Chuyện gã cắt tóc thời COVID-19

Lamca

24/11/2022 01:06

Theo dõi trên

Quả thật, nghề cắt tóc của gã mới học được là nhàn tênh. Mỗi cái đầu múa may chỉ hơn chục phút, nếu có thêm khoản ngoáy tai nữa, mỗi khách cũng sẽ cho gã bốn đến dăm chục ngàn ngon ơ.

cat-toc-1669226725.jpg
 

Gã nằm dài trên xopha, hết tự tỉa lông mũi lại đến… ngoáy tai. Chẳng biết lông mũi và dáy tai ở đâu ra mà lắm thế cho gã… tỉa ngoáy suốt mấy ngày nay. Là gã cứ thỉnh thoảng phải làm phép vậy thôi, cho khách có nhìn vào để thấy tiệm cắt tóc của gã vẫn đang trong… hình thái hoạt động, như gã vẫn đang ung dung thư thái lắm, chứ không như vậy thì rất buồn. Chẳng lẽ cứ lại ngồi nhập tâm bất động như… alahan.

Mới sửa lại căn phòng ngoài làm tiệm cắt tóc tại gia, mụ béo, vợ gã  cứ ca cẩm “không khéo lại một tiền gà ba tiền thóc ông ạ”. Cũng khổ. tiền nhà thì không có, mụ đi chạy vạy chỗ cô dì và mấy người quen, gom góp cũng được ngót trăm triệu để đổ vào cái kế hoạch “làm lớn” vụ này của gã. Mụ vốn rất sợ đầu tư tiền bạc nhưng nghe gã phân tích cũng thủng tai, này nhé, chỉ cần mỗi ngày có 10 vị khách vào cắt tóc thôi là nhà đã có ít nhất 300 ngàn rồi, như vậy chẳng phải một tháng cũng kiếm được gần chục triệu sao. Có đi làm công nhân đủ ngày tám tiếng, bị chủ kềm kẹp đi sớm về muộn cũng chỉ được lương tháng dăm triệu chứ mấy.

Quả thật, nghề cắt tóc của gã mới học được là nhàn tênh. Mỗi cái đầu múa may chỉ hơn chục phút, nếu có thêm khoản ngoáy tai nữa, mỗi khách cũng sẽ cho gã bốn đến dăm chục ngàn ngon ơ.

Mọi việc tính toán có vẻ suôn. Gã, từ một anh lính trở về, không nghề nghiệp, chạy xe ba gác thuê cho chủ vựa hoa quả chợ đầu mối, da đen sì, khuôn mặt khắc khổ giờ ăn diện xơ vin sạch sẽ, đầu tóc dẫu có hói tít, còn vài sợi lơ thơ cũng phải chải dầu cho bóng láng. Thằng cháu dạy nghề cho gã nói, nghề này trông phải trí thức, ăn vận sạch sẽ và biết trò chuyện trên trời dưới bể hay còn gọi là“ ăn tục nói phét”, chém gió thia lia thì mới có nhìu khách quen. Còn mụ béo lườm nguýt “ Làm đĩ không đủ tiền phấn sáp”. Mặc, từ ngày quyết chí theo học nghề của thằng cháu trên phố lớn, gã đã tự nhủ phải thay đổi cách sống mà theo thằng cháu truyền nghề “ càng ra dáng nghệ sĩ càng… ăn tiền”.

Nhà ở con hẻm nhỏ, thôi thì bỏ qua cái khoản máy lạnh điều hòa, có cái quạt Senko là được. Gã chỉ sắm mấy cái gương lớn soi trước soi sau cho khách, hơn nữa, căn phòng trông có vẻ sáng sủa và rộng hẳn ra. Thêm phần trang trí một loạt các mẫu ảnh ca sĩ, tài tử diên viên tây ta với các kiểu tóc tân thời đủ mốt trông cũng ra tấm ra món. Đồ nghề, thằng cháu giúp cho cũng khá ổn. Còn tay nghề thì quả thực, gã còn non kém lắm. Tay gã cứng đơ do cầm “ vô lăng vuông” xe ba gác bao năm nên không được thuận. Nhưng, thứ mà gã ưng ý nhất lại là chiếc ghế xopha, ngồi và nằm đều rất thư thái và… êm ái. Chỉ riêng cái ghế xopha này thằng cháu mua cho cũng đã mấy chục triệu rồi. Đắt nhưng “xắt ra miếng”, thằng cháu nói, nhiều khi khách hàng chỉ vì khoái cái cảm giác được nằm trên ghế xopha này mà lần sau lại quay lại đấy. Gã gật gù ra vẻ hiểu ý.

Hôm khai trương, gã nhắn trước mấy thằng cháu đến cắt …miễn phí. Rồi cũng câu được ba bốn ông bạn già trong xóm. Gã lấy rẻ, mỗi ông ba mươi ngàn. Mụ béo rít: “ Ở tiệm ngoài phố giờ toàn bốn đến năm chục một đầu chưa ngoáy tai, đây ông vui chuyện, lại còn sướng thêm cả khoản ngoáy tai nữa mà chỉ lấy có ba chục. Như thế có mà… vỡ nợ à”, Gã thủng thẳng: “ Là tôi đang chiêu khách bà ơi, Mình vừa khai trương, tôi lại chưa thạo nghề lắm. Bà không thấy cái nhà ông Bốn tôi đã phải kín đáo lấy bông xe dịt lại lỗ tai cho ông ấy đấy à, máu chảy thấm hết vào bông. Cũng may không nhiều”. “Rõ khổ”, mụ béo trợn tròn mắt, “ ông ấy… có nói gì không?”. Gã giữ nụ cười khô khốc:” Không, tôi nói với ông ấy, do đồ mới, cái môi ngoáy nó còn bén quá, tôi sẽ đánh giáp lại”.

Như “ cờ bạc đãi tay mới”, mấy ngày sau ngày nào cũng có khách. Đặc biệt, nhà gã lại gần khu vực trường mầm non tư thục, các bà các cô đi qua biết, có nhu cầu cắt tóc cho con cháu đều phấn khởi không do dự bước vào. Bọn trẻ có vẻ như thích ngồi lên ghế xopha là chính. Gã cũng lấy rẻ vì đầu trẻ con dễ cắt hơn. Mấy ông già xóm chưa có nhu cầu cũng đến chơi cùng gã, báo chí gã chịu khó mua hàng ngày, gã cũng hay bắt chuyện thời cuộc, bóng bánh nên “ tiệm” cắt tóc của gã luôn vui vẻ. Lũ thanh niên như có vẻ chưa dám làm “ tình nguyện viên” cho gã… tập sự nên đi qua chỉ thoáng nhìn vào. Chúng lạ gì chứ, cái gã “ba gác” thì cắt kiếc gì, giao cái thủ cho gã khác nào đưa đầu vào rọ cho… đao phủ gọt. Tiền mất không khéo còn tật mang, lướt nhanh cho lành.

Làm giàu thì chưa thấy nhưng rủng rẻng tiền tiêu thì có. Ngày một đôi trăm cũng nhàn hạ, cứ đà này khách quen sẽ ngày càng nhiều, rồi tay nghề sẽ được nâng cao, lũ thanh niên sẽ đến với gã, chắc chắn rồi sẽ tiến đến mức thu nhập cao, đủ để tích lũy và trả nợ. Gã phân tích với mụ vợ.

Tính là vậy, quyết chí là vậy, ấy nhưng lại không bằng ông trời tính. Được hơn tháng công việc túc tắc, mụ vợ hôm rồi ôm về một túi to khẩu trang y tế. Gã hỏi, sao mua nhiều thế, mụ hổn hển:” ông không biết sao, chày vẩy bao lần xếp hàng mới mua được cần ấy đấy. Corona tấn công vào Việt Nam rồi. khách du lịch tây, người Việt đi tây về toàn mang virus thôi, ca thứ 61 rồi, còn nghi nhiễm linh tinh hàng trăm”. Đặt túi khẩu trang lên giá mụ xả tiếp như liên thanh:” Ông cắt tóc là tiếp xúc gần với khách hàng, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Ông ngày nào cũng phải đeo và thay một cái. Khách hàng vào chưa đeo, ông cũng phải phát cho họ một cái. Không chủ quan được đâu, mai tôi mua mấy bình cồn xịt sát khuẩn nữa. Họp phụ nữ rồi. Phải thực hiện lệnh của thủ tướng và chỉ dẫn phòng dịch của Bộ y tế”. Nói rồi, nhìn xéo gã mụ lẩm bẩm:” không khéo những ngày tới chẳng ma nào dám đi cắt tóc nữa ấy chứ”.

Nghe mụ vợ “lên lớp” một thôi một hồi, gã như đứng hình. Ôi, quả là nguy cơ căng thẳng đến vậy thật sao, gã suy nghĩ. Thảo nào, mấy hôm nay cứ thấy khách hàng ít dần. Hóa ra, họ tránh tiếp xúc nơi công cộng, nơi tập trung nhiều người mà tiệm cắt tóc của gã lại là nơi có nguy cơ đón nhận, tiếp xúc khách cao. Vậy là gia đình gã lại phải mang món nợ trăm triệu rồi. Biết tính sao đây, tiên sư con corona, mày hại ông quá!

-Ông không dậy đi, còn giãi thẻ ườn ra đấy nữa mà ngoáy tay với tỉa tót lông mũi à.

Mụ béo đã về. Khốn nạn, hôm nay lại chẳng có khách nào, cứ như tiệm bị ma ám vậy. Gã nghểnh đầu nhìn ra.

- Bà về rồi à, vắng khách, tôi đành phải “ tự sướng” thôi. Hihiii… - Gã cười giả lả.

- Chắc chắn là sẽ không có ai dám đi cắt tóc vào thời điểm này đâu ông ơi. Quận ta vừa thông báo có một ca Hàn về dương tính rồi. Giờ mọi nhà đang lo tích trữ lương thực thực phẩm để “ ngồi nhà là yêu nước” đấy. Ông có nằm đấy ngoáy đến thủng nhĩ tai, tỉa trụi lông mũi cũng không có một khách nào vào cho ông vít đầu với vặn cổ đâu - Mụ vợ cong môi quả quyết.

- Bà ác khẩu vừa vừa thôi - Gã chồm dậy - Phỉ thui cái mồm bà. Tôi không tin nóng bức thế này mà tóc tai để dài ngứa ngáy dân tình lại không chịu đi cắt tóc!

- Rồi ông xem - Mụ vợ đốp chat - Không đi cắt tóc cũng là yêu nước đấy. Liều liệu tính việc khác mà làm thôi.

- Bà học được cái lý luận ở đâu thế? - Gã trợn mắt lớn tiếng - Tôi không tin đàn ông và lũ trẻ con đất nước này tất cả đều không đi cắt tóc. Tôi không tin đất nước này mấy tháng nữa quyết không ai chịu đi cắt tóc để tất cả phải biến thành… thổ phỉ!

- Ha… ha… ha…!!!... - Nghe gã nói như hét, mụ vợ đã cố bấm bụng cười nhưng rồi cũng phải phun ra - Ông không tin nhưng tôi tin. Mạng sống con người bây giờ là quan trọng nhất! - Nói rồi, mụ lạch bạch mang túi đồ vào nhà trong.

Nhìn ra cửa, gã cố nén một tiếng thở dài. Ờ, mà không biết cái dịch quái quỉ này nó kéo dài đến bao giờ nhỉ. Nếu chỉ vài ba tháng, dân tình tóc dù có dài bợp tai, bợp gáy vẫn còn có thể chịu đựng được chứ dăm sáu tháng hay một năm thì… Uh… Gã mường tượng ra hình ảnh một đám người ngồi nhà tóc tai trùm hết mặt, chỉ thấy hai con mắt thao láo, chẳng phân biệt được đâu là đàn ông, đâu là đàn bà. Có mà như lũ vượn hết ah…?

Không! Không thể nào như thế được, thời đại 4.0 này mà có viễn cảnh như vậy sao? Tất cả mọi người sẽ vẫn phải đi cắt tóc. Gã quả quyết. Chẳng thể nào nhân loại lại tự mình bắt buộc mình trở về thời nguyên thủy đực cái trông lẫn lộn cả được. Họ sẽ vẫn phải đi cắt tóc thôi…

Nhưng… nhưng… Gã như thấy một nỗi lo sợ lang mang đến. Nếu như… nếu như mọi người ai cũng lại sợ dịch như mụ béo “quạ khoang” nhà gã nói thì sao nhỉ.

Và,.. gã chợt như chợt thấy xa xăm một hình nhân mặc bộ đồ trông giống phi hành gia trên tàu vũ trụ, khoác bình ô xy, đeo mặt nạ, mang hòm đồ nghề cắt tóc cùng chai sát khuẩn đến gõ cửa từng nhà… Như có tiếng reo hò“ cắt tóc muôn năm, chúng ta quyết không thể trở thành người nguyên thủy được”. Bất giác, gã mỉm cười.

 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện gã cắt tóc thời COVID-19" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn