Hồi ký chiến tranh: Chuyện giờ mới kể

Tôi từng đóng quân ở nhiều nơi, ở nhiều gia đình dân, ở đâu tôi cũng được gia đình chủ nhà quý mến và tôi cũng rất mến yêu gia đình chủ nhà. Nhưng trong bài viết này, tôi chỉ nói về một gia đình ở thôn Nông Trang, xã Xuân Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, bởi gia đình chủ nhà có nhiều ấn tượng rất tốt đối với tôi, mà suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên...
hoi-ky-1655900331.jpg
Hình CMQĐ chụp 1973 do tác giả cung cấp.

 

Chuyện là, sáng ngày 1/9/1972 tôi đang ở khu căn cứ Gia Long, chỉ huy khẩu đội bắn pháo vào địch quân ở trường Bồ Đề thị xã Quảng Trị, thì bất ngờ tôi bị thương, bởi hai quả đạn pháo tăng phía bên kia bắn lại. May mắn cho tôi đang đứng cửa hầm, nên tôi kịp thời bò vào trong lô cốt, nếu không thì trăm ngàn quả đạn pháo từ phía bên kia bắn tới có mà trời cứu nổi.

Tôi được anh y tá đơn vị sử lý băng bó vết thương kịp thời, nhưng mãi hai ngày sau đơn vị mới có người cáng tôi đi Quân y viện Trung Đoàn bên kia bờ Thạch Hãn, tới đây tôi mới được thay rửa vết thương và tiêm thuốc kháng sinh.

Rồi sau đó tôi được chuyển thương lên bệnh viện Quân y Sư đoàn, tại khu rừng có cái tên” Phượng Hoàng” thuộc huyện Triệu Phong. Tôi ở chung hầm với một anh bạn bị thương rất nặng, anh bạn ấy bị thương cụt hai tay và mù hai mắt. Cả đêm anh bạn đau đớn kêu la ầm ĩ tôi không sao ngủ nổi, mặc dù tôi cũng quá mệt nhoài vì đã mất nhiều máu. Hai ngày sau tôi được cáng lên ô tô chuyển ra bệnh viện ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Tại đây tôi được chăm sóc rất chu đáo, thuốc thang đầy đủ, ăn uống tươi hơn cả hồi đơn vị chuẩn bị đi chiến trường, đã vậy thì thoảng tôi còn được hai nữ TNXP rất trẻ, đưa lên Băng Ca khênh ra giếng tắm.

Tôi ở đây vừa đúng 10 ngày, vết thương đã ổn định, bệnh viện tiếp tục chuyển thương ra Bắc. Đoàn quân thương binh đi chậm như Rùa, nhưng ai nấy đều rất phấn khởi vì sắp được ra Bắc. Vì là thương binh, nên chúng tôi đi tự giác, không gò bó như cuộc hành quân theo đơn vị, đi nhanh hay đi chậm cũng được. Tới trạm muốn ở lại mấy ngày hay đi luôn cũng được, nhưng tâm lý anh nào cũng thích đi mau ra Bắc. Suốt dọc đường chuyển thương, mồ hôi nhễ nhại nhưng tôi cũng chỉ có một cái quần đùi và một cái áo rách tươm, nên tôi cũng chẳng có cách nào để mà tắm giặt. Cho mãi tới ngày ở trạm CT 43 Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, tôi mới được phát một bộ quần áo. Có quần áo đẹp để mặc, có dòng sông Kiến Giang để tắm, tự nhiên thấy mình sạch sẽ trẻ đẹp bất ngờ.

Tôi thì chẳng có cái tài sản nào, ngoài một bộ quần áo vừa mới phát. Nhưng mấy anh vẫn còn bộ quần áo cũ, các anh ấy đổi quần áo mới lấy gà, lấy vịt tôi vẫn được ăn ké mâm các anh. Anh bạn f 312 có cái võng bằng sợi dù Mỹ rất đẹp. Anh ấy kiếm sợi dây dù của một viên Phi Công bị pháo binh Sư đoàn anh bắn rơi ở Xưởng Thông Loong Chẹng. Bao công phu nâng lưu giữ gìn cẩn thận trong Ăng Gô. Bao thời gian bên Lào, rồi thời gian chiến trường Quảng Trị, nhưng đến đây thì anh ấy cũng phải đổi lấy một con chó để giết thịt. Con chó thui rơm vàng ươm thơm phức. Con chó được đem ra bờ sông Kiến Giang mổ thịt. Anh thì làm thịt, anh thì đi kiếm rau thơm, mỗi người một chân, một tay rất khẩn trương. Tôi không dám giết thịt chó, nhưng tôi đi kiếm rau thơm. Tôi kiếm khắp xóm mới được một nắm rau má, ngọn ớt, rau lang. Cũng có anh kiếm đươc rau húng, chắc là hái trộm nhà dân. Chỉ trong chớp nhoáng món nào, món ấy đã tinh tươm, giờ chỉ còn chờ cán bộ thổi còi là đi bê xoong cơm về nhậu.

Mấy ngày ở đây vui thật. Chị Thủy là Y sĩ, cũng là người phụ trách nhóm thương binh chúng tôi.” Gái một con trông mòn đôi mắt” Công nhận chị ấy có dáng người thanh thanh, nước da trắng hồng, đôi mắt me bay, giọng nói dịu dàng, hay đội nón trắng rất duyên dáng, đặt chuẩn: Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Chị Thủy rất thích tôi, cứ khen tôi đẹp trai nhất đám. Chị ấy còn nói vui” Làm em rể chị nhé!” Tôi thì mới 21 tuổi đời chưa hề biết gì mấy chuyện yêu đương, nên cứ hay xấu hổ đỏ mặt tía tai.

Ngày ấy tôi cũng ngố thật, tôi thường đến gian phòng riêng của chị Thủy trong dẫy lán trại, để bế đứa con 6 tháng tuổi giúp chị. Chồng chị cũng là Y Sĩ nhưng anh ấy còn đang ở sâu trong chiến trường. Nhiều lần tôi nhìn thấy chị Thủy vạch cái bầu Ti căng đầy sữa cho con bú rõ hết mười mồn một. Nhiều lần tôi nhìn thấy chị ấy bóp, bóp hai bầu Ti cho sữa vào bức vách rồi chị ấy mới ãm con từ trong tay tôi đang bế. Nhưng lạ thật, ngày ấy tôi không hề nghĩ tới cái bầu Ti của phụ nữ hấp dẫn như thế nào, nên tôi rất thờ ơ không hề quan tâm.

Rồi một ngày tôi có danh sách được ra Bắc. Đi khoảng hơn tiếng đồng hồ thì tới xã Hoa Thủy. Tôi ở nhà bà chủ ngay cổng sân kho HTX. Nhà bà chủ có 3 cây cam rất sai trái, nhưng còn xanh lắm, ấy vậy mà cô bé chủ nhà vẫn hái trộm mẹ thẹn thùng đưa cho tôi ăn. Ba hôm sau ô tô về đậu ở sân kho chờ đón chúng tôi ra Bắc, cô chủ nhỏ vẫn hái vội mấy trái cam dúi trong ba lô cho tôi đấy. Chẳng biết tôi có duyên thầm gì không? Mà xem ra cô bé rất thích tôi.

Chiếc ô tô Din 3 cầu của Trung Quốc bon bon trên khắp các nẻo đường quê hương Đại Tướng Võ Nguyễn Giáp, rồi nó vượt qua đèo Ngang sang Hà Tĩnh. Tới trạm Đức Vịnh tôi tranh thủ tới Đức Lạc thăm chơi nhà bạn! Hai ngày sau xe băng qua ngã ba Vọt, tôi dán mắt nhìn bảng hiệu chữ sơn vàng viết trên máng bom bi theo chiều mũi tên chỉ” Đường đi Linh Cảm” Chợt tôi nhớ về xóm nhỏ thôn Lạc Đoài gần bến đò Linh Cảm... Nơi đó tôi có người bạn gái rất xinh đẹp và hát rất hay. Tự nhiên mắt tôi buồn rười rượi... Tiếc quá sao không được gặp Nàng...

Bỗng xe dừng bánh, thương binh xuống hết đi bộ qua phà Bến Thủy.

Hình ảnh nhà máy nhiệt điện, bị máy bay Mỹ ném bom trơ trụi khung sắt đen sì gục bên núi Quyết vẫn còn đó... Hình ảnh nhà máy Diêm Bến Thủy, ngay bờ sông Lam thơ mộng cũng chung số phận giặc Mỹ ném bom vẫn còn đó... Hình ảnh đồng đội tôi ngày chiến thắng đường 9 nam Lào 1971, từng đóng quân bên bờ sông Lam cánh phà 500 mét lại hiện lên... Đại Đội tôi ngày ấy còn đông đủ, mà giờ đây ở cái chiến trường Quảng Trị 1972 quái ác này, nhiều anh không còn nữa...! Các anh vĩnh viễn tuổi 20 ở lại chiến trường! Cảnh cũ còn đây... Mà người xưa... Giờ đây đâu mất... Nước mắt tôi lã chã rơi xuống dòng sông Lam xuôi về nơi đóng quân ngày ấy...!

Chiếc ô tô tiếp tục chuyển bánh. Đèn xe ô tô xé tan màn đêm mù mịt, loáng loáng trên con đường gập ghềnh sỏi đá. Bỗng xe dừng bánh tại Nông Trường Cà Phê Đông Hiếu, tôi chợt giật mình” Kiểu này chắc không được về quê tôi khu 3 ngoài Bắc”. Mấy anh bạn rủ tôi” Mình ra QL đón xe về trại TB ngoài Bắc đi”. Tôi nghe cũng có lý, vì trong tay chúng tôi, ai cũng có giấy tờ chứng nhận bị thương nên không sợ.

Rồi cái suy nghĩ của chúng tôi chưa kịp hành động thì trời lại sáng. Tiếng còi điểm danh lanh lảnh vang lên, anh nào là Sỹ Quan lên xe về điều dưỡng ở Đoàn 400. Số còn lại lên xe về điều dưỡng ở Đoàn 200.

Tôi về điều dưỡng ở đội 17 Đoàn 200. Đây là một xóm nhỏ của đồng bào người kinh Hưng Nguyên lên lập nghiệp vào khoảng năm 1959. Chung quanh xóm nhỏ này là các bản làng của người Thổ. Tôi, anh Phạm Bá Liên người dân tộc Thái quê Bá Tước Thanh Hóa, anh Lê Nhân Hành người Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa ở chung một nhà. Chủ nhà là ông bà có khuôn mặt hiền lành phước hậu. Ông bà đều quý chúng tôi như người thân trong gia đình, đặc biệt là tôi. Bởi bố mẹ tôi ngày xưa là thành phần Địa Chủ, cũng giống như hoàn cảnh ông bà chủ trước thời CCRĐ. Có lẽ ông bà từng trải qua năm tháng tủi cực nhất của cuộc đời, nên mới thấu hiểu và cảm thương tôi, một đứa con của gia đình Địa Chủ. Sáng nào bà chủ cũng luộc một nồi khoai lang, hay sắn, hay đậu phọng đều cho chúng tôi ăn.

Những ngày tháng ở đây thật sướng vô cùng. Chúng tôi chỉ việc ngồi chơi xơi nước, đến bữa thì đi ăn, đến giờ thì đi tiêm thuốc. Thương binh ở trại này, toàn là các anh thuộc đơn vị tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. Đa phần là binh nhất, cũng có mấy anh là Hạ Sỹ Quan như tôi, nhưng lĩnh lương thì coi như bằng nhau hết, bởi lương thì cũng chỉ là để mua gà, mua vịt giết thịt cùng ăn. Kể cả một điếu thuốc lá cũng hút chung. Phải nói rõ ràng, cái tình cảm của người lính xưa chẳng bao giờ có được.

Vui lăm, chiều chiều lại rủ nhau vào bản Sòng xem trộm chị em dân tộc tắm Tiên dưới con suối trong veo nhìn thấy đáy. Công nhận con gái vùng sơn cước, em nào cũng có nước da trắng ngần hấp dẫn vô cùng.

Đi qua nương sắn của đồng bào, mắt trước, mắt sau không có người nhìn, là lại nhẩy vào nhổ trộm mấy củ, vào bếp anh nuôi luộc nhờ. Đúng là “Nhàn cư vi bất thiện”.

Sau bữa cơm chiều mấy thằng tôi lại rủ nhau vào bản Trèo, bản Sòng tán gái. Bộ đội khu 3 nói ngọt như nước đàng, không biết sau này có em nào bị dính bầu không?

Hôm nào trong túi còn tiền thì giả vờ vào vườn mua Quýt, ăn chán chê ra khỏi vườn, móc túi mỗi anh trả 2 hào coi như sòng phẳng.

Thấy cây chè tươi nào là khoái lắm, nhất định phải xin chủ nhà vài cành về nấu nước uống. Chung quanh ấm trà nóng hổi đủ các câu chuyện bí mật... Không khảo cũng khai tuôn ra hết, vui thật.

Rồi một ngày buồn thiu như đưa đám. Những người khỏe mạnh như tôi đều phải trở lại chiến trường. Bà chủ nhà và em gái Hoàng Thị Thu Hà khóc suốt, làm tôi cảm động cũng nước mắt chẩy theo. Tôi có linh cảm rằng lần này đi vào chiến trường tôi sẽ chết, bởi câu nói xưa nay “Quá tam ba bận”. Tôi nhìn mọi người, giống như ông trời chỉ cho tôi được nhìn một lần cuối cùng... Trước khi đi vào chỗ chết.

Lúc chia tay em Hà, tôi cảm  thấy chẳng còn gì gọi là xấu hổ. Tôi vòng tay ôm em Hà, em Hà cũng vòng tay ôm chặt lấy tôi, cả hai anh em đều rơi nước mắt tràn trề!

Bà chủ nhà thương tôi nhất, bà nói câu chân tình làm tôi xúc động và nhớ mãi tới hôm nay: ”Con trốn vô rú đi, tới bữa mẹ bảo em Hà đưa cơm cho ăn". Biết bà sợ tôi vô chiến trường lần thứ 3 xui xẻo lắm.

Tôi phải nói mãi: ”Con sợ giấy báo đảo ngũ về địa phương, họ lại lôi bố mẹ con ra xỉa xói giống như hồi đấu tố Địa Chủ trong CCRĐ thì khổ lắm”. Khi tôi khoác ba lô bà chủ còn víu lại:” Rứa khi nào xe lên dốc con nhẩy xuống hè”. Tôi phải dối lòng gật đầu cho mẹ an lòng.

Chiếc ô tô chở Thương Binh lính f 308 từ từ chuyển bánh ra khỏi đội điều dưỡng. Xe tiếp tục lao nhanh hun hút về hướng phương trời Nam. Tới Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thì xe dừng lại. Chúng tôi đươc nghe tin Sư Đoàn 308 đang trên đường hành quân ra Bắc! Ui vui mừng quá, vậy là mình thoát nạn rồi.

Mấy ngày sau tôi trở về đơn vị, nhưng lạ vô cùng: Toàn lính tân binh và cán bộ cũng tân binh. Một loạt cán bộ Tiểu đội chưa qua một ngày chiến đấu, không biết gì về pháo cũng được làm Tiểu đội trưởng như tôi. Hai anh Trung Đội Trưởng, cũng là tân binh chưa qua một ngày chiến đấu, không biết gì về pháo binh, tự nhiên bây giờ lại được làm cán bộ cấp trên của tôi, chỉ huy tôi, thật nhố nhăng. Có lẽ hai anh Trung Đội Trưởng đó, nhờ có cái mác là đảng viên HTX nông nghiệp ở quê, nên được tín nhiệm hơn mình, thật bất công.

F. 308 hành quân về tới Xuân Mai, C12 cho người về quê điều tra lý lịch 3 đời để kết nạp Đảng cho tôi. Ôi! Đỏ hồng chói lọi lời phê:” Ông Nội làm Chánh Tổng, Bác làm Lý Trưởng, gia đình Địa Chủ, có Cậu theo giặc vào Nam”. Thôi thì muôn đời mình cũng chỉ làm tới cái chức sắc đầu binh, đuôi cán quèn này mà thôi. Mong sao sớm hòa bình để được ra quân, trở về hậu phương làm lại cuộc đời.

Sau ngày đất nước thống nhất, tôi được về Phục viên. Sau 5 năm Quân ngũ tôi trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Tôi phải bơn trải với đời vô cùng vất vả. Tôi từng làm thợ mộc cho HTX tháng 10 của anh rể tôi làm chủ nhiệm. Tôi từng mượn đồ nghề của anh rể tôi để mở cửa hàng sửa chữa xe đạp. Tôi từng làm phu hồ khi lên Thái Nguyên chơi hết tiền... Đủ thứ trên đời... Tủi cực... Thành thử tôi cũng chẳng còn có thời gian nào, để mà nghĩ về những kỷ niệm tình người 5 năm đời Quân Ngũ.

Mãi sau này tôi mới có cuộc sống ổn định, tôi lại lo cho cái giang sơn bé nhỏ của gia đình, thành thử tôi vẫn chưa có thời gian tìm lại kỷ niệm xưa...

Ngày nay tôi đã nghỉ hưu, cuộc sống gia đình tôi giờ cũng khá hơn, tôi không còn phải lo gì nữa, coi như mỹ mãn rồi. Lúc này là lúc tôi hay hoài niệm nhất... Tôi luôn nhớ về những năm tháng tuổi trẻ mình đã đi qua... Tôi nhớ gia đình cụ chủ nhà quá, mà chết nỗi tôi quên địa chỉ vì quá lâu ngày. Tôi vào trang fai bút “NGƯỜI QUỲ HỢP”. Tôi viết lời” NHẮN TÌM NGƯÒI THÂN” Với nội dung:” Năm 1972 tôi bị thương ở chiến trường QT và về điều dưỡng tại đội 17 đoàn 200 QK 4. Vì lâu ngày tôi quên mất địa chỉ. Tôi chỉ nhớ rằng: Tôi ở nhà ông bà tên là: Hoàng Văn Đằng, có con gái tên là Hoàng Thị Thu Hà, dưới Hà là 3 em trai. Đặc điểm xóm quê này 100% là người kinh dân Hưng Nguyên lập nghiệp 1959. Tôi nhớ mang máng xóm này có chữ” Trang”. Có bản dân tộc Thổ ở gần có chữ” Sòng” vậy thôi. Nhờ bà con, cô bác, anh chị em và các cháu ai biết chỉ giùm tôi xin chân thành cám ơn!”

Thông tin vừa phát tán ngày 04/4/2022 chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, tôi đã nhận đươc địa chỉ cụ chủ nhà. Xóm Nông Trang ngày xưa, nay là xóm Xuân Sơn.

Căn cứ số máy gia đình người hàng xóm cho tên là Hiền Hoàng, tôi gọi điện liền. Gặp em trai Hà ở đầu dây, thằng Hồng nó nhận được ra tôi ngay, nó mừng quá reo lên” A...a... Anh Hòa, em nhận được ra anh rồi, ngày xưa anh cao cao đẹp trai, hay mặc chiếc áo rằn ri” (Ngày ấy tôi có cái áo lính VNCH).

Căn cứ số máy em Hà, tôi gọi liền:

" Hà có nhớ anh bộ đội cách đây 50 năm ở nhà em không?”.

" Da! Để em suy nghĩ tý đã”.

" Cái anh mà khiêng chiếc máy khâu cùng em, từ Nghĩa Đàn, về nhà cho Ba đó? em nhớ chưa?"

Hà vội vàng reo lên rất to ở đâu dây:

" A...a...Anh Hòa, sao anh giỏi thế biết được em”.

Thật là một ngày vui hiếm thấy trong đời, sau 50 năm xa cách, tưởng rằng khó mà gặp được nhau, ai ngờ một điều kỳ lạ lại tới... Bao nhiêu kỷ niệm của 50 năm về trước lại ùa về... Chỉ tiếc rằng cụ ông mới mất cách đây 3 năm, cụ bà 96 tuổi đang bị fo không nói chuyện được.

Hiện nay tôi và hai em trai của Hà và cháu nội của cụ Đằng đã kết bạn trên danh bạ fai bút. Qua video tôi đã gặp lại em Hà em Hồng, em Công sao giờ các em già nua nhăn nheo quá. Tôi đã được nhìn lại tấm hình cụ bà, cụ ông, đúng là trái đất luôn xoay tròn./.

 

Trái Tim Người Lính