Chuyện đời Hường "ca ve"

Cư dân ở cái ấp này. Có người cả đời không bước chân khỏi ruộng lúa, chẳng ai biết, họ cũng chẳng quan tâm: có một thời, chị là gái làm tiền, còn gọi là cave, người vùng quê "thô" hơn, gọi là làm đĩ.
chuyen-doi-1657785712.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp   

 

Chị lui cui dọn dẹp đống bát đĩa còn ngổn ngang, trong cái quán lá lụp xụp trước nhà. Từ ngày có cây cầu bắc ngang con kênh trước nhà chị, mở con đường đi thẳng lên chợ huyện, ngã tư bốn ấp nhộn nhịp hẳn lên, có vẻ buôn bán được. Chị mở quán hủ tiếu bình dân, thu nhập chẳng là bao, nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày. Chị còn thằng Hưng, con trai chị, năm nay học đại học năm thứ hai, trường Kinh tế.
Mọi bữa phải mười một giờ chị mới dẹp, nhưng hôm nay chị dẹp sớm, còn lên bưu điện xã gửi tiền cho Hưng. Ở cái xứ "khỉ ho cò gáy" này, người ta ăn sáng đến tận mười giờ, thành ra chị bận cả ngày.
Năm nay chị bốn mươi chín, cái tuổi này ở quê người ta có cháu nội ngoại cả bầy. Nhìn chị vẫn còn trẻ lắm, mấy lão khách đa tình ghé quán chị lả lơi bông đùa, chị chỉ im lặng. Chị quá quen với cảnh này, từ khi làm công nhân trên Sài Gòn. 
Ba chị mất năm chị mười sáu tuổi, bà mẹ thì đau bệnh liên miên, thằng Hưng con chị, ở với bà từ khi ba tuổi. Chị làm trên Sài Gòn gửi tiền về, hai bà cháu ở nhà nuôi nhau, thằng Hưng ngoan ngoãn, học giỏi. Đến năm nó học lớp mười thì bà ngoại yếu, chỉ nằm một chỗ. Chị bỏ hẳn công việc ở trển, về quê, mẹ con bà cháu quấn quýt bên nhau. Năm ngoái nó vào Đại học, điểm đỗ khá cao. Chị hãnh diện biết chừng nào, bởi ở cái xóm nhà lá này, có mấy đứa được học cao như con chị.
Thằng nhỏ ngoan, nó nói với chị: má lo cho con ít thôi, con sẽ tự lo liệu, nhưng chị chẳng an tâm. Bởi chị biết rất rõ cuộc sống chốn Sài thành.
Có nhiều đêm giật mình trở giấc, chị tủi buồn cho số phận. Nhưng nghĩ đến con, chị gạt dòng nước mắt. Thằng Hưng, con chị dứt khoát nó phải có cuộc sống khác hơn. Nó là niềm động lực duy nhất để chị vượt qua nỗi buồn.
   ......
Chị là kết quả mối tình của ba, với mẹ chị là người phụ nữ kém may mắn. Ba chị đã lớn tuổi khi có chị. Ông có người vợ trước và bốn người con. Gia đình ông tan đàn xẻ nghé, vì tranh giành đất đai. Những ngày lang thang khắp các vùng quê với đủ thứ nghề, ông đã gặp mẹ Hường.
   Năm Hường mười sáu tuổi thì ông mất, hàng xóm đưa ông về với đất. Mà vợ con ông không đến thắp một nén nhang.
   Lúc ấy, Hường đã là một cô gái, hai má nàng ửng đỏ, đôi mắt nàng to tròn như biết nói. Làn tóc nàng đen óng ả, phủ hết tấm lưng thon. Cặp nhũ hồng non tơ lấp ló sau làn vải của tấm áo bà ba, đặc trưng của những cô gái miền Tây Nam Bộ. Đám trai quê vẫn thường bình phẩm cặp nhũ hoa của nàng, nó không quá "lực lưỡng" cũng không quá khiêm tốn, chỉ vừa đủ cho những cặp mắt phải khát khao thèm muốn.
   Phải nói là Hường khá xinh. Hường đã rất nhiều lần phải lẩn tránh những ánh mắt lén nhìn theo của đám trai quê. 
   Những năm ấy, "phong trào" lấy chồng Đài Loan qua môi giới nở rộ, len lỏi khắp các vùng quê, cũng có lần nó gõ cửa nhà Hường. Thân phận mẹ một con côi, Hường nhìn mẹ mà lòng nhói đau, mẹ Hường sẽ ra sao khi không có Hường ở bên? Đó là câu hỏi quá sức với cái tuổi của Hường.
   Cha Hường mất rồi, người trụ cột không có để làm nơi nương tựa, Hường gồng mình gánh vác cả những công việc ngày trước khi có ba Hường. Gần nhà Hường là lão Hai Đảnh, thỉnh thoảng lão vẫn ghé nhà, khi thì vần cái lu nước, lúc thì dựng lại cái cánh cửa bị xộc xệch. Nhưng chính gã lại quyết định số phận Hường sau này. Vất vả là vậy, nhưng nét đẹp thì con gái của Hường không vì vậy mà kém đi, đôi chân thon dài giấu sau cái ống quần mà chưa bao giờ săn qua đầu gối, vẫn lọt qua ánh mắt của Hai Đảnh.
   Hường còn nhớ rõ vào cái buổi chập choạng chiều năm ấy. Sau một ngày cực nhọc ngoài ruộng, Hường trở về nhà tắm giặt, khi những gáo nước phèn chưa luồn hết qua khe cổ trắng nõn của Hường. Chợt linh tính mách bảo, Hường thấy nhột ở sau lưng, vừa ngoảnh lại thì Hai Đảnh xô cánh cửa nhà tắm khép hờ, bàn tay hộ pháp của gã đã bịt chặt miệng nàng. Hường chỉ ú ớ, tiếng kêu của nàng lọt thỏm vào hoang vắng, xen lẫn tiếng côn trùng cũng vừa rỉ rả. Mẹ nàng vốn ốm yếu, nằm trong nhà cũng chẳng kịp biết chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi thấy Hường trần truồng, chạy vô, trên tay nàng cầm con dao. Bấy giờ thì mẹ Hường mới hiểu.
   Hai Đảnh nằm đè ngửa, một tay bịt chặt miệng nàng, bàn tay còn lại, gã lùng sục khắp cơ thể lõa lồ của Hường, đôi bàn tay yếu ớt của Hường chẳng thể nào làm gì được với sức lực điền. Tới khi Hường đờ ra, tưởng chừng như an bài, gã thả lỏng tay, kéo tụt cái quần xuống để kết thúc cho việc làm đồi bại. Chợt Hường vùng dậy với chút bình sinh còn lại theo bản năng, Hường dùng hết sức túm vào bộ hạ của gã mà bóp. Gã bật ngửa ra rồi rú lên như một con heo bị chọc tiết. Hường chạy vô bếp thủ luôn con dao thường ngày dùng thái chuối. Hai Đảnh loạng choạng bỏ đi mất dạng.
   Cả đêm hôm ấy, mẹ con Hường không tài nào chợp mắt, Hường ngồi bên cạnh mẹ, tay vẫn cầm lăm lăm con dao. Nàng không khóc, bởi nàng biết rằng: nếu nàng khóc, mẹ nàng cũng không còn nước mắt.
   Ba ngày sau cái buổi tối định mệnh ấy. Hường gửi mẹ cho người bà con xa ở cuối ấp. Nàng đóng cửa nhà, khăn gói đi lên Sài gòn.
   Nàng rời khỏi xóm lúc còn tối đêm, khi ra tới đường cái lớn chờ chuyến xe đò lục tỉnh, thì trời vừa rạng sáng. Nhìn qua ô cửa xe, những đám ruộng dài chạy dọc theo bờ kênh xa tít tắp. Hường để lại mẹ và quê nhà, bước vào chuyến phiêu lưu dài nhất trong đời mình.
    ......
   Chuyến xe đò ọc ạch chở Hường đến thành phố cũng đã quá trưa. Ngồi trên xe, Hường cố giấu những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Những lần đi xa của Hường, là những lần đi cùng mẹ khám bệnh trên bệnh viện Huyện, chỉ vậy thôi cũng đủ cho Hường thấy cái nhộn nhịp của phố xá, nó khác hẳn với cái chốn nàng sinh ra, là cánh đồng lúa xanh với những túp lều tranh miền thôn dã.
   Lần đầu tiên Hường xa mẹ, bước chân đi vô định, Hường sẽ đến một nơi không có người thân thích, lại mỏng manh phận liễu yếu đào tơ. Trong suy nghĩ của Hường: Sài Gòn có lẽ chỉ nhỉnh hơn cái phố Huyện. Mục đích duy nhất của Hường là muốn kiếm một công việc gì đấy ở chốn thị thành.
   Bước chân xuống bến xe, nàng đã là mục tiêu săn đuổi của đám xe ôm và cò mồi. Mặc dù cố làm ra vẻ tỉnh, nhưng làm sao thoát khỏi cái nét đặc trưng của chốn quê mùa. Đám cò mồi xúm lại chèo kéo. 
   Hường cố vùng thoát ra, bước vào quán cơm bình dân dựng sát bên hàng rào. Hường chỉ kịp gọi một đĩa cơm, trong khi miệng vẫn còn đắng chát.
   Đêm đầu tiên xa mẹ, nằm trong cái phòng trọ dựng tạm bên hàng rào cổng bến xe, cái hầm hập phả xuống từ mái tôn thấp lè tè, khen khét từ mùi than tổ ong, mùi nồng nồng đặc trưng của thức ăn quán cơm bình dân, cũng của bà chủ khu trọ, mà giá ngủ một đêm đã ngốn hết cả ngày công nàng phát cỏ thuê dưới quê. Hường không tài nào chợp mắt nổi, tiếng ồn ào của còi xe gần như suốt đêm, khác hẳn với những tưởng tượng của nàng.
   Phải đến gần một tuần, Hường nằm bẹp trong cái phòng trọ chật chội ấy, chỉ khi đói bụng, nàng mới ra quán ăn. Khi những đồng bạc còm mang theo sắp cạn, Hường mạnh dạn hỏi bà chủ quán. Thật may mắn, bà chủ quán cũng đang cần người dọn dẹp, bà bằng tuổi mẹ Hường, có lẽ cũng là người tỉnh lẻ, bà có thâm niên ngót bốn mươi năm bán cơm ở cái bến xe này. Không hồ hởi đón nhận, không xởi lởi như tính cách những người sống ở quê. Mặc kệ, miễn là Hường có một việc gì đấy có thể kiếm được những bữa cơm.
   Đám cò mồi ở bến xe ghé quán bà thường xuyên hơn, bà cảnh báo với Hường, bởi với bà: đám cò mồi này bà thuộc từng chân tơ kẽ tóc. Có những gã nói đề nghị thẳng với Hường: đi theo anh, em sẽ có trong tay một cây vàng.
   "Đi theo anh", Hường được bà chủ quán cảnh báo, nên Hường biết rất rõ: đi theo anh, nàng sẽ biết phải làm gì, trong khi một cây vàng là cả gia sản của mẹ nàng dưới quê.
   Tháng ngày buồn tủi cũng qua mau, Hường phần nào thích nghi với lối sống thị thành. Những đồng tiền công ít ỏi cũng đủ giúp nàng mua sắm vài bộ cánh. Nhưng ông Trời đã lấy đi của nàng quá nhiều, bất hạnh luôn rình rập, lúc nào cũng chực đổ xuống đầu cô gái mồ côi.
   Trong khi nàng muốn quen với cuộc sống mới, thì nhận được tin mẹ bệnh nặng. Hường lật đật trở về bệnh viện Tỉnh, nơi mẹ nàng được bà con đưa đi cấp cứu. Mẹ đã qua cơn nguy kịch, nhưng khối u quái ác phải cần một số tiền lớn để mổ. Thật ngoài sức chịu đựng của nàng, số tiền có thế bằng cả nửa gia tài mà mẹ nàng dành dụm. Những ngày nằm ở bệnh viện Tỉnh là những ngày dài lê thê, tưởng chừng như vô tận.
   Trong cơn bí bách, điều đầu tiên nàng nghĩ đến là lời đề nghị của gã cò mồi ở bến xe, mà ngày nào nàng cũng gặp mặt, "đi với anh" là câu nói mà gã nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi chạm mặt. 
   Mấy đêm trời nằm ôm gối, nàng trằn trọc, mẹ nàng hiểu cả, nhưng không biết được những gì suy tính trong đầu nàng. Hường trở lại thành phố, chủ động gật đầu.
   .........
   Vậy là lần đầu tiên ấy, Hường lên giường với một lão "xì thẩu" người ba Tàu trong cái khách sạn bên quận Tám, lão gần bằng tuổi mẹ nàng, hai mắt lão him híp như không mở ra được, cùng với cái bụng không nhìn thấy lỗ rốn. Chỉ có cái ví tiền lúc nào cũng dày cộp. Lão chiều chuộng nàng hết mức, nàng lặng im cho lão hành sự, đôi mắt nàng nhắm lại để khỏi đối diện với mặt hắn, đôi bàn tay lão ve vuốt khắp người nàng, nhẹ nhàng, rón rén. Nhưng nàng vẫn liên tưởng đến bàn tay thô ráp của Hai Đảnh, gã lực điền lúc trước định hại đời nàng.
   Nàng mở nhẹ hai hàm răng, thả lỏng mình và ...buông xuôi tất cả. Cái cảm giác nhục nhã ê chề chiếm trọn tâm trí nàng, nhưng nghĩ đến số tiền nhận được khi mang về đóng viện phí cho mẹ, nàng gắng gượng hòa vào cảm xúc của một kẻ thèm khát hoang dâm.
   Một thời gian sau đó, Hường vẫn còn ở với lão xì thẩu, lão thuê một căn hộ cũ ở chung cư, rồi lui tới mỗi khi cơn khát dục vọng trở mình. Hường cầm nắm bạc từ tay gã cò mồi, nàng biết rằng, đó chỉ là một phần ba số tiền mà lão xì thẩu phải chi ra. Cay đắng ngậm ngùi, nhưng chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ đưa mẹ Hường trở lại với đời.
   Hường "ca ve", đó là cái tên ghép của những người dân sống trong khu chung cư, ở đường Lê Lai, thuộc quận Nhất trung tâm Sài gòn vẫn gọi nàng như vậy. Trong mắt họ, nàng chỉ là cô gái "bán trôn nuôi miệng".
    .....
   Hường trờ thành "phòng nhì" của lão xì thẩu người ba Tàu khoảng nửa năm. Nàng không còn ngại ngùng khi bắt gặp ánh mắt, và những lời dè bỉu của mọi người xung quanh nữa. Lão thường đến dắt Hường đi ăn tại những nhà hàng sang trọng trong thành phố, nàng có cơ hội nhìn những thừa bứa mà ngày còn ở quê, với nàng là vô cùng xa xỉ.
   Đến khi khai thác hết cái "chất quê" của nàng, lão bỏ rơi nàng như một món đồ đã hết hạn sử dụng. Có lẽ lão lại đang nâng niu một "con mồi" khác cho xứng tầm với cái túi tiền lúc nào cũng dày cộp của lão. Hường trở nên bơ vơ, cái căn hộ khu chung cư người ta lấy lại.
   Nàng lang thang khắp các quan Bar, karaoke, nhanh chóng say ngay với những bản nhạc giật, quen với ánh đèn chớp lòe nơi vũ trường, lao vào những cuộc thác loạn qua đêm với những người xa lạ, quán trọ bình dân là nơi nàng tìm đến chỉ dành cho việc ...ngủ.
   Nàng làm quen với những ly rượu mạnh, khói thuốc lá dày đặc như bếp rơm, xông vào như một con thiêu thân, chỉ để quên đi những buồn tủi cuộc đời. Cặp vú to tròn ngày nào bầm dập những vết xước, dấu tích của những bạn tình trong trạng thái đê mê, mà phần người đã mất đi quá nửa. Nó lồ lộ khoe ra cái khe mà ngày xưa những đứa trai quê khát khao thèm muốn. Đôi chân thon dài không còn phải giấu trong bộ quần áo quê mùa nữa, mà nàng trưng ra theo độ ngắn của "mini ruyp"
   Hường quên mình trong những cuộc thác loạn thâu đêm, những cái nháy mắt điệu nghệ, cả những cách làm cho những kẻ ham muốn nhất phải phục tùng. Nàng sử dụng nhuần nhuyễn mà không cần e thẹn.
   Có những lúc nàng như quên hẳn cái tên Hường, mà mẹ nàng đã đặt trong giấy khai sinh. Có thể là Mai, Hồng, Trúc ...hay bất cứ một cái tên nào hiện ra trong đầu nàng trước mỗi cuộc mặc cả mua bán. Duy chỉ có một người Hường nhớ đến, đó là mẹ, người đã mang Hường đến với cõi đời này.
   Khác với những "ả cave" có xuất thân khác, họ có thể ném hết những đồng tiền kiếm được từ thân xác vào những cuộc vui. Hường ky cóp để dành tiền về nuôi mẹ. Trong con mắt của mẹ Hường, nàng là cô gái ngoan, đang làm công nhân trên Sài Gòn, bởi mỗi lần về quê, nàng vẫn bận nguyên bộ đồ bà ba mà nàng ủ kín trong rương, cùng những xách quà nho nhỏ, nàng mua lại của một chị công nhân nào đó.
   Hai mươi chín tuổi, nàng đã trở thành "gái dạt", tuổi chưa phải là già, nhưng những quán bar, karaoke không còn chỗ đứng cho nàng nữa, nhường chỗ cho những cô gái mười chín, hai mươi, trẻ và đầy sức sống hơn nàng. Chốn nàng lưu trú là khu nhà trọ ọp ẹp, tồi tàn ở một con phố ngoại ô. Nàng không có thời gian nghĩ đến mình nữa, không biết đến cả cái thay đổi trong cơ thể mình.
   Mà chỉ đến một hôm ...
   Đúng rồi! Hôm ấy nàng thấy trong người mệt mỏi hơn thường khi, và theo cô bạn cùng phòng nói nhỏ, nàng đến khám tại bệnh viện Từ Dũ, thì biết được rằng: một mầm sống đã hình thành trong cơ thể nàng đã được mười hai tuần tuổi. Hường không nhớ nổi nó xảy ra lúc nào, Hường chỉ biết rằng, có nhiều lúc nàng để cho khách hành sự ngay cả trong cơn men, mà quên "bảo vệ".
   Hường bất chợt nghĩ ngay đến mẹ. Mẹ sinh ra nàng trong một cơ thể ốm o, yếu bệnh. Mặc cho người bạn cùng phòng khuyên can. Hường vẫn một mình quyết định giữ lại cái thai, mà không hề biết tác giả. Hường cuốn gói rời xa người bạn cùng phòng, đến một khu trọ dành cho công nhân, ở khu công nghiệp phía tây thành phố. 
   Thằng bé Hưng ra đời trong khu nhà trọ ấy, tiếng bi bô của trẻ cũng làm cho khu trọ của các nữ công nhân vui hơn, sau những giờ làm nặng nhọc. Hường đã nói dối mọi người để che giấu phận mình. Nàng nói rằng: nàng đã bị bỏ rơi bởi một anh người yêu Sở Khanh, cũng là để nhận lấy sự chở che dùm bọc. Trong cuộc đời, có những lần nói dối, nếu không làm chết ai, thì cũng cần phải nói.
   Khi thằng Hưng được ba tuổi thì Hường đem thằng bé về cho mẹ. Mẹ Hường chỉ biết nhìn, cũng không hỏi Hường vì sao, bởi bà cũng thấy đắng cay cả cho phận mình. Hường trở lại thành phố, xin vào làm công nhân. Giã biệt tất cả những gì sau lưng đã trở thành quá khứ. Chỉ đến khi thằng Hưng vào lớp mười, mẹ lại bệnh nặng, Hường mới quyết định quay về xóm nghèo, nơi Hường đã sinh ra. Và như là định mệnh, Hai Đảnh, gã đàn ông cùng xóm ngày xưa, trong một chầu nhậu say không biết trời đất, ngã xuống con mương trước cửa nhà Hường, và mãi mãi không trở dậy được.
&&&&&
   Hường đóng sập cái cửa quán bằng lá dừa nước, vào nhà dắt xe đi. Sau trận mưa đêm qua, như được gột rửa, bầu trời bỗng trở nên cao và xanh hơn.
   Mọi con đường cũng đều đi về bến đỗ, nhưng không phải con đường nào cũng trải đầy nhung lụa. Con đường mà Hường đi qua gập ghềnh đầy sỏi đá, mà có nhiều lúc nàng đã vấp chân.
   Hường nghĩ đến tương lai của thằng Hưng, Hường nghĩ đến một nàng dâu xinh xắn và những đứa trẻ bụ bẫm. Những đứa trẻ ấy phải được sinh ra, và phải được chính nàng tự tay chăm sóc yêu thương.

Chuyện làng quê