Chuyển đổi công nghệ và kết nối đang là thách thức với khoa học xã hội

Ông Phinith Chanthalangsy – Trưởng Ban Khoa học Xã hội của Văn phòng UNESCO Đông Nam Á đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Xây dựng tầm nhìn và chiến lược trong khoa học xã hội dưới góc nhìn của UNESCO” tổ chức ngày 28/11/2023.
vt-unesco2-1701205991.JPG
 

 

Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm giúp các chuyên gia khoa học xã hội nhận thức rõ ràng những thực tế đòi hỏi về sự thay đổi cần có của khoa học xã hội trong thời đại mới.

Phát biểu khai mạc, TS Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - cho biết, sự phát triển của khoa học công nghệ mà đặc biệt là Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động mạnh mẽ đến thực tiễn cuộc sống và điều đó đòi hỏi các ngành khoa học xã hội phải có những nghiên cứu để không chỉ thay đổi chính mình, mà còn phải đưa ra được những sản phẩm hữu ích cho các đối tượng có nhu cầu.

Ông Phinith Chanthalangsy – Trưởng ban Khoa học Xã hội của Văn phòng UNESCO Đông Nam Á - khẳng định, sự chuyển đổi công nghệ và kết nối đang là thách thức với khoa học xã hội ngay cả tại Việt Nam. Sự ra đời và phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI) đang là một thực tế có nhiều mặt trái với xã hội bên cạnh các vấn nạn về tội phạm điện tử…. Đây chính là điều khiến chúng ta phải có những nghiên cứu để đưa ra những chuẩn mực đạo đức trong việc ứng dụng AI.

Sau đó, bà Christian Kavazanjian – chuyên viên Văn phòng UNESCO châu Âu - đã giới thiệu về phương pháp của UNESCO trong việc xây dựng chiến lược. Theo đó, quá khứ chỉ có một nhưng tương lai sẽ có rất nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, để làm được việc đó thì phải có những dữ kiện đầy đủ của hiện tại cùng những mục tiêu rõ ràng cho tương lai. Cũng cần có cách thức tiếp cận mang tính hệ thống dựa trên năng lực sẵn có và phải có những công cụ sử dụng AI để xử lý dữ liệu.

Trình bày tổng quan về các chương trình hành động của khoa học xã hội và nhân văn, GS. TS. Đặng Nguyên Anh – nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - cho biết, có rất nhiều điều cần phải nghiên cứu và có sản phẩm cụ thể, để đưa vào cuộc sống, xung quanh việc ứng dụng AI tại Việt Nam, bên cạnh nhiều vấn đề khác của CMCN 4.0. Việc đưa kiến thức triết học đến đối tượng trẻ em cũng cần phải đặt ra.

Bà Trần Thị Thanh Hương – chuyên gia tư vấn của Văn phòng UNESCO Việt Nam - cũng cho rằng trong thời đại mới thì các phương pháp giáo dục nói chung cần phải thay đổi rất nhiều. Sự thay đổi này không chỉ với giáo dục đại học mà phải đặt ra với cả giáo dục phổ thông.

Cảm ơn các đại biểu đã đến tham dự hội thảo, ông Jonathan Backer – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam - cho biết: UNESCO sẽ tích cực đồng hành cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội tại Việt Nam trong những nghiên cứu chính thức về khoa học xã hội trong thời đại CMCN 4.0. Chắc chắn, có rất nhiều việc phải làm và tôi rất tin tưởng vào sự nhiệt tình của các chuyên gia Việt Nam.