong hàng triệu cuộc đời người lính!

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện của người lính" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn